Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

PTSXCA


A bê xê về phương thức sản xuất châu Á

Le Tran Hai’s facebook, 20/9/2014

Em biết gì về PTSXCA?

Các cụ tranh cãi có, rủ rỉ giảng giải có, về phương thức sản xuất châu Á (PTSXCA) trên sách vở tiếng Việt từ lâu lắm rồi, khi em còn bé tí. Rất có thể những ý kiến ấy có in trong những quyển sách sử em đọc, nhưng nếu có thì em đã lật trang rất nhanh vì lịch sử với em hồi nhỏ chỉ là những ly kỳ trận đánh quân ta giả thua cho tướng giặc đuổi theo vào đoạn có phục binh ta chém Liễu Thăng ở cổ hay quốc công tiết chế ta mời thượng tướng ta lên thuyền tắm cho một trận hết sạch ghét hết cả ghét nhau. Vân vân.

Lớn lên một tí thì tò mò lịch sử kiểu như Trần Cảnh với Lý Chiêu Hoàng bé tí lấy nhau thì làm gì nhau hay nữ giáo sư vợ bé anh hùng dân tộc qua đêm với ông vua trẻ con trai ông vua anh hùng dân tộc nữa thảo luận những gì trong sách Khổng Mạnh mà vua phải chết. Cho nên có gặp ai đó nói chuyện PTSXCA ắt cũng bỏ qua thôi.

Chỉ đến khi cánh bác Bùi Thiết với cánh bác Phan Huy Lê dàn quân ném đá nhau quãng năm 2000-2001 với 2 quyển sách “Đối thoại sử học” (NXB Thanh Niên) và “Thực chất của Đối thoại sử học” (NXB Thế giới) em mới chú ý đến “PTSXCA”. Cánh bác Thiết mắng cánh bác Lê giương ngọn cờ “PTSXCA” vừa phi mác xít vừa láu cá xu thời (hồi đó đang hô hào tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn TBCN thì lý thuyết về sự tồn tại trong quá khứ giai đoạn chuyển tiếp PTSXCA để xã hội cộng sản nguyên thủy tiến thẳng lên xã hội phong kiến bỏ qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ, hẳn được chính quyền ưa thích).

Nên bắt đầu tò mò một chút về PTSXCA. Chỉ một chút thôi, vì đó không phải là nghề của chàng. Nên những gì bi bô phía dưới cũng chỉ là a bê xê, dạng kể cho bé nghe, các chuyên gia am hiểu, xin đừng cười chê.

*

Thời em học đại học nga ngố, chưa biết PTSXCA, nhưng chẳng nhớ là trong môn gì (có khi trong nhiều môn) có những kiến thức về 5 hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử loài người, được nhồi vào đầu. Đầu tiên là cộng sản nguyên thủy, sau đó là chiếm hữu nô lệ, sau đó là phong kiến, sau đó là tư bản, rồi cuối cùng CNXH sẽ đưa nhân loại đến thế giới đại đồng cộng sản chung cuộc làm theo năng lực xực theo nhu cầu.

Lý thuyết về 5 hình thái đó là do 2 cụ Marx-Engels nói ra, 2 cụ là những nhà tư tưởng, đã thế lại còn sống lâu, nên lúc này lúc khác có thể 2 cụ còn nói những thứ khác không giống thế. Nhưng khi 2 cụ Lenin-Stalin lựa chọn lý thuyết đó làm kim chỉ nam, 2 cụ lại quyền lực vô biên, nói khác cái lý thuyết đó là đứt.

Sau này nghe mấy bác thể loại Dương Trung Quốc tạp chí Xưa Nay bảo hồi học trường đảng Bác Hồ ta có thắc mắc phương Đông nó khác, rồi lại nghe bác Trần Trọng Tân (mới qua đời) tạp chí Hồn Việt bảo cái bác thắc mắc không phải Bác Hồ ta. Chuyện này không biết thực hư ra sao bỏ đó đã.

Các sử gia miền bắc XHCN áp dụng lý thuyết 5 hình thái kinh tế-xã hội vào sử nước mình cố tìm cho ra cái giai đoạn chiếm hữu nô lệ. Bác Minh Tranh kết luận từ thời Thục Phán An Dương Vương (ông cụ làm vua nhờ cái móng rùa, bố vợ anh Trọng Thủy) đến trước khởi nghĩa Hai Bà Tưng, xã hội nước ta là chiếm hữu nô lệ. Nhiều hải đăng khoa học xã hội khác từ Nguyễn Đổng Chi đến Nguyễn Lương Bích cũng tán thưởng điều này.

Nhưng cụ Đào Duy Anh lại phản đối vì những dẫn chứng về nô lệ và chủ nô trong thời kỳ này (1 bài phản đối có thể tìm đọc trong cuốn Lịch sử VN, từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX của Đào Duy Anh hiện đang bán đầy ở Đinh Lễ) nó mơ hồ sao sao. Lúc này thì Liên Xô Trung Quốc anh em cũng nhìn lại lịch sử các nước phương Đông và nhiều học giả cũng nhận thấy đúng là ghép lý thuyết phương Tây vào lịch sử phương Đông có những chỗ là hơi gượng ép.

May mắn làm sao, những sử gia nhìn lại ấy vẫn là Marxist, họ đã tìm được những văn bản cho thấy sinh thời Marx-Engels có nói đến những dị biệt ở xã hội phương Đông. Marx dùng từ PTSXCA. Và các sử gia nhìn lại đưa nó vào mô hình.

Marx-Engels nói đến PTSXCA trong những tác phẩm nào? 2 cụ không có 1 tác phẩm nào tập trung vào PTSXCA mà chỉ bỏ nhỏ nó trong rải rác nhiều tác phẩm khác nhau giai đoạn 1859. Ví dụ trích từ lời dẫn cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, Marx biên: “Về đại thể có thể coi các phương thức sản xuất châu Á cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế xã hội”.

Vì các cụ viết rải nhiều nơi quá, nên tập hợp lại, ta thích cho mấy cái gạch đầu dòng tùy ta. Dưới đây là em gạch những nét chính của PTSXCA, theo cách người ta tổng hợp Marx.

Đó là những xã hội có sự tồn tại dai dẳng của công xã nông thôn, nơi không có sở hữu tư nhân về ruộng đất. Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về đồng chí vua, quyền sử dụng ruộng đất thuộc về công xã. Do không có quyền tư hữu ruộng đất, không có đất phong, đất cắt cho các chúa đất phong kiến nên những xã hội như vầy hok phải là phong kiến.

Nhu cầu sản xuất đòi hỏi các công trình hoành tráng như thủy lợi đê điều nên cần những kẻ tổ chức có quyền lực, ở đây là bộ máy quan liêu nhà nước thay mặt đồng chí vua sẽ có nhiều lộc lá hưởng các giá trị thặng dư từ các công trình tổ chức bởi nhà nước. Xã hội do đó có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, không bình đẳng cá mè như xã hội cộng sản nguyên thủy.

Những người nông dân sản xuất nông nghiệp là người tự do, không phải là nô lệ cho chủ nô. Do vậy xã hội này cũng không phải là chiếm hữu nô lệ nốt. Tuy nhiên nền chuyên chế phương Đông cực rắn nên cũng có thể gọi chủ nô duy nhất là đồng chí vua, toàn xã hội là nô lệ cho đồng chí ấy: nô lệ phổ quát.

Nhiều sử gia miền bắc XHCN được lời Marx như cởi tấm lòng bắt đầu nói đến giai đoạn PTSXCA trong sử ta.

Cuốn Sự thật về Đối thoại sử học điểm danh vài công trình của Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong, Lê Kim Ngân, Đặng Phong, Trần Quốc Vượng… thừa nhận có giai đoạn PTSXCA trong sử Việt. Cả Nguyễn Lương Bích-người từng ủng hộ thuyết về sự tồn tại của chế độ chiếm hữu nô lệ trong sử Việt- sau đó cũng thừa nhận PTSXCA. Trong các nhân vật tham gia thảo luận PTSXCA được biết có cả Lê Thành Khôi, 1 Việt kiều Pháp thân Hà Nội, với “Góp phần nghiên cứu PTSXCA, nước Việt Nam cổ đại” (em không biết là sách hay bài viết và nguyên văn tên tiếng Pháp là gì, và càng không biết quan điểm ông Khôi trong tác phẩm đó).

1 cuốn sách của Lê Thành Khôi mới được dịch ra tiếng Việt mang tên “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” (chọn dịch từ cuốn “Histoire du Viet Nam, des origins à 1858” xuất bản năm 1982 và vài chương cuốn “Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation” xuất bản năm 1955 khi ông Khôi 32 tuổi) có đoạn viết về PTSXCA, nên phần dưới sẽ tìm hiểu kỹ quan điểm của ông Khôi về vấn đề này.

*

Lê Thành Khôi nói về PTSXCA

Đầu tiên ông nhắc lại quan điểm của Marx về PTSXCA:

Nét đặc trưng của PTSXCA là sự hiện hữu của các cộng đồng làng xã một phần còn được tổ chức trên những liên hệ máu mủ trong đó cá nhân tham gia quyền sở hữu chung về đất đai với tư cách là thành viên của cộng đồng. PTSXCA khác với cộng đồng nguyên thủy bởi sự xuất hiện của các hình thức khai thác làm lợi cho 1 giai cấp thống trị và khác với chế độ chiếm hữu nô lệ bởi không có quyền tư hữu và bởi quyền tự do của cá nhân. Cá nhân có tự do mặc dù phải đóng thuế và làm lao dịch. Việc nhà nước có thể trưng dụng một cách rộng rãi lao động của các nông dân ở tuổi lao dịch đã giới hạn sự phát triển của tình trạng nô lệ. Việc lao dịch này không có cùng tính chất như trong 1 chế độ phong kiến trong đó người nông dân đích thân lệ thuộc vào vị lãnh chúa, như chúng ta đã thấy trên đây. Ở đây, có quan chức chứ không có lãnh chúa; họ nhân danh nhà nước đánh thuế và tổ chức lao dịch; sự bóc lột có tính tập thể và Marx đã nói đến một thứ “tình trạng nô lệ phổ cập hóa” của những cá nhân dưới chế độ đó.

Đoạn này bác Khôi hiểu giống như em hiểu thuyết của Marx về PTSXCA.

*

Sau đó bác Khôi nhận định: “thoạt nhìn”, lược đồ này áp dụng ở VN là thích hợp.

Nhà nước chuyên chế cao ở Việt Nam trong quá khứ đã huy động được dân chúng, nghĩa là lực lượng tạm coi là riêng của các quý tộc vào các công việc chung như chiến tranh vệ quốc hay những công trình thủy lợi lớn. Ngay cả khi nhà vua yếu, các thủ lĩnh lớn có nổi dậy trở thành những sứ quân độc lập, bắt các làng phải phục tùng mình thì họ (các thủ lĩnh) cũng khác với các lãnh chúa dưới chế độ phong kiến châu Âu:

Nhưng quyền hành của họ không hề là thứ quyền hành của các lãnh chúa châu Âu vì những lý do chúng ta đã đề cập đến: một phần vì số diện tích nhỏ hẹp của các thái ấp, phần khác, vì nguyên tắc họ chỉ được làm chủ tạm thời-chứ không phải là quyền sở hữu thế nghiệp- khiến vương quyền một khi được nắm lại sẽ thu hồi các tài sản này; cuối cùng, con số các nông nô và nô lệ quá giới hạn để có thể làm thành những đạo quân riêng.

Hay như trong chuyện đắp đê, một công việc mà theo GS Khôi, “triều đại nào lơ là đối với nhiệm vụ này bị xem như đang trên đà sụp đổ”“các bộ sử biên niên không bao giờ bỏ qua việc ghi lại việc đắp đê hay đào kênh” cũng là 1 công việc lao động phục vụ cho/theo chỉ đạo của nhà nước chứ không phục vụ cho 1 lãnh chúa phong kiến nào.

“Công trình quan trọng nhất do các tỉnh thực hiện theo lệnh của Trần Thái Tông vào năm 1248 là 1 con đê ăn ra tới biển để ngăn chặn nước lũ. Con đê này được gọi là đê quai vạc, bởi nó có nhiều đoạn cong theo các khúc uốn của sông. 1 công trình như vậy, dĩ nhiên, không thể được hình dung và thực hiện một cách riêng rẽ ở cấp làng. Đồng thời, nhà vua còn đặt ra Hà đê sứ với các viên chức có nhiệm vụ đặc biệt là canh giữ đê. Nhà nước như vậy xuất hiện như là “đơn vị tập hợp” và phối hợp nỗ lực của các cộng đồng địa phương nhằm khuếch đại năng suất của các công trình thủy lợi lớn”.

Cho đến đoạn này, là xã hội VN, bề ngoài rất giống với PTSXCA theo lý thuyết của Marx.

*

Nhưng sau đó, bác Khôi chỉ ra những sai lầm của lý thuyết Marx về PTSXCA khi áp vào Việt Nam.

Khái niệm quyền sở hữu theo bác ở VN xưa không tách khỏi quan niệm triết học tổng quát “Đất được Trời ban cho mọi người cùng hưởng” để kết luận ruộng đất không phải là sở hữu của ông vua như các lý thuyết gia PTSXCA đã hiểu.

Bác dẫn lời Maspero: “Nhà vua phán, không phải với tư cách người chủ sở hữu, vì vua không phải là chủ sở hữu, mà với tư cách là vua, ban bố cho từng phẩm trật trong hệ thống đẳng cấp tôn ti một phần của quyền chiếm hữu đất vốn thuộc về mọi người”. Và bình luận thêm: “Dù quyền của nhà vua trong việc định đoạt về đất có rộng tới mức nào đi nữa, nhà vua cũng không hơn các thần dân của mình, không được quyền chuyển hướng lợi ích của đất, tước đoạt đất của dân mình”.

Nhà vua làm vua theo mệnh trời, và phải thực hiện mệnh. Ông không có quyền sở hữu đất đai, theo nghĩa “quyền sử dụng, thụ hưởng, định đoạt một cách tuyệt đối và độc quyền, không giới hạn”.

“Nhà vua không có quyền định đoạt về đất đai theo sở thích của mình, mà chỉ được thi hành các chức năng của vua. Chính bởi vì thực thi một chức năng thuộc lĩnh vực công, vật chất hay tinh thần, mà những người có quyền chức lớn và giáo hội Phật giáo nhận được đất phong, chứ không phải vì họ đã tuyên thệ trung thành với nhà vua; họ trả lại nhà vua khi vai trò của họ chấm dứt”.

“Chính vì phải bảo đảm cho mỗi thành viên của mình một số đất tối thiểu để sống mà cộng đồng làng xã có quyền có đất để phân phối cho các thành viên theo định kỳ. Các thành viên có bổn phận canh tác đất được phân bổ. Nếu đất không được canh tác, làng có thể lấy lại và giao cho người khác. Cũng vậy, nếu 1 làng có quá nhiều đất so với số dân, trong khi làng khác lại thiếu, nhà vua có thể chuyển số dư này cho làng còn thiếu (điều Lê Lợi đã thực hiện vào năm 1428). Cũng vậy, nếu 1 người làm chủ quá nhiều đất, trong khi người khác lại thiếu đất, nhà vua có thể quyết định biến số đất dư của người này thành đất tập thể để chia cho người dân (đó là điều Minh Mạng đã thực hiện tại Bình Định vào năm 1839). Chính bởi vì Nhà nước thực hiện các chức năng kinh tế và quân sự mà người canh tác phải đóng 1 thứ thuế cho nhà nước, nghĩa là đóng thuế vì được hưởng các hoạt động này chứ không phải như 1 thứ địa tô”.

Đến đoạn này đã rõ quan điểm của GS Khôi, không phải ông vua là chủ sở hữu của ruộng đất.

*

Tiếp đó GS Khôi cho rằng quyền tư hữu về đất đai đã có, muộn nhất là từ thế kỷ XII, dẫn chiếu chỉ của Lý Thần Tông ghi trong Toàn thư. Tiếp đó, “Thế kỷ XIII, tầng lớp đại địa chủ xuất hiện, họ dâng cúng đất cho nhà chùa, có người dâng cúng hơn trăm mẫu cho chùa Báo Ân vào năm 1209, nhà chùa đã dựng bia để ghi nhớ sự dâng cúng hậu hĩ này. Khi cho đắp con đê Quai vạc vào năm 1248, vua Trần Thái Tông ra lệnh nơi nào đê phải đắp nằm trên đất tư nhân, chủ đất phải được đền bù”

Ông cho rằng ở VN “sự hình thành quyền tư hữu dựa trên nguyên tắc về lợi ích xã hội. Đất hoang thuộc về mọi người. Người khai hoang trở thành chủ sở hữu. Ngược lại, nếu người này bỏ đi, anh ta sẽ mất quyền sở hữu của mình và QSH này sẽ chuyển sang cho người canh tác thửa đất ấy. Chính vì đã khẩn hoang cả 1 vùng đất dưới chân núi Lam Sơn mà tổ tiên của Lê Lợi trở thành đại địa chủ và có thể đặt nền móng cho quyền lực của dòng họ mình. Chính bằng cách khuyến khích và cổ vũ việc khai thác châu thổ sông Mê Kông mà các chúa Nguyễn làm nảy sinh một tầng lớp các đại địa chủ sẽ là chỗ dựa trung thành nhất của họ chống lại Tây Sơn. Bên cạnh hình thức nguyên thủy để có QSH này, các hình thức khác cũng xuất hiện với sự phát triển của nền kinh tế: việc các nông dân bán đất dưới sức ép của nợ nần hay đói khổ, việc các quant ham và hương chức tước đoạt do gian lận hay bạo lực đất công hay tư, nhất là vào các thời kỳ nhiễu nhương”.

Và ông bác bỏ những suy diễn hoàn toàn lý thuyết, thiếu thực tiễn của những nhà mác-xít, ví dụ như F.Tokei “Làm sao quyền tư hữu đất đai có thể hình thành được, trong khi không có 1 giai cấp nào, 1 tầng lớp nào của xã hội châu Á có thể mong ước hình thức sở hữu cũ biến đi, trong khi chỉ có sở hữu cộng đồng bộ lạc là có thể bảo đảm có thuế đóng cho hàng quý tộc gồm các quan chức?”.

Ngược lại với Tokei, Lê Thành Khôi cho rằng “quyền tư hữu được thiết lập chính là bởi vì nó đem lại cho quan lại và các hương chức nhiều khả năng khai thác hơn là QSH công cộng. QSH công cộng được tạm thời giao cho họ, thuế hay địa tô đánh trên người nông dân là thù lao của họ. Trái lại, quyền tư hữu có tính thế nghiệp và các đại địa chủ tạo được 1 quyền lợi lớn hơn từ quyền tư hữu này, về mặt quyền lực chính trị-nhờ có trong tay những đội quân riêng gồm các nông nô và lê dân; và về mặt khai thác kinh tế- bởi vì họ có thể tăng số địa tô theo ý muốn (trong khi thuế lại do nhà nước ấn định)”.

Như vậy Lê Thành Khôi bác bỏ quan điểm PTSXCA của các nhà mác xít trên 2 điểm chính:

-Ở Việt Nam thời quân chủ (Lê Thành Khôi cũng bác bỏ sự tồn tại của chế độ phong kiến ở VN) nhà vua không phải là chủ sở hữu toàn bộ ruộng đất.

- Ở Việt Nam thời quân chủ có quyền tư hữu đối với ruộng đất.

Ông kết luận:

Nhiều đặc tính Marx và Engels gán cho PTSXCA cần loại bỏ vì chúng không phù hợp với thực tế, đặc biệt, “tình trạng nô lệ phổ quát”, “chế độ chuyên chế phương Đông”, “thiếu vắng quyền tư hữu”, “sự trì trệ hàng nghìn năm”.

Những nhận định của ông Lê Thành Khôi đúng sai chưa bàn, nhưng là có đóng góp vào nghiên cứu lịch sử VN (không theo 5 hình thái và cũng không có PTSXCA kiểu Marx), có nhiều chỗ cần ghi chép lại, và sau khi ghi chép xong có thể thưởng mình 1 điếu thuốc. Cả cuốn sách của ông có rất nhiều chỗ đáng được hút thuốc như vậy.

*

Tuy vậy, giống như trong cả quyển sách của GS Khôi, có cả những chỗ ta thất vọng, bực mình và có quyền chê trách, thì ngay phần PTSXCA cũng vậy, có những chỗ em đọc thấy bất mãn quá đi.

Chẳng hạn:

Có thể vì say sưa với tinh thần dân tộc, có thể vì bực bội khi ai đó ở phương Tây coi VN áp dụng trăm phần trăm hình mẫu Trung Hoa hay coi thường tư cách độc lập của VN khi các vua VN cứ cầu phong hoàng đế TQ, ông dành hẳn 1 đoạn bình luận chuyện này dù nó chẳng ăn nhập gì với câu chuyện PTSXCA đang bàn. Giả dụ ông chứng minh TQ xưa có PTSXCA kiểu Marx, VN độc lập thật sự và khác TQ nên không có PTSXCA  thì đi 1 lẽ. Đằng này ông không bàn luận gì về chuyện có hay không PTSXCA kiểu Marx ở TQ, chuyện VN không lệ thuộc chính trị, không phải chư hầu của TQ chẳng liên quan gì đến đề tài đang bàn ở đây.

Những chỗ rẽ ngang ra ngoài lề của GS Khôi nhiều lắm. Nhưng nó là nội dung của 1 ghi chép khác, dành tặng bạn Thuận em, người mấy hôm nay say sưa chủ đề bác Khôi hơi nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét