Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

AN DƯƠNG VƯƠNG


An Dương Vương là cao nhân phương nào?

Le Tran Hai’s facebook, 29/4/2015

Truyện cười học sinh sinh viên trang 170 dòng thứ 13 từ dưới lên có chép: ở 1 lớp học khi Tèo bị thày giáo hỏi “ai đã đánh cắp nỏ thần của An Dương Vương” liền đỏ mặt tía tai đáp không phải em, sao lúc nào thầy cũng nghi em thế. Sở dĩ câu trả lời của Tèo trở thành trò cười vì người ta ngầm định An Dương Vương là nhân vật mà ai cũng biết, thằng cu Tèo kia không biết, thật là dốt lạ.

Tuy vậy, chúng ta, những người không dốt, biết về An Dương Vương cũng chỉ vầy vậy, dăm câu ba điều. Mà sở dĩ chúng ta chỉ biết vầy vậy vì những người giỏi giang dạy chúng ta về An Dương Vương, nói rất khác nhau, thật chả biết tin ai cho phải.

*

Theo chính sử phong kiến, truyền thuyết và sử SGK dòng chính, An Dương Vương tên là Thục Phán, đứng đầu nước Âu Việt ở cạnh Lạc Việt (Văn Lang của các vua Hùng), đã thủ tiêu nhà nước của các vua Hùng vào thế kỷ II trước công nguyên để sáp nhập 2 nước Việt thành Âu Lạc, nhà nước thứ 2 trong lịch sử Việt Nam. Việc thủ tiêu nhà nước của các vua Hùng có thể diễn ra bằng hình thức chiến tranh (những cuộc chiến Hùng-Thục liên miên theo một số truyền thuyết địa phương quê em miền trung du, rồi khi Thục Phán thắng mà bên thua cuộc vẫn còn phá hoại công cuộc xây thành Cổ Loa của ông), có thể bằng biện pháp hòa bình (vua Hùng nhường ngôi, làm lễ ăn thề trọng thể đầm ấm) hoặc có thể kết hợp cả 2 (đánh nhau tơi bời khói lửa xong rồi giảng hòa, liên hoan vỗ tay ăn thề…).

Dường như ông cũng là người lãnh đạo cuộc kháng chiến của quân dân Việt chống lại 1 cuộc xâm lược của nhà Tần (Trung Quốc), đánh bại tướng Đồ Thư.

Nhờ sự giúp đỡ của 1 con rùa có pháp thuật gọi là thần Kim Quy, ông tổ chức xây thành Cổ Loa theo hình xoáy chôn ốc, vài mảnh di tích thành Cổ Loa còn đến ngày nay. Cũng trong vai trò nhà bảo trợ cho nước Âu Lạc, thần Rùa hỗ trợ phát triển 1 loại vũ khí lợi hại là nỏ thần (đồng thời cũng ghi nhận 1 tướng giỏi tham gia vào quá trình này, cái tên phổ biến nhất của viên tướng là Cao Lỗ), nhờ đó An Dương Vương đánh bại các cuộc tấn công xâm lược của vua nước Nam Việt là Triệu Đà.

Triệu Đà xin giảng hòa, kết thông gia, cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể. Sau khi Trọng Thủy lừa vợ là Mỵ Châu, ăn cắp được bí quyết làm nỏ, Triệu Đà tấn công, tiêu diệt nước Âu Lạc. An Dương Vương trên đường rút lui đã giết chết cô con gái (rải lông ngỗng cho nhà chồng đuổi theo) rồi tự tử.

Câu chuyện nỏ thần và mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy trở thành vụ gián điệp đầu tiên và cũng là 1 thiên tình sử ly kỳ trong truyền thuyết Việt Nam.

Truyền thuyết và sử thiếu nhi là vậy, nhưng các nhà sử học hiện đại đã có những giả thuyết trái ngược nhau như nước với lửa về An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc của ông cụ.

*

Lê Mạnh Thát, 1 trí thức Phật giáo lừng danh cho rằng không hề tồn tại ông An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc, đất nước của Hùng Vương kéo dài liền mạch cho tới thời Hai Bà Trưng tiến hành chiến tranh vệ quốc (chứ không phải là khởi nghĩa giành độc lập như sách giáo khoa cho trẻ con bảo thế) chống quân Hán và những truyền thuyết về An Dương Vương/nước Âu Lạc bao gồm cả truyện nỏ thần chỉ là phiên bản truyện Mahabharata từ Ấn Độ truyền sang Việt Nam sau này theo chân các tu sĩ Phật giáo.

Việc kết nối An Dương Vương với thành Cổ Loa trong truyền thuyết không nhất thiết là một sự thật lịch sử, vì theo Lê Mạnh Thát, thời Hùng Vương kiểu gì cũng phải có nhiều thành trì, các tài liệu cổ chẳng nói gì đến thành Cổ Loa của An Dương Vương cả, mãi sau này Ngô Sỹ Liên mới nhặt từ truyền thuyết (gốc Mahabharata) của Lĩnh Nam chích quái post lên Đại Việt sử ký toàn thư rồi tag cụ An Dương Vương vào mà thôi (em bổ sung: tình sử Mỵ Châu-Trọng Thủy còn 1 dị bản lịch sử dân gian nữa cho 1 giai đoạn tít về sau: Lý Phật Tử vs Triệu Việt Vương).

Lê Mạnh Thát giỏi nhưng (nên) đơn độc. Đa số các nhà sử học thừa nhận có giai đoạn An Dương Vương-Âu Lạc trong sử Việt căn cứ vào hệ thống di tích và những hiện vật khảo cổ như các mũi tên đồng trong vùng Cổ Loa. Tuy nhiên họ vẫn còn tranh cãi về gốc tích Thục Phán. Có vài chục (không nhiều lắm!) quan điểm khác nhau, dị biệt ở vài chi tiết, nhưng cơ bản có thể chia làm 2 trường phái chính:

1.An Dương Vương có gốc gác từ nước Thục bên Tàu Khựa

Vs

2.An Dương Vương là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc mạn Cao Bằng (hoặc Yên Bái), nói nôm na là 1 đại diện ưu tú thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em ở Việt Nam bây giờ.

*

Vài bộ sách cũ của Tàu như Giao Châu Ngoại Vực Ký, Quảng Châu Ký cùng gọi An Dương Vương là "Thục vương tử" (con vua Thục) nhưng không cho biết rõ xuất xứ vua Thục, vị trí nước Thục và cả tên thật của An Dương Vương. Việt Sử Lược- bộ sử xưa nhất của nước ta- chỉ chép 1 câu về nguồn gốc An Dương Vương: "Cuối thời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi và thay thế", chỉ 1 câu nhưng thêm 1 chi tiết ăn tiền: tên ông An Dương Vương là Phán.

Từ thế kỷ XV, với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Lĩnh Nam Chích Quái, An Dương Vương đã xuất hiện một cách rõ ràng hơn: "Họ Thục tên Phán, người đất Ba Thục". Hầu hết các bộ sử thời Lê và Nguyễn đều chép tương tự.

Đến thời Nguyễn, Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu) là người đầu tiên đặt dấu hỏi nước Thục ở Tàu xa nước Văn Lang của các vua Hùng cả về thời gian (thời điểm An Dương Vương lật Hùng Vương, nước Thục bên Tàu đã bị nước Tần tiêu diệt từ lâu) lẫn không gian (từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiển Vi, đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiễm Mang, cách nhau 2,3 ngàn dặm) vậy làm sao con vua Thục cướp ngôi Hùng Vương được. Sang thế kỷ XX, các nhà sử học càng ngày càng học phép hoài nghi, những ông Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố… dần dần đi đến khẳng định “nước Nam ta không có ông An Dương Vương nhà Thục”.

*

Từ việc không có 1 nước Thục đồng đại và lân bang với Văn Lang của Hùng Vương nên không có chuyện hoàng tử nước Thục cướp đất Hùng Vương đi đến 1 giả thuyết biến thể vào thập niên 50 (Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh) rằng sau khi nước Thục bị Tần diệt, con cháu vua Thục dần dần di tản xuống phía nam, đến đời Thục Phán thì dựng được 1 chính quyền trên 1 vùng lãnh thổ VN ngày nay.

Sau khi phát hiện truyền thuyết về nước Nam Cương của người Tày, Đào Duy Anh chỉnh lý học thuyết của mình, ông cho rằng hậu duệ vua Thục từ Tứ Xuyên xuống Quý Châu, Vân Nam rồi vào "nước" Nam Cương và Thục Phán trở thành tù trưởng của liên minh bộ lạc người Tây Âu ở đó.

Năm 1960, 2 học trò của Đào Duy Anh là Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn căn cứ vào tình hình phân bố cư dân vùng Tây Nam Di, phỏng đoán: Thục vương trong các thư tịch cổ không phải là vua nước Thục ở Ba Thục, mà là tù trưởng bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía Nam và tự xưng Thục Vương. Bộ lạc đó đi xuống Quảng Tây và đồng bằng Bắc Bộ, sống xen kẽ và đồng hóa với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm 2 thành phần dân cư: Lạc Việt và Tây Âu.

Như vậy, mặc dù có các biến thể khác nhau, nhưng cho đến 1960, gốc Thục (có thể là con cháu vua Thục, hoặc bộ lạc Khương trên đất Thục)  của An Dương Vương là thuyết phổ biến nhất.

*

Sau này thuyết này yếu đi nhiều, nhưng rải rác vẫn còn những ý kiến coi An Dương Vương là kẻ ngoại xâm, cướp nước của Hùng Vương trong một số cuốn sách gọi là sử song đậm màu tưởng tượng, như “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” (Bùi Văn Nguyên, NXB Khoa học xã hội, 2001- còn có tình tiết Triệu Đà tên thật là Nguyễn Cẩn lại là con cháu vua Hùng sang TQ du học sau này khôi phục lại nghiệp xưa vua Hùng hehe), “Nghiên cứu về VN trước công nguyên” (Trần Văn Trân, NXB Thanh Niên, 2001), đặc biệt là cuốn “ngụy thư” bị thu hồi “Huyền thoại hay sự thật: cội nguồn Cha rồng-Mẹ tiên” của họa sĩ Võ Trọng Thái (NXB Văn hóa Dân tộc, 2002).

Mới đây 1 cuốn sách dày vãi chưởng của Tạ Đức tên là Nguồn gốc người Việt người Mường được NXB Tri Thức xuất bản (2013) quay trở lại với gốc Thục Trung Quốc của An Dương Vương. Bằng việc phân tích tục thờ rùa của nước Thục Khai Minh (Trung Quốc), cấu trúc thành Cổ Loa với các thành trì bên đất Thục, giải thích gốc gác của chữ Cổ Loa (biến dạng từ Klo/Klua có nghĩa là rùa), ông lên tiếng mạnh bạo “tôi đồng ý với sử cũ”. Tuy các thao tác của ông có dáng vẻ khoa học song những người chia sẻ quan điểm của ông lúc này dường như vẫn là thiểu số.

*

Từ thập niên 1960 đến nay, thuyết chính thống khẳng đinh An Dương Vương là người nước ta, Triệu Đà mới là cướp nước. Chỉ có điều hộ chiếu của An Dương Vương không thể ghi “Dân tộc Kinh, tôn giáo không” được, ông là người khác bộ lạc với các vua Hùng-quốc tổ nước nam.

Ví dụ một vài ý kiến thuộc thuyết này.

Năm 1963, Lê Sơn phát hiện truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa (Chín chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng. Theo đó Thục Phán là con Thục Chế, "vua" của "nước" Nam Cương ở vùng Cao Bằng và Quảng Tây hiện nay mà trung tâm là Hòa An (Cao Bằng). Nam Cương gồm 9 xứ Mường. Cuối thời Hùng vương, khi Thục Chế mất, con là Thục Phán còn ít tuổi, 9 chúa Mường kéo quân về đòi Thục Phán chia sẻ quyền lực. Thục Phán tuổi trẻ tài cao bày ra những cuộc đua sức đua tài và giao hẹn ai thắng cuộc sẽ được nhường ngôi. Các chúa mường mất nhiều công sức đấu đá nhau mà chẳng ai thắng cuộc, cuối cùng đành quy phục Phán. Về sau nước Nam Cương cường thịnh, Thục Phán đánh chiếm Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc, tự xưng An Dương Vương, đóng đô tại Cổ Loa.

Năm 1966, cũng dựa vào truyền thuyết này Trần Quốc Vượng và Đặng Nghiêm Vạn kết luận Thục Phán là tù trưởng 1 liên minh bộ lạc người Tây Âu hay người Tày cổ ở vùng rừng núi phía Bắc Bắc bộ và Nam Quảng Tây.

Năm 1969, người ta tìm ra Hùng Vương Ngọc Phả cùng nhiều thần tích, ngọc phả thánh Tản Viên và các tướng của Tản Viên và đọc được rằng Thục Phán là "phụ đạo xứ Ai Lao", là "bộ chúa Ai Lao". Kết hợp điều đó với những ghi chép của thư tịch cổ TQ về vùng Tây Nam Di, Nguyễn Linh nêu giả thuyết: Thục Phán không phải là vua nước Thục ở Tứ Xuyên mà là thủ lĩnh của người "Ai Lao di" tại vùng Vân Nam, giáp nước Văn Lang ở phía Tây bắc, tức cũng là thủ lĩnh một sắc dân sống ở vùng đất nay là miền tây bắc Việt Nam.

Phan Huy Lê sau này đã tổng hợp, hợp nhất các thuyết này để khẳng định tính chất Tày-Cao Bằng của Thục Phán An Dương Vương.

Nhưng lại còn có Đinh Văn Nhật, được Bùi Thiết (ông này thì ghét Phan Huy Lê có tiếng) ủng hộ, phản đối quê hương Cao Bằng của Thục Phán, đòi đưa về Yên Bái (nhiều truyền thuyết mô tả cuộc chiến tranh Hùng-Thục cho thấy phía Thục Phán tập trung ở mạn Yên Bái, khu vực Nghĩa Lộ-Yên Bái là nơi phát tích của dân tộc Thái mà Thục Phán chẳng qua là Tức Pắn, 1 chức danh đứng đầu bộ lạc trong tiếng Thái, nhiều địa danh ở Cổ Loa là bản sao các địa danh từ Yên Bái…). Thuyết này khác những thuyết trên ở các chi tiết lẻ tẻ, nhưng cùng nằm trong dòng chảy Thục Phán-phi Tàu Khựa- rất Việt Nam thân yêu.

Những thuyết Thục Phán gốc Tày cổ hay Thái cổ chứ không Tàu khựa này giải thích vì sao Thục Phán cướp nước của Hùng Vương mà không bị nguyền rủa trong ký ức và tình cảm lâu đời của nhân dân VN được phản ánh qua các thần tích, ngọc phả, các nghi thức thờ cúng, diễn xướng dân gian..., thậm chí được coi như 1 anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Ngày 6-1 âm lịch hàng năm bao giờ cũng có lễ hội lớn tưởng nhớ An Dương Vương được tổ chức long trọng tại đền thờ ông ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

*

Em thì cho rằng Thục Phán có gốc gác xa tít mù nước Thục Khựa hay gần gũi đồng bào Tày Thái anh em chỉ là đề tài cho các nhà sử học nghiên cứu, tranh cãi, viết sách và bán sách chứ vị trí của ông (tất nhiên với giả định Lê Mạnh Thát sai, tức là, có ông ấy thật) trong sử Việt là trang trọng miễn bàn. Cứ cho là ông ý gốc Tàu đi nữa thì nhà nước do ông ấy đứng đầu, trên lãnh thổ cơ bản là Việt Nam, với dân chúng cơ bản là đồng bào ta, độc lập với các quốc gia trên đất Tàu và duy trì nền cai trị trên địa bàn kiểu Việt của các lạc hầu lạc tướng từ thời các vua Hùng thì ông ấy vẫn là 1 ông vua Việt, 1 người Việt gốc Hoa.

À nhưng mà giải thích như thế thì liệu kẻ thù của ông ấy, kẻ tiêu diệt ông ấy, Triệu Đà, có thể được bảo vệ bằng lập luận như thế hay không. Ngô Thì Sĩ, nhà sử học hiện thực phê phán đầu tiên của dân tộc, từ thời Lê-Trịnh, trả lời dứt khoát là không. Cái khác biệt giữa 2 ông người Tàu An Dương Vương và Triệu Đà, theo cụ Sĩ, nằm ở chỗ: lãnh thổ Âu Lạc là Việt Nam, chính quyền trung ương Âu Lạc đặt ở VN, trong khi phần không nhỏ lãnh thổ Nam Việt là ở đất Tàu, thủ phủ chính quyền Nam Việt đặt ở bên Tàu; cho dù cả An Dương Vương và Triệu Đà cùng độc lập (thậm chí đối kháng) với chính quyền trung ương Trung Hoa. Sau này cụ Phan Khôi cũng cùng ý kiến ấy.

Còn 1 thuyết nữa cũng rất hay (đồng thời rất dễ bị ném đá) của Trương Thái Du rằng Thục nuốt Văn Lang vua Hùng, Thục bị Triệu Đà nuốt, tất cả các phi vụ đó đều xảy ra trên phần lãnh thổ nay là Trung Quốc. Sang bài Triệu Đà em kể kỹ hơn.

1 nhận xét:

  1. thế a ơi a thì tin ổng nguới nuớc nao vậy?

    Trả lờiXóa