Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

HAI BÀ TRƯNG


HAI BÀ TRƯNG

 

Hai Bà Trưng, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị cùng nhau lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cực lớn chống lại chính quyền đô hộ của nhà Hán ở thế kỷ I là những anh hùng hạng nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng các bà cách chúng ta  xa quá nên sử liệu đã ít ỏi lại pha trộn nhiều truyền thuyết (từ dân gian) lẫn sáng tạo có định hướng (từ trí thức phong kiến) khiến sự thật về các bà vẫn còn mơ hồ như khói sóng Hát Giang.

Ngay từ tên họ các bà. Trưng là sao, Trắc-Nhị là sao? Sử phong kiến ghi rất hồn nhiên, các bà họ Trưng và tên lần lượt là Trắc và Nhị. Không thấy các cụ thắc mắc, họ Trưng, thế bây giờ họ Trưng đâu?

Nguyễn Khắc Thuần trong bộ sách Danh tướng Việt Nam (tập 4) có nêu 1 kiến giải (em nghĩ là của nhiều nhà nghiên cứu, bác Thuần chỉ thuật lại chứ không phải bác nghĩ ra) rằng Phong Châu quê Hai Bà Trưng là đất trồng dâu nuôi tằm, loại trứng ngài nào tốt thì gọi là trứng chắc, loại kém hơn gọi là trứng nhì. Người Việt mộc mạc xưa dùng những cái tên đó để gọi 2 chị em, để rồi trứng chắc, trứng nhì được phiên âm Hán Việt thành Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Nhà nghiên cứu Tạ Đức, người có nhiều nghiên cứu công phu về các tộc người trên địa bàn Đông Nam Á, sự di dân-giao thoa qua lại giữa họ lại dẫn giải triều đại Lava cuối cùng ở Thailand (mà Lava đó theo ông có họ hàng với Lạc Việt), hoàng hậu Mea Ku (chữ Mea tương ứng với Mỵ trong Mỵ Nương, Mỵ Châu, có nghĩa là Mẹ) tiến hành nghi lễ trở thành “Vua-Thần” (Khun Chương) để chống lại sự bành trướng của người  Miến. Và ông tích phân Khun chính là Hùng, còn Chương là Trưng. Trắc có gốc So/To/Cả và Nhị có gốc Dạ/Hai để Trưng Trắc, Trưng Nhị chính là Vua cả, vua hai trong tiếng Việt cổ (Tìm hiểu người Việt người Mường). Đồng quan điểm với Tạ Đức về nghĩa chữ Trưng/Chương, 1 người bạn Tây Nguyên của em còn lưu ý rằng chữ Yang (Giàng) trong nhiều ngôn ngữ Tây Nguyên cũng từ gốc ấy.

Trương Thái Du khi phân tích 2 cộng đồng mẫu hệ của người Minangkabau sống ở đảo Sumatra (Indonesia) và Negeri Sembilan (Malaysia) còn bảo tồn nhiều nét văn hóa na-ná-Việt, thậm chí nhiều người trong cộng đồng đó tuyên bố tổ tiên họ là người Việt đến Nam Dương bằng thuyền (những thuyền nhân VN bỏ phiếu bằng chân sau khi Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại?), lãnh thổ của họ chia thành những khu tự trị gọi là Luak (Lạc?)…, có nhận xét:

Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi (tiếng Bahasa Indonesia lần lượt đọc là t'run ch'chik và t'run nhi). Ngữ âm này, sau biết bao biến đổi qua thời gian, đọc lên vẫn thấy mơ hồ hai cái tên Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Có thể còn nhiều cách giải thích khác nữa mà em chưa được đọc.

Trưng là trứng là vua-thần hay là turun như nhận xét của Trương Thái Du thì em không rõ, nhưng em tin là thời đó các bà chưa có họ, cũng như vào những năm đầu công nguyên thì hầu như người Việt mình chỉ có tên chứ chưa có họ.

Vậy lý giải sao về các nữ tướng của Hai Bà? Có những người đúng là chỉ có tên như Ả Di, Ả Tắc, Thánh Thiên, Bát Nàn…, trong khi có người họ tên rất đầy đủ như Lê Chân, Lê Thị Hoa, Đàm Ngọc Nga… Các nhà nghiên cứu có thể còn trao đổi tiếp, riêng em khi nghe chuyện gốc tích tên gọi Hải Phòng quê em là từ thời bà Lê Chân lập “Hải tần Phòng thủ”, thấy từ ngữ rất hùng dũng sang trọng Hán-Việt về sau chứ không trúc trắc bình dân nôm na Việt cổ đã ngờ rằng rất nhiều cái họ tên đầy đủ của các bà, chẳng qua là, được người Việt vài thế kỷ sau, ở cái thời đã có họ tên, thêm vào cho “trọn vẹn”. (Hố hố, cái xu hướng muốn đắp thêm vào sử cho đầy đủ, kéo dài đến tận 2014 với kế hoạch tổ chức sinh nhật cho Hai Bà)

*

Trên facebook em đã 2 lần nhắc đến chuyện chồng bà Trưng Trắc tên là Thi chứ không phải là Thi Sách. Xuất phát từ câu văn trong sách xưa nhất nhắc đến Hai Bà là Thủy Kinh Chú có câu “Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê”, nghĩa là con trai lạc tướng Châu Diên tên Thi hỏi (sách) con gái lạc tướng Mê Linh tên Trưng Trắc làm vợ. Sách ở đây là hỏi, không phải tên con trai ông lạc tướng.  1 vị hoàng tử TQ trong cuốn sách liền sau đó nhầm ra thành tên ông chồng là Thi Sách, để rồi cụ Hưu, cụ Liên, hàng loạt cụ 2 nước anh em Việt-Trung cứ thế nhầm theo và ta có con phố Thi Sách ở Hà Nội bây giờ. Người phát hiện ra chuyện nhầm lẫn này là GS Vương Hoàng Tuyên, cụ Đào Duy Anh cũng tán thành và sách cụ Đào toàn viết tên ông chồng xấu số là Thi (Sách). Ở miền Nam, Nguyễn Phương có nhận xét tương tự, còn muốn tìm bài trên mạng giờ này thì có thể tìm Trần Gia Phụng nói đến chuyện nhầm lẫn ấy.

Tạp chí Xưa Nay số 333 năm 2009 trong loạt bài về giới sử học TQ đánh giá Hai Bà Trưng có trích tham luận của ông Hoàng Tranh, Viện KHXH tỉnh Quảng Tây về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì ông Tranh lại gọi tên chồng bà Trưng Trắc là Thi Tố. Tạp chí chú thích phía dưới rằng họ chưa biết vì sao Hoàng Tranh lại gọi tên như vậy. Còn tài liệu của Phạm Văn Sơn nói Thi Sách tên đầy đủ là Đặng Thi Sách (Việt sử toàn thư) lại càng phiêu linh hơn.

Nói chung, như phân tích về chuyện người Việt cổ chưa có họ ở phần trên, em tin cái tên Thi là đúng hơn cả. Cái sự người chưa có họ + cái sự thủ lĩnh toàn liền bà+ cái địa bàn bắt đầu khởi nghĩa không phải Chu Diên quê chồng+ vai trò bà mẹ Man Thiện…  cho thấy tính chất mẫu hệ trong cộng đồng người Việt (1) thời Hai Bà Trưng.

*

Chuyện Thi Sách, Đặng Thi Sách, Thi, Thi Tố nói cho vui vậy thôi, chứ ông Thi này, theo em, là nhân vật phụ. Sử chép vì Thi (Sách) bị thái thú tham lam Tô Định giết mà bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, em nghĩ chả phải. Hai bà Trưng nhìn bọn Tàu tham tham bẩn bẩn ghét cái mặt mà bất bình ra tay, chứ ông chồng chẳng liên quan, trong cái thời mẫu hệ ấy.

Các nhà sử học phong kiến yêu nước vì yêu nước mà biểu dương 2 bà, nhưng vì phong kiến nên phải coi cái chết của chồng bà Trưng Trắc là quan trọng, “phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” thì được chứ phất cờ nương tử để tướng quân ngồi nhà rửa bát ẵm em thì còn ra thể thống gì!

*

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ nay là miền bắc Việt Nam, mà còn diễn ra ở miền nam Trung Quốc.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rõ:

Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. (Trưng Trắc) lấy được 65 thành rồi tự lập làm Vua.

Hehe, trong 65 thành về tay vua Bà có những thành trì nay ở Trung Quốc. Điều này khớp với hệ thống đền thờ Hai Bà và các tướng của Hai Bà tồn tại ở TQ đến tận bây giờ.

Chỉ có điều, trên đất TQ, người TQ nhìn nhận việc Mã Viện dẹp cuộc khởi nghĩa như 1 cuộc dẹp loạn, ổn định an ninh trật tự xã hội nên ở các địa phương TQ thờ các nhân vật tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn có lễ hội chào mừng thắng lợi của Mã Viện, diễn xướng mô phỏng chuyện các thủ lĩnh nổi dậy ra hàng. Một dạo trên mạng có cái ảnh mấy người nhìn như người Việt tham gia múa hát trong các lễ hội này, thực hư chưa biết ra sao nhưng cũng đủ tạo cớ để người ta cãi nhau chửi nhau thối dinh in-te-nét.

*

Mã Viện-tên xâm lược tàn ác là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, nhưng Phục ba tướng quân lại là anh hùng dân tộc của Trung Quốc, được dựng tượng ở Hải Nam. Với người Tàu, ông ta có công bình định những cuộc nổi loạn miền biên viễn (giống như sử ta vẫn ca ngợi các ông vua ông tướng Tiền Lê,Lý, Trần, Hậu Lê “dẹp loạn” Ai Lao, Lâm Ấp, Chiêm Thành…)

Cho nên ngó lại số báo Xưa Nay số 333 năm 2009 mới kể xem giới sử học Trung Quốc nói gì về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và luận “Mã Viện chinh Giao Chỉ”.

*

Thập niên 50, trong sách “TQ Thông sử giản biên”, Phạm Văn Lan lên án Tô Định tham tàn, nhận xét cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng “được nhân dân ủng hộ” và khẳng định:

Thắng lợi của Trưng Trắc, chính là vì hành động của bà thuận theo ý muốn chung là đánh đuổi bọn quan lại tham lam tàn ác.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng việc Trưng Trắc tách khỏi triều Hán, tự lập làm vua, trong điều kiện bấy giờ chưa phù hợp với lợi ích chung của người Việt. Việc phá vỡ mối liên hệ kinh tế giữa người Việt với triều Hán không có lợi cho chính người Việt, và điều đó giải thích vì sao cuối cùng Mã Viện lại thắng. Tác giả cho rằng sau khi chiếm được quận Giao Chỉ, Mã Viện xúc tiến đào mương dẫn nước đem lại lợi ích cho nông nghiệp của người Việt, tâu với triều đình hủy bỏ hơn 10 điều luật của người Việt giúp Lạc dân giảm nhẹ được áp bức của Lạc vương.

Những năm 60, sách Thông sử thế giới do Chu Nhất Lương chủ biên gọi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là “cuộc đấu tranh với quy mô rộng lớn đầu tiên chống lại áp bức dân tộc và áp bức giai cấp của vương triều phong kiến TQ”. Mục đích trực tiếp là tranh thủ độc lập, nhưng vì chênh lệch lực lượng nên cuối cùng không thành công. Tuy nhiên khởi nghĩa đã giáng mạnh vào giai cấp thống trị buộc chúng phải có một số nhượng bộ, hạn chế bóc lột quá nặng, làm thủy lợi đào mương dẫn nước… và đó chính là kết quả của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Nhận định này các nhà sử học XHCN Việt Nam rất chi là ưng ý.

Năm 1992, Hoàng Tranh công bố bài viết Nghiên cứu việc Mã Viện chinh phục Giao Chỉ, làm các đồng nghiệp VN của ông rất bực mình.

Ông cho rằng vùng Giao Chỉ trước khi vương triều phong kiến TQ đặt thành quận huyện, chưa xuất hiện chính quyền nhà nước độc lập và khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra thì vùng này là lãnh thổ của vương triều Đông Hán. Do vậy việc Mã Viện chinh Giao Chỉ không phải là xâm lược 1 quốc gia có chủ quyền khác, mà là công việc nội bộ của TQ.

Ông cho rằng trước khi Mã Viện chinh Giao Chỉ, quan hệ sản xuất ở Giao Chỉ là quan hệ sản xuất lạc hậu dựa trên chế độ chiếm hữu nô lệ. Mã Viện đại diện cho chế độ phong kiến tiến bộ hơn, còn Hai Bà Trưng đại diện cho giới quí tộc chủ nô. Vì vậy cuộc khởi sự của Hai Bà Trưng “không phải là 1 cuộc khởi nghĩa nhân dân mà là 1 cuộc bạo loạn chống lại phong kiến hóa do quý tộc chủ nô phát động”, chính quyền Hai Bà Trưng là “chính quyền cát cứ phân liệt của quý tộc chủ nô”.

Tạp chí Xưa Nay khi tóm tắt những lời này, đương nhiên coi đó là xuyên tạc, bóp méo lịch sử, xúc phạm đến những tình cảm thiêng liêng của nhân dân VN.

Tuy nhiên tạp chí lại đồng thời cho đăng 1 tham luận khác cũng của Hoàng Tranh về cùng đề tài, nhưng vào năm 2005. Nhận định của Hoàng Tranh bây giờ khác hẳn.

Một mặt Hoàng Tranh tiếp tục ca ngợi những chính sách kinh tế-xã hội Mã Viện áp dụng ở Giao Chỉ sau khi bình định thành công như cải thiện giao thông (làm đường), thủy lợi (đào mương), phát triển nông nghiệp, mở rộng giao lưu kinh tế văn hóa giữa Giao Chỉ với trung nguyên… Ông thòng rằng nhận định kể từ Mã Viện, xã hội Âu Lạc tiến vào 1 giai đoạn phát triển mới thuộc chế độ phong kiến là nhận định được cả giới sử Việt Nam đồng ý, trích một số sách VN minh họa điều này.

Mặt khác, Hoàng Tranh kêu gọi đừng nên ca ngợi phiến diện và thái quá chiến công của Mã Viện, hạ thấp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Vì:

1/ Cuộc động binh của Mã Viện có liên quan đến đất nước có chủ quyền VN, hạ thấp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là thiếu tôn trọng lịch sử VN.

2/Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là khởi nghĩa nhân dân chống lại tham quan Tô Định

3/Những lời nói của lãnh đạo VN-TQ trong việc xử lý vấn đề Mã Viện-Hai Bà Trưng là hình mẫu cho chúng ta, bao gồm cả việc Thủ tướng Chu Ân Lai dâng hương ở đền thờ Hai Bà Trưng khi thăm VN năm 1956.

Ngay sau bài tham luận năm 2005 này, Xưa Nay đăng tiếp bài xin lỗi của Hoàng Tranh về bài viết cũ. Theo đó, bài trước ông viết từ những năm 79 khi quan hệ Việt-Trung rất xấu nhưng do vấn đề kinh phí nên mãi chưa in được thành sách, việc phát hành nó vào thời điểm quan hệ 2 nước đang cải thiện, làm tổn thương tình cảm của VN khiến ông rất ân hận. Ông biết Hai Bà Trưng thật sự là “những người anh hùng rất đáng kính trọng trong lòng nhân dân VN hàng nghìn năm nay, không thể tùy tiện hạ thấp và bôi nhọ”.

*

Nói thật, 1 nhà sử học TQ có đánh giá khác ta, ngược ta, về Hai Bà Trưng, em coi là chuyện bình thường.

1 học giả TQ 10 năm trước đánh giá tệ hại về Hai Bà Trưng, bây giờ lại khen, em cũng coi là chuyện bình thường. Người ta có thể có thêm thông tin, hoặc đơn giản là, thay đổi quan niệm, nhận thức.

Nhưng chính cái lời xin lỗi chân thành của ông Hoàng Tranh phục thiện mới lại không bình thường. 10 năm trước Việt Trung ghét nhau thì tôi nói thế, bây giờ yêu nhau thì không nên nói thế nữa. Nó xóa sổ tư cách khoa học của 1 học giả Trung Hoa như ông: sẵn sàng gia giảm những kết luận khoa học (lịch sử) tùy theo thời tiết chính trị.

TQ chẳng khác VN mấy các bác nhỉ? Và học sinh TQ chắc chắn ghét môn sử y như học sinh VN, em tin.

 

(1) Có người nói tàn dư của hệ thống mẫu hệ kéo dài đến những năm đầu tiên thời Việt Nam độc lập với vai trò thực sự của “nhà Dương”. Họ Dương (con gái Dương Đình Nghệ, chị Dương Tam Kha) làm vợ của Ngô Quyền, sau khi Ngô Quyền chết thì Dương Tam Kha dẫn dắt cuộc chơi ở vương triều cho đến khi nổ ra loạn 12 sứ quân. Họ Dương (văn nghệ hiện đại chuyển hóa thành sử ghi tên Dương Vân Nga) làm vợ Đinh Bộ Lĩnh, rồi làm vợ Lê Hoàn, chủ trì cuộc chuyển giao quyền lực từ Đinh sang Tiền Lê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét