Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

TRẦN NGUYÊN HÃN


TRẦN NGUYÊN HÃN

 

Trần Nguyên Hãn, danh tướng của Lê Lợi, người anh hùng trong khởi nghĩa Lam Sơn là 1 quý tộc nhà Trần. Ông là cháu nội quan tư đồ Trần Nguyên Đán, 1 vị tôn thất nổi tiếng giỏi. Tuy nhiên nhánh Trần Nguyên Đán không được người họ Trần yêu quý vì sự gắn bó của họ với nhà Hồ. Khi Hồ Quý Ly lộng hành, tôn thất nhà Trần nhiều người mưu chống lại thì Nguyên Đán vừa thông gia với Hồ vừa xin về chí sĩ cho yên thân, nguyện làm một trí thức trùm chăn. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về tận quê tham vấn Nguyên Đán việc chính trị thì ông trả lời rất vô tư lự rằng nhà Trần nếu biết kính Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con sẽ không có gì đáng lo. Con rể Trần Nguyên Đán, bố Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh làm quan cho nhà Hồ, sau này bị Minh bắt đưa về Trung Quốc. Tệ hại hơn, những người con của Trần Nguyên Đán là các ông Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Giao, trước theo Hồ, sau này tiếp tục ra hàng quân Minh. Thúc Giao được nhà Minh giao giữ đất Diễn Châu, Nhật Chiêu giữ đất Nghệ An. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư kỷ Hậu Trần có chép Giản Định Đế sau khi ra Nghệ An đã giết “bọn ngụy quan Trần Thúc Chiêu, Trần Nhật Giao và thuộc hạ hơn 500 người” vì tội “vua ra mà không đón rước” (tức là không bỏ địch mà theo ta). Cái chi tiết giết hơn 500 người-nhổ cỏ tận gốc của ông vua hiếu sát nhà Hậu Trần cho thấy cánh không tận trung với nhà Trần của con cháu ông Trần Nguyên Đán không thể được nhà Hậu Trần dung nạp. Vì thế mà anh em Nguyễn Trãi-Trần Nguyên Hãn đứng ngoài cuộc khởi nghĩa chống Minh của Hậu Trần để rồi sau này góp mặt trong phong trào Lam Sơn.

Lê Lợi biết năng lực của Trần Nguyên Hãn rất khá, nhưng uy tín của ông với người yêu mến triều vua cũ lại không cao (khó tin ông là người được “đương thời trọng vọng” như sử viết) nên không nghi ngại gì. Trần Nguyên Hãn đã phát huy sở trường của mình, góp công vào các chiến thắng Thuận Hóa, Đông Bộ Đầu, Xương Giang, trong đó chiến công hạ thành Xương Giang là lớn nhất. Rất nhiều tướng tài của Lê Lợi đã tham gia công thành Xương Giang, nhiều người phải bỏ mạng dưới chân thành (như Lý Triện), nhưng chỉ đến khi Trần Nguyên Hãn được điều động đến thì việc mới xong. Cho nên em không ngạc nhiên khi Trần Nguyên Hãn đứng thứ 2 ngay sau Lê Lợi trong danh sách nghĩa quân Lam Sơn ở hội thề Đông Quan cũng như việc ông được phong chức Tả tướng quốc (theo ĐVSKTT) khi nước nhà độc lập:

Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng, xét công cao thấp mà định thứ bậc. Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái Bảo; đều được ban quốc tính

Có lạ ở chi tiết ban thưởng này (wikipedia tiểu sử Trần Nguyên Hãn cũng cùng nhận xét) là bao nhiêu vị Lam Sơn lập nhiều công lao đâu mà chỉ ghi tên 3 vị, và cả 3 vị này về sau đều bị giết.

Phải chăng hacker nhà Mạc (chính là vương triều đã phục hồi danh dự cho Trần Nguyên Hãn, truy phong ông cũng chức Tả tướng quốc) đã cài virus vào file word ĐVSKTT dang dở của Ngô Sĩ Liên để sau này sử quan thời Lê-Trịnh không phát hiện ra và bản ĐVSKTT hoàn chỉnh ở thời Lê-Trịnh để lọt lưới nhiều thông tin bất lợi về Lê Thái Tổ?

Hay tương tự như báo chí tây lông bình xét Quả bóng Vàng, những cầu thủ tạo ấn tượng cuối mùa bóng thường được nhớ đến nhiều hơn những người chơi giỏi cả năm mà hai tháng cuối năm lại mất phong độ (ví dụ Nguyễn Chích-người tham mưu cho Lê Lợi quay xuống phía nam đánh lấy Nghệ An trước đã, tạo ra 1 bước ngoặt trong cuộc chiến)?

Tạm cho thông tin trong ĐVSKTT là chuẩn không cần chỉnh thì vị thế Trần Nguyên Hãn những ngày đầu triều Lê là rất cao, vậy mà chỉ 1 năm sau ông đã từ chức về quê sau khi giật stt nổi tiếng so sánh tướng tá nhà vua với Việt Vương Câu Tiễn?

Chuyện Lê Lợi nghi ngại Trần (để ngoại giao với Minh, có lúc phải tôn 1 anh chàng Trần Cảo bị khống chế nào đó lên, sau đó giết Cảo rồi báo với TQ rằng con cháu họ Trần đã chết sạch, vậy mà vẫn để 1 gã Nguyên Hãn họ Trần còn sống, gã đó lại là tay hào kiệt chứ không phải hạng bị thịt như Trần Cảo, là rất bất lợi), chuyện Hãn-Xảo thua trong cuộc tranh giành ảnh hưởng lên nhà vua với cánh Phạm Vấn-Lê Sát (Hãn, Xảo ủng hộ con trưởng Tư Tề, nhưng con thứ Nguyên Long mới được chọn làm Thái tử), chuyện vua Lê bị bọn nịnh thần gièm pha…, sử sách đều có đề cập. Khó mà bàn đúng sai, nhưng việc Trần Nguyên Hãn xin từ chức về quê phải chăng là ông đã nhận thua, để được yên thân?

Người xưa về quê thì tìm nơi hẻo lánh dựng lều câu cá ngâm thơ, đằng này Trần Nguyên Hãn về quê thì đóng thuyền bè lớn, dựng phủ đệ to.

Có lần em đùa trong FB 1 bác: “Trần Nguyên Hãn từ chức về quê, lập Cty TNHH hoạt động trong ngành đóng tàu, trụ sở công ty rất hoành tráng. Vua Lê bảo cả nước Nam chỉ cần 1 Vinashin là đủ, Hãn định cạnh tranh ư?”. Đùa thế thôi, nhưng đặt em vào vị trí Lê Lợi, em không thể không nghi được. Mà đã nghi thì phải điều tra. Điều tra xem Hãn có ý đồ làm phản không, chứ đợi mọi sự hai năm rõ mười, đợi Hãn làm phản thật kéo quân về Thăng Long rồi mới đỡ đòn thì đỡ làm sao được?

Cho nên mới có chuyện bắt Trần Nguyên Hãn về kinh. Theo ngôn ngữ ngày nay là ông bị khởi tố, bị giam giữ để điều tra chứ chưa bị kết tội, Trần Nguyên Hãn hoàn toàn có thể trắng án trước tòa (nghĩa là xin gặp nhà vua giãi bày tâm tư nói chuyện phải quấy). Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng đến bến Sơn Đông, ông kêu oan với trời đất 1 câu rồi tự tử. Trần Nguyên Hãn đã tránh “tòa”, phải chăng ở ông có sự đuối lý không hề nhẹ?

Trần Nguyên Hãn tự tử chứ không vua nào giết ông. Người được coi là cùng hội cùng thuyền với ông-Phạm Văn Xảo 2 năm sau mới bị giết vì bị nghi thông đồng với nhóm Đèo Cát Hãn làm phản (trớ trêu thay, người được phân công đi dẹp Đèo Cát Hãn chính là Tư Tề, vốn được coi là “minh chủ” của các ông Hãn, Xảo). Người anh em với ông là Nguyễn Trãi chưa bị làm sao và tiếp tục hăng say làm thơ ca ngợi vua Lê. Con cái Trần Nguyên Hãn không bị tru diệt-“cỏ Trần” không bị Lê Lợi nhổ sạch cho dù có cớ (đến nay dòng dõi Trần Nguyên Hãn vẫn còn, có hẳn trang web: http://www.donghotrannguyenhan.com.vn). Cho nên khác với Trần Nguyên Hãn, em không thấy Lê Lợi giống Việt Vương Câu Tiễn ở đâu cả. Ông Hãn tự làm tự chịu, chết vì tự tử chứ bệnh tật gì!

Trần Nguyên Hãn nói sao thì nói, vẫn là 1 bậc đại anh hùng, khai quốc công thần của nhà Lê. Tượng đài ông ở gần chợ Bến Thành (có con chim đưa thư phía trên, tương truyền ông rất thạo việc huấn luyện chim đưa tin trong các chiến dịch) bị dời đi để xây metro, dù đó là việc phải làm để phát triển hạ tầng, em vẫn thấy có sự xốn xao nhè nhẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét