Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

TRUNG QUỐC-TAM QUỐC


Vòng vo Tam Quốc

Phần 1: TS Chân Quỳnh phê bình Gia Cát

Cavenui’s blog 31/3/2007

Hồi bé đọc Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, bênh Lưu Bị, ghét Tào Tháo, em cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cái khúc cuối của trận Xích Bích, tức là vụ Quan công tha Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung. Tiếc nhưng mà vẫn phục Khổng Minh, biết số Tào Tháo chưa chết nên cài đặt sẵn 1 tình huống để Quan công có dịp trả món nợ ân tình với họ Tào.

Đến khi ít bé hơn một chút, đọc lại Tam quốc, lại thấy bớt phục Khổng Minh đi một chút. Và nghĩ rằng nếu Khổng Minh xếp đội hình khác đi, cái kết cục Tào Tháo phải bị bắt là không thể khác được.

Đâu đó khoảng năm 2004 trên một số diễn đàn tỷ muội, có nhiều người bàn luận vụ Hoa Dung và cho rằng Khổng Minh không muốn bắt Tào Tháo dịp này. Họ giải thích rằng lực lượng Lưu Bị còn mỏng, muốn tồn tại được thì cần phải duy trì sự cân bằng giữa 2 phe Tôn Quyền và Tào Tháo. Nếu phá vỡ thế cân bằng ấy, nếu trong 2 phe Tôn Tào có 1 phe bị tiêu diệt thì phe kia sẽ dễ dàng xơi tái bầu đoàn thê tử nhà Lưu hoàng thúc.

Cũng vào khoảng thời gian này em đọc được 1 bài (không nhớ đăng ở đâu) của TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh từ Paris viết về Khổng Minh. Cũng như các thành viên mấy diễn đàn kia, TS Chân Quỳnh cho rằng Khổng Minh cố tình để Tào Tháo thoát. Nhưng lý do thì không phải vì quyền lợi họ Lưu, mà vì những quyền lợi cá nhân Gia cát Lượng. Bài đọc lâu rồi, giờ đây chỉ còn nhớ độ 80% ý chính nên em phải ghi lại vào đây, nếu không e rằng sau này còn quên tiếp. Ý chính là của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, mắm muối gia vị, cách diễn đạt là của em. Nếu ai tán thưởng xin tán thưởng đúng đối tượng là bác gái Chân Quỳnh, còn ai chê bai thì cứ chê bai Cavenui vì lý do "những thứ dở hơi thế mà cũng đưa lên Thăng Lăng cho nhiều người đọc", không sao cả.

Trở lại vụ Hoa Dung. Việc Khổng Minh bố trí Quan công ở Hoa Dung lẽ tất dĩ ngẫu sẽ dẫn tới cái kết cục là Tào Tháo chạy thoát. Điều này đến cả Lưu Bị cũng biết. Khổng Minh đưa ra 2 lý do để giải thích cách bố trí nhân sự kỳ cục này:

- Xem thiên văn biết số họ Tào chưa chết (cho nên Lưu Bị không nên tiếc và không nên trách Khổng Minh)

- Nhân đó, tạo điều kiện để Quan công trả ơn Tào Tháo cho xong mịa nó đi (thực ra là đảo nợ ân tình: trả được ơn Tào đồng nghĩa với nhận nợ ơn Gia cát).

2 lý do này không thỏa đáng.

Để Quan công trả ơn Tào Tháo thì không thiếu cách, đâu nhất thiết phải đặt ông ta ở Hoa Dung. Như ta biết, trước khi chạm trán cố nhân ở chỗ đường cùng, tàn quân Tào Tháo đã nhiều lần gặp phục binh của quân Lưu Bị, lần nào Tào Tháo cũng tưởng là phen này chết đến nơi. Vì Khổng Minh dặn rằng chỉ cần tỉa bớt lực lượng Tào chút thôi, đằng nào Tào Tháo về đến Hoa Dung cũng sẽ bótay.com nên những Trương Phi, Triệu Vân ở những đoạn phục trước mới không gắng sức, nếu họ gắng sức hơn thì dẫu không bắt được Tào Tháo ít ra cũng loại bỏ được nhiều chiến tướng bên Tào. Giả dụ đặt Quan công ở 1 đoạn phục phía trước rồi Quan công tha cho Tào Tháo đi, rõ ràng là ơn vẫn được trả mà Trương-Triệu chặn ở Hoa Dung thì việc công vẫn hoàn thành.

Còn lý do số Tào Tháo chưa chết cũng chỉ là cái cớ để lòe Lưu Bị mà thôi, Khổng Minh thật ra ít chịu tin vào số mệnh. Nếu tin vào số mệnh, biết chắc chắn rằng Thục không thể diệt Ngụy, thống nhất Trung Hoa thì ông ta nhọc công gắng sức theo đuổi chiến tranh, 6 lần ra Kỳ Sơn làm gì cho khổ. Có 1 lần trước khi xuất chinh, cũng có người (Tiêu Chu) xem thiên văn, biết vượng khí phương Bắc còn mạnh, khuyên ở nhà cho khỏe thì Khổng Minh gạt đi, đại ý nói đạo trời biến đổi, cứ cố gắng biết đâu sẽ khác. Vậy tại sao trong việc chặn đường rút lui của Tào Tháo sau trận Xích Bích, Khổng Minh không cố gắng bố trí nhân sự thông minh hơn để biến đổi đạo trời? Hay như vụ định đốt cha con Tư Mã Ý ở hang *** (tự nhiên quên tên hang), sao Khổng Minh giỏi nhìn trước tương lai mà không biết là trời sẽ mưa để rồi lại dậm chân đấm ngực tiếc rẻ khi Ý thoát.

Vậy thực sự ý đồ của Khổng Minh khi đặt Quan công vào chốt chặn cuối cùng là gì?

Khổng Minh mới gia nhập tập đoàn Lưu Bị, tuy đang được chủ tin cậy vì lập được một số công lao song Khổng Minh chưa xây dựng được ê kíp của mình, xung quanh ông ta toàn là những người đã theo họ Lưu từ lâu, vì thế nếu Lưu Bị có ý đồ khác thì Khổng Minh tránh được họa là hơi bị khó. Mà truyền thống chính trị Trung Hoa săn xong cáo thỏ liền làm thịt chim ưng, Khổng Minh thừa hiểu. Nếu giúp chủ giành chiến thắng quá sớm trong khi bản thân chưa gây dựng được một vị thế an toàn rất có nguy cơ rơi vào vết xe đổ của mấy tay công thần giúp Lưu Bang ngày xưa. Chưa thể kết thúc chiến tranh sớm thế, còn phải trổ tài tiếp, còn phải làm cả kẻ thù kinh sợ lẫn lão chủ thấy không thể thiếu mình, còn phải xuất vài chiêu lạ để đám võ biền theo chủ đã lâu nể mình chịu ơn mình. Tào Tháo thoát chết thì hắn ở tận Hứa Đô cũng đe’o làm gì được mình cả sất, chứ bắt hắn bây giờ, có khi mình lại giống Hứa Du bị chết rất bất ngờ bởi một lưỡi kiếm của Hứa Chử.

Tào Tháo thoát chết, Khổng Minh không mất gì cả, vì cách đổ cho mệnh số từ trước khi vào trận không chỉ làm cho Lưu Bị không trách Khổng Minh mà còn nể phục Khổng Minh hơn.

Được thì nhiều.

Cái được lớn nhất là ra uy và ra ơn đối với đội lão thành cách mạng, đại diện là Quan Vũ. "Trước khi vào trận bác em cứ xoen xoét cái mồm, em tưởng bác thế đe’o nào, hóa ra không phân biệt được việc công với việc tư, kế hoạch em sắp đặt hay thế mà bác làm hỏng mịa nó cả. Lẽ ra là bác phải bị xử lý rồi đấy, cam kết bác ký rồi, nhưng nể chỗ thân tình với bác Bị, em tha cho!".

Sau vụ Hoa Dung, mỗi khi đối diện Khổng Minh, 1 người tự trọng như Quan Vũ tất sẽ có mặc cảm phạm lỗi. Ngoài ra, Quan Vũ tất nhiên cũng nghe loáng thoáng được chuyện hình như Khổng Minh cố tình giúp ông ta xử lý việc tư, nên con người kiêu ngạo hạng nhất trong đội hình Lưu Bị này còn thấy mình phải chịu ơn gã mặt trắng Khổng Minh nữa!

Nhân vật công trạng hạng nhất trong đội ngũ lão thành là Quan công còn phải thuần phục thì đám đàn em Trương Phi, Triệu Vân liệu dám ho he gì!

Rồi từ đây Khổng Minh tha hồ phô diễn tài năng, thuyết chân vạc dần dần được khẳng định là đúng, mọi sự cứ thế mà theo lập trình...

 

Phần 2: Tên và tên tự

Cavenui’s blog, 20/4/2007

Lần đầu tiên đọc Tam quốc diễn nghĩa, em đọc bộ 13 tập của NXB Phổ thông, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ. Cả cụ Phan lẫn cụ Bùi đều là những danh sĩ một thời. Hồi đó Tam quốc là sách hiếm, muốn đọc phải mượn hoặc thuê, gặp tập nào đọc tập đó, nhảy cóc từ tập 4 Quan công tìm anh sang tận tập 9 Lưu Bị vào Thục... Đọc kiểu đó mà cuối cùng vẫn ghép được các sự kiện vào nhau, nhiều tình tiết, thậm chí nhiều câu đến giờ vẫn không quên được.

Rất nhiều năm sau VN tái bản lại bộ trên, gộp thành 8 tập và có hiệu đính mới của 2 bác Lê Huy Tiêu-Lê Đức Niệm. Lời nói đầu viết rằng 2 bác Tiêu-Niệm trên tinh thần về cơ bản tôn trọng bản cũ nhưng có chỉnh sửa lại đôi chỗ nhầm lẫn, về lý thuyết mà nói thì cải tiến đương nhiên là phải tốt hơn.

Nhưng có một sự chỉnh sửa chưa hẳn đã là tốt. Đó là chuyện viết tên riêng các nhân vật trong truyện.

Trong bộ Bùi Kỷ tên các nhân vật được viết theo 1 quy tắc khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn như ông Gia Cát Lượng, họ là Gia Cát, tên là Lượng sẽ được viết là Gia-cát Lượng (chữ cát nằm trong họ Gia-cát không viết hoa, giữa Gia và cát có gạch nối). Tương tự như vậy là những Tư-mã Ý, Hạ-hầu Đôn, Công-tôn Toản...

Còn ông Lưu Bị, tên tự là Huyền Đức sẽ được viết là Lưu Huyền-đức. Chữ Đức chỉ là 1 phần của cái tên Huyền-đức nên không viết hoa, giữa Đức và Huyền có gạch nối. Đọc bộ Bùi Kỷ không có ai nghĩ rằng mấy ông Tào Mạnh-đức, Trương Dực-đức với Lưu Huyền-đức cùng có tên là Đức cả.

Bộ mới của 2 bác Tiêu-Niệm không tuân theo nguyên tắc này. Viết hoa tất và không có gạch nối: Gia Cát Lượng, Lưu Huyền Đức v.v . (Đây cũng là cách viết tên họ người Tàu thông dụng trên sách vở từ lâu lắm rồi: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Âu Dương Tu, Lệnh Hồ Xung ).

Nếu không theo dõi từ đầu và không hiểu biết về "thiên hạ bách tính", người ta có thể tưởng ông quân sư nhà Thục Hán họ Gia, còn ông chủ của ông ta tên là Đức. Chữ Cát và chữ Huyền trong tên họ hai ông này chắc là tên đệm giống như chữ Chí trong tên ông giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chí Phèo người Hà Nội gốc.

Cho nên: bảo lối viết Lưu Huyền-đức, Gia-cát Lượng là lẩm cẩm cũng được, nhưng rõ ràng người đọc tiếp nhận được thêm thông tin về tên họ nhân vật thông qua cách viết lẩm cẩm ấy, điều này họ không có được khi đối diện với cách viết hiện đại Lưu Huyền Đức, Gia Cát Lượng sau này.

Hầu hết các nhân vật quan trọng trong Tam quốc khi xuất hiện đều được giới thiệu họ, tên và tên tự. Khi nào dùng tên và khi nào dùng tên tự cũng có quy tắc ngầm.

Các nhân vật khi tự nói về mình thường dùng tên để tỏ ra nhún nhường.

Chẳng hạn Tào Tháo khi ali mơi mơi 1 danh sĩ nào đó sẽ bảo: "Tiên sinh về với Tháo thì nhất định ta sẽ trúng thầu".

Hay Lưu Bị lúc giả bộ khiêm tốn thì nói: "Bị này người trần mắt thịt làm sao biết được cách giải bài toán Fermat".

Vân vân.

Không bao giờ ta gặp những câu như "Tiên sinh về với Mạnh-đức" hay "Huyền-đức này người trần mắt thịt...".

Khi nói với người trên thì tất nhiên người ta dùng chức vụ, vị trí công tác hay danh hiệu học vị học hàm, ví như gọi vua là bệ hạ, gọi ông chủ mình là chúa công, tướng tá bên Thục gọi Khổng-minh là quân sư, còn đàn em của Tào Tháo gọi ông ta là thừa tướng.

Còn khi nói với (hoặc nói về) người ngang hàng hoặc dưới mình, nhưng vẫn tỏ ra lịch sự, người ta dùng tên tự.

Ví dụ Khổng-minh nói với Lỗ Túc: "Tử-kính (tên tự của Lỗ Túc) chỉ giỏi đánh golf, Công-cẩn (tên tự của Chu Du: chỗ này lại là nói về người vắng mặt) chỉ thạo tennis, còn ta không môn thể thao nào là không đỉnh đỉnh đỉnh".

Viên Thiệu nói với Lưu Bị: "Huyền-đức cứ ở lại chỗ ta, không phải sợ bố con thằng nào".

Vân vân.

Đó là các nhân vật gọi nhau, còn tác giả gọi tên nhân vật thì sao?

Bác La gọi hầu hết các nhân vật bằng họ và tên: Tào Tháo, Trương Phi, Tôn Quyền. Lúc nhắc lại nhân vật đó trong cùng 1 đoạn thì chỉ gọi gọn lỏn bằng tên: Tháo, Phi, Quyền.

Nhưng có mấy nhân vật đặc biệt được đặc cách gọi bằng tên tự thay cho tên. Nhắc đến Quan Vũ, tác giả thường dùng Vân-trường.

Nhắc đến Lưu Bị, tác giả thường dùng Huyền-đức.

Nhắc đến Gia-cát Lượng, tác giả thường dùng Khổng-minh.

Ngoài ra còn có Triệu Vân, bình thường tác giả chỉ gọi là Vân, nhưng có đôi chỗ tác giả gọi viên tướng tận tụy chưa từng làm hỏng việc này là Tử-long.

Hình như chỉ có 4 người ấy được tác giả đặc cách chiếu cố gọi bằng tên tự, cả 4 người đều thuộc phe chính thống nhà Thục Hán.

Cũng là anh em kết nghĩa vườn đào với Lưu-Quan nhưng Trương Phi lại không được tác giả gọi bằng tên tự Dực-đức mà chỉ được gọi là Phi. Nghe đồn nhân vật Trương Phi thật trong lịch sử là 1 tay văn nhã con nhà giàu, chữ đẹp, có tài vẽ tranh. Không hiểu sao khi vào truyện của bác La, Trương Phi lại đổi tính đổi nết trở thành anh chàng cục súc lỗ mãng nóng nảy, không đủ sang trọng để được bác La gọi bằng tên tự.

Nhân chuyện tên với tên tự nhân vật Tam quốc nói lan sang chuyện đặt tên người Nga. Hôm nọ có anh bạn khoe cuốn tiểu thuyết viết dở có mấy nhân vật là cha con tay cố vấn người Nga. Ông bố được anh bạn đặt tên là Va-xi-li Xec-ghê-ê-vích, còn ông con thì tên là Vich-to Bô-ri-xô-vich. Anh bạn thuổng mấy cái tên này từ tên những ông người Nga thật trong những bản tin tấm gương lao động xã hội chủ nghĩa trên họa báo Liên Xô ngày xưa, yên chí tên như thế là Nga lắm rồi đúng lắm rồi. Biết đâu rằng, nếu đồng chí con tên là Vích-to Bô-ri-xô-vích thì đồng chí bố nhất định phải tên là Bô-rix, chứ không thể tên là Va-xi-li được.

 

Phần 3: Phép không dụng binh

Cavenui’s blog 17/3/2010

1

Trong dàn mưu sĩ của Tào Tháo, Quách Gia thường được xếp thứ 3: “Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục”. Hành trạng của Quách Gia trong truyện Tam Quốc (lưu ý, mọi bình luận ở đây là dựa theo tác phẩm văn học của họ La chứ không theo sự thực lịch sử) cho đến trước hồi 33 cũng chỉ thương thường bậc trung, nhưng đến trước khi chết, kế sách của Quách Gia trong hồi 33 “Tào Phi nhân loạn lấy Nhân thị/ Quách Gia dặn kế định Liêu Đông” đã đưa họ Quách vượt lên trên tầm 3 mưu sĩ còn lại và là mẫu mực của phép không dụng binh.

Lúc đó Tào Tháo dẹp xong Viên Thiệu, tàn quân của Viên Thiệu theo 2 người con của Thiệu là Viên Hy và Viên Thượng chạy sang Liêu Đông nương nhờ Công Tôn Khang. Các tướng của Tào Tháo nôn nóng muốn làm tới nhưng Tháo nghe theo kế của Quách Gia dừng lại không tấn công nữa. Quả nhiên Tháo không phải nhọc sức, Công Tôn Khang sau đó đem đầu anh em họ Viên đến nộp.

Kế của Quách Gia được viết trong thư thế này:

“Nay nghe Viên Hy và Viên Thượng sang Liêu Đông, minh công không nên cất quân ra đó. Công Tôn Khang vốn sợ họ Viên thôn tính. Hai anh em Viên đến hàng, Khang tất nghi ngờ.

Nếu ta đem quân đến đánh, nhất định họ phải hợp sức chống cự, nôn nóng thì khó mà hạ được. Nếu ta hoãn lại, thì Công Tôn Khang và họ Viên sẽ giết lẫn nhau. Việc này thế tất phải xảy ra như vậy”.

Bài học: Khi nội bộ đối phương có dấu hiệu rạn vỡ, ta nên dừng lại 1 nhịp để chúng đánh nhau thay vì hợp sức đối phó với ta.

2.

Trường hợp Viên Thượng-Công Tôn Khang khác với trường hợp Mã Siêu-Hàn Toại. Giữa Thượng và Khang tiềm ẩn bất hòa có thật, còn giữa Siêu và Toại tình sâu nghĩa nặng, sẽ không có bất hòa nếu không có ly gián.

Thế thì phải ly gián, thời đó chưa có hacker giả email của Hàn Toại nói xấu Mã Siêu, thì có phép ”Tào Tháo xóa thư lừa Hàn Toại” ở hồi 59.

Tào Tháo gửi thư cho Hàn Toại cố ý bôi xóa lèm nhèm. Mã Siêu xem thư thì nghi ngờ những đoạn xóa là những đoạn ”xấu”. Toại thanh minh, lòng Siêu còn phân vân. Đến khi Tháo ra trận gặp Hàn Toại lại không động binh, chỉ bâng quơ mấy câu thăm hỏi. Kết quả là Siêu hoàn toàn không tin Toại nữa, liên minh Mã-Hàn tan vỡ và Tào Tháo thành công.

Quả gửi thư bôi xóa quả là công phu, nhưng nó chỉ có hiệu quả khi ngày hôm sau ra trận Tào Tháo không tấn công Hàn Toại. Chỉ khi có sự không động binh thì ly gián mới thành công.

Bài học: Khi ta đã mất công ly gián nội bộ đối phương, ta cũng nên dừng lại 1 nhịp để sự ly gián đó đạt hiệu quả.

3.

Người bạn hỏi: có mấy vụ gần đây na ná, tôi chưa rõ bên kia mâu thuẫn như Thượng-Khang hay đoàn kết như Siêu-Toại nhưng lại thấy Tào Tháo động binh thế là thế nào?

Đáp: tìm đọc trong Tam quốc nhan nhản những đoạn lý giải được điều bạn hỏi. Ví dụ vào Xuyên thì Hoàng, Ngụy tranh công; ví dụ Quan Vũ phớt lờ bốn chữ đông hòa Tôn Quyền của Gia Cát, người ta là 1 tập hợp nhiều tướng chứ đâu phải quy về 1 người Tào Tháo. Các tướng mỗi người một tham vọng công danh, có phải lúc nào mưu sĩ bảo giả thua đi hay dừng lại mai phục hay nhường tướng kia đi trước người ta cũng răm rắp tuân theo cả đâu. Nhất là sắp đến hội nghị thưởng công rồi!

 

Phần 4: Ai có nhân hòa?

Cavenui’s blog 27/7/2010

Khi nói đến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong Tam Quốc, ta thường ngầm định Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, Lưu Bị có nhân hòa. Ở đây không bàn trong lịch sử Trung Quốc thật sự ra sao, còn nếu theo văn bản Tam quốc diễn nghĩa thì hình như nhận định này hơi hơi nhầm lẫn. Câu hỏi kỳ này là nếu chiếu theo tác phẩm văn học của La Quán Trung, phe nào có “nhân hòa”?

Đương nhiên, “nhân hòa” không ở phe Tào Tháo dù nhiều người đọc Tam quốc diễn nghĩa đã phát hiện ra rằng chưa có ai theo Tào Tháo phản bội lại ông ta cả (có Vu Cấm đúng là sau khi bị Quan công bắt đã tỏ ra thiếu dũng khí xin hàng, nhưng họ Vu chỉ đầu hàng chứ không phản bội-Quan công không tiếp nhận sự đầu hàng ấy, cho giam lại). Nhưng điều éo le cho Tào Tháo là ở Hứa Đô, ông ta luôn phải sống chung với lũ-với nhóm quan lại nhà Hán chưa thuận theo ông và luôn sẵn sàng đâm dao sau lưng ông khi có cơ hội. Mỗi khi Tào Tháo cất quân đi xa, Hứa Đô-nơi lẽ ra là hậu phương vững chắc của ông ta, lại sẵn sàng nổi sóng.

Khi Từ Châu thất thủ, Quan công nhận lời hợp tác với Tào Tháo có nói “Ta hàng Hán, không hàng Tào”. Hứa Đô rõ ràng có một tầng lớp quan lại các cấp theo Hán không theo Tào như thế, mà người có danh vọng lớn nhất trong số họ có lẽ là Khổng Dung (về sau bị Tào Tháo giết hại). Những người này danh phận là quan nhà Hán, Tào Tháo là thừa tướng đứng đầu quan chức nhà Hán nên về danh nghĩa là sếp của phần lớn trong số họ. Nhưng trên thực tế, khác với đám đàn em sinh tử cùng họ Tào trên trận mạc, họ lại không thuộc tập đoàn Tào Tháo, hơn thế, nhiều người trong số họ đã thực hiện những âm mưu (bất thành) lật đổ nội các họ Tào: từ Đổng Thừa, Dr.Cát Bình đến ê kíp Phục hoàng hậu.

Không thuộc tập đoàn Tào Tháo nhưng sinh hoạt cùng nhau trong chi bộ Hứa Đô, gặp nhau là khen nhau có áo mới giày dép mới, thỉnh thoảng có thể đi hát karaoke với nhau nên ranh giới giữa nhóm Hán này với nhóm Tào rất dễ nhòa mờ, theo hay không theo Tào Tháo được xác định bởi tâm tư nguyện vọng từng thành viên của cái tập thể quan lại Hứa Đô. Cái sự nhòa mờ của ranh giới giữa 2 nhóm thể hiện rõ qua vụ chú cháu Tuân Du, Tuân Úc-2 người được coi là mưu sĩ của Tào Tháo, nghĩa là, lẽ ra là thuộc tập đoàn Tào Tháo. Họ quả thực đã bày nhiều mưu mẹo giúp Tào Tháo đánh dẹp các tập đoàn phong kiến cạnh tranh. Nhưng cả 2 đều chịu chết sau khi phản đối những siêu dự án thăng quan tiến chức của “ông chủ”. Tại sao họ lại phản đối ông chủ? Phải chăng khác với Quan công rành rẽ phân biệt Hán với Tào, chú cháu họ Tuân đồng nhất Tào với Hán, cho rằng họ giúp Tào là để giúp Hán, và đến khi nhìn ra sự va chạm quyền lợi Hán-Tào thì họ đắc tội với “ông chủ” (chúa công) Tào?

Còn Lưu Bị? Chiêu bài nhân nghĩa của ông mê hoặc được khá nhiều người. Nhưng chỉ trong giai đoạn đầu. Đến khi ông ta vào Xuyên tranh giành đất cát bất động sản với 1 người cũng trong hoàng tộc (Lưu Chương) thì chiêu bài đó không còn hữu dụng nữa. Quan lại Ích Châu theo ông ta một phần vì cầu vinh (những người chủ động bán rẻ Lưu Chương cho Lưu Bị như Trương Tùng, Pháp Chính, Mạnh Đạt trong đó Mạnh Đạt sau này còn nhiều lần thể hiện mình như 1 kẻ trở cờ nổi tiếng), một phần vì bất đắc dĩ (những người như Lưu Ba, Hoàng Quyền- chủ đã hàng rồi không lẽ mình còn cố chấp không ra hàng-họ không có tình cảm gì gắn bó với Lưu Bị cả nên Hoàng Quyền sau này đã hàng Tào khi Tiên chủ đánh nhau với Đông Ngô bị thua). Đến khi Lưu Bị vào được Ích Châu, chấm dứt cảnh bần hàn, có chức tước bổng lộc ban phát cho đàn em thì tập đoàn Lưu Bị không còn là 1 tập đoàn vì nghĩa nữa mà đã trở thành 1 công ty có tranh chấp ghế ngồi, bắt đầu có sự thắc mắc chức tước của nhau (Quan công thắc mắc Hoàng Trung). Vì Lưu Bị đang thắng thế nên sự bất ổn chưa lộ rõ. Đến khi tình hình có chút xấu đi, khi Quan Vũ lâm nạn thì My Phương (em My Chúc, họ hàng đằng My phu nhân, từng theo Lưu Bị từ rất lâu rồi), Lưu Phong (con nuôi Lưu Bị), Mạnh Đạt (nhân vật đã nhắc đến ở trên) đã loạn lên rồi, ngoảnh mặt với Quan nhị ca, đệ nhất công thần của chế độ một cách phũ phàng. Tiếp đó là Trương Phi bị thủ hạ sát hại-hoàn toàn do những yếu kém nội tại của chế độ chứ không phải do bàn tay diễn biến hòa bình của Đông Ngô.

Đám quan lại bản xứ Ích Châu không có cảm tình gì với Lưu Bị, họ theo Lưu Bị vì quyền lợi, nên sau này, vì quyền lợi, họ thúc giục A Đẩu dâng đất cho Ngụy một cách nhẹ nhàng tựa như trước đó họ ép Lưu Chương đầu hàng Lưu Bị (gương mặt nổi bật là chiêm tinh gia Tiêu Chu). Mà Lưu Bị đặt trụ sở chính ở Ích Châu, không dựa vào lớp quan lại theo chiều gió này thì dựa vào ai? Cho nên Cavenui cho rằng bảo Lưu Bị có nhân hòa là không đúng.

“Nhân hòa” hóa ra lại ở phía Tôn Quyền. Không chỉ không có ai phản bội lại Tôn Quyền mà ngay trong nội bộ các tướng tá quan chức Đông Ngô với nhau (dưới quyền Tôn Quyền) cũng không có mâu thuẫn gì ghê gớm. Khi bàn việc hòa Tào hay liên kết với Lưu Bị chống Tào, nội bộ phe Tôn Quyền đã có bất đồng sâu sắc với 2 phái rõ nét, phái Trương Chiêu chủ hòa và phái Lỗ Túc-Chu Du chủ chiến. Bất đồng không biến thành bất hòa, khi Tôn Quyền quyết chiến thì phe Trương Chiêu không có động thái gì phá hoại các hoạt động của phe Lỗ Túc-Chu Du cả. Thắng trận Xích Bích, cả Tôn Quyền lẫn các thành viên chủ chiến không ai đòi hạch tội phe Trương Chiêu, bản thân Chiêu vẫn được tin dùng, tiếp tục bày mưu tính kế cho chủ. Khi Chu Du và sau này là Lục Tốn bắt đầu cầm quân, lớp tướng già ban đầu không phục, nhưng sau khi vị tổng chỉ huy quân đội biểu diễn vài đường, khi đội cận vệ già này bắt đầu phục là họ tuân lệnh thượng cấp thực lòng. Và cái mạch nối nhau quyền chỉ huy quân đội từ Chu Du qua Lỗ Túc, Lã Mông đến Lục Tốn diến ra rất êm ả không có sự cố như Khổng minh dặn kế giết Ngụy Diên bên Thục.

Cả Tào Tháo, Lưu Bị lẫn Tôn Quyền đều hiểu muốn thành công phải ổn định nội bộ, thu phục lòng người. Tào Tháo có trò khóc Điển Vi, Lưu Bị có trò ném con xuống đất thì Tôn Quyền cũng có nhiều mảng miếng kỹ thuật (như bảo 1 viên tướng cởi áo hỏi han từng vết thương, kể xong lý do từng vết thương vì chủ là thưởng 1 chén rượu). Nhưng pha nổi tiếng nhất của Quyền lại không chỉ để các tướng tận tụy với mình mà còn để họ hòa thuận với nhau. Lăng Thống và Cam Ninh có thù riêng, khi Thống ra trận đánh nhau với bên Tào bị ngã ngựa, tướng Tào (Nhạc Tiến? em chưa check lại) đến đâm thì bị trúng tên nên Thống được cứu thoát. Lăng Thống đến tạ ơn Tôn Quyền thì Quyền bảo người bắn tên cứu là Cam Ninh, từ đó 2 người hết thù hận. Truyện chỉ viết thế, không biết có phải Cam Ninh bắn tên không hay Tôn Quyền bày trò ra thế để đoàn kết nội bộ?

Tất nhiên, nói Tôn Quyền có “nhân hòa” là theo truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa thôi, chứ sự thật chắc chắn không phải vậy. Vì sau khi Quyền chết, con cháu họ Tôn mấy lần tranh giành quyền lực với nhau, có phế lập, có giết vua (bên Tào cũng có vài lần phế lập nhưng chủ yếu do họ Tư Mã lộng hành, còn Thục thì sau Lưu Bị chỉ vẻn vẹn có 1 ông vua), chắc chắn mầm mống mất ổn định nội bộ đã được nuôi dưỡng từ thời Tôn Quyền còn sống.
Như vậy trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” Tôn Quyền có nhân hòa chẳng qua là vì La Quán Trung coi tập đoàn Đông Ngô là vai phụ, không nói nhiều đến họ. Về lý, 1 tập đoàn cầm quyền, có quyền lợi bổng lộc thì không thể hòa mãi được, một lúc nào đó phải có sóng ngầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét