Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

NGA (3)


GRIGORY YAVLINSKY

Le Tran Hai’s facebook, 21/3/2015

Grigory Yavlinsky (Григорий Явлинский) sinh năm 1952 ở Lvov, tây Ukraina (tên ông theo tiếng U là Григорій Явлінський), trí thông minh phát tiết hết qua ánh mắt, thời phổ thông học trường chuyên lớp chọn nhưng cũng ham chơi, thích đấm bốc và để tóc dài vì mê nhạc Beatles. Năm 1969 lên Moskva học đại học kinh tế quốc dân mang tên Plekhanov cùng trường với bác Nguyễn Đức Cường trong FL của em, học giỏi, thường được bạn bè nhờ vả hãy vặn vẹo các giáo sư trong các buổi seminar để câu giờ mỗi khi tụi bạn chưa kịp chuẩn bị bài. Vào đảng CS Liên Xô trong thời gian học đại học, tốt nghiệp bằng đỏ, sau đó làm nghiên cứu sinh lấy bằng phó tiến sĩ, trở thành 1 nhà kinh tế được đào tạo bài bản dưới mái trường XHCN. Tuy nhiên người ta cũng so sánh ông với Gaidar và nhận xét 1 đằng (Yavlinsky) là dân tỉnh lẻ, học trường Plekhanov, 1 trường mà nếu có thực tập thì thường đi làm trong nước, 1 đằng (Gaidar) là dân Moskva dòng dõi danh gia vọng tộc, học trường xịn MGU, ngay thời thực tập cũng hay được đi tây.

Năm 1989 đại biểu quốc hội Leonid Abalkin-thày giáo cũ của Yavlinsky ở trường Plekhanov (thời đi học em cũng phải đọc giáo trình bác này) được mời vào chính phủ, trở thành phó thủ tướng Liên Xô dưới quyền Ryzhkov. Abalkin gọi cậu học trò cũ đang cạo giấy ở Ủy ban Nhà nước về Lao động và các Vấn đề Xã hội vào làm việc cùng. Cả 2 thày trò cùng nghiên cứu các biện pháp chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang thị trường, nhưng giữa họ sớm có bất đồng: ông thầy muốn chuyển đổi một cách từ từ chậm và buồn còn ông trò cấp tiến hơn muốn lung linh là lên luôn. Vì cấp tiến nên ông trò được Yeltsin để mắt tới. 1990, Quốc hội Nga mời Yavlinsky làm phó thủ tướng, chủ tịch Hội đồng Cải cách kinh tế.

Lúc này hành trang học thuật của Yavlinsky là chương trình 400 ngày mà ông soạn thảo với sự trợ giúp của Zadornov và Mikhalkov, hứa hẹn chuyển đổi nhanh nền kinh tế quan liêu bao cấp trung ương lập kế hoạch sản xuất đến từng con ốc vít sang nền kinh tế thị trường. Gorbachev (tổng thống Liên Xô) bắt đầu thấy kinh tế thị trường là hay ho nên bắt tay với Yeltsin quyết làm cho ra tấm ra món vụ này. 2 đối thủ chính trị tầm cao này cùng phê chuẩn thành lập 1 nhóm làm việc chung, phát triển chương trình 400 ngày thành 1 chương trình cải cách sẽ áp dụng trên toàn Liên Xô. Nhóm làm việc do viện sĩ Shatalin (cố vấn kinh tế của Gorbachev) đứng đầu, thêm 1 ông già nữa là viện sĩ Petrakov, còn lại là 1 loạt các nhà kinh tế trẻ mà hạt nhân là phó thủ tướng Nga Yavlinsky (vị chi nhóm làm việc có 14 người, ngoài 3 vị vừa kể tên còn có Zadornov, Mikhalkov, Boris Fyodorov là những nhân vật sẽ còn được nhắc tên sau này). Điều chỉnh một tí 400 ngày của Yavlinsky, nhóm này làm ra chương trình “500 ngày” nổi tiếng. Cụ Shatalin cao niên đức cao vọng trọng (dạng Lê Đăng Doanh của Liên Xô) lại là cố vấn của Gorby nên đứng tên tác giả chính của chương trình, nhưng thật ra Yavlinsky mới là linh hồn của nhóm làm việc.

Chương trình chia làm 4 giai đoạn:

100 ngày đầu tiên-tư hữu hóa nhà ở, đất đai, doanh nghiệp nhỏ, cổ phần hóa doanh nghiệp lớn, cải tổ Ngân hàng Nhà nước theo mô hình Cục Dự trữ Liên bang.

Từ ngày 100 đến ngày 250- tự do hóa giá cả.

Từ ngày 250 đến ngày 400- bình ổn thị trường.

Từ ngày 400 đến ngày 500-bắt đầu tăng trưởng.

Chương trình hướng tới việc tư hữu hóa tài sản nhà nước, phi tập trung hóa nền kinh tế, tự do hóa giá cả-giá cả xác định theo thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, hòa nhập nền kinh tế xô viết vào nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nội dung của chương trình được học hỏi từ chương trình Balcerowicz nổi tiếng ở Ba Lan và có thể coi là 1 chương trình kinh tế hướng tới CNTB đầu tiên được công khai ở Liên Xô.

Hình dáng Liên Xô trong chương trình này: vẫn tồn tại 1 đồng tiền chung, 1 bộ khung luật pháp chung, 1 nền phòng thủ chung, 1 không gian kinh tế chung của liên minh các nước cộng hòa (đó là lý do Yeltsin sau này khi có thực quyền đã không trọng dụng Yavlinsky và không dùng lại chương trình 500 ngày nữa) nhưng điều hành nền kinh tế không phải là Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cơ quan này sẽ bị giải thể) mà là hội đồng những người lãnh đạo các nước cộng hòa để tăng quyền lực cho các nước cộng hòa (đó là điều khiến chính phủ Liên Xô cực lực phản đối còn Gorbachev thì phân vân).

Yeltsin ủng hộ, XVTC Nga phê chuẩn chương trình vào ngày 1/9/1990 (lúc này cuộc đấu Nga-Xô mới là cuộc đấu chủ quyền, vấn đề giải tán Liên Xô chưa được đặt ra) và đề nghị XVTC Liên Xô cùng thông qua (không thể triển khai riêng rẽ ở một mình nước Nga). Nhưng Gorbachev bắt đầu do dự, còn thủ tướng của ông là Ryzhkov phản đối “liệu pháp sốc”, đề nghị 1 chương trình khác do phó của mình là Abalkin soạn thảo. Ryzhkov dọa sẽ từ chức nếu chương trình 500 ngày được phê chuẩn.

Mùa thu 1990, các cuộc mít tinh của phe dân chủ ở Nga thường có các khẩu hiệu ủng hộ chương trình 500 ngày. Tại các cửa hàng thực phẩm, các bà già Nga sau khi bình luận phim Người giàu cũng khóc trên TV tối qua lại chuyển sang hỏi nhau liệu Gorbachev có ủng hộ chương trình 500 ngày “của chúng ta” hay không.

Gorbachev quyết định dung hòa, lấy của Shatalin-Yavlinsky một tí, lấy của Ryzhkov-Abalkin một tí, trộn vào nhau thành 1 chương trình kinh tế nửa dơi nửa chuột. Điều này đồng nghĩa với việc 500 ngày bị khai tử. Yeltsin hô hào ủng hộ 500 ngày nhưng sau này Yavlinsky cay đắng nhận xét rằng Yeltsin chỉ dùng chương trình 500 ngày của ông như 1 vũ khí để đấu đá với chính quyền Liên Xô chứ chưa hề có 1 ý niệm rõ ràng gì về con đường cải cách kinh tế cả. Yavlinsky thất vọng và từ chức vào 10/1990 (Yavlinsky đã bộc lộ sự thất vọng này với Yeltsin để sau này viết hồi ký về quyết định chọn Gaidar chứ không phải Yavlinsky làm người chèo lái con thuyền kinh tế Nga, Yeltsin nhắc đến phản ứng trẻ con của Yavlinsky). Lúc này ông đã 38 tuổi.

1991, những người CS cứng rắn làm đảo chính lật đổ Gorbachev và bao vây tòa nhà quốc hội Nga. Yavlinsky đã có mặt ở tòa nhà QH (được gọi là Nhà Trắng) vào thời điểm đó và sát cánh với các fan của Yeltsin, thậm chí còn tham gia vào tổ công tác đi bắt 1 nhân vật đảo chính là Bộ trưởng Nội vụ Pugo. Dẹp xong nhóm đảo chính, Yeltsin đưa Gorbachev trở lại Kremli. Thủ tướng Nga-Silaev được Yeltsin điều sang làm người đứng đầu Ủy ban Điều hành nền kinh tế quốc dân Liên Xô (1 dạng thủ tướng tạm bợ) và Yavlinsky (cùng với Luzhkov và Volsky) trở thành phó chủ tịch Ủy ban này. Sau đó Yavlinsky còn tham gia Hội đồng Tư vấn chính trị của tổng thống Liên Xô.

Dưới sự chỉ đạo của Gorbachev, Yavlinsky soạn dự thảo “Hiệp ước về hợp tác kinh tế giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô” nhằm bảo toàn 1 không gian kinh tế chung, 1 thị trường chung ở Liên Xô cho dù các nước cộng hòa khác nhau có thể theo đuổi những đường lối chính trị khác nhau. Yeltsin không ủng hộ vì cho rằng đã đến lúc nước Nga đi một mình, phát triển một mình, cắt cầu những cái tàu há mồm Trung Á, cải cách sẽ nhanh hơn. Chính việc Yeltsin muốn cải cách riêng ở nước Nga còn Yavlinsky ủng hộ các giải pháp chung cho toàn Liên Xô khiến cuối 1991 khi Yeltsin bắt tay tiến hành cải cách kinh tế, ông đã chọn Yegor Gaidar-1 gương mặt chưa nổi tiếng, thay vì chọn Yavlinsky, chèo lái con thuyền kinh tế Nga. Và cũng dễ hiểu một khi Yavlinsky vẫn còn muốn thi triển võ công trên toàn lãnh thổ Liên Xô thì thỏa thuận khai tử Liên Xô trong rừng Belovezh của Yeltsin-Kravchuk và Shuskevic không thể được Yavlinsky ủng hộ. Từ đó về sau, vĩnh viễn Yavlinsky không về đội Yeltsin nữa, cho dù một số nhân trong đội hình 500 ngày của ông như Boris Fyodorov tham gia chính phủ Gaidar.

Khi làm việc với 400 ngày, Yavlinsky hết sức ngưỡng mộ cải cách ở Ba Lan. Ông viết rằng thật không thể tưởng tượng nổi khi chỉ sau một thời gian ngắn nhờ tự do hóa giá cả, từ tình trạng khan hiếm hàng hóa (đó chính là thực trạng nhức nhối ở Liên Xô hồi 1990), các cửa hàng ở Ba Lan đã đầy ắp hàng hóa đủ loại, ban đầu thì giá tăng cao nhưng chỉ sau vài tuần giá bắt đầu hạ theo cung-cầu. Và Gaidar khi bắt tay vào cải cách ở Nga cũng làm vậy, bắt đầu từ tự do hóa giả cả. Thế nhưng Yavlinsky lại không ủng hộ đường lối cải cách của Gaidar.

Chương trình 500 ngày của Yavlinsky trước đây đặt việc tự do hóa giả cả vào giai đoạn 2 sau khi đã trải qua 100 ngày của giai đoạn 1, ông giải thích lý do Ba Lan tự do hóa giá cả ngay được mà Nga thì không nên là ở chỗ Ba Lan XHCN trước đây vẫn tồn tại kinh tế tư nhân, thậm chí phần nào có cả sở hữu cá nhân trên ruộng đất nên khi bung ra là có cái để bung ngay-có cung ngay để giảm giá trở lại sau vài tuần liệu pháp sốc, nước Nga khổng lồ chỉ giỏi lý thuyết, triệt để sở hữu tập thể không có những cái đó nên tự do hóa giá cả ngay theo đơn thuốc Gaidar là 1 sai lầm.

Phê phán Gaidar vì không đồng tình với đường đi nước bước của Gaidar nhưng Yavlinsky không chống đối cải cách thị trường tốc độ cao và giãn cách với những phe nhóm chống cải cách lúc này do Khasbulatov (chủ tịch QH) và Rutskoy (phó tổng thống) cầm đầu. Khi Yeltsin nhượng bộ phe chống cải cách để Gaidar ra khỏi chính phủ cho QH bớt ngứa mắt, đưa Chernomyrdin lên làm thủ tướng thì Yavlinsky tỏ ra thương cảm Gaidar cho rằng cậu ta cũng như ông trước đây chỉ là quân bài trong trò chơi quyền lực của Yeltsin.

Khác với Gaidar nhiều lần ra khỏi chính phủ, 1 nhân vật khác trong ê kíp cải cách là Chubais vẫn trụ lại trong chính phủ để tiến hành tư hữu hóa và sự ác cảm của Yavlinsky với Chubais lớn hơn nhiều so với sự bất đồng của ông với Gaidar. Yavlinsky phê phán chương trình tư hữu hóa do Chubais thực hiện thông qua voucher (sẽ bàn kỹ hơn ở phần Chubais) mà kết cục tất yếu của nó là đa số người dân Nga triền miên bao cấp chưa quen tinh thần doanh nghiệp không kịp học hỏi kinh doanh tất yếu sẽ sớm bị gạt ra bên lề để tài sản nhà nước rơi vào tay một nhóm nhỏ những kẻ khôn lỏi sau trở thành những tài phiệt đầu sỏ (thực tế kinh tế Nga hậu XHCN là như vậy).

Đứng ngoài các chính phủ cải cách, Yavlinsky vẫn có điều kiện thi triển võ công, nhưng chỉ ở phạm vi 1 tỉnh. Tỉnh trưởng Nizhni Novgorod là Nemtsov đã nhờ ông phác cho 1 chương trình phát triển kinh tế vùng và quả thật, chương trình này có đạt một số thành công nhất định để nhiều năm sau, Nemtsov được vời lên trung ương.

Cho dù có hy sinh Gaidar cho QH bớt ngứa mắt thì đối đầu giữa 2 nhánh chính quyền Nga vẫn leo thang trong năm 1993 để kết cục là 1 cuộc chính biến nữa. Nếu như Gaidar (lúc đó không còn tham chính) trút hết căm hờn với cái QH thù địch ông bằng cách kêu gọi mọi người sát cánh với tổng thống chống lại QH để “bảo vệ nền dân chủ” thì Yavlinsky ủng hộ giải pháp số 0 (tổng thống từ chức, QH giải tán, tổ chức bầu cử lại), sau đó kêu gọi tổng thống trấn áp cuộc nổi loạn một cách có trách nhiệm không được để bạo lực leo thang. Tên tuổi ông lại được nhắc đến nhiều trong giai đoạn này và sau khi QH bảo thủ bị giải tán, Yavlinsky hiểu rằng ông có thể làm 1 chính khách thuần túy chứ không chỉ là 1 nhà kinh tế nên đã lập 1 khối chính trị của riêng mình tên là Yabloko (nghĩa là quả táo, nhưng ghép từ tên 3 thủ lĩnh khối YAvlinsky, Boldyrev và Lukin) tham gia tranh cử và có ghế ở QH mới (từ nay gọi là Duma) năm 1994. Từ đó cho đến cuối trào Yeltsin, Yavlinsky luôn là nghị sĩ, đứng đầu 1 nhóm thiểu số trong QH thường xuyên phê phán các chính sách của tổng thống và các chính phủ Nga.

Khi Yeltsin đưa quân vào Chechnya, hầu hết giới liberal đều phản đối, kể cả Gaidar (người thường trả lời mỗi khi được Yeltsin gọi nhưng chung cuộc vẫn không được dùng-năm 1994, nội các Chernomyrdin hầu như không còn liberal nào-trừ Chubais). Tại Nizhni Novgorod, dù làm tỉnh trưởng, Nemtsov vẫn tổ chức được cuộc thu thập chữ ký phản đối chiến tranh Chechnya. Yavlinsky đương nhiên là chống cuộc chiến tranh này và từ 1 người từng cố níu kéo sự bảo toàn của Liên Xô dưới 1 dạng nào đó, ông đã trở thành 1 liberal dạng Sakharov, người coi quyền tự quyết của các dân tộc quan trọng hơn sự siêu cường của nước Nga. Nhưng đến kỳ bầu cử tổng thống 1996 thì đa số giới liberal như Gaidar lại ủng hộ Yeltsin để không cho Zyuganov (cộng sản) vào Kremli. Riêng Yavlinsky nghĩ khác, tại sao lại cố gắng gây ảnh hưởng lên tổng thống mà không tự mình làm tổng thống luôn, Yavlinsky ra tranh cử tổng thống, đối đầu với Yeltsin.

Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống chưa ngã ngũ người thắng cuộc, Yeltsin và Zyuganov phải đối đầu ở vòng 2. Những người về 3 về 4 như tướng Lebed và Yavlinsky lẽ ra phải được 2 ứng viên tranh thủ. Yeltsin đã thỏa thuận được với Lebed, hứa trao cho ông chức thư ký hội đồng an ninh và thực hiện các kế hoạch của Lebed xung quanh vấn đề Chechnya nếu thắng cử. Với thỏa thuận này những người ủng hộ Lebed đã bỏ phiếu cho Yeltsin ở vòng 2 và tổng thống tái đắc cử.

Tại sao trong các ứng viên, Yavlinsky dẫu sao cũng là người có quan điểm gần tổng thống nhất (thân phương Tây, ủng hộ kinh tế thị trường TBCN) lại không được Yeltsin thỏa thuận ngầm? Vì 2 lẽ:

-Yeltsin biết rõ, với những ác cảm cá nhân sau nhiều năm, Yavlinsky sẽ không hợp tác với ông;

- Cho dù không hợp tác với Yeltsin, nhưng chắc chắn Yavlinsky và những người ủng hộ ông sẽ không bỏ phiếu cho Zyuganov nên động tác tranh thủ là thừa.

Yavlinsky liberal thân phương Tây chắc chắn không thể gần gũi với Zyuganov cộng sản, nhưng trong nhiệm kỳ II của Yeltsin đã có lần (1999) Yavlinsky và Zyuganov phối hợp hành động với nhau, 2 phái Yabloko và cộng sản trong quốc hội cùng đưa ra 1 đề xuất đòi truất quyền tổng thống. Phái CS nêu 4 tội trạng của Yeltsin trong đó có tội làm Liên Xô tan rã, xóa sổ QH Nga 93, làm suy yếu năng lực quốc phòng và sa lầy trong cuộc chiến tranh Chechnya. Yavlinsky và khối Yabloko ủng hộ đề xuất nhưng nhấn mạnh họ chỉ đòi truất quyền tổng thống lý do duy nhất là Chechnya, từ chối buộc tội tổng thống về việc làm Liên Xô tan rã (mặc dù khi Liên Xô mới tan, Yavlinsky không đồng tình, nhưng khi đó ông là nhà kinh tế nhiều hơn là chính khách). Cuộc bỏ phiếu luận tội thất bại, Yeltsin tại vị và cười Yavlinsky “nhầm lẫn trong chiến lược”.

Nhiệm kỳ 2 đầy khó khăn của Yeltsin và các nội các phải thay đổi xoành xoạch. Đến khi lớp cải cách mới gồm Kiriyenko và Nemtsov vào chính phủ thì Yavlinsky vẫn tuyên bố không hợp tác với chính phủ này dù Kiriyenko và Nemtsov cùng là liberal, chưa có ân oán cá nhân gì với Yavlinsky, chưa kể Nemtsov còn dùng đơn thuốc của Yavlinsky khi phát triển kinh tế địa phương. Thái độ bất hợp tác với các chính phủ của Yeltsin là 1 nguyên tắc, trước đây 1 đảng viên Yabloko, chính là chiến hữu lâu năm của Yavlinsky từ thời 400 ngày, Zadornov nhận giữ ghế bộ trưởng tài chính khi được mời và vì lý do này đã bị khai trừ khỏi đảng Yabloko.

Thời Yeltsin, Yavlinsky là 1 trong các thủ lĩnh đối lập nên ông không phải chịu trách nhiệm gì về sự suy yếu của nền kinh tế Nga thập niên 1990. Nhưng ông là đối lập có ghế trong quốc hội, đi lại xông xênh, phát biểu có người nghe, nhiều buổi lễ lạt trang nghiêm được mời lên ghế chủ tịch đoàn, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, thỉnh thoảng vẫn được tổng thống và các chính khách tham chính tham vấn. Sang đến thời Putin thì lực lượng của Yavlinsky càng ngày càng rơi rụng dần, dẫn đến 1 cuộc bầu cử tổng thống ông không thu thập đủ số chữ ký ủng hộ tối thiểu để tranh cử, còn đảng của ông dần dần không còn ghế nào trong quốc hội.

Những người liberal trước đây từng phục vụ Yeltsin gồm Gaidar, Chubais, Kiriyenko và Nemtsov lập thành khối chính trị SPS-Liên minh các lực lượng cánh hữu. Năm 2001 khi khối chính trị này chuyển thành đảng chính trị, Yavlinsky là khách mời đến dự lễ vì dù sao giữa họ vẫn có sự gần gũi trong quan điểm kinh tế liberal. Từng có những thời điểm người ta nói đến sự hợp nhất giữa Yabloko với SPS để thống nhất các lực lượng cánh hữu nhưng những bất hòa chồng chất trong quá khứ giữa Yavlinsky với Gaidar và Chubais khiến điều đó không diễn ra được. Sự tồn tại song song 2 lực lượng này khiến không lực lượng nào đủ mạnh, nhất là khi Putin tỉnh đòn có nhiều chiêu diệt đối thủ hơn Yeltsin ngẫu hứng say sưa.

Sau này SPS cũng tan rã, Gaidar chết, Chubais muốn nhượng bộ Putin trong khi Nemtsov thiên về đối đầu, nhiều nhân vật khác dần rút khỏi chính trị đi làm kinh doanh. Nemtsov và Yavlinsky sẽ còn nhiều dịp sát cánh với nhau trong các hoạt động chống Putin (trong vụ Crimea, cả 2 ông cùng phản đối Putin nuốt Crimea), nhưng từng ông, đều không có lực lượng hậu thuẫn đủ mạnh.

Nemtsov vừa bị ám sát, Yavlinsky tuyên bố sẽ lại ra tranh cử tổng thống kỳ tới nhưng khả năng chiến thắng của ông có thể coi là con số 0. Thông minh, diễn đạt rạch ròi, lập luận logic, có những nhận xét chính trị sắc sảo, nhưng khả năng tập hợp lực lượng của Yavlinsky yếu là lý do chính cho thất bại chính trị của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét