Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

QUANG TRUNG (2)


Ai đã ghi bàn mở tỉ số trận Đống Đa?

Cavenui’s blog-15/12/2006

Có thể khác nhau ở những chi tiết lặt vặt, nhưng hầu hết các sách sử xưa khi viết về chiến dịch giải phóng Thăng Long của Quang Trung đều thuật như sau:

Trong khi đội quân trung tâm do đích thân Quang Trung chỉ huy đang đánh nhau với quân Thanh ở Ngọc Hồi-Hạ Hồi thì cánh hữu quân thọc vào khu vực Khương Thượng-Đống Đa, làm 1 trận thảm sát quân Thanh cực kỳ hoành tráng, tướng Thanh Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử và cánh hữu quân này đã tiến vào Thăng Long đầu tiên. Ý nghĩa của chiến thắng Khương Thượng-Đống Đa này lớn đến nỗi mà ngày nay, chúng ta đều gọi chiến dịch giải phóng Thăng Long một cách giản lược là trận Đống Đa.

Nhưng viên tướng chỉ huy hữu quân, tiền đạo cánh phải ghi bàn mở tỉ số trong trận Đống Đa là ai thì sử sách chép lại rất mơ hồ.

Hoàng Lê nhất thống chí và một số sách chép là "đô đốc Long". Đại Nam chính biên liệt truyện và một số sách khác chép là "đô đốc Mưu". Tất cả các sách sử cũ, không những không nói gì về thân thế sự nghiệp viên đô đốc, mà họ tên đầy đủ cũng không có nốt.

Sử cũ không chép rõ thì sử mới phải đi tìm. Tìm trong dân gian, lục tung các gia phả, sục sạo các miếu đền, phủi bụi các bản sắc phong v.v.

Người tìm ra sớm nhất, nói chính xác hơn, người công bố cái sự tìm ra của mình một cách hoành tráng sớm nhất là GS Phan Huy Lê- 1 tên tuổi lớn trong giới sử học Hà Nội.

Năm 1973 GS Lê giới thiệu phát hiện của mình trong 1 cuốn sách danh nhân quê choa của tỉnh Hà Tây, 1 năm sau GS giới thiệu trên các tạp chí chuyên ngành ở tầm trung ương là tờ Khảo cổ học và tờ Nghiên cứu lịch sử. Viên tướng chỉ huy hữu quân đó, té ra tên không phải là Long, cũng không phải là Mưu, mà tên là Đông: Đặng Tiến Đông. Viên tướng đó không phải đồng hương Bình Định với Quang Trung, mà là người Hà Tây, thuộc 1 dòng họ có thể gọi là danh gia vọng tộc, trí thức lớn Bắc Hà-quan lớn nhà Lê-Trịnh. Vì GS Phan Huy Lê uy tín đầy mình, nên nhân vật Đặng Tiến Đông mau chóng được thừa nhận. Cả viện bảo tàng lịch sử Hà Nội lẫn Nhà bảo tàng Quang Trung ở Bình Định đều phục chế và trưng bày sắc phong của Tây Sơn cho Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông, con đường chạy sát gò Đống Đa ở Hà Nội được đặt tên là phố Đặng Tiến Đông. Tướng Đông còn được giới thiệu trong Từ điển bách khoa VN như là vị chỉ huy đạo quân đánh vào Khương Thượng-Đống Đa...

Không đi sâu vào chuyện đời Đặng Tiến Đông qua sự tường thuật của Phan tiên sinh, ta chỉ chú ý đến cơ sở để GS khẳng định Đặng Tiến Đông là viên tướng chỉ huy trận Khương Thượng-Đống Đa.

Ở Hà Tây có 1 cái chùa tên là chùa Thủy Lâm. Trước chùa này có dựng văn bia "Sùng đức thế tự bi" ghi chép công trạng Đặng Tiến Đông, văn bia có đoạn:

Mậu Thân @@ sơ, Bắc binh Nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi Bắc binh hội. Công đơn kỵ đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long, sách huân hành thưởng...   

2 chữ @ là 2 chữ đã bị đục bỏ, GS Lê đoán 2 chữ đó là Quang Trung và dịch nghĩa đoạn trên như sau:

Năm Mậu Thân đầu đời Quang Trung, quân Bắc xuống cai trị nước Nam, ông phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong, tiến đánh cho quân Bắc tan vỡ. Ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm. Vũ Hoàng vào Thăng Long, tiến hành khen thưởng...

Chi tiết đô đốc Long (Mưu) vào Thăng Long trước tiên trong sử cũ ứng với chi tiết Đặng Tiến Đông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm trong văn bia. Từ đó GS Lê khẳng định tướng Đông là viên tướng chỉ huy hữu quân, đánh trận Khương Thượng-Đống Đa, vào thành Thăng Long trước tiên, và có lẽ chính là người mà sử cũ chép là đô đốc Long với cả đô đốc Mưu.

Đã có một số sử gia ít tiếng tăm hơn GS Lê phản bác lại GS, trong những tạp chí chuyên ngành lưu hành nội bộ, trong những đơn thư tố cáo đả kích vừa bỉ tư tưởng vừa bỉ cá nhân..., nhưng những chuyện như vậy người ngoài giới không thể biết được. Câu chuyện "có thật Đặng Tiến Đông?" chỉ được đem ra buôn lê vào năm 2000, khi xuất hiện cuốn "Đối thoại sử học" (nộp lưu chiểu 12/99- NXB Thanh Niên) của 1 nhóm sử gia quy tụ quanh Bùi Thiết ném đá GS Lê và vài tháng sau là cuốn "Thực chất của Đối thoại sử học" (NXB Thế Giới) gồm những bài viết của GS Lê và các đệ tử phản pháo lại nhóm Bùi Thiết và chiến hữu. Đặng Tiến Đông chỉ là 1 trong non chục chiến trường để 2 bên phô diễn kỹ năng và tiểu xảo ném đá. Ngoài trận Đặng Tiến Đông, 2 bên còn đánh nhau trên các mặt trận "đồ sắt đồ đồng đồ nào có trước", "phân kỳ lịch sử VN", "bản in Đại Việt sử ký toàn thư-Nội các quan bản", "phòng tuyến Tam Điệp", "Phan Liêu", "đền Cẩu nhi" (vụ này năm 2005 một lần nữa được chiến tiếp).

Cá nhân em thấy chỉ có vấn đề Đặng Tiến Đông là hấp dẫn hơn cả.

Giương cao ngọn cờ "phù Long diệt Lê", các chiến hữu của Bùi Thiết (Đỗ Văn Ninh, Trần Văn Quý, Lê Trọng Khánh) tập trung vào những điểm sau:

- Điều gì khiến GS Lê khẳng định 2 chữ bị đục bỏ là Quang Trung?

- Đầu năm Mậu Thân chưa có trận Đống Đa, chỉ có trận Tây Sơn tiến vào Thăng Long đánh đuổi vua tôi Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chỉnh để đáp trả lại việc vua Lê cho sứ vào Nam đòi đất. Bắc binh ở đây là quân vua Lê. Công trạng của viên tướng họ Đặng là công trạng đánh Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chỉnh không phải công trạng đánh quân Thanh. Chiến thắng Đống Đa diễn ra vào dịp Tết Kỷ Dậu, không phải vào năm Mậu Thân.

- Cùng là trí thức lớn Bắc Hà với nhau, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí thuộc họ Ngô Thì tất nhiên phải biết rõ dòng họ Đặng ở Lương Xá, trong đó có Đặng Tiến Đông, nếu quả thực họ Đặng đánh trận này tất nhiên họ phải biết và phải viết, không thể ghi nhầm là đô đốc Long được. Họ Ngô Thì không ít chữ đến nỗi nhầm chữ Long với chữ Đông.

- Phải trả lại công trạng cho đô đốc Long, phố Đặng Tiến Đông dứt khoát phải đổi lại tên thành phố Đô đốc Long.

Đáp trả lại, các học trò của GS Phan nói rằng:

- Nhóm ném đá dốt mới đem chữ sơ bổ nghĩa cho chữ Mậu Thân, rồi gán ghép thành sự kiện đánh Nguyễn Hữu Chỉnh đầu năm Mậu Thân. Chữ sơ dùng để bổ nghĩa cho 2 chữ @ bị đục bỏ, "Mậu Thân @@ sơ" không phải là "đầu năm Mậu Thân" mà là "năm Mậu Thân đầu niên hiệu @@". Năm Mậu Thân 1788 đúng là năm quân Thanh tràn vào VN, ứng với việc Bắc binh Nam mục.Năm 1788 đúng là năm Nguyễn Huệ lên ngôi, năm đầu tiên của niên đại Quang Trung nên Mậu Thân Quang Trung sơ là hợp lý. Dưới chế độ nhà Nguyễn, chữ Quang Trung bị đục bỏ là lẽ dĩ nhiên. Một số chuyên gia đem theo con lăn với mực ra tận hiện trường khảo sát cũng khẳng định chữ bị đục bỏ phải là Quang Trung.

- Đầu năm Mậu Thân đúng là có chuyện Tây Sơn ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng không có chuyện Vũ Hoàng vào thành ban thưởng như trong văn bia.

- Nhóm ném đá khẳng định Bắc binh là quân vua Lê thế Bắc binh Nam mục giải thích thế nào. Trong năm Mậu Thân 1788 không có đợt Nam tiến nào của quân vua Lê cả. Nhóm ném đá có bóng gió nhắc đến chuyện vua Lê cử 1 đoàn sứ bộ vào Nam đòi đất, nhưng phái đoàn 21 người đòi đất một cách nhũn nhặn đó không thể gọi là Bắc binh Nam mục được.

- Nhóm ném đá đòi tôn vinh đô đốc Long, vậy đô đốc Mưu thì sao?

Có lẽ là trong phần phân tích văn bia chùa Thủy Lâm, học trò thầy Phan nói đúng hơn bè bạn bác Bùi. Đúng là văn bia nói chuyện đánh quân Thanh. Các cụ ngày xưa viết lách quá nén, bây giờ extract ra đầy lỗi, đâm ra nan giải. Mậu Thân Quang Trung sơ ứng với chuyện Hoa quân nhập Việt, còn đoạn đánh nhau là ở khúc sau của câu, nên dẫu việc đó xảy ra vào đầu năm Kỷ Dậu tiếp theo; thì cũng không bắt bẻ được gì.

Nhưng từ chỗ văn bia chùa Thủy Lâm ghi công Đặng Tiến Đông đến việc khẳng định hùng hồn Đặng Tiến Đông chính là người có công đánh trận Khương Thượng-Đống Đa, có vội quá không?

Thắc mắc của bạn bè bác Bùi về chuyện sao họ Ngô Thì, chơi với họ Đặng như thế mà không đả động đến họ Đặng, đâu phải là không có cơ sở?

Có văn bia chùa Thủy Lâm thì biết đâu cũng có thể có những văn bia khác ở những chùa khác. Ở Bình Định và các tỉnh lân cận đã có một vài giả thuyết được đưa ra, và tất cả các ứng cử viên miền trung đều có tên là Long.

 

Đô đốc Long là Long nào?

Cavenui’s blog-19/12/2006

Trong entry trước em có viết rằng thuyết của GS Phan Huy Lê chỉ là thuyết được công bố một cách hoành tráng sớm nhất về viên tướng đánh trận Đống Đa chứ không phải là thuyết ra đời sớm nhất. Trước ông, vào đầu thế kỷ, đã có 1 thuyết khác, nhưng không được phổ biến rộng rãi bằng.

Ông nghè Nguyễn Trọng Trì (1854-1922), một trí thức địa phương không mấy nổi tiếng sống ở Bình Định buổi bàn giao giữa 2 thế kỷ có viết 1 cuốn sách tên là “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện”. Trong số các tướng miền trung theo Quang Trung ra Bắc đánh Thanh có ông Đặng Văn Long, người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Em không có điều kiện đọc sách này, nhưng trong các cuộc tranh luận về đô đốc Long, người ta có chép lại một đoạn văn của nghè Trì về viên tướng như sau:

“Đặng Văn Long tự là Tử Vân người thời Tây Sơn, quê huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Lúc nhỏ học võ, rất tinh thông môn trường quyền… Long thông minh vô cùng có nhiều phát minh về nguyên lý của miên quyền, trong rừng võ gọi Long là Đặng Vô Địch; lại thấy nằm dưới đất dùng cánh tay chặn được bánh xe nặng nên gọi là Thiết Tí Đặng (Đặng tay như sắt).

Nguyễn Huệ phá giặc Thanh, Văn Long tự thị nghiêu dũng, muốn lập công lạ, bèn mặc áo trắng cầm kích, lưng đeo cung dài hét to, xông vào trước. Đến nơi nào giặc cũng không chống nổi… vua đặt ban cho hai con ngựa và 40 xấp lụa. Tục truyền là Bạch Y tướng quân (tướng quân áo trắng)

Năm Cảnh Thịnh thứ 2, dư đảng nhà Lê vào cướp Thăng Long, Văn Long nhiếp chức Tả võ uy tướng quân An Đông đạo kinh lượt, giữ trách nhiệm ở chốn biên phòng nhiều phen lập chiến công, được phong chức tả võ lâm quân Đại tướng quân…”.

Nếu chỉ dừng ở đoạn trích dẫn này thì ông nghè Trì không viết thẳng về trận Khương Thượng-Đống Đa. Nhưng cái tên Long khiến nhiều người (trong đó có nhóm bè bạn bác Bùi Thiết) đặt giả thiết: đô đốc Long= Đặng Văn Long.

Bình luận về sách Tây Sơn lương tướng, sử gia Tạ Chí Đại Trường (sử gia hải ngoại, nhưng đã có 2 cuốn sách được in trong nước, cuốn thứ 2 mới in ở NXB Công an nhân dân viết về lịch sử nội chiến thời Tây Sơn) cho rằng với vị thế 1 trí thức nhỏ ở tỉnh lẻ, ông nghè Trì không có điều kiện tìm đọc nhiều sách sử, rất có thể chưa hề nghe thấy tên “đô đốc Long” trong cuốn sách Hoàng Lê nhất thống chí lúc đó chưa phổ biến rộng rãi. Nên không có chuyện ông nghè cố tìm 1 người tên Long để giải bài toán đô đốc Long, mà chắc chắn phải có những cơ sở nào đó ở địa phương để ông lăng xê ông Đặng Văn Long này.

Éo le thay, Đặng Văn Long không phải là tướng Long duy nhất được các nhà nghiên cứu địa phương đưa ra. Search cụm từ “đô đốc Long” trên mạng, em còn tìm ra 2 ông Long nữa. Đủ cả tam Long: Thăng Long, Hạ Long và Tân Long…

Trong 1 tạp chí của Sở VHTT Quảng Ngãi số xuân Đinh Sửu 1997, ông Hồng Nhân (nguyên giám đốc sở VHTT Nghĩa Bình và Quãng Ngãi) cho biết “đô đốc Nguyễn Tăng Long, người làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ huyện Sơn Tịnh, một trong những danh tướng góp công đại phá quân Thanh ở Thăng Long năm 1789”. Lý do ông Hồng Nhân tiến cử Nguyễn Tăng Long, ngoài những câu chuyện ở địa phương, còn là 1 bản sắc phong của Cảnh Thịnh ban cho ông này chức đô đốc, ở quê gọi là đô Miên. Điều đáng tiếc là bản sắc phong cũng không còn (“đã bị bom đạn Mỹ đốt cháy năm 1967”?) , nội dung của nó là do các cụ trong làng kể lại.

Ngoài Long Bình Định và Long Quảng Ngãi, tướng Long thứ 3 quê ở Quảng Nam tên là Lê Văn Long. Ông này là con trai Thủ Tài hầu Lê Văn Thủ cũng theo Nguyễn Huệ từ sớm. 1 sắc phong của Quang Trung phong cho ông chức võ tướng hữu quân đô đốc vào ngày 5 tháng 2 Quang Trung năm thứ 2, tức là không lâu sau chiến thắng Kỷ Dậu càng khiến người ta tin rằng ông là đô đốc Long (từ thời gian khen thưởng suy luận ra công trạng mới lập trước đó hẳn là công chống Thanh, chức hữu quân rất hợp với chức hữu quân của đô đốc Long trong sử).

Tóm lại, cả 3 ông Long đều có cơ sở để được đề cử vào “danh hiệu” đô đốc Long, nhưng cả 3 ông, cũng như ông Đặng Tiến Đông ở Hà Tây, không ông nào đủ mạnh để chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đua.

Trong 3 tướng Long, ông Đặng Văn Long là người nổi tiếng nhất. Cuốn “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn, Quách Giao ngả theo thuyết đô đốc Long là ông Long này. Nhưng vào thời điểm viết sách, giả thuyết Đặng Tiến Đông đã được công bố, để dung hoà các thông tin trái ngược, họ Quách liền cho Đặng Tiến Đông làm phó tướng cho Đặng Văn Long. Thế là xong, các bên đều vui vẻ cả.

Nếu không có phát hiện lịch sử nào lớn, 50 năm nữa em sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Tây Sơn. Trận Đống Đa của em sẽ có đủ Long A, Long B, Long C, và cả Đặng Tiến Đông nữa. Chiếc bánh chiến công to lắm, ông nào cũng có phần, con cháu ông nào cũng vui lòng hả dạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét