Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

LÊ LỢI


LÊ LỢI

 

1.Lê Lợi-anh hùng hạng nhất

Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung là những anh hùng hạng nhất trong lịch sử ngàn năm phong kiến Việt. Tên tuổi họ gắn liền với những chiến thắng lẫy lừng trước bọn bành trướng bá quyền phương Bắc giành độc lập cho dân tộc (cụ ông số 1 và cụ ông số 4) hoặc bảo vệ nền độc lập của dân tộc (các cụ ông còn lại).

Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, lịch sử VN sang hẳn trang mới, nhưng ông chết thì nhà Ngô của ông chẳng tồn tại được lâu (loạn 12 sứ quân). Tương tự, sự nghiệp nhà Tây Sơn sau khi Quang Trung qua đời cũng thật là thê thảm.

Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo là những anh hùng võ công hạng nhất nhưng không phải là những ông vua, không truyền công nghiệp cho đời sau.

Duy có Lê Lợi mở ra 1 triều đại, triều đại đó kéo dài trăm năm, nếu tính cả Lê trung hưng thì còn dài hơn nữa.

So với các ông cụ khác, sự nghiệp Lê Lợi như vậy là có chỗ hơn hẳn.

*

Sử cho người lớn, khi phân tích các anh hùng dân tộc, có khen có chê.

Sử cho trẻ con, khi phân tích các anh hùng hạng nhất, chỉ có khen mà không có chê.

Trừ Lê Lợi.

Vì ông cụ có 1 cái phốt: giết hại công thần. Phạm Văn Xảo, và (nhất là) Trần Nguyên Hãn.

Các ông cụ khác chẳng lẽ không có phốt nào? Có đấy nhưng trẻ con chưa cần biết. Bao giờ lớn, thích tìm hiểu, biết cũng chưa muộn.

Nhưng cái phốt giết hại công thần của Lê Lợi thì trẻ con được biết. Trong những sách lịch sử thường thức cho trẻ con, từ Ngàn xưa văn hiến trở đi, chuyện này được viết rõ ràng. Trần Nguyên Hãn khi cáo quan về quê bình luận vua ta tướng tá giống ông nọ ông kia bên Tàu, sách lịch sử cho thiếu nhi cũng chép rất tỉ mỉ.

Vì sao Lê Lợi chịu “bất công” so với các cụ ông còn lại?

*

Vì các ông cụ kia không có anh hùng hạng nhất nào đi kèm. Những nhân vật cùng thời với họ, từ Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đến Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân đều là những anh hùng dân tộc hạng nhì.

Riêng Lê Lợi đi kèm 1 anh hùng hạng nhất khác. Nguyễn Trãi.

Mà nói chuyện anh hùng hạng nhất Nguyễn Trãi, không dấu được chuyện từ quan, không dấu được vụ Hãn-Xảo.

Vì phải đi kèm 1 anh hùng hạng nhất khác nên chiến công hạng nhất phải bị chia sẻ. Nào quân sư Nguyễn Trãi, nào Bình Ngô sách…, chỗ nào ghi công đầu cho Nguyễn Trãi thì Lê Lợi lùi về làm vai phụ, trong ghi chép của sử sách nước nhà.

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo rồi rất nhiều tuyên ngôn bố cáo của lãnh tụ xưa và nay được ghi là “của” lãnh tụ (dù chắc chắn lãnh tụ phải có ban thư ký cạnh mình), riêng Bình Ngô đại cáo dù là cáo của vua, nhưng phải ghi là “của Nguyễn Trãi”, vì cụ Trãi được sử nay xếp vào hạng nhất mất rồi.

*

Vì sao nhà Lê tồn tại lâu thế? Vì nhân dân ta cảm cái ơn đức giành độc lập cho dân tộc nên bình tĩnh sẻ chia không bất mãn phản kháng kể cả khi đời không như là mơ? Đó không phải là lý do duy nhất.

Thời Bắc thuộc, Lý Nam Đế cũng giành chiến thắng trước thống trị Tàu, dựng nước Vạn Xuân. Nhưng rồi ông chết, con cháu ông (Lý Phật Tử) ở 1 phe, tổng tư lệnh Triệu Quang Phục xưng vương ở phe kia, đánh lẫn nhau làm hỏng sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.

Phùng Hưng cũng giành chiến thắng, nhưng sau khi ông chết, em trai và con trai ông bất hòa, rồi người Việt lại thua.

Dương Đình Nghệ xua được người Tàu, xưng tiết độ sứ, giành độc lập thật sự (dù phụ thuộc  danh nghĩa), nhưng bị bề tôi sát hại.

Ngô Quyền đã nói ở trên, ông chết xong chưa lâu thì anh em đằng vợ ông là Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) cũng đòi lại quyền lực từ tay mấy con ông (Xương Văn-Xương Ngập), đẩy đất nước vào loạn 12 sứ quân.

Có quyền lực thì phải có tranh quyền. Con cháu họ Lê cũng có tranh quyền, có đánh giết nhau, nhưng bất chấp điều đó, triều Lê vẫn tồn tại vững chắc. Mãi 100 năm sau, họ Mạc mới cướp ngôi được.

Vậy công đức giành độc lập chỉ là 1 phần, cái chính là họ Lê đất Lam Sơn có năng lực làm lãnh tụ, có năng lực duy trì quyền lực, có năng lực bồi dưỡng đào tạo thế hệ kế cận… hơn hẳn các vị tiền bối Lý, Phùng, Dương, Ngô vừa nhắc tên.

Nói đơn giản là họ Lê Thanh Hóa có chất hơn hẳn.

Người khai sáng ra triều đại nhà Lê ấy, do vậy, không phải dạng vừa đâu.

 

2. Đánh giá sự nghiệp của Lê Lợi, những gì là chủ yếu?

Ông là người lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến kéo dài hơn 10 năm giành độc lập cho dân tộc. Ông mở đầu cho 1 vương triều phong kiến kéo dài 100 năm.

Thực sự giành chiến thắng quân sự trước quân Minh, ông khéo léo kết thúc chiến tranh bằng hình thức hòa đàm với hội thề Đông Quan. Thành công trong giao thiệp với nhà Minh, nhờ đó biên giới phía bắc với nước lớn TQ yên ổn suốt cả triều Lê.

Giữ vững chủ quyền dân tộc, đập tan những hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số thủ lĩnh địa phương, như dẹp loạn Đèo Cát Hãn ở Lai Châu.

Tổ chức thành công 1 bộ máy chính quyền quân chủ tập quyền từ trung ương xuống địa phương.

Khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội sau chiến tranh. Không có các cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại chính quyền dưới thời ông. Đời vua Thái Tổ Thái Tông, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.

Chú ý phát triển văn hóa giáo dục, đào tạo nhân tài. 1 năm sau khi lên ngôi vua (1429) đã mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, tổ chức thi  khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở 1 khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, 1 nhà ngoại giao xuất sắc.

Các bác còn đòi hỏi gì hơn thế nữa ở 1 ông vua đầu triều, tại vị chỉ nhỉnh hơn chút so với 1 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, tức là vẻn vẹn 5  năm?

*

Bây giờ nói về cái phốt của Lê Lợi: giết hại công thần.

Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn được coi là chết oan dưới thời ông. Oan vì chưa đủ chứng cớ buộc tội họ làm phản chứ ta chưa dám khẳng định họ hoàn toàn trung thành với Lê Thái Tổ.

Nội cái câu bình luận tướng mạo hoàng đế của Trần Nguyên Hãn, ở vào thời quân chủ, ông vua nào tha thì hiền quá Lê Trần Hải!

Trần Quốc Vượng nói rất chí lý về cái chết của Trần Nguyên Hãn:

Nguyên Hãn lại "dại dột" làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa (a, có vẻ như xây biệt đô, biệt cung), thuần phục và tậu voi tậu trâu từng đàn đi lại rầm rập, lại "đóng thuyền, chở binh khí" nữa, ra cái dáng "sứ quân", "nghênh ngang một cõi".

Thế thì chưa biết "động cơ chủ quan" như thế nào, chứ như thế thì bịt sao nổi miệng thế xầm xì phao tin đồn (cơ chế của tin đồn là mối quan tâm tới một sự kiện nhưng thiếu thông tin về sự kiện đó). Người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị "bức tử", "tự sát", hay là "chết đuối"…thì cũng vậy thôi) là phải.

Vì họ bị oan nên sự mưu phản nếu có không triển khai được. Còn sự mưu phản nếu có và nếu triển khai được thì chắc gì còn Lê Lợi để ta bình luận về ông.

Giết oan 1 công thần tai hại thế nào cho đại cục?

Nếu nó gây ra bất bình sâu rộng, gây chia rẽ hàng ngũ ở quy mô lớn, nói tóm lại là gây loạn.

Ví dụ Giản Định Đế sát hại Đặng Tất, khiến cho Đặng Dung bỏ đi tìm chủ khác, cuộc khởi nghĩa Hậu Trần đổi thủ lĩnh.

Hay Trịnh Kiểm sát hại anh trai Nguyễn Hoàng, là khởi đầu cho Trịnh-Nguyễn phân tranh về sau.

Lê Lợi giết Hãn-Xảo thì 2 ông ấy bị oan uổng thôi, nhưng không có cuộc chém giết lớn nào, không có người nông dân nào đang yên ổn cấy cầy bị đẩy ra nơi hòn tên mũi đạn để “dẹp loạn Trần Nguyên Hãn”, cũng không có cuộc bất bình sâu rộng nào.

Khác với Nguyễn Huệ. Đánh nhau tưng bừng với ông anh trai Nguyễn Nhạc, cuối cùng anh em khóc lóc rồi buông nhau ra, nhưng cuộc xung đột đã quá đủ để phân hóa phong trào Tây Sơn (và do đó, cái huy chương thống nhất đất nước trao cho Nguyễn Huệ là lố bịch), đồng thời hàng ngàn người dân bị bắt lính, bị đẩy vào cuộc chém giết vô nghĩa trong nội bộ Tây Sơn. Anh em Huệ-Nhạc không giết nhau, nhưng dân lành thì phải giết nhau vì mối thù hận giữa họ.

*

3.Về sự chia sẻ danh hiệu anh hùng hạng nhất với Nguyễn Trãi

Hồi bé đọc sử chép cho thiếu nhi, em cứ nghĩ Nguyễn Trãi là 1 quân sư cho Lê Lợi, dạng như Khổng Minh quân sư cho Lưu Bị.

Nguyễn Trãi đã quân sư những gì?

Chiến lược nhảy cóc, kéo xuống đánh Nghệ An trước, rồi khi hỏa lực địch tập trung vào đất Nghệ thì lại hành quân ra Bắc, có phải mưu Nguyễn Trãi không? Không. Đó là mưu Nguyễn Chích.

Điều binh khiển tướng, chặn đường tiếp viện, bố trí mai phục, tổ chức các trận công thành… Có mưu Nguyễn Trãi không? Không. Lê Lợi trực tiếp chỉ huy.

Vai trò Nguyễn Trãi trong kháng chiến chống Minh là những bức thư nhân danh Bình Định Vương gửi cho tướng tá nhà Minh để binh vận, xin hòa, dụ hàng. Từ đó người ta nói đến thuật “tâm công”: đánh vào lòng người có giá trị hơn công thành, rồi gắn thuật đó cho Nguyễn Trãi. Gắn cho Nguyễn Trãi vì ông chấp bút thảo thư chứ bằng cớ nào nói rằng chủ trương “tâm công” đó là của Nguyễn Trãi chứ không phải của Lê Lợi? Công lao lớn nhất của Nguyễn Trãi trong kháng chiến là giao thiệp với tướng lĩnh Minh, là thực hiện tốt chủ trương tâm công của Lê Lợi, nhờ đó có 1 kết cục hòa bình.

Sử kể về mưu Nguyễn Trãi, những kế cụ thể toàn là dở hơi đến khó tin. Chẳng hạn để kêu gọi dân chúng theo nghĩa quân Lam Sơn, viết bằng mỡ lên lá cây “Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi” để kiến ăn rồi khẩu hiệu trôi theo dòng nước đến với muôn người. Lê Lợi chưa xuất đầu lộ diện mà người Minh đã nghi ngờ rồi, họ chưa động thủ vì chưa có chứng cớ. Nếu quả thực có cái trò tuyên truyền công khai như thế, cớ để khép tội đã có, thì Lê Lợi tèo như con mèo ngay từ những ngày đầu tiên. Cái vụ tuyên truyền này hoang đường láo toét không kém vụ trả gươm cho Thần Rùa mà Lê Lợi chỉ đạo dàn dư luận viên viết ra sau khi đi chơi hồ bị con rùa to/giải nó giằng mất kiếm.

Các nhà sử học ngày nay nói đến việc anh em Trãi-Hãn ra theo khởi nghĩa Lam Sơn từ sớm, Trãi dâng lên Lê Lợi “Bình Ngô sách”, nhờ Lê Lợi làm theo sách đó mà khởi nghĩa thành công (cũng có những người phản biện rằng ông Trãi mãi về sau mới gia nhập đội ngũ Lam Sơn-chuyện này chứng cớ không rõ lắm nên em không bàn). Sách đó đâu, viết những gì? Nguyễn Trãi tuy bị tru di nhưng văn thơ bảo toàn rất nhiều, tác phẩm của ông ngày nay dày cộp, sao không có Bình Ngô Sách?

Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân-câu mà người ta hay gán cho Nguyễn Trãi (và có trong bài thơ luận Hồ của ông), thực ra vốn là của Khổng Tử. Nguyễn Trãi là người hay chữ vào bậc nhất trong đội hình Lam Sơn nên tìm được chữ thánh hiền để minh họa cho đường lối của Lê Lợi mà thôi.

Và cả Bình Ngô đại cáo nữa. Nguyễn Trãi vì hay chữ mà soạn bản cáo cho Lê Lợi (trong vai trò 1 viên thư lại), nhân danh Lê Lợi, theo ý tưởng của Lê Lợi, được Lê Lợi chỉnh sửa-duyệt trước khi cho công bố. Có thể khen Nguyễn Trãi dùng chữ tài tình, giọng văn cuốn hút thì được chứ những giá trị tư tưởng gì đó từ bản đại cáo (chẳng hạn: việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, hay: phong độ quốc gia là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh cửu-tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không bao giờ thiếu) phải là của Lê Lợi chứ. Nguyễn Trãi cùng lắm là lợi dụng mình giỏi chữ hơn vua qua mặt Thái Tổ ở dăm ba chỗ lặt vặt: chẳng hạn “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước” dứt khoát phải có nhà Đinh là triều đại mà tổ của ông là Nguyễn Bặc phục vụ và nhất định phớt lờ nhà Tiền Lê vì mối hận Lê Hoàn mưu soán ngôi nhà Đinh đã giết hại Nguyễn Bặc, dù Tiền Lê chứ không phải Đinh mới lập chiến công trước giặc phương Bắc ngoại xâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét