Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

TRIỆU ĐÀ


Triệu Đà: Vào và ra sử Việt

 

Trẻ con chăm học (không bao gồm thằng cu Tèo ở bài trước), nếu đã biết chuyện nỏ thần An Dương Vương thì sẽ biết Triệu Đà, vua nước Nam Việt, người dùng mỹ nam kế lừa cướp được nước Âu Lạc ta. Đọc thơ bác Tố Hữu “Nỏ thần sơ ý trao tay giặc” thì phải biết giặc đó là giặc Triệu Đà, lêu lêu cái đồ cướp nước xấu xa, rõ ràng bên nó.

Thế nên trẻ con không khỏi ngạc nhiên khi Bình Ngô đại cáo-áng văn được coi như bản tuyên ngôn độc lập lần 2 của Việt Nam lại tuyên dương Triệu Đà với câu “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước”, theo Nguyễn Trãi thì Triệu Đà là bên mình, là người dựng nước, mà lại dựng nước mở đầu.

Nguyễn Trãi sở dĩ đặt Triệu Đà vào vị trí trang trọng như vậy vì ông được dạy như vậy, dạy về ơn đức của Triệu Vũ đế- nhân vật xưng đế đầu tiên ở phương Nam này. Lê Văn Hưu-sử gia có lẽ là đầu tiên của Việt Nam viết trong Đại Việt sử ký (sau này Ngô Sĩ Liên copy paste vào ĐVSKTT) những dòng xưng tụng Triệu Đà như 1 người lập quốc:

Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

ĐVSKTT chép kỷ nhà Triệu, các bộ quốc sử chính thống của các vương triều tiếp theo cho đến Cương mục nhà Nguyễn cũng chép Triệu Đà là vua nước mình. Thời kỳ Bắc thuộc bắt đầu khi con cháu Triệu Đà chịu thua nhà Hán, những người dưới quyền họ Triệu chiến đấu chống Hán rất anh dũng như Lữ Gia được nhà giáo Nguyễn Lân coi như anh hùng dân tộc. Thời Pháp thuộc, cuốn sách sử được khen nhiều nhất là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng tiếp tục tôn xưng Triệu Vũ đế như mọi sách sử chính thống trước đó hàng trăm năm.

*

Sử gia đầu tiên lật lại vấn đề căn cước Triệu Đà là học giả thời Trịnh, Ngô Thì Sĩ, bố Ngô Thì Nhậm. Ông biết (cũng như các sử gia trước ông đều biết) Triệu Đà là người Trung Quốc, thậm chí miền bắc TQ (mấy thuyết sặc mùi tiểu thuyết về việc Triệu Đà là dòng dõi vua Hùng tạm gạt ra ngoài cho nước nó trong), làm quan cho nhà Tần, được giao cai quản quận Nam Hải ở miền nam Trung Quốc, sau này Tần yếu thì ly khai lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung rồi chiếm lấy đất của An Dương Vương đem sáp nhập vào. Vì biết vậy nên ông viết (khác các sử gia trước ông) rằng Triệu Đà chính là gã láng giềng phương Bắc đã cướp nước ta, không thể xếp ông ta vào 1 kỷ trong sử Việt được.

Thời Pháp thuộc, Phan Khôi cũng có ý kiến tương tự. Ông viết trên báo Sông Hương: Hãy bỏ Triệu Đà và con cháu y ra ngoài Việt sử.

“Triệu Đà tức là một viên quan nhà Tần, ở trong cái phái bộ thực dân ấy,  thừa lúc bản quốc mình có loạn, bèn cử binh đánh Thục Phán, chiếm nước Âu Lạc rồi lên ngôi vua. Sự tình như thế, rõ là Triệu Đà làm phản nhà Tần chiếm giữ chỗ đất mình đương làm quan nhảy lên làm vua, và gồm lấy luôn nước ta làm lãnh thổ. Nước ta khi ấy nên kể là đã mất mà mất vào tay Triệu Đà; Còn cái nước Nam Việt của Triệu Đà mới dựng lên ở bên Quảng Đông thật không phải là nước ta. Thế thì Triệu Đà cho đến dòng dõi của y dù có làm vua mấy đời cũng mặc, người nước ta sao được họ là vua của nước ta ?”

Phủ nhận Triệu Đà mà vẫn chấp nhận An Dương Vương (cho đến thời đó được coi là người nước Thục), quan điểm Phan Khôi rất giống Ngô Thì Sĩ:

“Ông này (An Dương Vương) chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành, đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam?”

Quan điểm của Ngô Thì Sĩ, Phan Khôi được giới sử học XHCN nhiệt liệt tán thành.

Trong Lịch sử cổ đại VN, Đào Duy Anh viết rất dõng dạc:

Nhà Triệu không phải là quốc triều, Triệu Đà chỉ là một tên giặc cướp nước, quan niệm của Lê Văn Hưu là quan niệm lịch sử phản dân tộc!

Và Tố Hữu làm thơ như thế, và chúng ta-thế hệ học sinh lớn lên dưới mái trường XHCN, được học như thế.

*

Tại sao cái điều Ngô Thì Sĩ tự cho là hiển nhiên như vậy mà các sử gia trước ông, cũng rất giỏi giang như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, đến các sử gia sau ông như sử gia nhà Nguyễn, như Trần Trọng Kim lại không đồng tình?

Giả dụ Triệu Đà là hoàng đế Trung Hoa thì hẳn không còn ai coi ông là hoàng đế Việt. Nhưng ông lại không phải hoàng đế Trung Hoa mà còn xưng đế đối đầu với chính quyền trung ương Trung Hoa, ban đâu là Tần, sau này là Hán.

Ngô Thì Sĩ, Phan Khôi phân biệt 2 ông Tàu An Dương Vương (gốc Thục) và Triệu Đà ở chỗ lãnh thổ của họ là Việt (ADV) hay Tàu (TĐ), thế thì cái vùng đất từ thời Ngô Quyền giành độc lập trở đi nó là của Tàu, cái vùng đất chưa bao giờ thuộc quyền cai quản của Lý-Trần-Lê-Nguyễn, đến nay vẫn là Tàu, tức là cái phần Quảng Đông, Nam Hải, Phiên Ngung ấy, ở thời Triệu Đà nó là Tàu hay Việt? (Ngô Thì Nhậm trước khi dâng sách Đại Việt Sử ký tiền biên của cha ông lên vua nhà Tây Sơn hẳn có đọc đoạn này và tỉ tê sao đó mà đức Quang Trung có ý đòi Lưỡng Quảng!)

Tất nhiên nó không phải là Việt của các ông vua Hùng Vĩnh Phú nếu có, nhưng nó là Việt khác trong Bách Việt bao la phải đối đầu chống lại mưu đồ Tần-Hán hóa thì sao? Không phải vô cớ mà Triệu Đà đặt tên quốc gia là Nam Việt, tự xưng Man Di (phi Tần-Hán) đại trưởng lão phu.

Nên ở hải ngoại, Lê Thành Khôi nhấn vào yếu tố văn hóa Việt của nhà nước Triệu Đà, người lấy vợ Việt, theo tục Việt và quên xừ nó mất gốc gác Tần-Hán của mình.

Còn VN sang thời đổi mới, Hà Văn Thùy coi việc Triệu Đà cướp nước Âu Lạc tương tự như Thục Phán giành đất Hùng vương trước đó, là “hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành môt nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc". Ông ca ngợi Triệu Đà "tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt", rõ ràng đồng ý với sử xưa.

Quan điểm của ông Thùy giờ đây được phát biểu công khai được nhiều nhân sĩ cấp tiến ủng hộ, nhưng nó chưa là và chưa biết bao giờ sẽ là, quan điểm của dòng chính.

Em tin là, từ nay về sau, Triệu Vũ đế sẽ còn nhiều lần vào và ra sử Việt như thế. Vào sử Việt với tư cách người tạo lập tinh thần quốc gia, và ra khỏi sử Việt với tư cách kẻ xâm lược.

Tùy vào quan điểm sử gia, tùy vào thời trang học thuật.

*

Bài trước có nhắc đến quan điểm không có An Dương Vương của Lê Mạnh Thát. Theo đó, mãi đến khi Mã Viện diệt Hai Bà Trưng, VN mới bước vào thời Bắc thuộc. Cứ ý tứ ấy thì bác hàng xóm Triệu Đà không phải là vua dựng nước ta, cũng không phải là kẻ cướp nước ta.

Quan điểm Lê Mạnh Thát ít được chia sẻ, nhưng người ta đều công nhận ông là 1 học giả Phật giáo uyên bác vào loại hàng đầu. Trương Thái Du, cựu thủy thủ viễn dương, chưa có được reputation như vậy.

Ông Trương cho rằng Âu Lạc trong tiếng Việt cổ có nghĩa là đất (âu) nước (lạc), đất nước ấy nằm trên lãnh thổ TQ ngày nay, kéo từ phía Nam lên đến Hồ Động Đình khớp với những truyền thuyết về Kinh Dương Vương. Có nước Lạc Việt ở Tây Giang-TQ, nước Thục diệt Hùng Vương là Thục-Quý Châu TQ láng giềng với Việt Tây Giang. Triệu Đà lấy đất Tây Âu Lạc cũng là chuyện trên đất TQ nốt, các trận chiến ở thành Cổ Loa không phải là các trận chiến ở Đông Anh ngày nay.

“Sự kiện An Dương Vương là con vua Thục đến đây có thể đã sáng tỏ. Nước Thục (Quí Châu-Quảng Tây) giáp giới với Văn Lang Tây Giang. Vua Thục cho người qua hỏi con gái Hùng Vương Tây Giang làm vợ nhưng bị từ chối. Đời sau, một trong những con trai vua Thục tấn công Hùng Vương, chiếm toàn bộ đất đai của Văn Lang Tây Giang rồi thành lập nước Tây Âu Lạc. Thành Cổ Loa 9 vòng cao ráo và vững chãi trong truyền thuyết có khả năng ở đồng bằng Tây Giang chứ không thể nằm ở đồng bằng sông Hồng”.

Sau này cư dân Tây Âu Lạc chạy xuống phía Nam mang các ký ức lịch sử-văn hóa cổ xưa theo mình. Nền chính trị à la Hùng Vương được nhập khẩu để bà Trưng Trắc là Hùng vương đầu tiên và cuối cùng ở đồng bằng sông Hồng.

“Người Tây Âu Lạc và người Lạc Việt ở Văn Lang Phong Châu rất gần gũi về chủng tộc và có thể họ vẫn còn hiểu ngôn ngữ của nhau sau gần 150 năm xa cách (tạm tính từ năm 316 TCN, khi Thục Vương bị Tần truất phế, đến năm 179 TCN, năm Triệu Đà thôn tính Tây Âu Lạc). Nhóm dân Tây Âu Lạc mất nước nhanh chóng hòa hợp cùng nhân dân bản xứ trên mảnh đất bắc Việt và gọi nơi đây là Âu Lạc. Họ nối các gò đất, đồi nhỏ thành đê bao ngăn thủy triều và nước lụt tại Cổ Loa, Đông Anh và quần cư trong ấy. Đến năm 43, Mã Viện củng cố 2 vòng ngoài và xây thêm vòng thành nhỏ thứ 3 ở giữa để tạo nên Kiển Thành. Độ cao của dấu vết tường thành Cổ Loa Đông Anh xấp xỉ cao độ các con đê 2 bờ sông Hồng, sông Đuống xung quanh, xác tín giả thiết Cổ Loa là đê hơn là thành lũy.

Nhân dân Âu Lạc ở đồng bằng sông Hồng lúc đó đã thoát nạn xâm lăng của Triệu Đà và yên ổn sinh sống, làm ăn. Họ hấp thu tất cả bản sắc Tây Âu Lạc và những câu chuyện truyền miệng về Vua Hùng Văn Lang Tây Giang, về “Thục Vương tử” tên Phán, về thành Cổ Loa, về Nỏ Thần cùng Mị Châu và Trọng Thủy. Chính sự tương đồng như nhất của hai phiên bản Văn Lang Phong Châu và Văn Lang Tây Giang là chất keo kết dính con người và lịch sử Việt Nam cổ đại thành một khối tưởng như không có mối nối”.

Ông Trương còn nhận xét nếu An Dương Vương từng ở thành Cổ Loa-Đông Anh chống chọi Triệu Đà sao Hai Bà Trưng không tận dụng thành cũ đó trong cuộc chiến tranh chống Hán.

Nhân nói đến Hai Bà Trưng, em có nhận xét rằng, các thủ lĩnh dưới quyền hai bà, những Thiều Hoa, Bát Nàn, Lê Chân v.v toàn là nữ cả chứng tỏ có 1 giai đoạn mẫu hệ mẫu quyền ở cộng đồng người Việt đồng bằng sông Hồng, điều không có ở 18 vua Hùng, An Dương Vương, Triệu Đà trước đó. Thế thì thuyết ông Trương: Hùng-Thục-Triệu ở tận phía bắc, Trưng mới là chuyện Bắc Việt Nam bây giờ, có hoang đường chắc không đến nỗi hoang đường 100%?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét