1.
Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ: ai là anh, ai là em?
Cavenui’s blog 5/12/2006
Nguyễn
Nhạc là anh cả thì đúng rồi, nhưng Huệ và Lữ ai là anh ai là em thì sử sách ghi
lại không thống nhất.
Lữ
là anh Huệ- đó là quan điểm của các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam
chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo…
Một
số ghi chép của các giáo sĩ phương Tây cũng thiên về ý này. Đại loại, dưới
Nguyễn Nhạc có 2 ông hoàng là Duc Ong Bai và Duc Ong Tam (đức ông Bảy và đức
ông Tám), trong đó người hành quân ra Bắc, người đánh nhau với ông anh cả, vị
bạo chúa đáng sợ ở miền Nam Kỳ Thượng theo những ghi chép này là Duc Ong Tam,
người em thứ 8 của tiếm vương Nguyễn Nhạc, đức ông Bảy Nguyễn Lữ đương nhiên là
anh.
Nhưng
Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại xếp thứ tự mấy anh em Tây Sơn là
Nhạc-Huệ-Lữ.
Ở
Quy Nhơn dân gian truyền tụng nickname của mấy anh em Tây Sơn thửa hàn vi như
sau: Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu gọi là Hai Trầu, Huệ là Ba Thơm, còn thầy tu
đạo Hồi Bani là Tư Lữ. Tức là Huệ là anh.
Liệt
kê những thông tin trái ngược này trong cuốn “Những khám phá về hoàng đế Quang
Trung” (NXB Thuận Hóa, Huế, 1994), nhà nghiên cứu lịch sử Đỗ Bang thiên về giả
thuyết Nguyễn Huệ là em. Ông lý giải, Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lúc 30 tuổi có
2 tướng giúp sức là Trương Văn Đa và Võ Văn Nhậm đều là con rể Nguyễn Nhạc.
Nhạc còn có 1 cô con gái gả cho chúa Nguyễn Phúc Dương từ 1775.
Khi
Huệ 22 tuổi mà Nhạc đã có con đến tuổi lập gia đình thì có thể suy luận ra
thành Nhạc phải hơn Huệ 15-20 tuổi. Từ đó suy ra Huệ phải là con út.
Quang
Trung đại phá mấy vạn quân Thanh?
Cavenui’s
blog-6/12/2006
Tầm
vóc của chiến thắng quân Thanh quyết định tầm cỡ của nhà quân sự Quang Trung
Nguyễn Huệ, vì thế việc xác định số quân Thanh tham chiến ở VN là rất quan
trọng trong sự đánh giá Quang Trung.
Đều
nói có sách mách có chứng hẳn hoi, nhưng nếu như những người thuộc phái tự tôn
dân tộc có thể tự hào rằng Quang Trung đại phá đến 1 triệu quân Thanh thì những
người thuộc phái “người VN xấu xí” lại bảo số quân Thanh chỉ vẻn vẹn hơn 1 vạn.
Ở giữa 2 con số khác nhau một trời một vực (gấp nhau 100 lần) đó là nhiều con
số khác.
Thật
ra ở cả 2 cực thống kê, người ta đều ăn gian tí tẹo.
Con
số 1 triệu được lấy từ Hoàng Lê Nhất Thống Chí, căn cứ vào bài hịch của Tôn Sĩ
Nghị tuyên bố số quân Thanh là 50 vạn, và “Tám điều quân luật” của họ Tôn nói
rằng mỗi người lính được cấp 1 tên phu. Vị chi lính+ phu= 1 triệu. Ta thừa biết
những tuyên bố của Tôn Sĩ Nghị (cho là Hoàng Lê Nhất Thống Chí ghi chép trung
thực) mang tính khoa trương, đe dọa, số quân có thể được bơm lên nhiều lần hòng
làm cho đối phương sợ vỡ mật mà tự thua. Con số này hoàn toàn không đáng tin
cậy.
Con
số nhỉnh hơn 1 vạn được lấy từ một số sách Tàu. Đại Thanh thực lục chép số quân
là 1,5 vạn, An Nam ký sự (Càn Long) chép là hơn 1 vạn, Càn Long chinh vũ An Nam
ký (Ngụy Nguyên) chép là 1,8 vạn. Cả Đại Thanh thực lục lẫn Càn Long
chinh vũ An Nam ký đều nói quân Lưỡng Quảng của Tôn Sĩ Nghị là 1 vạn, phần
chênh ra (5-8 ngàn) là đạo quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy. Những con
số này chỉ khác nhau tí chút, đều thống nhất với nhau rằng quy mô của cuộc viễn
chinh không lấy gì làm to. Nhưng nếu chỉ tính những con số này lại là hơi ăn
gian. Ăn gian ở chỗ chính các sách này đều nói đó chỉ là bộ đội chính quy, chưa
tính quân du kích (thổ binh, nghĩa dũng) và phu vận chuyển lương thực. Còn nếu
tính cả những lực lượng này thì con số quân Thanh là hơn 10 vạn (Đại Thanh thực
lục) hoặc mơ hồ vài chục vạn (Càn Long chinh vũ An Nam).
Về
phía sử Việt, Đại Nam chính biên liệt truyện chép số quân Thanh là 20 vạn,
nhưng lại không nói rõ con số này có bao gồm thổ binh, nghĩa dũng và lương binh
hay không. Các nhà nghiên cứu lịch sử thời hiện đại, trên tinh thần đề cao anh
hùng áo vải cờ đào, khi lấy Đại Nam chính biên liệt truyện làm nguồn dữ liệu cơ
sở, đã ngầm định con số này chỉ là quân chủ lực, muốn tính số quân thực tế thì
còn phải cộng thêm nhiều nhiều.
Chẳng
hạn, Văn Tân, tác giả cuốn “Nguyễn Huệ- con người và sự nghiệp” (Hà Nội, 1967)
đã kết hợp con số 20 vạn của Đại Nam chính biên liệt truyện với tư liệu trong
Lê sử toản yếu, nói rằng mỗi lính có 3 lương binh đi kèm, để đưa ra con số 80
vạn quân Thanh. Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng trong “Tìm hiểu thiên tài
quân sự của Nguyễn Huệ” tuy không tính cụ thể như Văn Tân nhưng cũng khẳng định
20 vạn theo Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ là lục quân, chưa có các lực
lượng hỗ trợ khác.
Băn
khoăn trước sự chênh lệch quá đáng giữa 2 nguồn dữ liệu, sử gia Phan Huy Lê hy
vọng tìm được một con số trung dung. Ông tìm được 1 bài chiếu của Quang Trung
do Ngô Thì Nhậm chấp bút có câu “đem 29 vạn binh ra ngoài cửa ải” để khẳng định
tổng số quân các loại của Thanh trên đất Việt là 29 vạn. Con số này không khó
tin như 1 triệu hay 80 vạn, nhưng cũng dễ chịu hơn con số 1 vạn quân chủ lực,
10 vạn lương binh.
(Cavenui
trình bày lại, dựa theo các thông tin lấy trong: “Phong trào Tây Sơn và anh
hùng dân tộc Quang Trung”- Nguyễn Phan Quang, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2005)
Có 1 hay
2 tướng Ngô Văn Sở?
Cavenui’s blog-11/12/2006
Ngô Văn Sở là 1 viên tướng giỏi dưới quyền Quang
Trung, sự nghiệp thăng tiến vùn vụt trong giai đoạn Bắc Hà. Khi Nguyễn Huệ ra
Bắc giết phản tướng Vũ Văn Nhậm, Sở được phong chức Đại tư mã, cai quản toàn bộ
11 trấn Bắc Hà. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép lời Nguyễn Huệ: “Sở và Lân (Phan Văn
Lân) là nanh vuốt của ta”, chứng tỏ Sở rất được Nguyễn Huệ tin cậy. Khi quân
Thanh vào VN, Sở nghe theo kế Ngô Thì Nhậm, tổ chức rút lui chiến thuật về Tam
Điệp, gọi đại quân của Nguyễn Huệ ra xử lý. Việc rút lui này cũng được Nguyễn
Huệ khen ngợi. Sở tiếp tục cai quản Bắc Hà một thời gian nữa. Sau khi Quang
Trung chết, nội bộ chính quyền vua con Cảnh Thịnh lục đục, Vũ Văn Dũng làm đảo
chính lật đổ thái sư Bùi Đắc Tuyên, Sở thuộc phe Tuyên bị tướng Dũng dìm xuống
sông Hương cho đến chết.
Đó là tư liệu dạng phổ biến nhất về tướng Sở, người
được đặt tên phố ở Hà Nội. Nhưng sự thật dường như phức tạp hơn.
Tạp chí Sông Hương số 25 (tháng 5-6, 1987), nhà nghiên
cứu xứ Huế Phan Thuận An viết bài: “Tướng Ngô Văn Sở không phải là danh tướng
Ngô Văn Sở" cho biết có đến 2 ông Ngô Văn Sở cùng họ tên ở cùng một thời
kỳ, nhưng lại phục vụ 2 chế độ đối kháng nhau. Ngoài đại tư mã Sở đã nói ở trên
(quê Nghệ Tĩnh), Tây Sơn còn 1 viên đô uý Ngô Văn Sở (quê Gia Định) sau ra hàng
Nguyễn Ánh, làm tướng dưới quyền Võ Tánh ở Bình Định, sau khi Gia Long dẹp yên
Tây Sơn, tướng Sở này được giao trấn thủ Thanh Hoa ngoại (Ninh Bình).
Những thông tin này nhà nghiên cứu Phan Thuận An lấy
từ Đại Nam chính biên liệt truyện.
Thế Giới Mới số 50 (2/93) có đăng bài của Vĩnh Định
phản bác kết luận có 2 tướng Sở của Phan Thuận An. Vĩnh Định khẳng định tướng
Sở ra hàng Nguyễn Ánh chính là đại tư mã Sở nổi tiếng kia.
Thứ nhất, Sở Gia Định với Sở Nghệ Tĩnh, theo tác giả,
chính là 1 người.
Dòng dõi tướng này đúng là ở Hà Tĩnh, nhưng mấy đời
trước đã lưu lạc đến Gia Định rồi nhập cuộc chính ở miền Nam. Đại tư mã Ngô Văn
Sở của Tây Sơn ăn cơm tấm nói giọng Gia Định, khi làm tổng trấn Bắc Thành có
gọi họ Ngô ở Nghệ Tĩnh đem đối chiếu gia phả để nhận họ.
Thứ 2, thông tin về Sở bị Vũ Văn Dũng dìm chết trong
vụ chính biến chỉ là 1 nguồn thông tin, các gia phả của họ Ngô ở nhiều nơi đều
nói Sở biết được Dũng mưu hại nên đã ra hàng Nguyễn Ánh và thoát. Quyển Việt
Nam thời bành trướng Tây Sơn của Nguyễn Phương, xuất bản ở Sài Gòn năm 1968
cũng viết: "Họ (tức Võ Văn Dũng) còn mạo chiếu ra Bắc thành xin Quang Thùy
cho Ngô Văn Sở về kinh, nhưng Sở biết trước, đã liệu đầu hàng Nguyễn Ánh".
Theo thuyết của Nguyễn Phương và Vĩnh Định, đại tư mã
Ngô Văn Sở lẫy lừng của Tây Sơn đã ra hàng Nguyễn Ánh và chính là viên tướng
được giao cai quản Ninh Bình, chết già năm 1822, lăng mộ tử tế.
Ý kiến 2 có vẻ ổn hơn ý kiến có 2 tướng Ngô Văn Sở,
nhưng còn 1 điểm gây phân vân. Ngô Văn Sở là danh tướng của Quang Trung
ra hàng Nguyễn Ánh, nếu Ánh không dung thì không nói làm gì, còn nếu dung thì
sao không biết sử dụng tài nghệ của ông ta mà chỉ cho Sở giữ 1 chức nhỏ (nhỏ
đến nỗi mà nhiều sử gia không để ý đến chi tiết có viên tướng Ngô Văn Sở của
nhà Nguyễn theo Đại Nam chính biên liệt truyện)? Liệu giám đốc khu vực của
Microsoft khi đầu quân cho Intel mà chỉ làm 1 nhân viên bán hàng thì có tin
được không?
Vĩnh Định giải thích rằng Sở đã khai man lý lịch, hạ
cấp chức vụ của mình ở Tây Sơn xuống thành đô uý. Nhưng lính Tây Sơn hàng
Nguyễn cũng nhiều, Sở thừa biết là chẳng thể che giấu thân thế mình được lâu,
ông ta làm vậy làm gì? Hơn nữa, về phía Ngô Văn Sở, nếu sau khi thoát chết, chỉ
muốn yên thân thì ông ta không nhất thiết phải hàng Nguyễn Ánh. Còn nếu muốn
trả thù Tây Sơn ngược đãi mình thì lẽ ra ông phải khoe tầm cỡ của mình, hăng
hái xông lên tuyến đầu, trở thành danh tướng cho Nguyễn Ánh mới phải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét