Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

MAI HẮC ĐẾ


Mai Hắc Đế và quả vải cho Dương Quý Phi

Le Tran Hai’s facebook, 2/5/2015

Mai Hắc Đế là nhân vật lịch sử đầu tiên mà em quan tâm. Lý do là hồi bé ở Hải Phòng, lên Hà Nội chơi nhà bác ở phố Mai Hắc Đế.

Ông tên thật là Mai Thúc Loan, người Nghệ An (hồi đó gọi là Châu Hoan), đứng đầu cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường ở thế kỷ VIII. Khi cuộc khởi nghĩa thành công, chiếm được thủ phủ của chính quyền đô hộ Đường ở An Nam, ông lên ngôi hoàng đế. Được gọi là Mai Hắc Đế (ông vua đen họ Mai) vì ông có nước da màu đen (có giả thuyết nói rằng ông là người Chăm nên có nước da đó, có người bảo vì mưa nắng dãi dầu mà da ông đen tươi màu suy nghĩ). Chắc người ta gọi ông là Mai Hắc Đế chứ không phải ông tự xưng như thế  (nếu mở quán bia hay trở thành nghệ sĩ nhạc jazz em có thể xưng danh Hải Béo nhưng nếu làm vua em phải lấy 1 đế hiệu nào long lanh chứ nhất định không tự xưng là Vua Lê Béo, nghe hài vãi kả lúa ra).

Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan có 1 điểm đáng lưu ý là ông phối kết hợp rất ăn ý với các nước Đông Nam Á anh em như Lâm Ấp, Chân Lạp… để cùng chống Đường, điều mà xưa nay Việt Nam làm không giỏi. Có thể sắc tộc Chăm giúp ông làm điều đó dễ dàng hơn các thủ lĩnh người Kinh?

Hồi nhỏ đọc sách về Mai Thúc Loan được biết ông là phu gánh vải từ Nghệ An sang kinh đô Đường vì dân ta phải cống nạp quả vải cho Đường, chiều lòng người đẹp Dương Quý Phi (*). Dân phu đã vất vả lại còn bị ức hiếp, bất bình, ông tụ tập họ cùng nổi dậy. Cho đến tận cuối thế kỷ XX, sách sử các kiểu từ viết cho học sinh đến cho sinh viên đều chép thế.  Mãi đến năm 2003, trên tờ Thế Giới Mới, bác Lê Mạnh Chiến mới viết 1 bài công phu tên là “Phải chăng nạn cống vải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan?”. Có mấy ý chính:

Sách sử xưa (cho đến tận Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim) chép về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan đều không hề nói đến quả vải và nạn cống vải. Nạn cống vải chỉ mới xuất hiện trong sách sử thời XHCN.

Vải ở Châu Hoan (Nghệ An) ít và chua, không ngon, hiện nay như thế mà một số sách về sản vật các vùng của các học giả thời phong kiến xa xưa cũng chép như thế.

Giả dụ vải Châu Hoan ngon thì với phương tiện vận chuyển bằng dân phu gánh vải ở thời Đường đến kinh đô Trường An (khoảng 4000 km) quả vải sẽ hỏng chẳng ra vị gì.

Nên suy ra điều phải chứng minh.

Về sau được biết lý do sử hiện đại nói chuyện cống vải vì 1 bài chầu văn ở Nghệ An kể tội đô hộ nhà Đường có câu “Sâu quả vải vì ai vạch lá/ Ngựa hồng trần kể đã héo hon”,  nhưng Lê Mạnh Chiến cho rằng ý tứ về quả vải trong bài chầu văn này chẳng qua lấy từ 1 bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục tên là Quá Hoa thanh cung (qua cung Hoa Thanh):

Trường An hồi vọng, tú thành đôi,/Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai./Nhất kỵ hồng trần, Phi Tử tiếu/Vô nhân tri thị lệ chi lai.

Tương Như dịch:

Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,/Đầu non nghìn cửa mở liền nhau./Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cuời nụ./Vải tiến mang về, ai biết đâu!

Ừa, Dương quý phi thích vải, nhưng người ta tiến vải bằng ngựa, và không phải là từ An Nam.

Lê Mạnh Chiến viết bài đã lâu mà chẳng được các sử gia học phiệt ỏ e gì, điên tiết ông quất mấy bài liền đăng nhiều nơi, giọng văn càng ngày càng gay gắt. Ban đầu các cụ sử gia nhà mình còn vòng vo kiểu Nghệ An cũng có quả vải, có thể ngày xưa cũng có quả vải…, nhưng đến năm 2008, tại cuộc hội thảo với sự tham gia của sử quan số 1 Phan Huy Lê, các cụ đã phải thừa nhận việc gắn chuyện cống vải vào cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan là không có cơ sở (tuy có ghét Lê Mạnh Chiến hung hăng quá nên các cụ luôn bảo là không phải chỉ có anh Chiến nói mà chúng tôi mới biết).

Lê Mạnh Chiến với các cụ vẫn còn cãi nhau tiếp về Mai Thúc Loan, chẳng hạn về năm tháng diễn ra cuộc khởi nghĩa, chưa biết bây giờ đã xong chưa vì em không quan tâm lắm.

Em chỉ quan tâm đến quả vải thôi. Vì trước đây có lần bênh vực các người đẹp, em viết mấy chữ có nhắc đến Dương Quý Phi:

Đẹp nhiều có quyền sai nhiều, đẹp ít có quyền sai ít. Hậu thế có thể phán xét thằng cha vua Đường cái gì Hoàng đường hoàng mê gái chứ ai lên án Dương quý phi, cái bọn khởi nghĩa nào đó em quên tên ép nàng thắt cổ tự tử là bọn thất học đần độn mắt mũi lèm nhèm, bọn loser thiếu tử tế, rồi kết cục đời chúng nó sẽ chẳng ra sao hết.

Thế là có bạn vào mắng rằng con mụ Dương Quý Phi bóc lột dân ta, bắt dân ta cống vải cực khổ trăm bề, không được bênh vực mụ dưới mọi hình thức (!)

May quá, nhờ bác Lê Mạnh Chiến mà bây giờ em có thể tiếp tục bênh vực người đẹp.

(*): Còn 1 cái lố lăng nữa. Dương Quý Phi sinh năm 719, lúc khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dẹp (722) bà mới.. 3 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét