Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

MỸ-XÔ-TRUNG (1)


Mỹ-Nga (Xô)-Trung: Nhặt data để đấy

1.Thời đại Kennedy và Johnson

Le Tran Hai’s facebook, 2/8/2014

Tổng thống đẹp trai và đào hoa John Kennedy (JFK) nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1/1961, ông bị ám sát vào 11/63, phó tổng thống Lyndon Johnson (LBJ) lên thay và thực thi quyền tổng thống đến hết nhiệm kỳ của Kennedy (64). Johnson thắng cử tổng thống trong cuộc bầu cử 1964 và ngồi trọn vẹn 1 nhiệm kỳ tiếp theo (65-68). Năm 1968, ông tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 và người của đảng ông đã bị Nixon đảng Cộng hòa đánh bại. Nixon nhậm chức tổng thống vào 1/69, khép lại 8 năm đảng Dân chủ ở lầu Bạch ốc.

*

Thời kỳ Kennedy-Johnson nắm quyền (61-68) là thời kỳ bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc bùng nổ, song chính quyền đảng Dân chủ của Mỹ hầu như không biết tận dụng cơ hội này.

Quan hệ Xô-Trung

Nhiều tranh cãi qua lại, phê phán lẫn nhau giữa 2 đảng trong năm 61. Dần dần phong trào CS và công nhân quốc tế sẽ hình thành 2 phe: đứng về phe TQ có Albania và một số đảng mao ít ở các nước thế giới thứ 3, đứng về phe Liên Xô có các nước Đông Âu và Cuba. Việt Nam và Bắc Triều tiên đi dây giữa 2 phe.

10/62: Chiến tranh biên giới TQ-Ấn Độ. Liên Xô bênh Ấn Độ.

6/63: TQ xuất bản “Đề nghị của Đảng CS TQ liên quan đến đường lối chung của phong trào CS quốc tế”. Liên Xô đáp lại bằng “Lá thư ngỏ của Đảng CS Liên Xô”.

64: Mao tuyên bố đang có cuộc phản cách mạng xảy ra tại Liên Xô hòng phục hồi CNTB, chấm dứt các liên hệ đảng giữa TQ với Liên Xô và các đồng minh Đông Âu của Liên Xô. Đổ vỡ công khai.

9/64: TQ yêu cầu xét lại các vùng lãnh thổ châu Á mà các hoàng đế Trung Hoa đã để mất vào tay Nga Hoàng ở thế kỷ XIX.

8/66: Cách mạng văn hóa ở TQ.

10/66: Liên Xô đuổi sinh viên TQ

1/67: Hồng vệ binh bao vây Sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh. TQ tuyên bố không đảm bảo được an ninh cho các nhà ngoại giao Liên Xô.

2/67: Liên Xô tăng cường quân đội ở biên giới với TQ

8/68: Sau vụ Praha, TQ gọi Liên Xô là “đại bá”.

Tuy nhiên Mỹ không trục lợi được gì từ sự chia rẽ này. Tại những nơi là tuyến đầu đánh Mỹ như Việt Nam thì TQ tiếp tục cho phép chuyên chở vũ khí và tiếp liệu của Liên Xô ngang qua lãnh thổ TQ để  hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

*

Khủng hoảng Cuba

4/61: Mỹ hỗ trợ 1500 người tị nạn Cuba quay trở lại đảo này để lật đổ Fidel Castro, được gọi là cuộc tấn công Vịnh Con Lợn (Playa Girón). Kế hoạch thất bại, hơn 1000 người đổ bộ lên đảo bị bắt giữ.

12/61: Fidel Castro tuyên bố ông là người marxist-leninist và Cuba theo đường lối CNXH.

10/62: Khủng hoảng tên lửa Cuba. Mỹ phát hiện Liên Xô đưa hỏa tiễn đạn đạo tầm trung vào Cuba, ngay sát nách Mỹ. Sau 1 tuần đàm phán giữa Khrutschev và Kennedy, Liên Xô gỡ hỏa tiễn khỏi Cuba đổi lấy việc Mỹ gỡ bỏ hỏa tiễn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết không can thiệp vào Cuba. Cái gai Cuba đối với Mỹ tồn tại đến tận bây giờ.

*

Bức tường Berlin

8/61, Đông Đức bắt đầu cho xây bức tường Berlin ngăn cách Đông Berlin (Đông Đức) với Tây Berlin (nơi có quân Mỹ đóng). Chính quyền Kennedy không có động thái đáng kể nào để ngăn chặn công việc này.

*

Chiến tranh Việt Nam

11/63 (lúc này Kennedy chưa bị ám sát): Mỹ ủng hộ 1 nhóm quân nhân làm đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, sát hại anh em họ Ngô.

Ngô Đình Diệm là 1 nhà lãnh đạo chống cộng, tập trung vào tay mình nhiều quyền lực. Sau cái chết của ông ta, miền Nam Việt Nam rơi vào trạng thái bất ổn chính trị triền miên với hàng loạt cuộc đảo chính, chỉnh lý, xung đột phe phái… (kéo dài cho đến 67 khi Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống) và không tìm được 1 nhà lãnh đạo nào có sức mạnh ngang tầm Ngô Đình Diệm trong khi Bắc Việt đẩy mạnh các hoạt động gây rối càng ngày càng hiệu quả và người của họ tràn ngập trong lực lượng thứ ba.

Cũng sau khi Ngô Đình Diệm chết, Johnson ồ ạt đổ quân vào Việt Nam nhưng càng ngày Mỹ càng sa lầy ở đây.

Sau sự kiện vịnh Bắc bộ 8/64, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom Bắc VN nhưng không mang lại chiến thắng nào. Phi công McCain (sau này thành TNS) bị bắt là ở thời kỳ Johnson ném bom.

BTQP McNamara từ chức (11/67) sau một thời gian càng ngày càng ngả sang phe bồ câu.

Bắc Việt tổ chức cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mất mát về người là kinh hoàng cho cả 2 phía.

Bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan dí súng bắn vào đầu 1 chiến sĩ Việt cộng, vụ thảm sát Mỹ Lai sau đó gây kinh hoàng cho dư luận Mỹ. Phong trào phản chiến dâng cao ở các trường đại học, các album nhạc phản chiến, những nhân vật nổi tiếng như Muhammed Ali từ chối quân dịch…  

3/68 LBJ tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới và rút khỏi cuộc chiến tranh VN sẽ là nhiệm vụ của người kế nhiệm ông.

*

Phe Liên Xô:

Khrutschev bị các đồng chí của ông lật, Brezhnev lên. Chính sách đối ngoại về cơ bản không thay đổi.

Tiếp tục đổ tiền của vào quốc phòng, vũ trụ (Gagarin lên vũ trụ 1961)

4/65: có cuộc biểu tình ở Yerevan (Armenia) đòi thừa nhận nạn diệt chủng. Bị dập tắt không thương tiếc.

1/68: Dubcek nắm quyền ở Tiệp Khắc. Mùa xuân Tiệp khắc bắt đầu. 8/68  Brezhnev đưa 6500 xe tăng và 750000 lính (Liên Xô và các nước đồng minh trong khối Warszawa) vào Praha, dập tắt mùa xuân Tiệp.

Thêm 1 lãnh tụ Đông Âu là Ceaușescu (Rumani) lên án hành động can thiệp của Liên Xô ở Tiệp.

*

Phe Trung Quốc:

Cách mạng văn hóa 1966 làm xáo trộn xã hội TQ và kéo lùi sự phát triển của TQ một cách thê thảm.

Trong lĩnh vực quốc phòng: TQ thử thành công bom nguyên tử.

Indonesia: những người CS thân TQ toan làm đảo chính, giới quân sự đứng đầu là tướng Suharto chơi rắn, sau đó Suharto lật luôn tổng thống “không liên kết” Sukarno lên nắm quyền.

*

Phe Mỹ:

Tổng thống Pháp De Gaulle thường xuyên thực thi những chính sách không làm hài lòng Mỹ và các đồng minh.

63 Pháp dùng quyền phủ quyết không cho Anh gia nhập EEC.

1/64 Pháp lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

2/66 Pháp rời khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO và tổng thống De Gaulle đòi triệt thoái các căn cứ quân sự NATO khỏi đất Pháp trong vòng 1 năm.

7/67 phát biểu tại Canada, De Gaulle ủng hộ vùng Quebec tự do, làm mất lòng những người Canada nói tiếng Anh.

 

2.Thời đại Nixon và Ford

Le Tran Hai’s facebook, 9/8/2014

Thắng cử trong cuộc bầu cử TT Mỹ 1968, chính khách lão luyện của đảng Cộng hòa Richard Nixon (từng làm phó tổng thống cho Eisenhower) nhậm chức tổng thống vào 20/1/69. 11/72 ông tái đắc cử và có thêm 1 nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 (73-76). Tuy nhiên vụ Watergate (nghe trộm đối thủ Dân chủ) đã khiến ông bị truất quyền tổng thống vào 8/74, phó tổng thống Gerald Ford (Ford cũng chỉ được bổ nhiệm vào chức phó tổng thống từ 12/73 sau khi phó TT Agnew bị mất chức 10/73 vì những sai phạm thuế, tài chính từ thời làm thống đốc Maryland) thay thế và ngồi trọn nhiệm kỳ của Nixon đến hết 1976. Tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1976, Ford bị Jimmy Carter (đảng Dân chủ) đánh bại và từ 1/77, Carter trở thành tổng thống mới, khép lại 8 năm cầm quyền của đảng Cộng hòa (69-76).

*

Chiến tranh Việt Nam. Mỹ khai thác xung đột Trung-Xô

7/69 Nixon đề xuất học thuyết Việt Nam hóa chiến tranh và từ đó liên tục rút quân Mỹ khỏi nam VN (ngược với Johnson trước đây liên tục nhồi quân), bàn giao các căn cứ quân sự cho quân lực nam VN, chỉ dùng không quân  (giảm thiểu thiệt hại cho binh sĩ Mỹ) không kích miền bắc (chiến tranh phá hoại), yểm trợ các hoạt động chống CS ở Lào và Campuchia (đặc biệt sau 3/70, khi Lon Nol làm đảo chính lật đổ Sihanouk) đồng thời ngăn cản CS Bắc VN xâm nhập miền Nam qua con đường Campuchia và Lào.

Ngay từ 8/69 cánh tay phải của Nixon là Henry Kissinger bắt đầu tiến hành đàm phán với Lê Đức Thọ ở Paris để tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh VN. Tiến trình hòa đàm có nhiều thăng trầm, Nixon nhất quán theo đuổi chính sách rút khỏi sự dính líu ở VN nhưng sẵn sàng diều hâu khi cần thiết để giành lợi thế tối đa cho Mỹ trước khi rút hẳn (khác biệt với quan điểm của ứng viên đảng Dân chủ tại kỳ bầu cử TT 1972 McGovern, người đề nghị triệt thoái quân Mỹ ngay lập tức khỏi VN). Nếu 30/11/72 Mỹ công bố giảm số quân Mỹ ở VN xuống còn vẻn vẹn 27,000 người thì 18 ngày sau Nixon tổ chức cuộc ném bom dữ dội Hà Nội trong 12 ngày đêm (từ 18-29/12/72) gọi là chiến dịch Linebacker II mà thủ tướng Thụy Điển Palme so sánh với hành động của phát xít Đức còn Bắc VN thì gọi là trận Điện Biên Phủ trên không. Khác với những trận chiến cổ điển với mục tiêu là giành đất, những chiến dịch như thế này có thể bình luận thắng-bại theo những quan điểm khác nhau.

Biết rằng sự thắng thế của Bắc VN (CS) là không thể đảo ngược, nhiệm vụ của Nixon là ngăn chặn sự lây lan của làn sóng đỏ ra toàn khu vực (Thái Lan, Mã Lai, Indonesia)-điều mà các vị tiền nhiệm của ông lo ngại khi quyết định đẩy mạnh can thiệp vào VN. Và khác với 2 vị tổng thống tiền nhiệm đảng Dân chủ, Nixon đã khía rất khôn khéo vào sự bất hòa trong nội bộ phe CS, giữa Liên Xô và TQ.

-1969: Xung đột biên giới giữa Liên Xô và TQ đã nổ ra.

- 7/1971: sau nhiều chiêu thăm dò được giữ bí mật (nổi tiếng nhất là “ngoại giao bóng bàn”), Nixon tuyên bố sẽ đi thăm TQ vào 1972.

- 8/71; Ấn Độ-nước có tranh chấp lãnh thổ với TQ ký hiệp định hữu nghị và hợp tác 20 năm với Liên Xô.

- 9/71: TQ thanh trừng nội bộ, Lâm Bưu chết trong 1 tai nạn máy bay.

-10/71: TQ trở thành thành viên Liên hiệp quốc. Tháng sau, Bắc Kinh tiếp quản ghế của TQ từ tay Đài Loan.

- Từ 21-28/2/72: Nixon sang thăm TQ, gặp Mao Trạch Đông. Tuyên bố Thượng Hải: người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người. Trong thời gian Nixon nỉ hảo với Mao, 24/2 đoàn VN rời bàn đàm phán ở Paris để phản đối các cuộc không kích của Mỹ.

- 5/72: Nixon sang Nga, ký hiệp ước giải trừ quân bị SALT-1 với Brezhnev.

-10/72: Kissinger tuyên bố hòa bình trong tầm tay.

-11/72: Nixon tái đắc cử, Mỹ giảm quân kỷ lục

-12/72: Ném bom Hà Nội ngay mùa Giáng sinh.

-1/73: Nixon nhậm chức nhiệm kỳ II, Mỹ chấm dứt các đợt tấn công bắc VN.

- 27/1/73: Ký hiệp ước hòa bình Paris. (Cuối năm, Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải Nobel hòa bình).

- 2/73: Bắc VN bắt đầu trả tự do cho các phi công Mỹ bị giam giữ. Mỹ và TQ mở văn phòng liên lạc.

- 3/73: Lính Mỹ rút khỏi nam VN. Vụ thoái vốn của Nixon hoàn tất.

Đột phá vào quan hệ với TQ, khai thác bất hòa TQ-Liên Xô sẽ là vô nghĩa nếu phe TQ lớn mạnh và liền 1 dải từ TQ đến VN-Lào-Campuchia có thể uy hiếp các nước láng giềng. Nixon đã chơi con bài TQ khá khéo léo (trong khi vẫn tiến hành các hoạt động giảm căng thẳng với phe Liên Xô) để kết cục là VN đứng về phía Liên Xô chống TQ và để Campuchia đứng về phía TQ chống VN. Chỉ khi đó làn sóng cộng sản Trung Hoa mới không lan sang các nước Đông Nam Á khác.

- 1/74: TQ tấn công quần đảo Hoàng Sa, lúc đó trong tay VN Cộng hòa. Mỹ khoanh tay bỏ mặc đồng minh, Hà Nội biết rằng nước VN từ nay mất đảo.

- 30/4/75 (lúc này Ford đã là tổng thống): Bắc VN giải phóng Sài Gòn, VN thống nhất.

- 5/75: Khmer Đỏ tấn công Phú Quốc và Thổ Chu, hành quyết hơn 500 người dân VN. Campuchia đầy cố vấn TQ. VN phản công giành lại đảo, cuộc chiến tranh giữa những người CS anh em ở Đông Dương đã bắt đầu.

*

Trung Đông. Khủng hoảng dầu lửa 1973

Do sức mạnh của các tài phiệt Do Thái, mọi CP Mỹ luôn coi Israel là đồng minh thân cận. Mặt khác họ vẫn giữ quan hệ hữu hảo với nhiều chính quyền Arab, dù tất cả các nước Arab cùng có thái độ thù địch với Israel. Nội bộ các nước Arab lại triền miên bất hòa do những xung đột giữa các hệ tư tưởng Hồi giáo khác nhau. Mức độ thù địch Israel và phương Tây trong giới Arab, do vậy, cũng rất khác nhau. Chính sách của Mỹ là bảo vệ Israel nếu nước này bị đe dọa nhưng gây sức ép với Israel để buộc nước này bớt hung hăng trong quan hệ với các nước Arab-nhất là những nơi Mỹ muốn tranh thủ, đối đầu-tranh giành ảnh hưởng của Liên Xô, tận dụng những bất hòa nội bộ Hồi giáo để bảo vệ Israel.

Vài sự kiện dưới thời Nixon-Ford:

9/69: Đảo chính ở Libya. Gaddafi nắm quyền.

9/70: Nhà lãnh đạo cấp tiến thân Liên Xô, tổng thống Ai Cập Nasser chết. Sadat lên thay và tiếp tục đường lối của Nasser.

11/70: Đảng Ba’ath làm đảo chính thành công ở Syria. Hafez al-Assad nắm quyền, theo đuổi đường lối cứng rắn trong quan hệ với Israel và nhận sự trợ giúp từ Liên Xô.

12/70: Hội đồng cách mạng lâm thời Libya tuyên bố quốc hữu hóa các ngân hàng nước ngoài.

71: Nhiều cuộc xung đột nổ ra giữa người Palestine thuộc tổ chức PLO đang sống ở Jordan với quân đội Jordan.

3/72: Libya ký hiệp ước hợp tác với Liên Xô.

6/72: Iraq quốc hữu hóa Cty dầu lửa.

7/72: Sadat trục xuất 20,000 cố vấn Liên Xô-Dấu hiệu rạn nứt giữa Ai Cập và Liên Xô.

9/72: Khủng bố Arab sát hại 11 vận động viên Israel ở thế vận hội München (Munich).

10/73: Cuộc chiến Yom Kippur do Ai Cập và Syria khởi động (sử dụng vũ khí Liên Xô), chống lại Israel để giành lại các lãnh thổ bị mất, một số nước Arab khác trong đó có Iraq cũng gửi quân tham chiến ở mức độ hạn chế. Israel chuyển bại thành thắng nhờ sự hỗ trợ của Mỹ (cầu hàng không). Ai Cập chấp nhận lệnh ngừng bắn theo yêu cầu LHQ khiến Syria buộc phải hủy 1 kế hoạch phản công. Chiến tranh kết thúc, Israel bảo toàn lãnh thổ.

10/73: Các nước Arab xuất khẩu dầu mỏ tuyên bố cấm vận dầu lửa Mỹ và phương Tây để phản đối họ ủng hộ Israel. Cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973 đã khiến giá dầu tăng gấp 4 trong vòng 1 năm, đẩy nền kinh tế phương Tây (tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ) vào khủng hoảng.

74: Mỹ tiếp cận Ai Cập, bảo trợ các cuộc đàm phán riêng rẽ.

1/74: Israel cam kết rút quân khỏi bờ tây kênh đào Suez.

3/74: Các nước Arab, trừ Libya, tuyên bố chấm dứt cấm vận dầu lửa.

11/74: Đại hội đồng LHQ trao cho PLO quy chế quan sát viên.

75: Từ tháng 3 đến tháng 9/75: Ford cứng rắn với Israel, ngừng cấp vũ khí cho Israel để buộc nước này “ngoan ngoãn” hơn, đừng làm tổn hại chính sách ve vãn một số nước Arab (trong đó có cựu đồng minh của Liên Xô là Ai Cập)

6/75: Mở cửa kênh đào Suez.

9/75: Ai Cập và Israel ký hiệp ước Sinai II.

11/75: LHQ lên án chủ nghĩa phục quốc Do Thái (zionism).

1/76: Mỹ dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết LHQ về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập

Tháng 1,2,3/76: Morocco và Algeria tranh giành ảnh hưởng ở Tây Sahara, có đụng độ quân sự. Nhà nước CH Dân chủ Arab Sahrawi ra đời, được Algeria và những nước thân Liên Xô công nhận.

5/76: Syria can thiệp vào nội chiến Liban, không ủng hộ PLO nữa.

*

Phe Mỹ

Chạy đua chinh phục vũ trụ: du hành gia Mỹ lên mặt trăng (69)

Ra đời liên minh 6 nước công nghiệp lớn G6 (11/75), sau thành G7 (6/76) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức, Nhật, Ý, Canada.

Mỹ trả lại cho Nhật Okinawa, nhưng duy trì căn cứ quân sự phi hạt nhân ở đây (5/72).

De Gaulle từ chức (4/69), Pompidou trở thành tổng thống Pháp (6/69), quan hệ Mỹ-Pháp dần dần bình thường trở lại.

Anh, Ireland và Đan Mạch gia nhập EEC (1/73).

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân lên đảo Cyprus, hỗ trợ thành lập nhà nước của người Thổ ở 1 phần đảo Cyprus, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp (1974-1975).

Ở một số thời điểm, một số chính phủ cánh tả ở châu Âu, rõ nhất là CP Thụy Điển của thủ tướng Palme (nắm quyền từ 10/69), lên án gay gắt chính sách của Mỹ (12/72).

Một số nước Mỹ Latinh-sân sau của Mỹ rơi vào ảnh hưởng của phe tả: 4/71 Bolivia quốc hữu hóa mỏ thiếc, 7/71 Chile quốc hữu hóa mỏ đồng. Cánh hữu làm đảo chính. 8/71: đảo chính ở Bolivia. 9/73: đảo chính quân sự ở Chile, tổng thống marxist Allende tự sát, tướng Pinochet nắm quyền và trở thành 1 nhà độc tài cánh hữu lâu năm ở nước này. Mỹ Latinh vẫn trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.

Thủ tướng cánh tả của Tây Đức Brandt thực thi chính sách hướng đông, hòa thuận với Đông Đức. Nhận giải Nobel hòa bình 1971. 12/72: Đông Đức và Tây Đức công nhận lẫn nhau. 9/73: cả 2 nước Đức cùng trở thành thành viên LHQ.

Phản đối chính phủ Mỹ dâng cao trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình lớn đòi chấm dứt chiến tranh, đáng kể là May Day Protest vào 5/71. Nhạc hội phản chiến Woodstock 69. Một số nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Joan Baez, nữ DVĐA Jane Fonda thăm Bắc VN và bày tỏ thiện cảm với Hà Nội.

*

Phe Liên Xô

Mùa xuân Tiệp 68: còn rơi rớt trong năm 69 với vụ tự thiêu của sinh viên Jan Palach (1/69) và các cuộc biểu tình cuối cùng 8/69.

Khủng hoảng Ba Lan: 12/70 từ việc tăng giá thực phẩm, có bạo động đẫm máu giữa an ninh với những người thợ đóng tàu ở Gdansk. Ban hành giới nghiêm. Thay đổi lãnh đạo cấp cao: Gierek thay Gomulka.

Một số nước mới độc lập ở châu Phi rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô, trong đó có Mozambique (độc lập 6/75) và Angola (độc lập 11/75)

2 nhân vật bất đồng chính kiến lớn ở Liên Xô được trao giải Nobel: nhà văn Solzhenitsyn (Nobel văn học 1970) và nhà khoa học Sakharov (Nobel hòa bình 75). Solzhenitsyn sống lưu vong còn Sakharov sau này sẽ bị quản thúc.

*

Phe Trung Quốc

TQ liên tục thử vũ khí hạt nhân (69, 70) và trở thành 1 cường quốc VKHN dù nền kinh tế đang rất kiệt quệ do các chính sách của Mao.

Hội nhập quốc tế, dần dần Bắc Kinh được thừa nhận là đại diện của TQ thế chỗ Đài Loan của Tưởng Giới Thạch ở các diễn đàn quốc tế, lập quan hệ bình thường với nhiều nước phương Tây.

9/71: thanh trừng phe Lâm Bưu.

Đồng minh thân cận của TQ- Nước Campuchia Dân chủ của Pol Pot công bố hiến pháp (1/76), quản thúc hoàng thân Sihanouk (4/76), thực hiện chính sách diệt chủng và thù địch VN (ngay từ 5/75).

1/76: thủ tướng Chu Ân Lai chết, 9/76: Mao Trạch Đông chết. 10/76: ”bè lũ 4 tên” bị dẹp, Hoa Quốc Phong lãnh đạo đảng CS, Đặng Tiểu Bình chuẩn bị trở lại Trung Nam Hải, hứa hẹn những cải cách lớn ở TQ sau này.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét