Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

VIỆT-TRUNG (1)


Ghi nháp cho ngày 17/2-35 năm ngày chiến tranh chống bành trướng TQ xâm lược.

Le Tran Hai’s facebook, 15/2/2014

Đây không phải là bài viết các bác nhé, chỉ là ghi tạm lại các ý tưởng lộn xộn không liền mạch, để lúc khác sửa, lúc khác dùng. Các phần chỉ chung 1 chủ đề lớn. Cho ngày 17/2.

*

Hồi chiến tranh, tuyên truyền TQ cộng hưởng với cái loa Hoàng Văn Hoan luôn lải nhải rằng họ chống lại tập đoàn phản bội tiểu bá (*) Lê Duẩn, những kẻ phản bội lại tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, phá hoại tình đoàn kết Việt-Trung mà Hồ chủ tịch dày công vun đắp (tham khảo thêm ý này trong bài trả lời BBC của cựu binh Ngô Nhật Đăng (1) trong khi tuyên truyền Việt Nam không hề làm điều tương tự là đả kích tập đoàn phản bội đại Hán Đặng Tiểu Bình, phản bội lại tư tưởng của chủ tịch Mao Trạch Đông (mặc dù thực tế thì Đặng đã quay ngược lại so với Mao trong rất nhiều việc). Tuyên truyền Việt Nam đả kích cả Đặng lẫn Mao.

Sự khác nhau đó không ở chỗ Việt Nam dựa vào Liên Xô mà Liên Xô ghét Mao đến chết, mà ở chỗ Nixon ăn vịt quay Bắc Kinh dưới thời Mao và TQ đánh chiếm Hoàng Sa là dưới thời Mao.

*

Khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào 2/1979, Đặng Tiểu Bình láo xược tuyên bố sẽ dạy cho VN 1 bài học. Người VN đã giáng trả quân xâm lược những đòn đích đáng, buộc chúng phải rút về nước. Tuy nhiên, 1 bài học lớn đã được nghiệm ra từ cuộc chiến. Đó là quyền lợi quốc gia dân tộc phải được đặt lên trên mọi hệ tư tưởng. Không biết giữa 2 nước cùng có cửa hàng McDonald’s có xảy ra chiến tranh không (ý tưởng chú chích chòe Thomas Friedman) chứ giữa “2 nước XHCN anh em” đã xảy ra chiến tranh rồi, khốc liệt, tàn bạo và dai dẳng.

*

Tuyên truyền VN thời Lê Duẩn vẫn muốn bảo vệ hệ tư tưởng nên ra sức tuyên truyền rằng lãnh đạo Đảng CS TQ, không chỉ từ Đặng, mà ngay từ thời Mao đã phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lê nin, không còn là những người CS chân chính nữa. Các đồng chí tuyên huấn khi đi nói chuyện với bà con dân phố thường nhấn mạnh TQ không không thuộc phe XHCN nữa. Phân biệt được các chủ nghĩa với nhau là 1 công việc quá ư là phức tạp, người dân thường VN do đó ghét Mao ghét Đặng vì đó là những kẻ xâm lược, vì quân TQ giết hại đàn bà con trẻ VN chứ người dân VN ghét Mao ghét Đặng không phải vì 2 nhân vật này phản bội chủ nghĩa CS. Thực tế từ khi quan hệ VN-TQ hòa hiếu trở lại, tuyên truyền nhà mình không còn nói lãnh đạo Đảng CS TQ đã phản bội lại CNCS như ngày xưa nói nữa. Đọc những bài chửi Mao theo hướng tố Mao phản bội CNCS trong sách ngày xưa, ví như những bài viết của Vương Minh-học trò ngoan của Quốc tế III, không khỏi tủm tỉm cười vì những thứ ấu trĩ trong đó.

*

2 trong 3 cuộc xâm lược lớn của TQ chống Việt Nam cùng cách năm 2014 này một khoảng thời gian chia hết cho 5 năm: hải chiến Hoàng Sa 40 năm trước (1974) và chiến tranh biên giới 35 năm trước (1979). Cho nên rất dễ hiểu khi năm nay dân ta nhắc đến những sự kiện này nhiều hơn năm ngoái.

Có thể cảm nhận được phần nào không khí chống bành trướng ngay trên những tờ báo quốc doanh. Đầu năm, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số báo khác kể chuyện hải chiến Hoàng Sa trong nhiều kỳ-trong đó công phu nhất là tờ Thanh Niên; tháng 2, báo điện tử Một Thế Giới đăng chùm 3 bài của Đào Tuấn “Hoa đào biên viễn”. Nhưng kết cục ta đã biết: loạt bài về hải chiến Hoàng Sa bị dừng lại, bài Đào Tuấn  thì bị gỡ khỏi mạng. Sự hiện diện của những bài báo dạng này trước khi nó bị xử lý cách này cách khác cho thấy dường như lãnh đạo VN đã đồng ý cho nhắc đến những cuộc chiến tranh với TQ, nhưng chỉ trong 1 mức độ-giới hạn nào đó, đi vượt ngưỡng sẽ bị thổi còi. Xung quanh vụ gỡ bài Đào Tuấn, một số dư luận viên lề phải đưa ra những luận cứ rằng thông tin trong bài Đào Tuấn về việc VN hoàn toàn bị động, hoàn toàn bị bất ngờ khi quân TQ tràn sang ngày 17/2/1979 là không đúng (2), và đó mới là lý do bài báo bị xử lý chứ không phải vì chửi TQ mà bị xử lý. Nhưng những thông tin từ những facebooker không rõ danh phận đưa lên mạng chỉ mang ý nghĩa tham khảo. 1 lời khuyên chí tình cho lề phải: các nhà quản lý muốn kể chuyện đánh Tàu trong giới hạn chấp nhận được, muốn kể chuyện đánh Tàu mà không có thông tin bất lợi thì sao không chủ động làm đi, chủ động viết bài đi. Anh chủ động tưởng niệm ngày đổ máu thì còn chèo lái được theo ý anh, anh khoanh tay không làm gì thì người khác làm, mà người ta có phải là anh đâu mà làm hoàn toàn đúng ý anh được? Đợi báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân ngày 17/2 tới (thứ hai) xem sao?

*

Quay lại thời Hà Nội Bắc Kinh hiềm khích. Thời đó, đài tiếng Việt của TQ thường mở mục đọc truyện, đọc toàn những tác phẩm kinh điển như Tây Du, Tam Quốc… để câu thính giả VN. Bọn em hồi bé cũng đã lén bật đài TQ để nghe truyện, mà không ai bị tiêm nhiễm những thứ tuyên truyền đại Hán đi kèm. Yêu Trung Hoa Lý Bạch, yêu Trung Hoa Võ Tòng mà vẫn ghét Trung Hoa Liễu Thăng, Trung Hoa Mã Viện (mượn ý thơ Lưu Quang Vũ). Nhà ông có bộ xa-lông đẹp thì tôi vẫn khen là đẹp, nhưng nhà ông lấn đất nhà tôi thì tôi vẫn lôi ông ra phường.

*

Tuyên truyền VN thời Lê Duẩn chửi Mao, chửi những thứ giáo điều của Mao, chửi chủ nghĩa mao (mao-ít) điều này cũng góp phần làm cho tư tưởng giới quản lý có thông thoáng ra một chút xíu (một chút xíu thôi), kể cả giới quản lý văn học nghệ thuật. Từ sau 79, văn học nghệ thuật đỏ Việt Nam đã bớt công thức hơn, đã riêng tư hơn. Ngay trong thời gian chiến tranh, những ca khúc chống bành trướng cũng “đời” hơn so với những ca khúc thời chống Mỹ, những ca khúc chống bành trướng tất nhiên là “hùng” nhưng không sợ chất “bi”, có thể có những ca từ như “gió bấc tràn về, lòng anh lạnh buốt” (3) hay “làm sao có thể ngồi yên khi người bạn tôi đã chết, đạn thù xuyên qua tim…” (4) chứ không chỉ “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, không sợ “Vòng trắng” như thời Phạm Tiến Duật.

Mới năm nào còn bỏ tù Toán xồm, Lộc vàng vì hát nhạc vàng; đầu thập niên 80 các chương trình biểu diễn nhạc đỏ, ca sĩ thời danh nào cũng phải đệm một chút nức nở vào những bản hùng ca tráng ca. Kể cả Trị An âm vang mùa xuân, Dòng điện sáng lên thì vẫn phải vừa gào vừa nấc.

*

Cuộc chiến với TQ nổ ra không lâu sau khi 1 cuộc chiến khác vừa khép lại. Nếu tính đến việc Khmer Đỏ gây hấn ngay từ 1975 thì có thể thấy chiến tranh là liên miên không dứt, đúng là “mang trong mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường” (5). Đó cũng là thêm 1 lý do vào tính chất bi trong các ca khúc chống bành trướng bi hùng. Và đó cũng là lý do mà trong nhiều ca khúc chống bành trướng thường mang theo thông điệp bất đắc dĩ ta mới phải chiến đấu theo tinh thần “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng càng nhân nhượng kẻ thù càng lấn tới”.

Chẳng hạn:

“Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.

Hoặc

“Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom” nhưng “Giặc dùng đạn bom thì ta đáp trả đạn bom”

Tinh thần đó cũng giống như bài thơ của 1 nhà thơ đỏ-ông Đỗ Trung Quân làm năm 2009 trên 360 yahoo, 30 năm sau chiến tranh biên giới: “Thôi thì chinh chiến không ai muốn/ Vẫn phải sôi gan giặc đến nhà” mà vì trang cũ không tìm được, em chép lại toàn bài ra đây:

Linh hiển

Đánh xong pol pot ta về ngủ

Kẽo kẹt đêm đêm võng một mình

Tiếng chân mẹ rót như sương rụng

Vẫn làm giật bắn cả bình minh

 

Chưa xong giấc ngủ thèm mơ mộng

Máu đỏ loang từ biên giới xa

Balo xốc lại chờ ra trận

Lại cúi hôn lên trán mẹ già

 

Thôi thì chinh chiến không ai muốn

Vẫn phải sôi gan giặc đến nhà

vận trời- máu chỉ loang chừng ấy

Rừng đào linh hiển vẫn ra hoa

 

Đá núi nghìn năm nằm thở khói

Lau trắng nghìn năm lau trắng thêm

Cớ gì sông núi hao gầy mãi

Ai nhớ và ai đang muốn quên?

(17-2-1979-17-2-2009)

*

Năm 2009 em đã tìm kiếm trên mạng những ca khúc thời chống bành trướng nhưng tìm kiếm khá là vất vả. Đến nay những bài hát dạng này đã được đưa lên mạng youtube khá đầy đủ. Facebook 1 bác tên là Zan Hanoi (6) giới thiệu 35 bài hát giai đoạn này (hầu hết là bác ấy up lên youtube). Em là bạn của bạn bác này nên vào được facebook, không biết người khác có vào được không nên copy thêm 1 bài trên youtube, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn (Thế Song sáng tác, Lê Dung hát) (7) sau đó các bác vào tên người up zan hanoi ở dưới có thể đi tiếp đến các bài hát khác.

Nhưng có 2 bài em tìm chưa ra, 1 bài là của NS Phạm Thế Mỹ (tác giả Bông hồng cài áo) tên là Lê na Bê li cô va, ca ngợi 1 em bé gái Liên Xô viết thư cho Đặng Tiểu Bình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

"Lê na Be-li-cơ-va - Lời thơ em đến với Việt nam - Như tiếng quân đi ngoài dặm xa - Như sóng khi xưa Bạch Đằng Giang - Nổi sóng Vôn-ga - Nổi gió Tu-la - Chống quân ngoại xâm - Chém giết trẻ em - Trẻ em Việt nam - Lê na Bê-li-cơ-va - Là trái tim yêu Việt nam”.

Bài thứ 2 là bài “Battle Hymn of the republic” của Mỹ được đặt lại lời Việt để chống bành trướng, em đã nhắc đến bài này từ năm ngoái khi tích phân phiên bản phản chiến tiếng Pháp do chị Mireille Mathieu mái ngố trình bày (8).

Bao nhiêu con tim sững sờ chợt nghe quân cướp đất nước Việt nam

Xích xe tăng quân Trung Quốc phá tan biết bao xóm quê bình yên.

Hôm nay năm châu tiếp tục bài ca đoàn kết chiến đấu năm xưa

Cùng Việt Nam đấu tranh giành tự do

Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!

Là bài ca trái tim tháng năm này.

Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!

Cùng Việt nam đấu tranh giành tự do!

Tên Goliath coi chừng Việt Nam David chiến đấu hôm nay

Chiến tranh hôm nay David có thêm bao nhiêu anh em kề vai

Theo chân bao quân xâm lược bọn bay phải chết dưới đất thiêng này

Hãy chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam!

Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!

Là bài ca trái tim tháng năm này

Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!

Cùng Việt Nam đấu tranh giành tự do!

Nhân vụ ca khúc Mỹ lời Việt, báo Công an Nhân dân của bác Hữu Ước anh em có một sự nhầm lẫn rất là vui, khi cho rằng dàn nhạc cảnh sát Nữu Ước đã trình diễn bài hát VN chống Tàu xâm lược:

Phần biểu diễn của Đoàn (Cảnh sát New York) kết thúc bằng khúc nhạc "Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh, cùng Việt Nam đấu tranh vì tự do", khiến sự cổ vũ tưởng không bao giờ dứt. (9)

*

(*) Ngày xưa Tàu chửi Nga là đại bá, chửi Việt Nam là tiểu bá chứ không có chửi là “tiểu Á” như BBC Việt ngữ đã ghi. Nói thật, đây không phải là lần đầu tiên em hoài nghi kiến thức lịch sử của dàn phóng viên người Việt ở BBC.

 










 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét