Nghe kể về Mường Lào
Le Tran
Hai’s facebook, từ 29/11/2014 đến
16/2/2015
Theo
lời kể của bạn Bun-mi Vông-vi-chít trên tnxm, bổ sung bằng thông tin từ
wikipedia. Chưa đi Lào bao giờ nên không biết các bạn ấy nói thật hay bốc
phét-ghi lại để sang năm kiểm chứng.
1.Địa
lý-Khí hậu-Hệ động thực vật
Nước
Lào (Mường Lào hay Pathet Lào cũng thế), tên họ đầy đủ Cộng hòa Dân chủ Nhân
dân Lào, là người anh em, người láng giềng gần gũi của Việt Nam, như Bác Hồ
kính yêu đã dậy: “Việt-Lào 2 nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu
Long” (câu thơ bất hủ này còn là 1 bài học địa lý nho nhỏ, cho thấy 2 dòng sông
Hồng và Cửu Long trước khi chảy vào đất Việt có đi qua Lào, à Cửu Long
qua Lào gọi là Mê Kông, các bạn Lào nhăm nhe xây mấy cái đập thủy điện làm Việt
Nam la oai oái, sợ rằng đồng bằng sông Cửu Long bớt màu mỡ-chuyện đó chưa nói
vội).
Nước
Lào nằm ở Đông Nam Á (do đó là thành viên Asean, đoàn thể thao Lào tham dự Sea
Games đều đặn 2 năm 1 lần), phía bắc giáp Tàu Khựa, phía tây giáp Miến Điện và
Thái Lọ, phía nam giáp Cam Bốt, phía đông giáp nước ta, tịnh không có đường ra
biển. Kẻ sĩ ở Thanh Hóa vừa uống nước rau má vừa đọc vè giải thích lý do là vì
ta cắt Thanh Hóa cho Lào nhưng “nước Lào không nhận”, còn nhân sĩ trí thức Hà
Nội vừa uống nhân trần vừa hút thuốc lào (chả liên quan mẹ gì đến nước Lào, gọi
là thuốc lào chẳng qua vì rẻ tiền hơn thuốc lá) thì bảo dù Lào không có
biển nhưng nước này copy mô hình tổ chức của quan anh Việt Nam cũng có chức
danh Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng hải đàng hoàng. Đến khi cố vấn Việt Nam thắc
mắc sao không có biển lại có chức vụ này thì các bạn Lào hỏi lại sao Việt Nam
có chức Bộ trưởng Văn hóa làm cố vấn Việt Nam ớ người ra mà văng tục (vụ này em
ngờ rằng các nhân sĩ Hà Nội cũng chỉ copy lại chuyện tiếu lâm Liên Xô thôi vì mấy
nước đồng minh cũ của Liên Xô như Tiệp với Hung cũng không có biển; sức mấy các
nhân sĩ Hà Nội nghĩ ra được tiếu lâm thâm thúy thế!).
70%
diện tích Lào là đồi núi phía bắc và phía đông (Trường Sơn hùng vĩ-biên giới tự
nhiên Việt-Lào, vượt qua dãy Trường Sơn gió thổi vào Thanh-Nghệ nóng ran do đó
gọi là gió Lào), núi tất nhiên là có rừng, còn rừng là để trồng và để phá. Còn
lại là những đồng bằng ven sông và thung lũng, nơi có thể cày cấy được. Sông
Mekong chảy qua rất nhiều nước nhưng trong số những nước có dòng Mekong chảy
qua, Lào có được đoạn sông dài nhất. Sông Mekong và những chi lưu của nó cung
cấp nguồn cá và tạo nên các đồng bằng hẹp nhưng màu mỡ phù sa, có ích cho nghề
trồng lúa-lương thực chính ở Lào. Nếu không mất mùa do bị thiên tai, thì nhờ thiên
tài đảng bạn, những đồng bằng đó cung cấp đủ nhu cầu lúa gạo cho cả nước. Gần
đây do việc khai thác rừng bừa bãi ở miền bắc, nên thiên tai (lũ) hơi bị nhiều.
Sông Mekong còn là tuyến đường giao thông quan trọng cho tàu bè, xà lan chở
người và hàng hóa. Nhưng cũng cần lưu ý là chỉ hơn nửa đoạn sông Mekong tàu bè
đi được, một số nhánh sông ở miền bắc nước chảy rất xiết vào mùa mưa nhưng lại
cạn trơ đá vào mùa khô, rất khó đi, trừ khi ta là bướm (nước khe cạn bướm bay
lèn đá).
Ngoài
những vùng đồng bằng phù sa trồng lúa như đã nói thì Lào còn có cao nguyên là
những vùng đất bằng phẳng, đáng kể là cao nguyên Xiêng Khoảng (Xieng Khouang)
có ngọn núi Pou Bia cao nhất nước Lào và Cánh đồng Chum (Plain of Jars)- 1 vùng
đồng cỏ xanh tốt có hơn 300 chiếc chum đá khổng lồ hơn 2000 năm tuổi nằm rải
rác. Những chiếc chum này dùng để trữ lúa, ủ rượu hay đựng tro hài cốt thì các
nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chưa có kết luận
cuối cùng. 1 cao nguyên khác là Bolovens cũng trồng được lúa, ngoài ra người ta
còn trồng cây ăn quả như dứa, đào, sầu riêng, rau củ và thuốc lá. Thời Pháp
thuộc ở đây có nhiều đồn điền cao su và cà phê. Bây giờ cà phê vẫn phát triển
tốt, còn các đồn điền cao su thì hoang tàn.
*
Lào
có nhiệt độ từ nhiệt đới đến cận nhiệt đới. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến
tháng 10 với nhiệt độ trên 30 độ. Tháng 11 đến tháng 4 là mùa khô, nửa đầu
(tháng 11-tháng 2) mát mẻ, nửa sau rất nóng, có khi nhiệt độ lên đến trên 34
độ.
Nhiều
lễ hội văn hóa ở Lào gắn với mùa và khí hậu. Ví dụ đầu mùa Mưa có lễ hội Pháo
Thăng thiên (Boun Bang Phay-tháng 5) người ta bắn lên giời những chiếc pháo
khổng lồ để lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống. Còn Tết Lào gọi là Bunpimay
được tổ chức vào tháng 4 hàng năm, cùng với người Thái và Campuchia, là thời điểm
nóng nực cuối mùa khô nên 1 nghi thức không thể thiếu là té nước (nước thơm),
người té người và té cả vào đồ vật, càng ướt thì càng có lộc, ướt sũng rồi vào
nhà người ta chúc tết sẽ được chủ nhà buộc chỉ cổ tay-đấy chỉ là nghỉ thức tiếp
theo.
*
Rừng
Lào có rất nhiều loài cây nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở miền bắc có sồi, thông,
ở miền Nam có xoài, cọ. Do lắm rừng mà ngành lâm tặc ở Lào hiện đang rất phát
triển. Doanh tài nước Việt có rất nhiều anh khai thác gỗ bên Lào, có anh sang
Lào làm xây dựng nhưng không thu tiền mà lấy gỗ đem về. Một dạo BBC tiếng Việt
tố cáo Cty Hợp tác Kinh tế của Quân khu 4 (trụ sở ở Vinh) buôn lậu gỗ, rồi lại
có tổ chức phương Tây Soros tài trợ tố cáo Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức phá
rừng Lào, nhưng những cáo buộc đều bị ta dõng dạc bác bỏ cả.
Một
loài thực vật quý hiếm nữa được trồng ở bắc Lào là cây thuốc phiện. Theo
wikipedia tiếng Anh, số liệu thống kê 1994 cho thấy Lào đứng thứ 3 thế giới về
trồng loại cây này. Ngã ba biên giới Lào-Thái-Miến được gọi là tam giác vàng, 1
thủ phủ của thuốc phiện mà gã trùm Miến Điện Khun Sa đáng kể là 1 tay tuấn
kiệt. Mãi đến 1987 Lào mới hợp tác với Mỹ về kiểm soát thuốc phiện nhưng cho dù
thế thì đất Lào hiểm trở khó đi, ngăn chặn bọn buôn lậu ma túy luồn rừng lách
núi là cực kỳ khó. 1 tay buôn ma túy tầm trung của Lào nhưng rất nổi tiếng ở
Việt Nam là Xiêng Phêng, ngày 21- 6-1996 tay Lào này bị đưa ra pháp trường xử
bắn vì tội đưa ma túy vào Việt Nam. Phút giây thiêng hắn không gọi tên ai 3 lần
mà xin khai 1 tình tiết quan trọng, thế là viên đại úy công an Vũ Xuân Trường
và đồng bọn sa lưới pháp luật, phiên tòa xử Trường được coi là phiên tòa xử tội
buôn ma túy lớn nhất Việt Nam thập niên 1990. Năm 98, Trường bị xử bắn còn
Xiêng Phênh được ân xá trước khi bị công an 2 nước Việt-Lào phối kết hợp bắt
lại lần nữa vì cùng tội danh vào 2012.
Có
nhiều loại thú quý hiếm ở Lào. Trâu và voi được thuần dưỡng để phục vụ người.
Ngày xưa chắc Lào có rất nhiều voi. 1 vương quốc cổ của người Lào tên là Lạn
Xạn (Lan Xang), wikipedia tiếng Anh bảo Lan Xang có nghĩa là triệu con voi (nên
ta gọi Lào là đất nước triệu voi) mà thủ đô Lào tên là Vientianne thấy bảo
chính là Vạn Tượng. Em thấy Lan Xan với Viêng Chăn nghe cũng na ná nhau, còn
chữ Tượng thì từ hồi nhỏ chơi tam cúc em đã biết là voi tiếng Tàu nên em không
hiểu sao lại có tiếng Tàu ở đây, hay chữ Tượng của Tàu có gốc Đông Nam Á,
chuyện đó chắc các nhà khoa học nghiên cứu kỹ rồi nên em không tìm hiểu nữa, cứ
an tâm dạy con zai lớn rằng nước Lào là nước có 1 triệu con voi, trong đó riêng
thủ đô Viêng Chăn có 1 vạn con, các tỉnh thành anh em còn lại có 99 vạn con còn
lại.
Với
tình hình phá rừng như hiện nay thì không thể có những con số triệu-vạn như thế
nữa. Tuy vậy voi vẫn là 1 biểu tượng. Những con voi trắng 1 thời được gắn với
hoàng gia.
Trong
các loài cá ở Mekong có 1 loài cá trê rất quý hiếm, dài từ 2 đến 3m, nặng 300
ký, có lẽ là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Hàng năm vào tháng Tư người
Lào vẫn làm lễ cúng 1 nữ thần được coi là thần bảo hộ cho loài cá này. Rất tiếc
loài cá này, như mọi loài quý hiếm khác, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
2.
Tí ti lịch sử
Lịch
sử nước Lào là thứ em chưa bao giờ quan tâm nên em không biết nước bạn có mấy
nghìn năm lịch sử (lịch sử Việt Nam là thứ em quan tâm mà còn chưa rõ mấy nghìn
năm lịch sử đó mấy nghìn là mấy nghìn, nữa là). Chỉ biết tên nước Lào được sử
ta nhắc đến từ thời An Dương Vương, trong số vài chục giả thuyết khác nhau về
cuộc đời hoạt động cách mạng của An Dương Vương có thuyết ông ấy từng là “bộ
chúa Ai Lao” trước khi kế thừa sự nghiệp vua Hùng lãnh đạo toàn dân tộc Việt.
Đành tìm hiểu sơ qua sử Lào bằng cách tra tạm trên wikipedia, dù biết độ tin
cậy của wikipedia (nhất là wiki tiếng Việt) trong những lĩnh vực này không cao
cho lắm.
Cái
nhìn toàn cảnh về sử Lào có thể đọc ở bài “Lịch sử nước Lào” (1)
Theo
bài này thì Lan Xang chính là Vạn Tượng:
Vương
quốc của người Lào (Vạn Tượng) hiện nay một số sách báo viết là Lan Xang, Lan
Ch'ang (tiếng Pali: Sisattanakhanahut, tiếng Lào: ລ້ານຊ້າງ - lâansâang,
tiếng Trung: 南掌 - Nam Chưởng
hay 萬 象 - Vạn Tượng) nghĩa là "đất
nước triệu voi", được Somdetch Brhat-Anya Fa Ladhuraniya Sri Sadhana
Kanayudha Maharaja Brhat Rajadharana Sri Chudhana Negara (tức vua Phà Ngùm)
thành lập năm 1354.(phần
Vương quốc Lan Xang)
Sau
khi vương quốc Lan Xang tan rã thành 3 tiểu quốc, thì 1 tiểu quốc ở xung quanh
Viêng Chăn (thủ đô Lào ngày nay) lấy tên là vương quốc Viêng Chăn.
Nhưng
nếu click vào vương quốc Viêng Chăn (2) để đọc kỹ hơn, thì lại:
Vương
quốc Viêng Chăn (tiếng Thái: อาณาจักรล้านช้างเวียงจันทน์, tiếng Trung
Quốc: 萬象王國 / Vạn Tượng
vương quốc) là một trong ba tiểu quốc Lào, tồn tại ở miền Trung Lào từ thế kỷ
XVIII đến thế kỷ XIX, kinh đô đặt tại Viêng Chăn.
Có
nghĩa: Vạn Tượng là tên gọi theo kiểu Tàu của Viêng Chăn, chứ không phải là tên
của cả nước Lan Xang.
Mà
sử ta giai đoạn có liên quan đến Vạn Tượng vương quốc anh em thì vẫn nói nước
Vạn Tượng cho vuông vắn giống chữ thánh hiền chứ không uốn éo giun dế kiểu
Viêng Chăn.
Nên
em chưa kết luận: Vạn Tượng, Lan Xang, Viêng Chăn, cái nầu là cái nầu. Có thể
bọn Tầu nó trịch thượng gọi cả nước Lầu là Viêng Chăn (Vạn Tượng), giống như ta
bây giờ vẫn viết “Moskva bực bội trước các diễn biến ở Ukraine” hay “Washington
sa lầy ở Iraq” thì mấy thành phố-thủ đô ám chỉ cả nước. Đoán chơi thôi, không
biết đích xác, mà chẳng cần biết đích xác làm gì.
*
Phàm
là 2 nước cạnh nhau, có biên giới dài, mà lịch sử cũng dài, lẽ tất dĩ ngẫu phải
có xung đột.
Đọc
lướt rất nhanh vài đoạn sử Lào trên wikipedia cũng tóm được vài đoạn nước bạn
với nước mình có chiến tranh, mà toàn rơi vào thời vua mình là minh quân tiến
bộ cả: Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Quang Trung (cũng như mỗi khi có chiến tranh
Việt-Trung thì đứng đầu phía bên xâm lược đều là những nhân vật không hề xoàng
xĩnh, như Vương An Thạch, Càn Long, Đặng Tiểu Bình…)..
Liệt
sĩ chống Lào nổi tiếng nhất là Lê Thạch, cháu của Lê Lợi, người được đặt tên
phố ở gần tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội. Đấy là giai đoạn Lê Lợi chưa có tính
chính thống, mới chỉ là thủ lĩnh nhóm Lam Sơn chống lại quân Minh đô hộ, Lào
đem quân sang giúp Minh.
1
cuộc chiến tranh rất to giữa Lào và Đại Việt diễn ra thời vua Lê Thánh Tông
(1478-1480) có dính dáng đến chuyện cống nạp voi trắng, quân Đại Việt tấn công
vào thủ đô nước bạn. Sử Việt ghi là ta thắng lợi rút về sau khi buộc bạn phải
thần phục, sử bạn bảo ta bị quân dân bạn đánh cho tan tành, còn sử Tàu thì
khách quan nhưng lại vì bàng quan nên vắn tắt. (3)
Cuộc
xung đột giữa Quang Trung với nước Vạn Tượng sau này thì lại do Vạn Tượng ủng
hộ những lực lượng được coi là chính thống (hoàng thân nhà Lê: Lê Duy Chi) để
chống lại Quang Trung mà họ coi là tiếm quyền. Ức chế, Quang Trung sai Trần
Quang Diệu tấn công vào thành Viên Chăn, dạy cho vua tôi Vạn Tượng 1 bài học.
Nhìn
chung chiến tranh tất nhiên có chiến lợi phẩm là đất cát, song ở những cuộc
chiến Việt-Lào nếu Việt thua không tính, còn nếu Việt thắng thì chủ yếu chỉ để
ép vua Lào chịu làm chư hầu ngoan ngoãn chầu cống, đất đai tước đoạt cũng có
nhưng chỉ tí ti, về cơ bản bản đồ Việt Nam thời Bà Trưng Bà Triệu so với bản đồ
Việt Nam thời Bác Hồ Bác Tôn, biên giới phía tây không có gì thay đổi nhiều
lắm.
Người
Việt không lấy quá nhiều đất của người Lào, do vậy mà khác người Đông Âu với
Nga, người Việt với Tàu, người Khơ-me với Việt…, người Lào không nuôi mối hận
truyền đời với Việt Nam.
*
Đến
giai đoạn Pháp chiếm Đông Dương, cả Lào cả Việt thì tình đoàn kết keo sơn
Việt-Lào càng thêm gắn bó.
Khi
các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập vào năm 1930 vâng lời đệ tam quốc tế chấn
chỉnh những lệch lạc tiểu tư sản dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc thì đảng
Cộng sản Đông Dương đã ra đời, thế chỗ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những
đồng chí người Lào của đảng Cộng sản Đông Dương có 1 đồng chí trong hoàng tộc,
hoàng thân Souphanouvong. Đồng chí này tốt nghiệp cầu đường bên Pháp, về Đông
Dương (thuộc Pháp) làm việc, từng làm kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha
Trang, từng thiết kế 7 công trình thủy lợi trên đất Việt, rồi được Bác Hồ dìu
nhẹ vào con đường cộng sản. Vợ đồng chí ông hoàng là 1 người Việt Nam, bà
Nguyễn Thị Kỳ Nam. Lấy vợ Việt về sau đã trở thành 1 thuộc tính của nhiều đồng
chí cán bộ Lào, nhưng không phải đồng chí nào cũng có duyên lấy được vợ Việt,
có đồng chí cách mạng hẳn hoi, hoàng tộc đàng hoàng, mê nữ văn công Việt cộng
nhưng cưa mãi mà bà danh ca không chịu đổ (em lười google nên không nhớ chính
xác là bà Khánh Vân hay bà Tường Vy).
Ông
hoàng Souphanouvong lãnh đạo phong trào Pathet Lào theo cộng sản tranh hùng với
2 ông hoàng khác, 1 người theo Mỹ, 1 người trung lập là Boun Oum và Souvana
Phouma, trong đó Souvana Phouma với Souphanouvong là 2 anh em cùng cha khác mẹ.
Báo chí phương Tây từng gọi cuộc nội chiến Lào là cuộc chiến của 3 ông hoàng.
Tuy
nhiên người Lào nổi tiếng nhất trong chiến tranh Đông Dương lại không phải ông
hoàng nào mà là “tướng phỉ” Vàng Pao dân tộc Mèo, cưỡi ngựa bắn súng leo trèo
đều giỏi mà thổi khèn thì cực kỳ lả lướt, cầm đầu những chiến binh người Mèo
(Mẹo, H’mong) tẩn nhau tưng bừng với Nhật, Pháp và sau này là cộng sản
Việt-Lào. Vàng Pao chết già bên đất Mỹ, giấc mơ về 1 quốc gia riêng của người
Mèo không biết bao giờ mới thành.
Trong
giai đoạn chiến tranh Đông Dương này, cộng sản Bắc Việt rất quyết liệt mượn
đường Lào để thâm nhập miền Nam. Nên có những chiến dịch đã được đưa vào sách
giáo khoa như chiến dịch đường 9-Nam Lào và có một loạt bài hát được các bác
lãnh đạo tầm trung (thứ trưởng, vụ trưởng) hát karaoke say sưa sau mỗi dịp tổng
kết, như bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến
Duật, mở đầu bằng “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”) và 1 bài hát mở đầu
bằng “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” (bài Sợi nhớ sợi thương, nhạc Phan Huỳnh
Điểu, phổ thơ Thúy Bắc). Và khi thay tổng thống bất tài Johnson, Nixon đã ngay
lập tức mở rộng chiến tranh sang đất Lào.
Ngay
sau khi đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược trên toàn cõi Đông Dương, những người cộng
sản Đông Dương đã quay súng bắn vào nhau. Khmer Đỏ ở Campuchia theo Trung Quốc
đánh vào đất Việt thì những người cộng sản Lào theo lớp trưởng Việt xin học
thầy Liên Xô. Và con đường Lào cứ na ná con đường Việt Nam: chi tiết thế nào
các bác đã biết.
Ngày
nay, Lào cùng với Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Bắc Triều tiên làm nên ngũ vị
hương XHCN cuối cùng trên bàn nhậu thế giới.
Cái
thời Việt-Trung hiềm khích các bạn Lào theo Việt Nam cuộc bỏ Trung Quốc, bây
giờ Việt Nam mở thị trường cho TQ thì không có lý do gì những người Tàu không
thể là những nhà đầu tư được trân quý ở Lào. Cả TQ và VN cùng có ảnh hưởng ở
Lào, cùng có “người mình” ở bên Lào, nên vỉa hè xì xầm cũng nhiều chuyện, mới
nhất là chuyện máy bay quân sự rơi năm 2014, đi nguyên 1 dàn tướng tá thân Việt
Nam, chuyện này lề trái bình luận rất hay, nhưng thôi, ai lại đi nghe thế lực
thù địch. Còn chuyện Lào xây đập Sayaburry làm thủy điện, Việt Nam không ưng
cái bụng thì quan ngại, việc xây đập là cần thiết cho đảng em nhân dân em thì
xin lỗi bác em vẫn phải làm, đó là cái lý của người Lào, không cãi được.
*
Lịch
sử Lào cũ, dường như dan díu với phía tây (Thái Lan, Miến Điện) nhiều hơn phía
đông (Việt Nam), tuy nhiều lúc thần phục giả vờ đối với Đại Việt nhưng giữ vững
nền độc lập, duy trì “phong tục Đông-Tây rất khác”, người Lào chịu ảnh
hưởng của văn hóa Ấn Độ (qua đường Thái) nhiều hơn văn hóa Trung Quốc (qua
đường Việt Nam). Phật giáo ở Lào do vậy là Phật giáo xịn, người Lào theo đạo
Phật không phải để cầu Phật phù hộ cho con thăng quan tiến chức, đi buôn bịt mắt
được thằng thuế với thằng hải quan như người Việt Nam.
Lịch
sử Lào mới, tuy gắn bó với Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng có lẽ do ảnh hưởng
Phật giáo sâu đậm mà người Lào có bản tính hiền lành. Là 1 trong 5 nước XHCN
cuối cùng, nhưng khác với 4 nước còn lại, Lào rất ít khi xuất hiện trên tin tức
thời sự quốc tế. Chuyện bạn Khoa kể tuần trước về việc để xe máy qua đêm không
lo mất, em tin là thật. Người Lào không quyết liệt ganh đua, không sấn sổ với
đời, nhà sư Lào nếu có Iphone 6 thì lẳng lặng dùng chứ không up ảnh lên
facebook để khoe, em cũng tin là thật nốt.
3.Kinh tế
Có
nhiều nội dung nhạy cảm nên không post lên facebook
4.Văn Thể Du
Lần
lữa mãi không viết phần 4 vì không biết có gì để viết. Thôi cố tập viết về cái
thứ mình không biết tí tẹo gì, tập làm cán bộ tuyên huấn một phen xem sao.
Văn
Thể Du. Có 1 chữ Văn, trước hết là Văn Học.
Nền
văn học Lào, cũng xêm xêm như văn học Việt Nam, không lớn và không nhỏ.
Không
lớn là bởi, tương tự như hỏi 1 người yêu văn học ở Tuy-ni-di có biết gì về văn
học VN chắc chắn sẽ nhận được 1 cái lắc đầu, thì khi ta hỏi 1 người yêu văn học
ở Thổ nhĩ kỳ có biết gì về văn học Lào không, phản ứng cũng hoàn toàn tương tự.
Chạy
ra hiệu sách xem văn học Lào có gì trên giá, chỉ thấy 1 cuốn dày dày nghiên cứu
văn học dân gian Lào được viết bởi 1 nghiên cứu viên người Việt và 1 cuốn cực
kỳ mỏng kể chuyện cổ tích Lào bên cạnh những chuyện cổ tích Mã Lai, In Đô, Myan
Ma các thể loại đất nước anh em. Tác giả cuốn dày nếu là 1 gã Tây lông em có
thể tin được độ một nửa (trừ hao một phần tư khệnh khạng ngu si thực dân da trắng
và một phần tư thảm họa dịch thuật của người Việt) nhưng tác giả là dân khoa
học xã hội Việt đã thế đề tài lại có vẻ dự án cần giải ngân thì em chẳng cần
đọc cũng biết trong sách có gì. Cuốn mỏng miễn bàn, sau này nếu thất nghiệp
túng tiền, khỏe em đi làm xe ôm, yếu thì em gia nhập đội ngũ viết lách, bịa ra
chuyện cổ tích Ghi nê xích đạo, chuyện cổ tích Guy A Na, chuyện cổ tích Băng La
Đét in thành sách chẳng ai biết đấy là đâu, dễ như thò tay lấy đồ trong túi.
Tóm lại, văn học Lào trên giá sách Việt là 1 con zê rô xinh xắn.
Nhưng
văn học Lào cũng không nhỏ. Không nhỏ là bởi nếu người yêu văn học Việt Nam có
thể tự hào với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu (he he), có người
như bác Trần Mạnh Hảo xưa mắng SGK hỗn khi bảo văn học nước nhà không lớn vì
“Nguyễn Du mà không lớn à”, thì, người yêu văn học Lào chắc chắn cũng có thể tự
hào với dăm bảy văn thi sĩ dân tộc họ theo cách hoàn toàn tương tự.
Không
nhỏ còn bởi tra gú gồ một cách thô kệch nhất là theo từ khóa “văn học Lào” thì
cũng đã ra kha khá tin bài.
Chẳng
hạn:
Phật
giáo và ảnh hưởng của nó đối với văn xuôi Lào hiện đại (Trần Thúc Việt)
Các
thể thơ dân gian Lào (Đào Thị Diễm Trang)
Vân
vân.
Em
không dẫn link đâu, các bác tra là thấy.
Đọc
lướt vài bài thấy ngay nước Lào dù cũng có biên giới với TQ như nước mình nhưng
khác với văn học mình bốn ngàn năm háo hức chữ vuông kính cẩn thờ Khổng thì văn
học Lào lại chịu ảnh hưởng từ Tây phương tây trúc: Phật-Ấn-Thái.
Các
bạn Lào sùng Phật nên mới có chuyện:
“Ở Lào, chưa ai dám nhận mình là nhà phê bình và cũng chưa có một
cuốn sách về lý luận phê bình nào được xuất bản”-lời bà Phiulavanh Luangvanna,
chủ tịch Hội Nhà văn Lào nói với báo TT&VH năm 2012 (1).
Đúng rồi, với 1 dân tộc hiền lành sùng Phật thì khó hình dung có
ông nào vỗ ngực “tôi muốn làm thằng phải gió trong phê bình”, có ông nào viết
sách “Bàn phím và cây búa” hay có ông nào ấm ức tôi đã phang chết bỏ mấy thằng
văn sĩ lề trái sao không được vào Hội Nhà văn?
Mình
chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì các bạn Lào chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Cụ Nguyễn Du nhà
mình mượn tích truyện hạng 3 của Thanh Tâm Tài nhân bên Tàu Khựa làm thành lục
bát đỉnh cao cho các bà mẹ mù chữ đọc xuôi đọc ngươc bói toán linh tinh thì Lào
mượn tác phẩm đỉnh cao của Ấn là sử thi Ramayana để Lào hóa nó thành Pra Lak
Pra Lam. Cụ Du nhà mình vẫn giữ bối cảnh Trung Hoa chứ các bạn Lào có tinh thần
dân tộc triệt để hơn, nên mới để cho câu chuyện xảy ra dọc theo thung lũng sông
Mê Kông trên đất Lào.
Thử
tưởng tượng cụ Du cũng bắt chước các bạn Lào xử lý Ramayana để Việt hóa truyện
nàng Vương Thúy Kiều thế này:
Rằng
năm Gia Lõng triều Nguyên (Gia Long triều Nguyễn)/Bốn phương phẳng lặng hai
miên (miền) vững vàng/Có nhà viên ngoại họ Phan/ Gia tư nghỉ cũng tàng tàng bậc
trung…
Xong
rồi:
Đầu
lòng hai ả tố nga/ Thị Kiều là chị em là Thị Vân.
Cũng
có tí sướng.
*
Lào
không chỉ không có môn lý luận phê bình văn học, mà nhiều môn văn nghệ mới nữa
cũng ở tình trạng phát triển rất sơ khai. Một bà chánh văn phòng hội mỹ thuật
Lào kể chuyện bà tôn 1 họa sĩ Việt Nam làm thầy, mà ông họa sĩ Việt Nam đó, nói
thật cũng chả nổi tiếng lắm (2). Cho đến cách đây vài năm, đọc báo thấy vẫn bảo
Lào không có nền điện ảnh, chưa tự làm được 1 bộ phim nào, liên hoan phim bên
Lào toàn chiếu phim Thái, phim Ấn, phim Tàu. Thập niên 80 nhà nước mới lập đoàn
kịch nói đầu tiên. Còn dân chơi Viêng Chăn toàn đi vũ trường nghe nhạc Thái.
Đại loại thế. Hỏi 1 bạn Lào sao chúng mày đuội thế thì bạn bảo ngày xưa vua
chúa nước mày đại phá Chiêm Thành bắt mấy thằng tù binh Chiêm về múa hát cho
vua xem thì bọn tao giờ chẳng cần đánh nhau với ai cũng bắt được bọn Thái hát
pop rock cho bọn tao nghe, bọn Ấn làm phìm cho bọn tao tiêu khiển. Thế thì bọn
tao kém đek gì vua Đại Việt.
Ừ
cũng có tí có lý.
*
Văn
hóa văn nghệ mới thế thôi, chứ văn nghệ dân gian Lào không coi thường được đâu,
dù chúng ta không biết nhiều về nền văn nghệ ấy.
Nhờ
sự hà hơi tiếp sức của cả ngành công nghiệp giải trí khổng lồ Âu-Mỹ mà nhạc dân
gian Mỹ đen Mỹ trắng, xen-tích Ái Nhĩ Lan lan khắp thế giới, nghe mãi cũng thấy
hay.
Nhạc
dân gian Lào không có điều kiện như vậy nhưng hình như thế hệ em ai cũng biết
bài Hoa đẹp Chăm-pa (sol mì sol do) lả lướt.
Việt
Nam chẳng có điệu múa nào ở tầm quốc gia, Lào có múa lăm vông, gọi là múa chứ
không gọi là nhảy vì rất chú trọng đến các động tác của bàn tay. Người múa đứng
thành 2 vòng tròn mà phụ nữ ở vòng trong (làm em liên tưởng đến đàn trâu khi
đánh nhau với hổ sói thì những con yếu đứng trong con khỏe đứng ngoài hehe).
Những đêm discotheque ở Lào tất nhiên là nhảy nhạc Tây nhưng để trọn vẹn thì
phải có 1 bài múa lamvong, chưa kể màn múa này còn được dùng thường xuyên trong
các lễ hội.
Nhưng
so sánh văn hóa cổ xưa Lào với Việt tốt nhất là cứ nhìn vào kiến trúc. Ta có
gì, có cái chùa Một Cột mà cái cột còn to hơn cái chùa. Lào có gì, có chùa
(Wat) Xieng Thong, chùa Mai, có vườn tượng Phật, có khải hoàn môn Patuxay, đẹp
cầu kỳ kinh hãi cả.
Thế
nên nếu Lào mà mạnh mà giàu thì vị thế văn nghệ Lào nhất định sẽ khác.
Mà
cái sự mạnh giàu đó phụ thuộc vào bài số 3-bài em không post lên đây.
*
Đọc
sách thấy bảo môn thể thao yêu thích nhất bên Lào là cầu mây (hình như nàng
Thúy Vinh chị hay em nàng Thúy Hiền ủ su ngày xưa, trước khi gia nhập làng
showbiz có chơi môn này), nhưng vì nó không thân thuộc với người Việt lắm nên
em next. Chuyển sang môn bóng đá.
Cho
dù bầu Đức có đầu tư khá nhiều tiền vào môn bóng đá Lào (để làm gì miễn hỏi)
thì bóng đá Lào về cơ bản vẫn nằm ở vùng trũng của cái vùng trũng bóng đá Đông
Nam Á, thậm chí kém cả bóng đá Việt Nam vài bậc. Song Lào cũng tham gia đầy đủ
các cuộc đấu ở khu vực, giải bóng đá Đông Nam Á năm chẵn với cả thế vận Sea
Games năm lẻ, không thiếu năm nào.
Bóng
đá Lào, với Việt Nam, có 2 kỷ niệm đáng nhớ.
Hồi
Tiger Cup năm 1996, đội Việt Nam được đánh giá là mạnh (vừa đoạt HCB Sea Games
năm trước) nhưng nội bộ lủng củng (do LĐBĐ VN ghét HLV Weigang) đá chật vật mà
không thắng nổi Lào. Ông HLV Weigang nổi khùng hỏi các cầu thủ đứa nào bán độ
và đòi đuổi thẳng cổ một vài ngôi sao (trong đó có công chúa Hồng Sơn) về nước,
căng thẳng lắm. Chẳng hiểu ông trưởng đoàn bóng đá khi ấy là Tô Hiền lôi ở đâu
ra 1 quả khế (quê hương là chúm khế ngọt) rồi khích tướng chi đó (báo viết thế,
chẳng biết thật giả) mà nội bộ đoàn kết trở lại, cuối cùng cũng đoạt HCĐ.
1
năm sau là Sea Games. HLV Việt Nam là ông Murphy người Anh, đội Việt Nam sau
trận thua Malaysia và hòa Indonesia gần như không còn cửa đi tiếp. Thế quái nào
mà đội Lào yếu kém lại thắng được Malaysia (cầu thủ ghi bàn cho Lào là
Kẹo-la-khôn), cứu được ông anh Việt Nam khỏi cảnh bị loại. Tụi trẻ đua xe máy
Việt kéo nhau đến sứ quán Lào mua lăm vông cả đêm.
Những
năm tiếp theo còn chuyện nào hay nữa không, em không quan tâm đến bóng đá nữa
nên không biết.
*
Du.
Tết
này em sẽ đi du lịch Lào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét