Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

NHÀ TRẦN


Chuyện giai xinh gái đẹp nhà Trần

Le Tran Hai’s facebook, 26/4/2015

Cuối đời Lý, các vua kém cỏi, nhiều tập đoàn nổi lên tranh giành quyền lực o ép nhà vua và đánh lộn lẫn nhau. Nổi bật hơn cả là có Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng (làng Ném Thượng có tục phanh thây con lợn vào dịp đầu xuân khiến các bạn tây văn minh chỉ quen tàn sát cá heo máu đỏ lòm một góc biển chứ không quen giết lợn cách đó la oai oái, nghe đâu thờ ông này) và công ty gia đình đánh bắt hải sản họ Trần: Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ... Trong cuộc chạy đua giành lấy cúp vàng họ Trần đã thắng vì bắt chết họ Lý, kèm người rất chặt.

Nữ nhân họ Trần là Trần Thị Dung lấy vua Lý Huệ Tông, đẻ ra 2 công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh (sau thành Lý Chiêu Hoàng).

2 người con của Trần Thừa (anh ruột Trần Thị Dung) là Trần Liễu và Trần Cảnh lấy luôn 2 công chúa đó: Liễu lấy Thuận Thiên, Cảnh lấy Chiêu Thánh.

Và kết cục thì sử chép rất chi ly: Lý Chiêu Hoàng 7 tuổi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh 8 tuổi, theo kịch bản do mẹ bà là Trần Thị Dung dàn dựng cùng với  Trần Thủ Độ. Sau này khi Lý Huệ Tông bị “nhổ cỏ” thì bà Dung và ông em họ Thủ Độ lại nên vợ nên chồng.

Như vậy để giành được chính quyền, họ Trần đã loạn luân. Anh em Liễu-Cảnh lấy con của cô ruột, còn người cô ấy-Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (được lưu danh vào sử sách nhờ việc tổ chức hậu cần rất chu đáo trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ I) đã phát huy truyền thống từ thái hậu Dương Vân Nga ngày xưa, chổng mông vào các lễ giáo phong kiến ngoại lai Khổng Khựa, chuyện chồng con rất chi là ba lăng nhăng.

*

Sau khi giành được quyền lực, để bảo vệ quyền lực đó, tránh việc họ Trần sau này lại bị họ Nguyễn họ Phạm họ Đào “kèm người” như thế, anh em-vợ chồng Dung-Độ bày ra quy tắc người họ Trần chỉ được lấy nhau trong nội bộ họ mình. Cái ngày nay ta coi là loạn luân thì thời đó lại là quy tắc ứng xử, là tư cách đạo đức của con người mới Đông A chủ nghĩa.

Cặp Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông)-Lý Chiêu Hoàng mãi không có con làm Thủ Độ sốt ruột, trong khi Trần Liễu đã kịp cho Thuận Thiên mang bầu rồi. Và trò cưỡng đoạt hôn nhân đặc thù kiểu Trần Thủ Độ lại diễn ra: Thuận Thiên bị ép làm vợ Trần Cảnh. Trần Liễu nổi loạn bị thua, sau truyền hết căm thù vào việc dạy dỗ Trần Quốc Tuấn thành tài, nhờ mối hận ngút trời ấy, nước Nam ta có thiên tài chính trị-quân sự Trần Hưng Đạo.

Tại sao lại phải ép anh nhường vợ đang mang bầu cho em như thế? Nếu cặp Cảnh-Hoàng không thể có con do lỗi Lý Chiêu Hoàng thì cưới cho ông vua 1 hoàng hậu khác là xong, đâu nhất thiết người đó phải là Thuận Thiên công chúa? Nếu cặp Cảnh-Hoàng không thể có con do lỗi Trần Cảnh thì đằng nào vua cũng không có con nối dõi, sau này vua chết chọn con Liễu lên thay có sao đâu? Chịu, tư duy chiến thuật của HLV Trần Thủ Độ rất phức tạp khác người, khán giả bình thường như em thật không hiểu nổi.

*

Và 1 nhân vật éo le nữa của họ Trần lại ra đời: Trần Quốc Khang. Đứa con mang dòng máu Trần Liễu, nhưng lại ra đời khi mẹ ông về danh nghĩa đã thành vợ Trần Cảnh nên chứng minh thư ghi tên bố là Trần Cảnh.

Quốc Khang được dự phòng làm vua. Nếu sau này cặp Trần Cảnh-Thuận Thiên cũng bế tắc như cặp Trần Cảnh-Chiêu Hoàng thì anh ta (được coi là con Trần Cảnh) sẽ nối nghiệp “cha” để thành vua đấy. Còn nếu cặp Trần Cảnh-Thuận Thiên sinh con đẻ cái bình thường thì con đích thực của Trần Cảnh mới được làm vua. Lịch sử chọn option thứ 2: Trần Cảnh-Thuận Thiên có vài người con, người lớn nhất trong số họ, “chú hai” (thực ra là con cả) Trần Hoảng thành vua Trần Thánh Tông về sau.

Lịch sử ghi chép về Trần Quốc Khang chỉ còn 1 câu chuyện buồn. Một lần Quốc Khang đi học mẫu giáo về, múa điệu múa của người Hồ cho Trần Cảnh xem, được thưởng áo đẹp. Trần Hoảng thấy vậy liền khoe mình cũng múa được như thế. Quốc Khang rầu rĩ bảo cả đất nước này anh đã nhường “chú hai” rồi, sao đến cái áo chú còn muốn tranh với anh? Thế là giữ được cái áo đẹp.

Cho dù Trần Thủ Độ đã cố gắng “chia muỗng cho đều” (có lần thưởng công quên mấy miếng muỗng cho 1 viên quan nhỏ, trên đường chạy giặc viên quan này bật lại sếp mà bảo hỏi cái gì đường, đi mà hỏi bọn ăn muỗng ấy!) thì con cái Quốc Khang vẫn có cảm giác ấm ức. Sau này 1 người con Quốc Khang là Trần Kiện đem cả gia nô, binh sĩ cá nhân sang giúp Nguyên chống vua Trần, Kiện bị giết nhưng đàn em của Kiện là Lê Tắc thì chạy thoát sang Trung Quốc, viết An Nam Chí Lược, 1 cuốn sách được giới sử học VN ngày nay rất quý.

*

Như đã nói, Trần Cảnh có con với Thuận Thiên. Sau cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần 1, người vợ bị ruồng bỏ Chiêu Hoàng được vua-chồng “thưởng” cho người anh hùng đánh giặc giữ nước Lê Phụ Trần. Chiêu Hoàng dù lúc này tuổi đã cao rồi vẫn có con với chàng dũng sĩ.

Vậy thì cả Trần Cảnh lẫn Lý Chiêu Hoàng đều có khả năng có con cả. Sao ngày xưa yêu nhau mãi mà không đến đích được với nhau?

Phải chăng Chiêu Hoàng cứ khi lên giường với Trần Cảnh, lại thấy đây là kẻ xô đẩy mình phạm tội với dòng họ (vì Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần mà cả họ Lý bị diệt, chỉ còn hoàng thúc Lý Long Tường chôn dầu vượt biển thoát sang Cao Ly, sau này họ Lý (Lee) ở Cao Ly giúp đưa nước này vào CLB vài quốc gia thắng được Mông Cổ) nên không còn tâm trạng khi yêu? Thuận Thiên cũng có thù nhà, nhưng không có mặc cảm tội lỗi, nên sinh hoạt bình thường được? Hình như bác sĩ yêu sử Bùi Minh Đức có bàn chuyện này, nhưng vì em không mua sách bác sĩ Đức nên không rõ bác sĩ Đức có cùng phỏng đoán với em không?

*

Nhiều sách sử chép chi tiết, vẽ cả sơ đồ phổ hệ họ Trần, Trần nào lấy Trần nào, em đọc sử để chơi không chủ ý ghi nhớ. Chỉ cần biết đại khái, tất cả các anh hùng hạng nhất của nhà Trần từ Trần Quốc Tuấn đến Quang Khải, Nhật Duật… đều lấy vợ trong họ cả.

Nhưng hình như quy định là con trai họ Trần không lấy ngoại tộc, chứ con gái họ Trần nhiều khi cũng bị gửi gắm đi các nơi.

Như công chúa An Tư được dâng cho Thoát Hoan để hy vọng tướng giặc lui binh.

Hay công chúa Huyền Trân được làm quà tặng vua Chiêm Thành, để đổi lấy đất cát bất động sản.

Về sau vua Chiêm chết, Huyền Trân lẽ ra phải lên dàn thiêu cùng, nhưng nhà Trần tiếc người sai Đỗ Khắc Chung (anh hùng kháng chiến, đối đáp với Ô Mã Nhi ở trại giặc rất dõng dạc) đi cướp về. Chung và công chúa lênh đênh trên biển hơi bị nhiều ngày, sử xưa có đàm tiếu, riêng bác sĩ Hồ Đắc Duy phân tích tuổi tác các bên suy đoán rằng họ cùng nhau trên biển chắc là lành mạnh.

Cho nên wikipedia tiểu sử Trần Hưng Đạo có đặt vấn đề người con gái nuôi của đức ông được gả cho Phạm Ngũ Lão có khi là con gái thật, vương phải bảo là con nuôi để lách luật, chắc là không đúng. Con gái họ Trần không bị cấm theo chồng họ khác, miễn rằng sự ra đi đó đồng nghĩa với việc cô nương phải biến khỏi trung tâm quyền lực nhà Đông A.

*

Giai xinh họ Trần chỉ được lấy gái đẹp trong họ, gái đẹp trong họ đôi khi được dùng làm quà cho người ngoài. Nguồn cung như vậy là bị hạn chế đôi khi gây mất cân đối cung-cầu nên họ Trần có nhiều vụ tranh giành gái giữa các đức ông.

Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo) đã từng làm cú vượt rào ngoạn mục khi tình tự với vợ chưa cưới của Trung Thành Vương trước ngày bà này chuẩn bị lên xe hoa theo chồng, đẩy cả họ Trần vào sự đã rồi và vợ ngoại tình trở thành vợ thật.

Cha của ông là Trần Liễu xưa nổi loạn vì bị cướp vợ chứ ban đầu đâu có ý định tranh ngai vàng với vua em. Nay ông cướp vợ lại, thế là hòa, hay, thù cha đã rửa. Yết Kiêu Dã Tượng hiểu ý ấy nên khuyên nhủ ông trung thành với vua, người con Quốc Nghiễn cũng đồng ý ấy. Chỉ có người con  Trần Quốc Tảng nhắc chuyện vặt lấy ngôi vua để báo thù bị ông mắng cho (chắc là: nghe lời mày thì tao cùng lắm là làm vua chứ không thành Đức Thánh Trần được!).

Sau này Quốc Tảng tham gia kháng chiến có lập công lao, được lập đền thờ ở Cửa Ông, nghe nói rất thiêng.

Còn Quốc Nghiễn thì bị… cướp vợ.

Người cướp vợ Nghiễn là tay chơi Trần Khánh Dư rất được vua yêu. Vua Trần sợ Trần Hưng Đạo giận, liền lôi Dư ra đánh đòn nhưng dặn đánh nhẹ tay thôi nên 100 roi mà không chết, chỉ bị tước bỏ quan chức đuổi về Quảng Ninh làm dân thường. Dư có tài kinh doanh nên chuyện đó không phải là bi kịch, sau lại được phục chức lập công trong trận Vân Đồn ở cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 3. Trần Khánh Dư làm giàu rất giỏi, có câu “tướng là chim ưng quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ”. Về sau ở 1 thành phố miền trung có con phố Trần Khánh Dư toàn quan to ở, nhân sĩ trí thức bỏ chữ Khánh, gọi là phố Trần Dư (nghĩa là Trừ Dân).

Những vụ tranh gái giữa các nhân vật xoàng hơn, không bõ cho sử chép.

*

Những ông Trần lưu vong, không bị ràng buộc bởi quy tắc Trần Thủ Độ, có thể lấy vợ không chỉ ngoại tộc mà còn ngoại quốc. Cái ông Trần Hữu Lượng lên ngôi vua Hán tranh hùng với Chu Nguyên Chương ở TQ thời cuối Nguyên mà Minh sử chép là người Tàu trăm phần trăm còn sử Việt bỏ nhỏ 1 câu là con Trần Ích Tắc, nếu có là con Ích Tắc thật thì chắc cũng phải là con của Ích Tắc với 1 bà Tàu. Chứ nếu bố Việt mẹ Việt tiếng Tàu nói có ác-xăng thì sao tập hợp được nhân dân TQ tin theo hùng cứ một phương TQ oai như thế.

Còn trường hợp anh hùng thiếu nhi Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam nữa. Sử ta chép Quốc Toản hy sinh trong kháng chiến (không nói rõ chết ở đâu thế nào), vua rất thương xót. Nhưng lại có những gia phả tộc phả nào đó bảo rằng Quốc Toản sau sang Trung Quốc định viện Tống kháng Nguyên (cảm ơn nhiều người Tống trước đó đã viện Trần kháng Nguyên như Triệu Trung trợ thủ cho Trần Nhật Duật) rồi lấy vợ Tàu chết già trên đất khách và chúng tôi-những người Tàu giữ gia phả đó là dòng dõi Hoài Văn đây. Tất nhiên là em tin chính sử nước nhà hơn, nhưng cũng có người ghi nhận rằng ở cả nước Việt Nam chẳng có cái đền thờ Trần Quốc Toản nào cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét