Mật
mã Nguyễn Du
Cavenui’s blog, từ
4 đến 20/7/2006
Thăng Long tuy
không phải là 1 diễn đàn chuyên về văn học nhưng ơn giời cũng chứng kiến sự ghé
chơi của một số gương mặt đang lổi trong làng văn, đủ các trường phái văn học
từ hồng hồng tím tím, hậu hiện đại đến tụt quần. Thế mà cavenui lại đi bàn
chuyện Nguyễn Du- 1 Nghệ nhân (người xứ Nghệ Tĩnh) có tên trong sách giáo khoa
dành cho tuổi teen kể cũng hơi âm con bà nó lịch.
Thật ra thì nhà
em xưa nay quan tâm đến phố Nguyễn Du nhiều hơn là bản thân Nguyễn Du, chỉ
thuộc độ dăm bảy câu Kiều và biết đại khái rằng thì là so với nền văn học tí
hon 4000 năm nước nhà, cuốn Kiều của ông cụ này có 1 cái giá trị được nhiều
người coi là vô cùng to tát. Văn chương thi phú xưa nay nhà em chỉ để mắt đến
mỗi chuyện các văn sĩ ném đá nhau thế nào, có gì giống có gì khác với Thăng Hạ
Tân Long mà thôi.
Thế rồi một hôm
đọc báo Tiền Phong điện tử, được biết có mấy ông trí thức tên tuổi kêu bính
boong trên các phương tiện truyền thông, vì yêu Kiều quá, yêu cụ Nguyễn Du quá
mà cãi nhau về Kiều, câu này đúng câu kia sai, văn bản này thật văn bản kia
dzỏm, thằng này hiểu đúng thằng kia hiểu ngu, cứ thế cứ thế mà toan lôi nhau ra
tòa. Thế là tò mò, thế là nhờ người nhà tìm cho mấy cuốn sách nghiên kíu truyện
Kiều để đọc. Mấy cuốn của mấy ông cãi nhau đọc hết cả rồi, nhưng nói thật là do
không có kiến thức nền, nên em cũng chẳng hiểu gì mấy. Còn mấy cuốn ban
đầu chỉ là nhân tiện đọc thêm, cuối cùng hóa ra lại có nhiều điểm hay hay, muốn
khoe cùng anh em xa mẹ.
Ví dụ như có 1
cuốn em rất thích. Vì mấy lẽ:
- Cuốn này mỏng,
đọc vèo phát là xong.
- Cuốn này kể
toàn chuyện dễ hiểu, đại loại Từ Thứ hàng Tào mà không bày mưu, Khổng Minh gửi
khăn áo đàn bà làm nhục 4 Mã Ý hay là 2 tam giác có 2 cạnh và góc xen giữa bằng
nhau thì nhất định là phải bằng nhau...
- Cuốn này có
những phát hiện ly kỳ được chứng minh chặt chẽ bằng phương pháp Sherlock Holmes
đại loại như "ả Kim Trọng ảo" chính là vua Lê Chiêu Thống...
- Cuốn này khiến
ta thêm yêu đời vì giúp ta tự tin rằng, nếu sau này rủi có sa cơ lỡ vận thì vẫn
có thể làm nghề nghiên cứu truyện Kiều để kiếm sống.
Đó là cuốn
"Thử tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du qua Truyện Kiều" của Ngô Quốc Quýnh, 1
cuốn sách nhỏ nhắn xinh xắn 122 trang in ở NXB Khoa học xã hội năm 2004. NXB
này hơi sơ suất ở chỗ không giới thiệu thân thế sự nghiệp tác giả Ngô Quốc
Quýnh, tìm mãi chỉ thấy có chỗ gọi tác giả là giáo sư, và chỗ khác nói rằng ông
là người nghiên cứu khoa học tự nhiên. Có một ông Quýnh nữa cũng họ Ngô, cũng
hay chữ đến nỗi được gọi là đồ Nghệ, ngày xưa là trưởng đoàn bóng đá Thể Công,
nhưng hình như tên đệm hơi khác.
Dài dòng đặt
chỗ. Cụ thể ông Quýnh bàn luận truyện Kiều thế nào thì để sau bán kết WC em vào
bi bô tiếp.
*
1.Nguyễn Du: "Đồng bào chú ý, tôi đã cài đặt 1 hệ
thống nhân vật Việt"
Ai cũng biết
Nguyễn Du viết Kiều là dựa vào 1 cuốn truyện Tàu. Các nhân vật đương nhiên là
nhân vật Tàu, sống vào những năm Gia Tĩnh nhà Minh.
Nhưng ai cũng
biết Nguyễn Du, người đàn ông Việt tài hoa từng phục vụ 2 chế độ đã mượn nàng
Kiều, người đàn bà Tàu tài sắc từng qua tay nhiều "đời chồng" để ký
thác tâm sự của mình. Cụ thể tâm sự đó là gì thì mỗi nhà phê bình giải thích
một phách. Sở dĩ người ta có thể giải thích khác nhau là vì thứ tâm sự đó không
phơi trần lồ lộ trên mặt giấy mà nó được cài cắm kín đáo như cài mìn. Kín đáo
đến nỗi mà trong 1 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du đã phải than thở "Tôi viết đồng
bào 300 năm sau có hiểu không?".
Ông Ngô Quốc
Quýnh đi xa hơn những nhà nghiên cứu truyện Kiều ở chỗ chỉ ra rằng trong truyện
Kiều không chỉ có nàng Kiều nói lên tâm sự của Nguyễn Du mà còn có 1 hệ thống
nhân vật ảo được Nguyễn Du đưa ra để ám chỉ các nhân vật lịch sử trên sân khấu
chính trị an nam mít đương thời.
Và Nguyễn Du với
mong muốn được chia sẻ, đương nhiên bên cạnh việc che giấu chuyện này cho khéo
vẫn tạo ra những dấu vết để hậu thế có thể phát hiện ra sự ám chỉ của ông.
Có nhiều câu thơ
của Nguyễn Du trong truyện Kiều như muốn nói to lên rằng: "Đồng bào chú ý,
trong truyện của tôi không chỉ có nhân dân Trung Hoa anh em mà có cả người Việt
mình nữa đấy! Đồng bào chịu khó tìm tiếp, sẽ biết who is who".
Ông Ngô Quốc
Quýnh -từ nay gọi là TG (tác giả) cho gọn- đã tìm ra một số câu thơ mà mục đích
là thông báo có người Việt trong Kiều Nguyễn Du.
Kiều khấn vái
nhỏ to trước mộ Đạm Tiên đã: "Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây vịnh bốn
câu ba vần".
"Bốn câu ba
vần" là thơ gì? Các nhà nghiên cứu truyện Kiều như Lê Văn Hòe, Nguyễn
Thạch Giang đều giải thích là thơ tứ tuyệt gồm bốn câu trong đó 3 câu vần với
nhau. TG cho rằng giải thích như thế là sai vì Nguyễn Du không nói "3 câu
vần với nhau" mà là những "3 vần".
Điểm lại các thể
thơ, TG rút ra nhận xét "4 câu 3 vần" chỉ có thể là 4 câu lục bát. Ví
dụ thế này:
"Trải qua
một cuộc bể dâu (1)
Những điều trông
thấy mà đau (1) đớn lòng (2)
Lạ gì bỉ sắc tư
phong (2)
Trời xanh quen
thói má hồng (2) đánh ghen (3)".
Lục bát là thể
thơ của Việt Nam. Trong trường hợp này "nàng Kiều" là 1 người làm thơ
VN.
1 ví dụ khác.
Kim Trọng khi đính ước với Kiều, đã: "Vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng
đôi chiếc, khăn là một vuông". Khăn là là 1 sản phẩm của thợ dệt
VN, không phải là sản phẩm TQ (Là: hàng dệt bằng tơ nõn, có những đường dọc nhỏ
đều nhau, thường được nhuộm đen). Rồi Kiều khi được vớt từ Tiền Đường lên;
cũng: "Trên mui lướt mướt áo là/ Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng
gương". Liệu cặp Kim-Kiều bên nước Tàu chuộng đồ ngoại made in Vietnam hay
đây chính là tín hiệu Nguyễn Du báo cho ta biết có người Việt trong truyện?
1 ví dụ cuối cho
xong hẳn. Khi cầu thân với Kiều, Thúc Sinh nói: "Đường xa chớ ngại Ngô
Lào/ Trăm điều hay cứ trông vào một ta".
TG giải thích
chữ Ngô ở đây là cách người Việt gọi nước Trung Hoa một cách có phần miệt thị,
và 1 người Hoa biết tự trọng như Thúc không thể gọi nước mình bằng cái tên như
vậy. Tóm lại là có Việt đấy!
Nếu ta đồng ý
với TG rằng có người Việt trong truyện thì bây giờ ta phải đi tìm, họ là ai, ở
đâu trong 1 cuốn truyện thơ có quá nhiều câu.
Tìm bằng cách
nào? TG đề ra 1 phương pháp: Tìm trong những đoạn có vẻ như là sai sót yếu kém
của Nguyễn Du, những chữ dùng sai, những diễn biến không hợp logic.
*
2. Ả Kim Trọng ảo là vua Lê Chiêu Thống
Trung thành với
truyện gốc, Nguyễn Du cũng miêu tả Kim Trọng là 1 anh chàng hào hoa phong nhã,
dòng dõi trâm anh thế phiệt, tiếng Anh làu làu như gấu, khi chưa đỗ đạt tuy
chưa có Lexus để đi, Vertu để tít thì chí ít cũng đọc tứ thư ngũ kinh bằng sách
da dê, quan trọng nhất là Kim Trọng yêu Kiều và được Kiều yêu.
Cơ bản là như
thế, chàng Kim Trọng thực trong Kiều là như thế. Nhưng rải rác, lại có những
đoạn hơi lạ, hơi chệch ra ngoài cái đường hướng chung.
Ví dụ tâm trạng
Kim Trọng khi thành hôn với Thúy Vân sao lại thế này: "Tuy rằng vui chữ vu
quy/ Vui này đã cất sầu kia được vào"? Ai cũng biết vu quy là từ chỉ
con gái về nhà chồng, sao Kim Trọng lại vu quy? Nếu Kim Trọng vui vì mình lấy
được vợ thì không thể dùng chữ vu quy, còn giải thích rằng Kim Trọng vui vì cái
cô Thúy Vân nọ rốt cục cũng về được nhà chồng (tức là nhà mình) lại hơi khiên
cưỡng. Tóm lại Nguyễn Du đã vô tình hoặc cố ý dùng sai từ vu quy. TG đánh dấu
cái chữ vu quy đấy, rồi xem xét các ví dụ khác.
Kiều nói về
chuyện sang thăm nhà Kim thế này: "Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường/ Vì
hoa nên phải đánh đường tìm hoa". Rõ ràng "hoa" ở đây
là trỏ Kim Trọng.
1 lần khác, khi
Kiều bị buộc phải bán mình, bị buộc phải phụ tình với Kim, nàng than thở:
"Thề hoa chưa ráo chén vàng/ Lỗi thề, thôi đã phũ phàng với hoa".
Cả 2 lần, nam tử
hán đại trượng phu Kim Trọng bị gọi là hoa, cái từ xưa nay chỉ dùng để trỏ phái
đẹp.
Thêm 1 dấu vết
thứ 3. Tả chiện Kiều sang chơi nhà Kim, Nguyễn Du viết: "Xắn tay mở khóa
động đào/ Rẽ mây, trông tỏ lối vào Thiên Thai".
Có mấy cái tích
Thiên Thai, Từ Thức của VN, Lưu-Nguyễn của TQ, nhưng đều thuật chuyện các giai
lạc đến Thiên Thai lấy được vợ tiên phong nhũ phì đồn. Giả dụ Nguyễn Du ví
chuyện Kim sang nhà Kiều với việc truy cập vào Cõi Thiên Thai thì rất hợp lý,
còn Kiều sang Kim mà ví thế thì hơi ngược.
Vu quy, hoa và
thiên thai là những dấu vết về 1 Kim Trọng ảo, đi chệch ra ngoài những sự kiện,
những diễn biến tâm lý liên quan đến Kim Trọng thật. Kim Trọng ảo này là ả Kim,
tức là gái hoặc kẻ-bị-coi-như-là-gái.
Đến đây, TG
chuyển sang kể chuyện lịch sử TQ và VN. Lịch sử TQ có chuyện Khổng Minh làm
nhục Tư Mã Ý bằng cách gửi quần áo đàn bà đến cho, ý nói Ý là gái, thế là nhục
vô cùng cực. Lịch sử VN thì có chuyện vua Trần gọi hoàng thân lưu vong Norodom
Trần Ích Tắc là "ả Trần" để tỏ sự khinh miệt. Nguyên mẫu của Kim
Trọng ảo, bị Nguyễn Du coi là gái, bị Nguyễn Du dành cho những từ vu quy, hoa
với thiên thai, hẳn là người bị Nguyễn Du khinh thường lắm lắm.
Nguyễn Du còn
len lén coi thường ả Kim Trọng ảo trong nhiều đoạn nữa.
Nếu như miêu tả
các nhân vật trong truyện Kiều, Nguyễn Du tỏ ra khá tỉ mỉ, thì khi giới thiệu
Kim Trọng, Nguyễn Du lại viết rất chung chung, mơ hồ: "Họ Kim, tên Trọng,
vốn nhà trâm anh/ Nền phú hậu, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh
tính trời/ Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
Phong tư tót vời cụ thể tót vời là tót vời thế nào, phong nhã hào hoa là phong
nhã hào hoa thế nào thì Nguyễn Du không nói rõ mà chỉ khen gọi là thế thôi.
Đáng chú ý mấy
chữ "văn chương nết đất" nôm na có nghĩa "văn chương hay dở là
do mồ mả". Chẳng hạn chàng thi sinh thi trượt có thể tự trào thế này:
"Ở mẹ mi ơi, tại mả mồ/ Văn chương tao có dốt chi mô/ Ba trường cộng lại
mười hai liệt/ Ớ mẹ mi ơi, tại mả mồ" chứ không có chuyện những người giỏi
giang khiêm tốn nói rằng "tôi nào có tài cán gì, học hành đỗ đạt chẳng qua
là nhờ mồ mả tổ tiên cả". TG cho rằng mấy chữ "văn chương nết
đất" ở đây là chê.
Khi xem tướng
cho Kim, Kiều nói: "Nàng rằng: trộm liếc dung quang/ Chẳng sân ngọc bội,
cũng phường Kim Môn". Ngọc bội chỉ bậc quân tử, Kim Môn là nơi các quan
học sĩ đợi chiếu của vua vời vào để hỏi chính sự. Thoạt đọc qua thì rõ ràng là
lời khen chàng Kim nếu không phải là bậc quân tử thì cũng là quan to.
Lấn cấn ở cái
chữ "phường". Những lần dùng chữ "phường" sau đó trong
truyện Kiều đều có ý coi thường cả. Ví dụ rất chi là nhiều: "Tình cờ chẳng
hẹn mà nên/ Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường", "Con này chẳng
phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng", "Cũng
nhà hành viện xưa nay/Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người",
"Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì"....
Vậy chữ "phường Kim Môn" ở đây có thật là khen không?
TG lại phân tích
tiếp cấu trúc "chẳng... cũng" trong câu "Chẳng sân ngọc bội,
cũng phường Kim Môn".
TG nhắc lại câu:
"Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng" và nhận xét, khi phường
trốn chúa và quân lộn chồng cùng xấu như nhau thì Nguyễn Du dùng cấu trúc
"chẳng... thì".
Còn cấu trúc
"chẳng A cũng B" lại cho thấy A và B có tính chất đối lập. Ví dụ
câu "Hai tình vẹn vẽ hòa hai/ Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm
thơ". Trong chăn gối là yêu đương khăng khít, ngoài cầm thơ lại là hết
phim rồi- rõ ràng có tính đối lập. Mà cái vụ tái hợp Kim-Kiều này ai cũng biết
là không có chuyện Kim-Kiều "trong chăn gối", câu này phải hiểu:
"chẳng có tình chăn gối nào cả sất, chỉ có ngoài cầm thơ vậy thôi".
Đặt cách lý giải
cấu trúc "chẳng... cũng" đó vào câu "Chẳng sân ngọc bội, cũng
phường Kim Môn, TG lý giải rằng Kim chẳng phải là hạng quân tử (sân ngọc bội)
gì cả sất, mà chỉ là kẻ làm quan (phường Kim Môn) mà thôi. Chữ phường có ý chê
ở đây rất là hợp lý, còn quan lại đâu có nghĩa là trung thực giỏi giang.
Trở lại câu
chuyện nàng Kiều làm thơ lục bát, TG khẳng định nàng Kiều ảo là Nguyễn Du rồi,
thế ả Kim ảo là ai.
Là cái người mà
nàng coi thường nhưng lại là người nàng gắn bó lúc đầu đời. Cái triều đại phong
kiến mà Nguyễn Du gắn bó lúc đầu đời là triều Lê với đại diện cuối cùng là Lê
Chiêu Thống. Có sự thành đạt (phường Kim Môn) nhưng mà do mồ mả (vì là con cháu
vua Lê thì lại làm vua thôi), còn lại đều rất đáng coi thường, coi thường đến
mức có thể gọi là ả Kim, ả Lê Chiêu Thống như vua Trần xưa gọi ả Trần Ích Tắc
được.
Coi thường mà
vẫn gắn bó, có lúc thực lòng gắn bó. Thế mới tâm trạng, thế mới đau.
*
3. Các nhân vật khác- Từ
Hải ảo, Hoạn Thư ảo
Nói cho ngay,
những lập luận của TG nhằm xác định danh tính các nhân vật ảo khác trong truyện
Kiều không hoành tráng như phần tác giả thử định danh Kim Trọng ảo.
Từ Hải ảo- theo
tác giả- là Quang Trung, điều này có thể đoán trước. Nhưng lập luận của TG thú
vị ở chỗ: TG chứng minh nhân vật Từ Hải thực cũng chã thôi, rồi đặt câu hỏi tại
sao em chã ấy lại được khen ngợi nhiều như thế trong Kiều. Rồi giả lời: đó là
lời khen dành cho Từ Hải ảo, Từ Hải ảo đó nhất định phải là Quang Trung.
"Từ Hải
thực" chã ở những điểm sau:
Chí lớn của Từ
qua lời bộc bạch với Kiều vẻn vẹn có thế này: "Bao giờ mười vạn tinh binh/
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường". Con số mười vạn còn được nhắc
đến 1 lần nữa trong lời già Đô. Thời Tam quốc, quân Tào Tháo dự trận Xích Bích
đã là 83 vạn, đến đời Minh dân TQ ăn ngô đẻ nhiều phải có đến 200 triệu, Từ Hải
chỉ đặt mục tiêu 10 vạn tinh binh thì làm sao tính đến chuyện thâu tóm thiên hạ
bách tính? (chỗ này TG ghi chú ở footnote rằng 10 vạn tinh binh nếu ở VN thì
lại rất đáng kể, và hình như Quang Trung có 10 vạn quân khi đánh trận
Đống Đa).
Ở một đoạn khác,
Từ Hải thổ lộ tham vọng: "Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này dễ đã làm
gì được nhau/ Chọc trời quấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có
ai?". TG nhận định khẩu khí chọc trời quấy nước ném đá hội nghị này là
khẩu khí phiến quân chứ không phải là khẩu khí thiên tử "dẹp loạn, an
dân".
Từ chỉ làm mod
có vẻn vẹn 5 huyện ven biển ("Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam") mà
đã đắc chí lắm rồi, không thèm mở rộng bờ cõi nữa, chưa chi đã thẩm du tinh
thần: "Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn
hà".
Từ nghe lời gái
ra hàng đã là chã, lý do ra hàng không phải là tránh cho muôn dân khỏi nạn binh
đao mà nhuốm màu vật chất, thì đúng là double chã: "Sao bằng lộc
trọng quyền cao/ Công danh ai dứt lối nào cho qua".
So với Hoàng
Sào, người đánh chiếm được nhiều tỉnh lớn, kể cả thành Lạc Dương và tung hoành
trong 10 năm thì Từ Hải thực kém hơn rất nhiều.
Thế mà Từ Hải
lại được khen rất nhiều, không chỉ Kiều khen nhiều lần, khen nồng nhiệt, mà
người lại già họ Đô, Thúc Sinh khen, kể cả đối thủ là Hồ Tôn Hiến cũng phải
khen (Biết Từ là đấng anh hùng), vậy những khen ngợi này phải hiểu là Nguyễn Du
khen ngợi Quang Trung- Từ Hải ảo, đúng theo tinh thần "anh hùng mới biết
anh hùng".
Nếu dừng ở đây,
có lẽ phép chứng minh Từ Hải ảo=Quang Trung của TG chưa chặt chẽ lắm, nhưng khi
chuyển qua phần chứng minh Hoạn Thư ảo= giới quan lại Lê-Trịnh, TG có nói thêm
về anh Từ Hải ảo này.
Hoạn Thư thực
không phải là kẻ gây nên những trầm luân khổ ải trong đời Kiều, Hoạn Thư thực
rốt cục cũng được Thúy Kiều thực tha bổng. Thế nhưng khi thực hiện cuộc báo
oán, Kiều lại bảo: "Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư". Lời kết tội
không hợp với logic truyện này phải được hiểu là lời kết tội của Kiều ảo (Nguyễn
Du) đối với Hoạn Thư ảo. Theo TG, vụ báo oán của Kiều là 1 chi tiết không đẹp
trong đời Kiều, thế nhưng không chỉ Kiều coi đó là việc công bằng, quang minh
chính đại mà người ngoài cuộc như người lại già họ Đô cũng khen. Còn Đạm Tiên
thì báo mộng từ trước: "Một niềm vì nước vì dân/ Âm công cất một đồng cân
đến già". Thúy Kiều thực có làm gì vì nước vì dân đâu? Phải chăng việc báo
oán khi chuyển dịch sang hệ thống nhân vật ảo, sẽ ứng với lời báo mộng ấy?
Từ Hải nghe Kiều
thổ lộ chuyện xưa thì "Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng/ Dưới cờ một lệnh
vội vàng ruổi sao/ Ba quân chỉ ngọn cờ đào/ Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm
Truy".
Từ lúc này chưa
làm chủ 5 huyện ven biển, thân chinh cầm đại quân đánh vào thành lớn Lâm Truy
chỉ để bắt mấy tên bán thịt buôn người, mấy đứa ma cô dắt gái và một mụ đàn bà
ghen tuông, có hợp logic không?
Không những thế,
trước khi xuất binh vì việc rất riêng tư này, Từ còn thệ sư, tức là tuyên cáo
và hiếu dụ quân sĩ nữa: "Thệ sư kể hết mọi lời/ Lòng lòng cũng giận, người
người chấp uy". Cái việc thệ sư đó có long trọng quá mức cần thiết không?
Mà những bất công trong đời cô cave tên Kiều có thể làm Từ xúc động chứ làm sao
có thể khiến quân sĩ của Từ "lòng lòng cũng giận" được. Làm sao tin
được họ sẵn sàng xông pha hòn tên mũi đạn, liều mạng sống của mình chỉ vì gái
của chủ tướng, không những thế lại là gái xuất thân từ lầu xanh?
TG còn lưu ý
thêm chi tiết Hoạn thư là con quan Lại bộ thượng thư, 1 chức quan to vào bậc
nhất ở đời Minh.
Từ đây TG kết
luận Từ Hải ảo (Quang Trung) thệ sư, quân sĩ của Từ Hải ảo (quân Tây Sơn) 1
lòng phấn đấu, hăng hái thi đua là để diệt bọn Hoạn Thư ảo-tức là bọn quan lại
lớn nhỏ của triều đình phong kiến Lê-Trịnh.
Ghi chú thêm:
Khi chỉ ra những cái gọi là diễn biến không hợp logic trong truyện Kiều để quy
nó về hệ thống nhân vật ảo, giá như TG so sánh với truyện gốc của Tàu để khẳng
định những cái phi logic đó chỉ có trong lục bát Nguyễn Du, sẽ chặt chẽ hơn. Em
không đọc truyện của Thanh Tâm Tài nhân, cũng không rõ TG đã đọc chưa.
*
4. Sao đoạn Kim-Kiều
tái hợp dài thế?
TG ghi nhận toàn
bộ đoạn tái hồi Kim Trọng, kể từ: "Cơ duyên bỗng lạ làm sao/ Giác Duyên
đâu bỗng tìm vào đến nơi" cho đến câu cuối "Lời quê góp nhặt dông
dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh" tuy nội dung chủ yếu chỉ là
tranh luận giữa Kim và Kiều mà được Nguyễn Du dành cho gần 300 câu trên tổng số
3256 câu Kiều, 1 tỷ lệ không nhỏ. Vậy đoạn này phải có 1 ý nghĩa rất quan
trọng. Cộng thêm với những dấu vết nữa được phát hiện, TG cho rằng Nguyễn Du đã
dốc nhiều tâm lực khi sáng tác đoạn tái hồi này để thổ lộ nỗi lòng.
Có những dấu vết
mới chứng minh những nhận xét cũ, ví dụ về tính nam của Kiều ảo.
Đó là đoạn Vương
ông khi thuyết phục Kiều rời chùa có nói 1 câu rất chi là vô lý: "Tình kia
hiếu nọ ai đền cho đây". Vô lý ở chỗ Kiều là gái, có báo hiếu là báo hiếu
cha mẹ chồng chứ không có nghĩa vụ báo hiếu cha mẹ đẻ, huống hồ Kiều bán mình
chuộc cha, báo hiếu đến như thế rồi thì Vương ông còn quyền x gì mà đòi nàng
"hiếu nọ ai đền cho đây" nữa. Chỉ không vô lý nếu hiểu Kiều ở đây
phải là đàn ông.
Và có những dấu
vết mới chứng minh những phát hiện rất mới. Ví dụ:
Kim Trọng lẽ ra
phải cảm ơn Từ Hải đã cưu mang Kiều, lại gọi Từ là giặc: "Xảy nghe thế
giặc đã tan/ Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiết Giang". TG giải thích Kim
Trọng ảo- từ đây trở đi, trong đoạn tái hồi- chính là Gia Long.
Trong 10 năm lưu
lạc, Kiều luôn nhớ Kim Trọng, Kim cũng chịu khó tìm Kiều, thế nhưng lúc gặp
mặt, Kiều lại lạnh nhạt với Kim hơn với những người khác trong gia đình. Với
những người khác, Kiều luôn có nhận xét thân tình: "Xuân già còn khỏe, hoa
già còn tươi/ Hai em phương trưởng hòa hai" (tương tự như "Trông anh
gầy ra", "Bao năm không gặp mà chị vẫn khỏe", "Cháu X chắc
lớn lắm nhỉ hay vẫn còn hay làm nũng bố"), riêng với Kim thì chỉ "Nọ
chàng Kim đó là người ngày xưa" nhạt nhẽo như mấy chữ "anh khỏe
chứ" mà ta dành cho loại người quen sơ không thân tình lắm.
Cái thái độ lạnh
nhạt ấy của Kiều mới khiến cho Kim phải "đứng trông, chàng cũng trở sầu
làm tươi" trái ngược với thái độ của các thành viên khác trong nhà
"mừng nào lại quá mừng này nữa chăng". TG giải thích rằng nếu là Kim
Trọng thật thì chàng phải "đã mừng càng mừng hơn" nhưng chàng Kim
ảo-Gia Long- trong đoạn này lại ở vào cái thế gượng gạo, cuối cùng đành lặng lẽ
cười trừ.
Kiều ảo không
chỉ lạnh nhạt với Kim ảo, mà còn khinh miệt nữa. Cả 1 đoạn dài Kiều nói với Kim
từ "Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi" cho đến "Hay gì vầy cánh
hoa tàn mà chơi", nếu coi là lời vợ nói với chồng thì đó là những lời rất
xấc xược.
TG còn đưa ra
một số ví dụ nữa, nhưng có lẽ em không cần dẫn thêm vì sau mấy post liền các
bác chắc đều rõ phương pháp của TG. Cuối cùng TG kết luận là Nguyễn Du làm quan
cho Gia Long một cách miễn cưỡng, trong lòng không phục ông vua mà ông
phụng sự. Là 1 nhà nhân đạo lớn, khi so sánh Lê Chiêu Thống-Nguyễn Gia
Long với Nguyễn Huệ, khi các biến cố lớn đã lùi xa, đã có độ lùi về thời gian
để tỉnh táo đánh giá so sánh, Nguyễn Du không thể không nhận ra những mặt mạnh
của ông vua mà Nguyễn Du bất hợp tác để rồi không khỏi hối tiếc cho cái sự phục
vụ tự nguyện các vương triều chính thống nhưng không xứng đáng "lại mang
lấy một chữ tình/ khư khư mình buộc lấy mình vào trong" của mình.
TG kết luận cái
tâm trạng day dứt của Nguyễn Du hẳn là rất phức tạp, có 1 phần mặc cảm tội lỗi
với nhân dân vì phục vụ 1 chế độ chẳng ra gì, có sự hổ thẹn với chính mình vì
không đủ ý chí để từ chối ra làm quan cho nhà Nguyễn, có cả sự hối lỗi với
chính triều Nguyễn vì đã ra làm quan ăn lộc Nguyễn mà lại không phục vụ hết
lòng, những day dứt nhiều chiều, tâm trạng dao động làm cho nỗi u uất Nguyễn Du
càng u uất hơn, mật mã Nguyễn Du càng rắc rối hơn.
Đến đây là cơ
bản những ý kiến hay- hay vì lạ chứ không hẳn hay vì đúng- của thầy Quýnh em đã
tóm tắt xong. Chỉ là tóm tắt thôi, còn nếu bác nào có hứng thú với phương pháp
phân tích này, muốn biết thêm nhiều ví dụ nữa, nhiều đoạn phân tích nữa thì tìm
mua sách. Giá bìa cuốn sách là 23 nghìn đồng, có lẽ giá mua thực tế cũng thế vì
nó không phải là cuốn sách được nhiều người tìm mua nên không có sẵn ở những
điểm bán sách vỉa hè giá rẻ.
*
Phần cuối: Rằng hay
thì thật là hay
Bác Salut nhận
định về sự thiếu hụt giá trị học thuật trong công trình của TG Ngô Quốc Quýnh
em nghĩ cũng đúng. Nhưng cái cớ phản bác của bác về chuyện Nguyễn Du chưa từng
“ân ái” với chế độ Quang Trung thì bác TG cãi lại dễ không. TG sẽ bẩu: Ô hay,
Kiều Hải ân ái là Kiều Hải thực liên quan đếch gì đến Kiều ảo Nguyễn Du và Hải
ảo Nguyễn Huệ đâu cơ. Kiều ảo không ân ái với Hải ảo, chỉ phục Hải ảo thôi.
TG nhặt ra những
đoạn ông coi là đi chệch khỏi cốt truyện thực (dưới đây gọi là chi tiết ảo cho
nhanh) để đưa về các nhân vật ảo. Nhưng nếu chỉ thế thì cũng khó, ông còn nhặt
cả những chi tiết không chệch khỏi cốt truyện thực (sẽ gọi là chi tiết thực)
nhưng có lợi cho lập luận của ông để bổ trợ thêm. Ví dụ chiện Kim Trọng là mối
tình đầu của Kiều là thực chứ không ảo nhưng lại được ông sử dụng để cố quy kết
Kim ảo- cái người-bị-coi-như-gái nọ là Lê Chiêu Thống. Hoặc chiện Hoạn Thư là
con quan to nhà Minh là chiện thực được TG sử dụng để hỗ trợ cho những “chi
tiết ảo” hòng chứng minh Hoạn Thư ảo là quan lại Lê-Trịnh. Nghĩa là những chi
tiết thực nào bất lợi cho điều ông muốn chứng minh (như chiện Kiều và Hải ân ái
với nhau) thì ông bỏ ra ngoài, những chi tiết thực nào có lợi thì ông bỏ vào
giỏ, trộn với những "chi tiết ảo" để chứng minh cái điều ông đặt mục
tiêu từ trước là phải chứng minh.
Cách nhà vật lý
NQQ suy luận từ những chiện vu quy, hoa, Thiên thai ra thành Kim ảo là kẻ đáng
khinh phần nào chấp nhận được, nhưng đoạn suy diễn tiếp để chứng minh đó là Lê
Chiêu Thống giống như tán văn không chặt chẽ mấy. Đọc rất chi là vui nhưng bảo
là khoa học em e rằng không phải.
Ngay cái phương
pháp "tìm sai" rồi suy luận đó là "cố tình sai" của TG em
cho là "phần nào chấp nhận được” chứ cũng chưa phải là khoa học hoàn toàn.
Cái phương pháp ấy làm em nhớ đến nhà trinh thám Lê Phong phóng viên của ông
Thế Lữ thời Đông Dương thuộc Pháp. Có 1 cô gái tự tử sau khi đọc 1 bài thơ,
người thường cố tìm hiểu nội dung bài thơ có ý tứ gì thì ông Lê Phong nọ lại
chú ý đến những nét chữ, toàn bài viết font Times New Roman tự dưng lại lạc vào
mấy chữ font Arial, ông nhặt những chữ lạ ấy ra rồi dùng thao tác nói lái mà
suy luận ra 1 câu đe dọa chính trị khủng khiếp. Cũng chỉ là đọc cho vui vậy.
Biết nói sao
giờ? TG tuy là người nghiên cứu khoa học tự nhiên nhưng khi bập vào Kiều thì
lại say, sự tưởng tượng đã bay bổng quá, đến mức xa rời tính chặt chẽ của những
thao tác TG dùng trong công việc nghiên cứu khoa học thường nhật. So với TG thì
những ông Kiều học như ông Tôn ông Tuân khôn hơn, tính toán hơn, chi ly hơn nên
lập luận có lý lẽ hơn.
Nhưng em không
giới thiệu những công trình kiểu các ông Tôn ông Tuân lên TL mà lại giới thiệu
TG NQQ bởi lẽ chúng ta không phải là những nhà Kiều học, cũng không phải những
chuyên gia Hán Nôm, chúng ta chẳng cần phải quan tâm đến những chuyện không gắn
bó thiết thực với chúng ta. Lập luận của NQQ tuy chưa hoàn toàn khoa học nhưng
đọc thấy vui, thế là ổn. Cụ Nguyễn Du đã viết: "Mua vui cũng được 1 vài
trống canh" nay công trình của thầy Quýnh giúp ta vui thêm 1 trống canh
nữa, thế là được rồi.
Xung quanh
truyện Kiều, em góp thêm vài chuyện mua vui nữa.
1.Có 1 giai
thoại kể rằng Tự Đức rất mê đọc Kiều nhưng lại cú Nguyễn Du, bảo rằng nếu
Nguyễn Du còn sống thì sẽ lôi ông ta ra oánh đòn. Các thầy đồ trẻ giải thích
các kiểu đều trật. Hóa ra Tự Đức tên cúng cơm là Thì, mà trong Kiều có những
câu nói cái thằng cha tên Thì là thằng chả ra gì cả sất: ‘Thì con người ấy ai
cầu làm chi?"
2.Thằng bán tơ
gây tai họa cho gia đình Kiều như thế mà sao khi Kiều báo ân báo oán lại không
xử lý hắn ta? Nhà thơ Hữu Loan có bàn rằng đấy là cái cao thủ của cụ Nguyễn Du,
truyện Kiều chả nói gì về nhân thân thằng bán tơ, lý do hắn thù hằn với nhà họ
Vương để vu họa cho Vương ông cả. Chỉ vẻn vẹn có câu “Phải tên xưng xuất là
thằng bán tơ". Làm gì có thằng bán tơ nào đâu, các quan bịa ra để vặt tiền
họ Vương đấy thôi! Ông Hữu Loan đã từng dính chưởng phê bình "phải tên
xưng xuất là quần chúng cần lao lên án văn thơ các ông” nên nghĩ như thế cũng
phải. Nhưng nếu ta bảo phạm vi sinh sát báo thù của Từ Hải chưa phủ sóng được
đến nơi ở của thằng bán tơ thì lập luận của nhà thơ bị bác bỏ ngay.
Mở đầu bốt này
bằng chuyện Nguyễn Du Nguyễn Huệ thì kết thúc bốt này em nói 1 chút về Nguyễn
Du và Nguyễn Huệ. Thông tin chính thức đều bảo Nguyễn Du không chỉ bất hợp tác
với Nguyễn Huệ mà còn toan khởi sự chống Tây Sơn nữa. Nhiều người rất tiếc là
tại sao 1 thi nhân dân tộc như ND lại ăng ti 1 anh hùng dân tộc như NH, họ cố
chứng minh điều ngược lại. Không chỉ có tác giả NQQ làm điều này mà còn có cả
Trần Khuê.
Chính là ông
Trần Khuê "ấy". Nhưng từ cái hồi ông chưa nhảy ra làm chính trị trên
những trang web bị tường lửa, chưa bị gọi là "tên phản động Trần
Khuê", từ cái hồi ông còn được in sách và trên bìa 4 còn chụp ảnh ông cười
tươi bên cạnh Điện Biên đại hải đăng.
Ông Trần Khuê
phát hiện ra rằng những thông tin nói về mưu đồ chống Tây Sơn bất thành của
Nguyễn Du chỉ có trong gia phả Nguyễn Du chứ không có trong sử, rồi giải thích
rằng dưới thời Nguyễn họ hàng Nguyễn Du phải bơm vá tiểu sử ông cụ để được chế
độ mới cấp sổ gạo. 1 số bài thơ của Nguyễn Du cho phép ông nhận xét Nguyễn Du
có cảm tình với chế độ Tây Sơn và việc sử chép lại lời quở trách của Gia Long
với Nguyễn Du chứng minh rằng ND phục vụ Nguyễn triều một cách miễn cưỡng (NQQ
cũng sử dụng chi tiết trong sử này).
Thật ra chuyện
bình thơ tán thơ thì rất chi là vô cùng, còn việc bảo gia phả là đúng hay sai
thì ông muốn nó sai ông bảo nó sai, muốn nó đúng ông bảo nó đúng chứ chẳng có
căn cớ gì cả.
Ông Khuê hay
thầy Quýnh rốt cục cho đến nay vẫn chưa xóa được cái dòng ghét Tây Sơn trong lý
lịch Nguyễn Du.
Nhưng Nguyễn Du
ghét hay yêu Quang Trung, nói cho cùng, cũng chả quan trọng lắm. Chỉ biết rằng
ngày nay ngã tư Quang Trung- Nguyễn Du là 1 điểm nhấn thơ mộng của Hà thành. Ở
nơi đó những nàng Kiều cao cấp vẫn theo Hồ Tôn Hiến lên xe hơi, những nàng Kiều
trung cấp vẫn chài Thúc Sinh trong ánh đèn Night Club, còn những nàng Kiều hạ
cấp thì vẫn bán thuốc lá đợi những người tình chưa biết tên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét