Nguyễn Trãi, Lương Đăng và âm nhạc
Cavenui’s blog-19/2/2012
Vụ bất đồng giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng-2 nhân
vật phụ trách Ủy ban Nhà nước về soạn thảo Lễ nhạc thời Hậu Lê được đời nay
diễn giải theo những cách khác nhau.
Đầu tiên Cavenui lôi sử ra chép đã. ĐVSKTT-Bản kỷ- quyển
XIX, file pdf download được từ trang viethoc, search Lương Đăng ra ngay những
thông tin cần tìm (loại đi 2 tin liên quan đến ông Lương Đăng Quang)
Đinh Tỵ, Thiệu Bình năm thứ tư (1437)
…
Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ Ty giám Lương Đăng
đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa
…
Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng
“Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng
là lúc nên
làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững,
không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn
của nhạc.
Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm
sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật , khó được
hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận
buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”.
Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy
đá ở núi Kinh Chủ để làm.
….
Tháng 5, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng:
“Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu định nhã
nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại
công việc được sai”.
Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo,
chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng sớ thư đại ý nói:
“Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời,
cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày chính đám, thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc
áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ
chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng,
đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ.
Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung
thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc
thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự, nhạc cứu khi có nhật thực,
nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc
dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lỗ bộ đại giá, như xe kiệu
thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ, có cửu long dư, thất long dư, có bộ liễn, có
phi liễn; về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kỳ, mao
tiết, chương phiến, long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu
cũng đều có quy định cả,thần không thể chép hết được”.
Thư ấy dâng lên, vua sai Lương Đăng định ra các quy chế.
Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại để, quy chế do Đăng và
Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chổ bàn về số lượng, trọng lượng
các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi
xin thôi việc đó.
….
Tháng 8
Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:
“Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái
Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng,
Tiên đế cho là người hơi hiểu biết, dùng làm Nội nhân phó
chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay
lại thấy hắn làm quan xin bệ hạ nghĩ lại”.
….
Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng
nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh mà làm.
Trước Đăng và Nguyễn Trãi đã vâng mệnh soạn định nhã
nhạc. Trong đó, nhạc ở trên có 8 loại thanh âm như: trống keo lớn, khánh chùm,
chuông chùm, đặt các loại đàn cầm, đàn sắt, sênh, quản,thược, chúc ngữ, huân
trì. Nhạc ở dưới điện thì có phương hưởng treo, khống hầu.
….
Tháng 11
Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh
tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều đại yến .
Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại
triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều
phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.
Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn
Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu
rằng:
“Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm,
được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẽ hoạn quan
Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao!
Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không
dựa vào đâu cả, như đánh trống là báo giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu
rồi mới đánh.Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung,
rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi
năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần
đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa
Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng,
nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi
gì?. Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước,
quy chế xưa làm như thế hay sao?. Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu
dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các
quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao?. Vả
lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm”.
Đăng tâu: “Thần không có học thức, không biết quy chế cổ,
các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban
hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền”.
Nguyễn Liễu tâu rằng: “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có
cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này”.
Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:
“Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại
thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”.
Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong,
tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chử vào mặt, đày ra châu xa.
…. Hết chép.
Các nhà văn hóa trong nước gần như thống nhất với nhau
rằng, trong vụ bất đồng này, anh hùng dân tộc-nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi đại
diện cho phái bảo tồn văn hóa dân tộc, còn hoạn quan Lương Đăng đại diện cho
phái văn hóa lai căng, vọng ngoại, cụ thể là vọng Tàu đáng ghét.
Ví dụ vài ý kiến như sau:
Kiều Văn
Nguyễn Trãi còn là người am tường về âm nhạc. Ông được
vua Lê Thái Tông giao cho nhiệm vụ cùng với Lương Đăng soạn ra quốc nhạc và lễ
nhạc của triều đình. Ông có một chủ trương cực kì sáng suốt: quốc nhạc Đại Việt
phải được xây dựng trên nền tảng âm nhạc dân tộc truyền thống của Đại Việt…
Trong khi đó Lương Đăng lại đưa ra một chủ trương hết sức ngu xuẩn: lấy quốc
nhạc có sẵn của Trung Hoa làm quốc nhạc của nước ta! Nguyễn Trãi quyết liệt
phản đối chủ trương ấy, do đó xảy ra mâu thuẫn không thể hoà giải được với
Lương Đăng. Rốt cuộc Nguyễn Trãi xin rời triều về trí sĩ ở Côn Sơn. (1)
GS Trần Quốc Vượng
Nhưng cuộc tranh luận giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng về
việc soạn nhạc cung đình, sự bất đồng ý kiến sâu sắc giữa hai người, việc
Nguyễn Trãi xin rút khỏi việc soạn nhạc, việc Lương Đăng hoàn toàn mô phỏng
nhạc thể và nhạc cụ triều Minh trong việc soạn nhạc cung đình triều Lê đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự
tiến triển của tình trạng nhị nguyên văn hoá giữa cung đình và dân gian. Nhà Lê
nhất là từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), về chính trị thì củng cố chế độ trung
ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho
giáo,bài xích Phật, Đạo và tín ngưỡng dân gian, về văn hoá thì xa rời vốn liếng
dân gian…
(2)
GS Trần Văn Khê
Trong lúc làm việc với Lương Đăng có nhiều điểm bất đồng
giữa 2 người. Lương Đăng có ý chép y lại những qui định nhạc cung đình của nhà
Minh, đặt ra 2 dàn nhạc Đường Thượng Chi Nhạc tấu trên cung điện, và Đường Hạ
Chi Nhạc tấu dưới sân đình. Dàn Đường Thượng Chi Nhạc gồm 8 loại nhạc khí thuộc
về 8 âm (Bát âm) giống như dàn nhạc Triều Hạ Yến Hưởng Chi Nhạc của nhà Minh,
chỉ khác số nhạc khí được dùng trong biên chế.
…
Nguyễn Trãi mặc dầu không đồng ý với cách sắp đặt của
Lương Đăng, không chỉ trích biên chế của dàn nhạc và các loại nhạc. Nhưng khi
hành lễ thì những chi tiết trong cách tấu nhạc có nhiều điểm rất sai, Nguyễn
Trãi với sự đồng tình của một số quan trong triều đình như Tham Tri Bạ Tịch,
Nguyễn Tuyền, các quan Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham Nghị Nguyễn Liễu,
đã dâng sớ….
…
Khi xưa vì một Lương Đăng mà nhạc cung đình nhà Lê không
được xây dựng vững chắc. Ngày nay, trong những việc tổ chức âm nhạc tại nước
Việt, chúng ta cũng phải tránh để đừng có những “Lương Đăng” vọng ngoại và coi
thường nhạc cổ truyền Việt Nam. (3)
Nhà văn Trần Thị Trường:
Đọc lại lịch sử thời Lê, ta thấy Nguyễn Trãi và Lương
Đăng, người thì dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh (Trung Hoa),
người thì làm mới trên cơ sở cái cũ mang cốt cách truyền thống dân tộc. Những
gì Nguyễn Trãi đưa ra muôn đời được nhớ, những gì Lương Đăng làm mới nhưng mất
gốc đã bị tẩy chay và lãng quên. (4)
Nếu căn cứ vào Nguyễn Trãi từng cáo: phong tục Bắc-Nam
cũng khác, căn cứ vào việc ông làm nhiều thơ Nôm, căn cứ vào tinh thần ái quốc
không thể phản bác ở ông, căn cứ vào chi tiết dâng khánh đá thì có thể nghĩ như
các nhà văn hóa liệt kê ở trên. Tuy nhiên những căn cứ này không thể hiện trực
tiếp trong vụ tranh cãi, nên có nhà nghiên cứu lại có ý kiến khác.
Sử gia độc lập Tạ Chí Đại Trường viết:
Sự xung đột giữa nho thần và hoạn quan có lúc đi đến chỗ
khôi hài điếng người như trong câu chuyện xảy ra dưới triều Càn Long đã kể. Tuy
nhiên sự khinh miệt của nho thần cũng dẫn đến phản ứng của hoạn quan khi thấy
những người kia có thành kiến quá quắt, không hiểu cả lí lẽ bình thường. Trong
cuộc tranh chấp về lễ nhạc giữa nhóm Nguyễn Trãi và Lương Đăng (1437), Tham
nghị Nguyễn Liễu chê hoạn quan không đủ khả năng, không hiểu phép xưa (như của
Chu Công), phép nay (như của nhà Minh), nên làm sai lệch cả. Lương Đăng, với
quan điểm ngày nay thì chắc là làm theo “tinh thần dân tộc có sáng tạo” chế
biến, nên nhũn nhặn xin dành quyền quyết định cho vua. Nguyễn Liễu sợ Thái Tông
nghe lời, liền phản kháng trước: “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan
phá hoại thiên hạ như thế này”. Thế là tranh chấp tổ chức văn hoá trở thành sự
kèn cựa phỉ báng riêng tư tập thể. Đinh Thắng từ trong bước ra mắng: “Hoạn quan
làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”.
Ông văn quan đa sự hay chữ, hú hồn vì thoát khỏi bị chém đầu, nhưng mang chữ
thích vào mặt, những ngày tàn nằm ở châu xa hẳn phải ân hận về cơn cường ngạnh
bảo vệ Thánh giáo của mình. Cũng nên lưu ý rằng Đinh Thắng là người đã có lòng
can ngăn Nguyễn Trãi chớ đem Thị Lộ vào cung làm vây cánh, hành động đã khiến
ông thái giám này chết (1442) theo ông Hành khiển đối thủ trong cuộc tranh cãi
trên.
(Sử Việt đọc vài quyển-Tạ Chí Đại Trường) (5)
Chính sử quan cũng tỏ ra ngầm đứng về phía Trần, nghĩa là
xung đột không phải chỉ ở trên tột đỉnh quyền bính mà còn ở đám văn quan gốc
trung châu tự phụ ở kiến thức Nho hoá cao hơn, và nhóm văn quan gốc Lam Sơn
mang dấu vết bản xứ hơn. Nổi bật là sự tranh chấp về quy định nhã nhạc cho
triều mới, giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng. Sự thắng bại của phe nào cũng lại
tuỳ thuộc vào tình thế đương thời. Phép thiết triều của Lương Đăng tuy bị công
kích dữ nhưng vẫn thắng thế. Có sự nhường nhịn khi Nguyễn Trãi dâng khánh đá
được chấp nhận nhưng khi tranh cãi gay go thì phe văn thần trung châu được nhắc
cho biết quyền lực là ở nơi đâu: Tham nghị Nguyễn Liễu bị xử “tội đáng chém
nhưng được lệnh riêng cho thích chữ vào mặt, đày đi châu xa.” Cũng thắng thế là
nhóm người đem tin tưởng thần bí (như cứu mặt trăng, mặt trời) vào một triều
đình còn vua quan với sinh hoạt cũ xưa (vua cầm cung bắn chim, quan còn chăng
lưới săn trên đất kinh kì.) Tuy nhiên nhóm trung châu lại thắng thế khi viện
dẫn tinh thần Nho giáo trên đồng bằng như khi xin cấm lối hát bá cổ, níu chân
tay trên đất Thanh Hoá, xin cho công thần khỏi theo “quốc tính” / họ Lê để trở
về họ của tông tộc mình…
(Bai sử khác cho VN-chương 9) (6)
Như vây theo Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Trãi thuộc nhóm
nho thần, nhóm văn quan trung châu có kiến thức Nho hóa cao hơn, còn gọi
là nhóm Trần (Nguyễn Trãi là cháu ngoại quan lớn nhà Trần, thuộc giới
thượng lưu trí thức, khác hẳn nhóm Lê Sát bần cố nông ít chữ được tôi luyện qua
trận mạc). Nhóm Trần này hiểu Nho hơn, hiểu Hoa hơn, còn hoạn quan ít chữ
Lương Đăng thuộc nhóm bần nông hơn, dân dã hơn, bản xứ hơn. Họ Tạ còn viết thẳng
phép đặt nhạc của Lương Đăng là ”theo tinh thần dân tộc có sáng tạo”.
Sự đảo tuyến này (chính phe Lương Đăng mới là phe dân
tộc) chúng ta không thích, nhưng nếu đọc bản sớ của nhóm Nguyễn Trãi, Đào Công
Soạn thì có vẻ như vậy.
Chính nhóm Nguyễn Trãi chê Lương Đăng làm nhạc không
giống quy định nhà Minh:
Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa
Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng,
nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi
gì?
Đặc biệt nhóm Nguyễn Trãi phản biện việc đưa yếu tố phi
Nho phi Hán vào trong lễ nhạc Lương Đăng:
Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm
tràng hạt của nhà sư.
Còn bám vào câu
Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng
nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh mà làm.
Mà cho rằng Nguyễn Trãi phản bác Lương Đăng là phản bác
việc mô phỏng quy chế nhạc Minh thì e là không đúng. Cả Nguyễn Trãi và Lương
Đăng cùng được giao nhiệm vụ làm nhạc phỏng Minh, tất nhiên là chỉ phỏng thôi,
có yếu tố khác. Nguyễn Trãi không chỉ trích biên chế của dàn nhạc và các loại
nhạc (như GS Trần Văn Khê đã nhận xét) chỉ phản bác việc ”Nhưng khi hành lễ thì
những chi tiết trong cách tấu nhạc có nhiều điểm rất sai”, sai ở đây là sai với
quy cách Minh.
Đối chiếu với đời nay, những ông nhạc sĩ học hành tử tế
sành điệu am tường văn hóa các kiểu (đồng giới với Nguyễn Trãi) có thể nức nở
khen cô Whitney Houston có thanh đới mạ vàng, chứ những cô cave, những anh đạp
xích lô và kể cả những anh làm to nhưng ít chữ (đồng giới với Lương Đăng) chỉ
thích nức nở kiểu Tuấn Vũ thôi, sẽ thấy sự phân tuyến của Tạ Chí Đại Trường là
có cơ sở.
Mà thời Nguyễn Trãi, thế giới bên ngoài đối với các cụ,
chưa có nước Mỹ của cô Whitney Houston, chỉ biết có nước Trung Hoa của ông Đỗ
Phủ thôi.
Lịch sử là những gì đã xảy ra chứ không phải là thứ ta
muốn nó phải xảy ra.
(2) http://thuvien.maivoo.com/Nhan-Vat-Lich-su-c16/Nguyen-Trai-trong-boi-canh-van-hoa-viet-nam-d3874
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét