THAY LỜI NÓI ĐẦU
Con hỏi bố giả nhời
Le Tran Hai’s facebook, 21/12/2013
Bắt
chước bác gì học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền đăng thư gửi mẹ lên báo (1)
em cũng đưa luôn những câu hỏi đáp giữa bố con em vào báo cáo đỡ phải nghĩ gì
cho tuần này. Bác nào không tin bức thư gửi mẹ kia là thư thật thì có thể không
tin trẻ con nhà em hỏi thế thật (trẻ con gì mà để ý đến ba chuyện dở hơi!), các
bác tin hay không là quan điểm cá nhân của các bác, nằm ngoài nghĩa vụ và trách
nhiệm của em.
*
Hỏi:
Xét xử lưu động (2) nghĩa là gì hở bố?
Đáp:
Xét xử lưu động là xử án không ở trong 1 tòa nhà vốn xưa nay dùng để xử án, mà
ở những nơi vốn có các chức năng khác như đình làng, sân kho hợp tác xã, nhà
văn hóa thiếu nhi (trường hợp này),vườn bách thú, Thiên Đường Bảo Sơn hay là
zone 9. Thường xét xử lưu động hay đưa về nơi diễn ra vụ án để hàng xóm láng
giềng của bị cáo, bạn học với con cái bị cáo nô nức đến xem cho người ta ê ê
lêu lêu chết bỏ gia đình bị cáo đi. Xét xử lưu động thì cũng xử theo luật thôi,
nhưng bà con ở dưới thì vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa quạt phành phạch vừa phán xét
bị cáo theo những nguyên tắc đạo đức thiết lập đằng sau lũy tre làng. Đại khái
xét xử lưu động tăng cường chức năng giáo dục nhận thức pháp luật cho nhân dân,
cô giáo hỏi thì con cứ nói thế cho đúng đường lối.
*
Hỏi:
Sa Pa có bò hay không có bò?
Đáp:
Nói Sa Pa không chỉ là Sa Pa mà bao gồm các bản làng phụ cận cùng bị lạnh như
thế, cùng bị tuyết như thế, cùng bị sương muối như thế.
Theo
sách kỹ thuật nông nghiệp hồi bố đi học, từ những năm 1960 ta đã nhập giống bò
lang trắng đen về nuôi ở Sa Pa, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (3) cũng có
câu: “Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang
cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường”. Nhưng sách vở thì
chưa tin ngay được.
Có 1
cô/chú ở Học viện Báo chí viết thư gửi mẹ lo lắng tuyết rơi làm chết bò, nhưng
lại có chú nhà báo Cục Gạch bảo cô/chú này nói xạo, Sa Pa chỉ có trâu với ngựa
chứ không có bò, lại có tờ báo đăng ảnh người dân Sa Pa di tản đàn gia súc để
tránh thiên tai (trong đàn có bò) nhưng có thật đây là ảnh người dân Sa Pa hay
không lại phụ thuộc vào tờ báo ấy có đáng tin hay không. Cả phe bảo Sa Pa có bò
lẫn phe bảo Sa Pa không có bò đều là nhà báo, mà những người ấy thì càng không
tin ngay được.
Sa
Pa có tuyết nhưng không có dự án. Nên bố chưa lên đó bao giờ. Bố không biết. Để
hôm nào bố hỏi cô Lana Nguyễn.
*
Hỏi:
Từ ô-sin ở đâu ra?
Đáp:
Từ 1 phim truyền hình Nhật Bản chiếu ở VN hồi bố chưa lấy mẹ. Có cô gái Nhật
tên là Ô-sin phải đi làm người giúp việc, sau vượt khó vươn lên thành đạt bằng
chục lần bố mẹ bây giờ. Từ đấy người ta gọi những người giúp việc nhà là Ô-sin.
Cô gái Nhật này là 1 trong số cực kỳ ít những nhân vật văn học nghệ thuật đi
vào ngôn ngữ đời thường để chỉ 1 nhóm người, cùng với Kiều, Chí Phèo, Thị Nở,
Thị Mầu, Sở Khanh, Tú Bà và Trư Bát Giới.
Hỏi:
Ô-sin bắt đầu ở Nhật mà bây giờ nước Nhật lại không có Ô-sin (4) lạ nhỉ?
Đáp:
Mới chưa đến 100 năm mà đã khác thế, công nhận lạ.
*
Hỏi:
Tân bộ trưởng ngoại giao Áo là ngoại trưởng trẻ nhất ở đâu, tính trong khoảng
thời gian nào?
Đáp:
Con đọc comment ở trang này (5), bố đã nói chuyện đấy:
Bản tin này nói đồng chí này là ngoại
trưởng trẻ nhất trong lịch sử Áo và châu Âu làm mình tò mò, thế ngoại trưởng
trẻ nhất trong lịch sử thế giới là ai? Và nếu bản tin đã nhấn vào yếu tố tuổi
thì lẽ ra nên cho biết thêm, trước ông này thì vị ngoại trưởng trẻ nhất trong
lịch sử châu Âu là ai, bao nhiêu tuổi lúc được bổ nhiệm, 28 hay 82?
Và
À phía trên viết: "Sebastian Kurz
không chỉ là ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo và châu Âu, mà ông còn
có vẻ ngoài bảnh trai, nam tính"-> tôi hiểu ông này là ngoại trưởng trẻ
nhất trong lịch sử châu Âu. Phía dưới ảnh biên: "Ngày 16/12, Kurz chính
thức được bổ nhiệm vị trí Ngoại trưởng Áo, trở thành vị bộ trưởng trẻ nhất ở Áo
từ năm 1945 và là ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu hiện tại"-> hiểu ông
này trẻ nhất trong các ngoại trưởng châu Âu hiện tại thôi, trong lịch sử thì
chưa chắc. Phân vân nhỉ?
Hỏi:
Nghĩa là không rõ ràng gì cả. Nhưng con vào trang Tàu nhanh (6) đó thì
không thấy người ta viết như bố bảo hôm nọ nữa. Lần này con chỉ đọc thấy: “Sebastian
Kurz không chỉ là ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu, mà ông còn có vẻ ngoài bảnh
trai, nam tính”, và “Ngày 16/12, Kurz chính thức được bổ nhiệm vị trí
Ngoại trưởng Áo, trở thành vị bộ trưởng trẻ nhất ở Áo từ năm 1945 và là ngoại
trưởng trẻ nhất châu Âu hiện nay”. 2 câu không mâu thuẫn nhau nữa, chú
Kruz là ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu hiện nay, chứ không phải là trẻ nhất châu
Âu trong lịch sử, còn ở Áo trước 1945 có bộ trưởng (có thể là ngoại trưởng hoặc
bộ trưởng bộ khác) trẻ hơn. Sao khác thế?
Đáp:
Báo chí người ta tráo bài. Kiểu như con nộp bài kiểm tra lên bàn cô giáo rồi
lừa lúc cô ra hành lang gọi điện thoại chỉ đạo chồng, len lén lên bàn cô lục
tìm bài mình chữa lại đáp số.
Hỏi:
Đã mất công chữa sao không tìm hiểu chuyện ngoại trưởng trẻ nhất thế giới và
người giữ kỷ lục cũ luôn đi?
Đáp:
Chưa tìm được sách giáo khoa, bài bạn ngồi cạnh cũng không có nên không chữa
luôn thể được.
*
Hỏi:
Cuốn sách tiếng Tây bố để trên bàn, sao tác giả có tên lạ thế. Thuân. Chỉ có
mỗi 1 tiếng.
Đáp:
Tiếng Pháp là Thuân vì bộ gõ tiếng Pháp không đánh được dấu nặng, tiếng ta là
Thuận là tên bác nhà văn. Tên tác giả có mỗi 1 tiếng không nhiều nhưng cũng có,
trước bác ấy có nhà văn Tchya viết Thần hổ, nếu năm nay mày đánh nhau không
thua chỉ thắng bố thưởng cho đọc cuốn đó. Sau bác ấy có cô Keng cô Gào, nếu năm
nay đánh nhau mày toàn bỏ chạy, bố bắt mày đọc sách của 2 cô ấy.
Hỏi:
Chủ nhật trước bố đi xem bác Thuận ra mắt cuốn sách, bố có hỏi tại sao bác ấy
lấy bút danh ngắn gọn thế không?
Đáp:
Không. Bác ấy lấy bút danh đấy từ lâu lắm rồi, chắc gì đã nhớ lý do, mà nếu có
nhớ chắc gì đã nói thật, nên bố không hỏi.
Hỏi:
Thế bố có đoán được tại sao lấy bút danh thế không?
Đáp:
Bác ấy trước học ở Nga giống bố. Mà người Việt ở Nga thì có thói quen gọi tắt
thành 1 tiếng thôi, cho nó nhanh. Ví dụ Mát-xcơ-va thì gọi là Mát,
Lê-nin-gờ-rát thì gọi là Len, bạn bè Mông Cổ anh em thì gọi là Cừu, người Việt
gọi chính mình là Cộng, ký túc xá ốp-se-giứ-chie thì gọi là ốp.
Hỏi:
Thế hôm ấy bố có hỏi gì không? Bác ấy trả lời thế nào?
Đáp:
Bố hỏi trang blogcuathuan đã đăng tải một phần tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn,
có định đăng tiếp không. Bác ấy trả lời là không, bảo ban đầu đưa lên blog vì
tưởng sách không xuất bản được, bây giờ có sách giấy rồi đọc sướng hơn.
Hỏi:
Có thật thế không?
Đáp:
Bố nghĩ bên xuất bản không cho bác ấy đăng lên vì nếu người ta đọc chùa trên
mạng rồi thì có thể sẽ không mua sách nữa.
Hỏi:
Thế tại sao có nhiều cuốn vẫn được chính tác giả đưa lên mạng?
Đáp:
Vì đó là những cuốn không có hy vọng bán chạy, thôi thì đưa lên mạng thêm được
người đọc nào cũng là tốt.
Hỏi:
Những sách nào không có hy vọng bán chạy?
Đáp:
Hoặc là quá dở, chẳng ai điên dồ bỏ tiền ra mua. Hoặc là quá hay, hay đến mức
độc giả bình dân như bố và rất nhiều người như bố không hiểu. Thang máy Sài Gòn
không thuộc cả 2 đối tượng ấy.
*
Hỏi:
Có bài toán như thế này bố giải được không. Minh có 18 cái kẹo. Nếu Minh cho
Hùng 3 cái thì Minh có ít hơn Hùng 3 cái kẹo. Hỏi Hùng có mấy cái kẹo?
Đáp:
Dễ ợt. Con không giải được à?
Hỏi:
Con giải được nhưng đề ra không rõ ràng. Lẽ ra phải hỏi Hùng trước đây có mấy
cái kẹo, chứ hỏi thế biết là hỏi số kẹo của Hùng trước hay sau khi được cho
kẹo?
Đáp:
Con sai. Đề bài có chữ Nếu. "Nếu" là "không có thật". Nếu
Minh cho Hùng kẹo thì Hùng có từng đấy cái, chứ thực ra Minh có cho cái kẹo nào
đâu. Cho nên đáp số thì phải bỏ hết nếu niếc đi. Mấy phép toán 18-3 với 15+3
lớp 2 mới học nhưng "nếu" nghĩa là gì thì mày phải biết từ hồi mẫu
giáo mới phải. Bố vẫn bảo nếu con ngoan bố mua cho con siêu nhân, nhưng bố có
mua con nào đâu vì bố có công nhận con ngoan đâu. Hề hề.
*
Hỏi:
Nghe bố giải thích con chả hiểu mấy. Chỉ hiểu là chẳng thể vội tin cái gì. Thế
có tin bố được không?
Đáp:
Tuyệt đối không. Không được phép tin bố, không tin mẹ, không tin thầy cô, không
tin bạn lớp trưởng, sau này lớn lên không tin vợ và bố mẹ vợ, thậm chí cả nhà
ngoại cảm cũng không tin nốt. Động đậy cái đầu của mình nếu trong não không chỉ
toàn mút xốp, mình chỉ tin chính mình thôi.
Từ
nãy nói chuyện với mày bố nói thật 70%, bịa 30%. Cái nào là thật cái nào là bịa
thì tự tìm hiểu.
*
**
***
Vừa nói với con em:
Từ
nãy nói chuyện với mày bố nói thật 70%, bịa 30%. Cái nào là thật cái nào là bịa
thì tự tìm hiểu.
Đổi đại từ nhân xưng đi cho lễ phép để
thưa cùng các bác luôn. Vì những thứ em viết từ đây trở đi, toàn là trộn thật
và bịa ạ. Vì em các bác, vừa say rượu vừa kể chuyện. Say nên nhiều khi nhầm mà
viết như bịa. Say nên nhiều khi liều mà viết như bịa. Nhưng câu này thì em
tỉnh, các bác nghe nhiều ông nói thật, chưa chắc đã đúng đâu!!!
Em sẽ kể chuyện về đủ thứ linh tinh. Bắt
đầu từ sử nha các bác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét