HẾT TẬP 1
Vừa say rượu vừa kể chuyện-Tập 1
2015.
Bìa in sai chính tả: rượu thành riệu. Các tập sau cứ thế phát huy
Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017
UKRAINA
Vừa kể chuyện vừa bốc phét về Ukraina
Cavenui’s blog 27/2/2014
Bài này được sửa vài chữ từ bài viết cho
trẻ con- đứa cháu con nhà ông anh đang học trung học- nên 80% là em kể thật,
20% là em bốc phét. Bác nào bê y nguyên đi đâu bị trẻ con lêu lêu em không chịu
trách nhiệm.
*
Ukraina (tiếng Anh: Ukraine) là nước có
diện tích lớn nhất châu Âu (đâu như hơn 600 ngàn km2): nước Nga nửa Á nửa Âu
không tính, còn nước Pháp nếu tính cả lãnh thổ hải ngoại thì hơn, nhưng nếu chỉ
tính phần lục lăng châu Âu diện tích Pháp chưa đến 550 nghìn km2. Đất đai Ukraina
phì nhiêu, trồng lúa mì cực tốt.
Theo quan niệm truyền thống của người Nga,
người Ukraina là những người anh em trong đại gia đình các dân tộc Slave, mấy
anh bạn Nga của bọn em xưa kể mãi thời trung cổ từng có nước Nga Kiev. Người
Nga gọi Belarus là “Bạch Nga” (tên nước cũng thể hiện), còn gọi Ukraina là
“tiểu Nga” (tên nước lại nghĩa là miền biên viễn). Đại khái, tiểu hổ (mèo)
không phải là hổ thì cũng cùng 1 họ, tiểu Nga với Nga cũng rứa. Không rõ sao
lại “tiểu” nhưng con gái Ukraina nhỏ nhắn hơn con gái Nga và chậm phát sồ hơn
con gái Nga, đẹp lâu hơn con gái Nga. Người giỏi tiếng Nga nghe tiếng Ukraina
hiểu được độ 90%, người dốt tiếng Nga như em hiểu độ 73,7%, từ giống nhau khá
nhiều tuy tiếng Ukraina có lẫn 1 vài ký tự Latinh là lạ (ví dụ chữ i).
Quan niệm Nga-Belarus-Ukraina là 1 đại gia
đình, 1 đại dân tộc là quan niệm phổ biến ở rất nhiều người Nga, không phụ
thuộc vào quan điểm chính trị, vào thái độ đối với ông Lenin-vị lãnh tụ trán
hói bị quật tượng ở Ukraina hôm nọ.
Chẳng hạn văn hào Solzhenitsyn-nhà bất
đồng chính kiến lừng danh từ thời Liên Xô chưa tan rã từng hô hào hãy để cho
Baltik và Trung Á độc lập, nước Nga giữ bên mình Belarus, Ukraina và 1 phần đất
Kazakhstan là đủ (ta thấy liên minh thuế quan mà Putin muốn xây dựng cũng nhắm
đến những xứ này trước tiên).
*
Tuy nhiên mảnh đất mà người Nga nghiễm
nhiên coi là sân sau của mình chưa bao giờ yên ổn đối với Nga. Từ những thế kỷ
xa xưa, Nga và nhiều nước láng giềng oánh nhau tưng bừng tranh giành ảnh hưởng
ở vùng “biên viễn”. Trên lãnh thổ nay là Ukraina, có vùng đất thời đó thuộc về
nước này, vùng khác thuộc về nước khác. Lịch sử khá lằng nhằng em không nhớ
được, ghi chép hết vào internet, các bác muốn biết chi li xin mời gúc. Chỉ biết
khi Nga ca khúc khải hoàn vào cuối thế kỷ XVIII, Sa Hoàng đã nuốt lời hứa về 1
xứ Ukraina tự trị, tiếp đó là chính sách русификация hòng đồng hóa người
Ukraina, cấm dùng tiếng Ukraina trên sách vở đơn từ và ở nơi công cộng. Đại
khái hàng xóm để chó ị vào nhà anh, anh với nó chửi nhau bằng tiếng Ukraina vô
tư nhưng nếu viết đơn ra phường thì phải viết tiếng Nga đúng chính tả ngữ pháp.
Dễ hiểu khi tinh thần dân tộc của người U bừng tỉnh trong thế kỷ XIX, thằng em
Ukraina nhiều lúc rất muốn bạt tai đá đít thằng anh.
Mối quan hệ lâu năm vừa gắn bó vừa thù hận
giữa 2 dân tộc dẫn đến sự chia rẽ trong tinh thần dân chúng Ukraina cũng từ rất
lâu. Đến khi Thế chiến I nổ ra, 3,5 triệu người Ukraina phục vụ Sa Hoàng thì
250 ngàn người chiến đấu trong hàng ngũ Áo-Hung, có hẳn những đội quân Ukraina
được các bạn Trung Âu dùng làm đội quân tiên phong để nện các chú Ivan, chúng
mày biết tiếng nhau chửi nhau cho sướng. Đến khi cách mạng tháng 10 nổ ra thì
có ngay nước CH XHCN Xô viết Ukraina thân bolshevik, đồng thời có cả CH Nhân
dân Tây Ukraina không thân. Hồng quân rút súng ra chơi, chiếm được phần lớn đất
Ukraina cũ, sau khi 1 phần lãnh thổ về tay các nước láng giềng. Đại loại lãnh
thổ/đường biên giới Ukraina cũng lằng nhằng, biến thiên theo lịch sử, xê dịch
theo các trận chiến và các thỏa ước hậu chiến, muốn biết chi tiết mời các bác
gúc. Năm 2008, tại 1 cuộc họp thượng đỉnh Nga-NATO, Putin bảo Bush đằng ấy
không biết đường biên giới Ukraina là không tự nhiên à làm tổng thống Mỹ ngẩn
tò te thừa nhận là mình chỉ giỏi điều hành kinh tế thôi chứ cực kỳ dốt sử.
Tóm tắt, tóm cực kỳ tắt lịch sử Ukraina
trong vài dòng cũng đã thấy, nước này (rộng quá mà) có truyền thống bị chia rẽ.
Ngày nay, không chỉ miền đông đa số cư dân nói tiếng Nga (khai khoáng và luyện
kim sống được nhờ đơn đặt hàng của Nga phải luyện tiếng Nga cho dẻo); miền tây
đa số ghét tiếng Nga mà cả tôn giáo cũng khác. Dung dưỡng tinh thần miền đông
là nhà thờ Orthodox Christianity (tuy có chia rẽ giữa giáo chủ Moskva và Kiev),
còn ở miền tây là nhà thờ Catholic.
*
Trong mối quan hệ vừa thân vừa hận giữa 2
dân tộc, vụ holodomor những năm 1930 gần đây được nhắc nhiều. Holodomor là nạn
đói nhân tạo làm hàng triệu người chết dù thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng
tươi tốt. Nạn đói này do chính sách công nghiệp hóa cưỡng bức của Stalin gây
ra, trưng thu lương thực thực phẩm ở mức độ cao nhất để xuất khẩu lấy tiền nuôi
công nghiệp nặng, chia rẽ người lao động thành thị (những người xây dựng tương
lai tươi sáng của CNXH) với tầng lớp kulak cất giấu khoai tây dưới hầm nhà, để
nông trang hóa và tận diệt sở hữu cá thể trong nông nghiệp (các bác đọc tiểu
thuyết Liên Xô cũ chắc sẽ nghe nói đến “bọn cu-lắc”). Theo tổng thống Nga
Medvedev (nay là thủ tướng), đấy là món nợ của CNCS, nói đúng hơn là chủ nghĩa
stalin (vì NEP của Lenin không thế) trước các dân tộc ở Liên Xô chứ không phải
chỉ trước Ukraina, tức là không có vấn đề dân tộc ở đây, và người Nga (trong
các nạn nhân của holodomor có cả người Nga) không nợ nần gì người Ukraina cả.
Nhưng, do người chết đói chủ yếu là người
Ukraina nên holodomor dưới mắt nhiều nhà nghiên cứu Ukraina chính là 1 vũ khí
Stalin dùng để triệt hạ tinh thần dân tộc Ukraina, giết hại người Ukraina, nó
phải coi là 1 cuộc diệt chủng nhằm vào Ukraina, cuộc diệt chủng diễn ra khi
Ukraina và Nga sống chung dưới 1 mái nhà.
2 thằng cầu thủ da trắng va chạm trên sân
rồi chửi nhau thì đó chỉ là chúng nó chửi nhau, nhưng 1 thằng da trắng chửi
nhau với 1 thằng da đen thì câu chửi của thằng trắng rất dễ bị quy là phân biệt
chủng tộc. Kể ra cũng có tí oan cho thằng trắng nhưng ai bẩu bọn trắng giàu có
văn minh một thời làm thực dân làm chi. Cũng như có tí oan cho Nga nhưng ai bẩu
Nga là người kế thừa di sản Liên Xô, ai bẩu ngày xưa thanh niên VN đi Liên Xô
học, dẫu có được phân xuống tận những xứ sở da vàng tóc đen có nhà thờ Hồi giáo
thì bố mẹ ở nhà vẫn khoe với hàng xóm là cháu nó đi Nga du học.
*
Khi Thế chiến II bắt đầu nổ ra, quân Đức
tấn công Ba Lan thì Hồng quân Liên Xô cũng tranh thủ tràn vào miền đông Ba Lan,
lôi về cho Ukraina một số miền đất trước đây bị cắt như Đông Galicia hay
Volhynia (đã nói, biên giới Ukraina co bóp liên tục). Những vùng đất phía tây
Ukraina này là những vùng đất người dân Ukraina không bị tuyên huấn về tinh
thần quốc tế vô sản hơn hai chục năm nên tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao ngất trời.
Nếu như thủ đô Kiev trở thành “thành phố anh hùng” vì kiên cường chống phát xít
Đức khi Xô-Đức giao tranh thì ở nhiều miền đất phía tây Ukraina, nhiều nhóm vũ
trang Ukraina theo chủ nghĩa dân tộc ra đời, mượn gió nazi bẻ măng xô viết. Có
những lúc họ đã sát cánh với quân đội phát xít trong cuộc chiến tranh vì Cường
quốc Ukraina.
Người kiệt hiệt nhất trong các thủ lĩnh vũ
trang Ukraina vùng Galicia giai đoạn này là Stepan Bandera-1 Vàng Pao Đông Âu.
Khi Galicia còn nằm trong lãnh thổ Ba Lan, Bandera đã tẩn nhau với người Ba Lan
vốn là sắc dân thiểu số ở vùng đất chủ yếu là người Ukraina này; khi Galicia về
Ukraina nhưng là Ukraina xô viết thì quân đội của ông tiếp tục oánh Liên Xô. 8
ngày sau khi quân Đức tấn công Liên Xô, 30/6/1941 ở Lviv, Bandera tuyên bố về
sự ra đời của Nhà nước Ukraina độc lập. Ngoài việc đệ tử của Bandera từng được
người Đức huấn luyện trước đó và những lời có cánh dành cho nước Đức trong
tuyên ngôn độc lập, không còn chứng cớ nào về sự hợp tác với Đức trong giai
đoạn Đức đánh Liên Xô vì chẳng bao lâu sau, Đức đã hiểu lực lượng Bandera không
phục tùng mình nên Bandera đã bị chính Đức bắt, đưa vào trại tập trung và phải
ngồi đếm kiến đến tận 1944, 15 năm sau Bandera bị KGB đầu độc ở München (Đức).
Một chút hợp tác với Đức phát xít của
Bandera không khiến các nhà ái quốc Ukraina hiện nay phải lăn tăn, họ coi ông
chủ yếu là người đấu tranh cho Ukraina độc lập, tẩn mọi kẻ thù của Ukraina. Năm
2010, tổng thống Ukraina lúc đó là Yuschenko truy tặng Bandera danh hiệu “Anh
hùng Ukraina” vì sự bảo vệ tư tưởng dân tộc và đấu tranh cho nhà nước Ukraina
độc lập. Danh hiệu này bị cả Nghị viện châu Âu, Ba Lan, các tổ chức người Do
Thái phản đối và Nga thì tất nhiên coi đây như 1 sự khiêu khích. Đến thời
Yanukovych, danh hiệu này bị bãi. Trong khi đó rất nhiều thành phố miền tây,
trong đó có Lviv vẫn dành cho Bandera danh hiệu “công dân danh dự”.
Chuyện Bandera với chuyện holodomor chỉ là
2 trong rất nhiều chuyện cho thấy lịch sử Ukraina thế kỷ XX còn nhiều điều gây
tranh cãi, rất phức tạp không thủng được ngay đâu nếu mới tìm hiểu 1-2 ngày,
không thể gọi tên nhân vật sự kiện một cách giản lược kiểu anh hùng hay tội
phạm, độc tài hay nhân dân, bên mình hay bên nó như phim chiến đấu của hồng
quân Liên Xô ngày xưa hay những stt trên fb tiếng Việt về các sự kiện ở Ukraina
(cả phe thân Nga lẫn phe ghét Nga) ngày nay.
NGA (3)
GRIGORY YAVLINSKY
Le Tran
Hai’s facebook, 21/3/2015
Grigory Yavlinsky (Григорий Явлинский) sinh
năm 1952 ở Lvov, tây Ukraina (tên ông theo tiếng U là Григорій Явлінський), trí
thông minh phát tiết hết qua ánh mắt, thời phổ thông học trường chuyên lớp chọn
nhưng cũng ham chơi, thích đấm bốc và để tóc dài vì mê nhạc Beatles. Năm 1969
lên Moskva học đại học kinh tế quốc dân mang tên Plekhanov cùng trường với bác
Nguyễn Đức Cường trong FL của em, học giỏi, thường được bạn bè nhờ vả hãy vặn
vẹo các giáo sư trong các buổi seminar để câu giờ mỗi khi tụi bạn chưa kịp
chuẩn bị bài. Vào đảng CS Liên Xô trong thời gian học đại học, tốt nghiệp bằng
đỏ, sau đó làm nghiên cứu sinh lấy bằng phó tiến sĩ, trở thành 1 nhà kinh tế
được đào tạo bài bản dưới mái trường XHCN. Tuy nhiên người ta cũng so sánh ông
với Gaidar và nhận xét 1 đằng (Yavlinsky) là dân tỉnh lẻ, học trường Plekhanov,
1 trường mà nếu có thực tập thì thường đi làm trong nước, 1 đằng (Gaidar) là
dân Moskva dòng dõi danh gia vọng tộc, học trường xịn MGU, ngay thời thực tập
cũng hay được đi tây.
Năm 1989 đại biểu quốc hội Leonid
Abalkin-thày giáo cũ của Yavlinsky ở trường Plekhanov (thời đi học em cũng phải
đọc giáo trình bác này) được mời vào chính phủ, trở thành phó thủ tướng Liên Xô
dưới quyền Ryzhkov. Abalkin gọi cậu học trò cũ đang cạo giấy ở Ủy ban Nhà nước
về Lao động và các Vấn đề Xã hội vào làm việc cùng. Cả 2 thày trò cùng nghiên
cứu các biện pháp chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang thị trường, nhưng giữa họ
sớm có bất đồng: ông thầy muốn chuyển đổi một cách từ từ chậm và buồn còn ông
trò cấp tiến hơn muốn lung linh là lên luôn. Vì cấp tiến nên ông trò được
Yeltsin để mắt tới. 1990, Quốc hội Nga mời Yavlinsky làm phó thủ tướng, chủ tịch
Hội đồng Cải cách kinh tế.
Lúc này hành trang học thuật của Yavlinsky
là chương trình 400 ngày mà ông soạn thảo với sự trợ giúp của Zadornov và
Mikhalkov, hứa hẹn chuyển đổi nhanh nền kinh tế quan liêu bao cấp trung ương
lập kế hoạch sản xuất đến từng con ốc vít sang nền kinh tế thị trường.
Gorbachev (tổng thống Liên Xô) bắt đầu thấy kinh tế thị trường là hay ho nên
bắt tay với Yeltsin quyết làm cho ra tấm ra món vụ này. 2 đối thủ chính trị tầm
cao này cùng phê chuẩn thành lập 1 nhóm làm việc chung, phát triển chương trình
400 ngày thành 1 chương trình cải cách sẽ áp dụng trên toàn Liên Xô. Nhóm làm
việc do viện sĩ Shatalin (cố vấn kinh tế của Gorbachev) đứng đầu, thêm 1 ông
già nữa là viện sĩ Petrakov, còn lại là 1 loạt các nhà kinh tế trẻ mà hạt nhân
là phó thủ tướng Nga Yavlinsky (vị chi nhóm làm việc có 14 người, ngoài 3 vị
vừa kể tên còn có Zadornov, Mikhalkov, Boris Fyodorov là những nhân vật sẽ còn
được nhắc tên sau này). Điều chỉnh một tí 400 ngày của Yavlinsky, nhóm này làm
ra chương trình “500 ngày” nổi tiếng. Cụ Shatalin cao niên đức cao vọng trọng
(dạng Lê Đăng Doanh của Liên Xô) lại là cố vấn của Gorby nên đứng tên tác giả
chính của chương trình, nhưng thật ra Yavlinsky mới là linh hồn của nhóm làm
việc.
Chương trình chia làm 4 giai đoạn:
100 ngày đầu tiên-tư hữu hóa nhà ở, đất
đai, doanh nghiệp nhỏ, cổ phần hóa doanh nghiệp lớn, cải tổ Ngân hàng Nhà nước
theo mô hình Cục Dự trữ Liên bang.
Từ ngày 100 đến ngày 250- tự do hóa giá cả.
Từ ngày 250 đến ngày 400- bình ổn thị
trường.
Từ ngày 400 đến ngày 500-bắt đầu tăng
trưởng.
Chương trình hướng tới việc tư hữu hóa tài
sản nhà nước, phi tập trung hóa nền kinh tế, tự do hóa giá cả-giá cả xác định
theo thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, hòa nhập nền
kinh tế xô viết vào nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nội dung của chương trình được
học hỏi từ chương trình Balcerowicz nổi tiếng ở Ba Lan và có thể coi là 1
chương trình kinh tế hướng tới CNTB đầu tiên được công khai ở Liên Xô.
Hình dáng Liên Xô trong chương trình này:
vẫn tồn tại 1 đồng tiền chung, 1 bộ khung luật pháp chung, 1 nền phòng thủ
chung, 1 không gian kinh tế chung của liên minh các nước cộng hòa (đó là lý do
Yeltsin sau này khi có thực quyền đã không trọng dụng Yavlinsky và không dùng
lại chương trình 500 ngày nữa) nhưng điều hành nền kinh tế không phải là Hội
đồng Bộ trưởng Liên Xô (cơ quan này sẽ bị giải thể) mà là hội đồng những người
lãnh đạo các nước cộng hòa để tăng quyền lực cho các nước cộng hòa (đó là điều
khiến chính phủ Liên Xô cực lực phản đối còn Gorbachev thì phân vân).
Yeltsin ủng hộ, XVTC Nga phê chuẩn chương
trình vào ngày 1/9/1990 (lúc này cuộc đấu Nga-Xô mới là cuộc đấu chủ quyền, vấn
đề giải tán Liên Xô chưa được đặt ra) và đề nghị XVTC Liên Xô cùng thông qua
(không thể triển khai riêng rẽ ở một mình nước Nga). Nhưng Gorbachev bắt đầu do
dự, còn thủ tướng của ông là Ryzhkov phản đối “liệu pháp sốc”, đề nghị 1 chương
trình khác do phó của mình là Abalkin soạn thảo. Ryzhkov dọa sẽ từ chức nếu
chương trình 500 ngày được phê chuẩn.
Mùa thu 1990, các cuộc mít tinh của phe dân
chủ ở Nga thường có các khẩu hiệu ủng hộ chương trình 500 ngày. Tại các cửa
hàng thực phẩm, các bà già Nga sau khi bình luận phim Người giàu cũng khóc trên
TV tối qua lại chuyển sang hỏi nhau liệu Gorbachev có ủng hộ chương trình 500
ngày “của chúng ta” hay không.
Gorbachev quyết định dung hòa, lấy của
Shatalin-Yavlinsky một tí, lấy của Ryzhkov-Abalkin một tí, trộn vào nhau thành
1 chương trình kinh tế nửa dơi nửa chuột. Điều này đồng nghĩa với việc 500 ngày
bị khai tử. Yeltsin hô hào ủng hộ 500 ngày nhưng sau này Yavlinsky cay đắng
nhận xét rằng Yeltsin chỉ dùng chương trình 500 ngày của ông như 1 vũ khí để
đấu đá với chính quyền Liên Xô chứ chưa hề có 1 ý niệm rõ ràng gì về con đường
cải cách kinh tế cả. Yavlinsky thất vọng và từ chức vào 10/1990 (Yavlinsky đã
bộc lộ sự thất vọng này với Yeltsin để sau này viết hồi ký về quyết định chọn
Gaidar chứ không phải Yavlinsky làm người chèo lái con thuyền kinh tế Nga,
Yeltsin nhắc đến phản ứng trẻ con của Yavlinsky). Lúc này ông đã 38 tuổi.
1991, những người CS cứng rắn làm đảo chính
lật đổ Gorbachev và bao vây tòa nhà quốc hội Nga. Yavlinsky đã có mặt ở tòa nhà
QH (được gọi là Nhà Trắng) vào thời điểm đó và sát cánh với các fan của
Yeltsin, thậm chí còn tham gia vào tổ công tác đi bắt 1 nhân vật đảo chính là
Bộ trưởng Nội vụ Pugo. Dẹp xong nhóm đảo chính, Yeltsin đưa Gorbachev trở lại
Kremli. Thủ tướng Nga-Silaev được Yeltsin điều sang làm người đứng đầu Ủy ban
Điều hành nền kinh tế quốc dân Liên Xô (1 dạng thủ tướng tạm bợ) và Yavlinsky
(cùng với Luzhkov và Volsky) trở thành phó chủ tịch Ủy ban này. Sau đó
Yavlinsky còn tham gia Hội đồng Tư vấn chính trị của tổng thống Liên Xô.
Dưới sự chỉ đạo của Gorbachev, Yavlinsky
soạn dự thảo “Hiệp ước về hợp tác kinh tế giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô”
nhằm bảo toàn 1 không gian kinh tế chung, 1 thị trường chung ở Liên Xô cho dù
các nước cộng hòa khác nhau có thể theo đuổi những đường lối chính trị khác
nhau. Yeltsin không ủng hộ vì cho rằng đã đến lúc nước Nga đi một mình, phát
triển một mình, cắt cầu những cái tàu há mồm Trung Á, cải cách sẽ nhanh hơn.
Chính việc Yeltsin muốn cải cách riêng ở nước Nga còn Yavlinsky ủng hộ các giải
pháp chung cho toàn Liên Xô khiến cuối 1991 khi Yeltsin bắt tay tiến hành cải
cách kinh tế, ông đã chọn Yegor Gaidar-1 gương mặt chưa nổi tiếng, thay vì chọn
Yavlinsky, chèo lái con thuyền kinh tế Nga. Và cũng dễ hiểu một khi Yavlinsky
vẫn còn muốn thi triển võ công trên toàn lãnh thổ Liên Xô thì thỏa thuận khai
tử Liên Xô trong rừng Belovezh của Yeltsin-Kravchuk và Shuskevic không thể được
Yavlinsky ủng hộ. Từ đó về sau, vĩnh viễn Yavlinsky không về đội Yeltsin nữa,
cho dù một số nhân trong đội hình 500 ngày của ông như Boris Fyodorov tham gia
chính phủ Gaidar.
Khi làm việc với 400 ngày, Yavlinsky hết
sức ngưỡng mộ cải cách ở Ba Lan. Ông viết rằng thật không thể tưởng tượng nổi
khi chỉ sau một thời gian ngắn nhờ tự do hóa giá cả, từ tình trạng khan hiếm
hàng hóa (đó chính là thực trạng nhức nhối ở Liên Xô hồi 1990), các cửa hàng ở
Ba Lan đã đầy ắp hàng hóa đủ loại, ban đầu thì giá tăng cao nhưng chỉ sau vài
tuần giá bắt đầu hạ theo cung-cầu. Và Gaidar khi bắt tay vào cải cách ở Nga
cũng làm vậy, bắt đầu từ tự do hóa giả cả. Thế nhưng Yavlinsky lại không ủng hộ
đường lối cải cách của Gaidar.
Chương trình 500 ngày của Yavlinsky trước
đây đặt việc tự do hóa giả cả vào giai đoạn 2 sau khi đã trải qua 100 ngày của
giai đoạn 1, ông giải thích lý do Ba Lan tự do hóa giá cả ngay được mà Nga thì
không nên là ở chỗ Ba Lan XHCN trước đây vẫn tồn tại kinh tế tư nhân, thậm chí
phần nào có cả sở hữu cá nhân trên ruộng đất nên khi bung ra là có cái để bung
ngay-có cung ngay để giảm giá trở lại sau vài tuần liệu pháp sốc, nước Nga
khổng lồ chỉ giỏi lý thuyết, triệt để sở hữu tập thể không có những cái đó nên
tự do hóa giá cả ngay theo đơn thuốc Gaidar là 1 sai lầm.
Phê phán Gaidar vì không đồng tình với
đường đi nước bước của Gaidar nhưng Yavlinsky không chống đối cải cách thị
trường tốc độ cao và giãn cách với những phe nhóm chống cải cách lúc này do
Khasbulatov (chủ tịch QH) và Rutskoy (phó tổng thống) cầm đầu. Khi Yeltsin
nhượng bộ phe chống cải cách để Gaidar ra khỏi chính phủ cho QH bớt ngứa mắt,
đưa Chernomyrdin lên làm thủ tướng thì Yavlinsky tỏ ra thương cảm Gaidar cho
rằng cậu ta cũng như ông trước đây chỉ là quân bài trong trò chơi quyền lực của
Yeltsin.
Khác với Gaidar nhiều lần ra khỏi chính
phủ, 1 nhân vật khác trong ê kíp cải cách là Chubais vẫn trụ lại trong chính
phủ để tiến hành tư hữu hóa và sự ác cảm của Yavlinsky với Chubais lớn hơn
nhiều so với sự bất đồng của ông với Gaidar. Yavlinsky phê phán chương trình tư
hữu hóa do Chubais thực hiện thông qua voucher (sẽ bàn kỹ hơn ở phần Chubais)
mà kết cục tất yếu của nó là đa số người dân Nga triền miên bao cấp chưa quen
tinh thần doanh nghiệp không kịp học hỏi kinh doanh tất yếu sẽ sớm bị gạt ra
bên lề để tài sản nhà nước rơi vào tay một nhóm nhỏ những kẻ khôn lỏi sau trở
thành những tài phiệt đầu sỏ (thực tế kinh tế Nga hậu XHCN là như vậy).
Đứng ngoài các chính phủ cải cách,
Yavlinsky vẫn có điều kiện thi triển võ công, nhưng chỉ ở phạm vi 1 tỉnh. Tỉnh
trưởng Nizhni Novgorod là Nemtsov đã nhờ ông phác cho 1 chương trình phát triển
kinh tế vùng và quả thật, chương trình này có đạt một số thành công nhất định
để nhiều năm sau, Nemtsov được vời lên trung ương.
Cho dù có hy sinh Gaidar cho QH bớt ngứa
mắt thì đối đầu giữa 2 nhánh chính quyền Nga vẫn leo thang trong năm 1993 để
kết cục là 1 cuộc chính biến nữa. Nếu như Gaidar (lúc đó không còn tham chính)
trút hết căm hờn với cái QH thù địch ông bằng cách kêu gọi mọi người sát cánh
với tổng thống chống lại QH để “bảo vệ nền dân chủ” thì Yavlinsky ủng hộ giải
pháp số 0 (tổng thống từ chức, QH giải tán, tổ chức bầu cử lại), sau đó kêu gọi
tổng thống trấn áp cuộc nổi loạn một cách có trách nhiệm không được để bạo lực
leo thang. Tên tuổi ông lại được nhắc đến nhiều trong giai đoạn này và sau khi
QH bảo thủ bị giải tán, Yavlinsky hiểu rằng ông có thể làm 1 chính khách thuần
túy chứ không chỉ là 1 nhà kinh tế nên đã lập 1 khối chính trị của riêng mình
tên là Yabloko (nghĩa là quả táo, nhưng ghép từ tên 3 thủ lĩnh khối YAvlinsky,
Boldyrev và Lukin) tham gia tranh cử và có ghế ở QH mới (từ nay gọi là Duma)
năm 1994. Từ đó cho đến cuối trào Yeltsin, Yavlinsky luôn là nghị sĩ, đứng đầu
1 nhóm thiểu số trong QH thường xuyên phê phán các chính sách của tổng thống và
các chính phủ Nga.
Khi Yeltsin đưa quân vào Chechnya, hầu hết
giới liberal đều phản đối, kể cả Gaidar (người thường trả lời mỗi khi được
Yeltsin gọi nhưng chung cuộc vẫn không được dùng-năm 1994, nội các Chernomyrdin
hầu như không còn liberal nào-trừ Chubais). Tại Nizhni Novgorod, dù làm tỉnh
trưởng, Nemtsov vẫn tổ chức được cuộc thu thập chữ ký phản đối chiến tranh
Chechnya. Yavlinsky đương nhiên là chống cuộc chiến tranh này và từ 1 người
từng cố níu kéo sự bảo toàn của Liên Xô dưới 1 dạng nào đó, ông đã trở thành 1
liberal dạng Sakharov, người coi quyền tự quyết của các dân tộc quan trọng hơn
sự siêu cường của nước Nga. Nhưng đến kỳ bầu cử tổng thống 1996 thì đa số giới
liberal như Gaidar lại ủng hộ Yeltsin để không cho Zyuganov (cộng sản) vào Kremli.
Riêng Yavlinsky nghĩ khác, tại sao lại cố gắng gây ảnh hưởng lên tổng thống mà
không tự mình làm tổng thống luôn, Yavlinsky ra tranh cử tổng thống, đối đầu
với Yeltsin.
Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống chưa ngã ngũ
người thắng cuộc, Yeltsin và Zyuganov phải đối đầu ở vòng 2. Những người về 3
về 4 như tướng Lebed và Yavlinsky lẽ ra phải được 2 ứng viên tranh thủ. Yeltsin
đã thỏa thuận được với Lebed, hứa trao cho ông chức thư ký hội đồng an ninh và
thực hiện các kế hoạch của Lebed xung quanh vấn đề Chechnya nếu thắng cử. Với
thỏa thuận này những người ủng hộ Lebed đã bỏ phiếu cho Yeltsin ở vòng 2 và
tổng thống tái đắc cử.
Tại sao trong các ứng viên, Yavlinsky dẫu
sao cũng là người có quan điểm gần tổng thống nhất (thân phương Tây, ủng hộ
kinh tế thị trường TBCN) lại không được Yeltsin thỏa thuận ngầm? Vì 2 lẽ:
-Yeltsin biết rõ, với những ác cảm cá nhân
sau nhiều năm, Yavlinsky sẽ không hợp tác với ông;
- Cho dù không hợp tác với Yeltsin, nhưng
chắc chắn Yavlinsky và những người ủng hộ ông sẽ không bỏ phiếu cho Zyuganov
nên động tác tranh thủ là thừa.
Yavlinsky liberal thân phương Tây chắc chắn
không thể gần gũi với Zyuganov cộng sản, nhưng trong nhiệm kỳ II của Yeltsin đã
có lần (1999) Yavlinsky và Zyuganov phối hợp hành động với nhau, 2 phái Yabloko
và cộng sản trong quốc hội cùng đưa ra 1 đề xuất đòi truất quyền tổng thống.
Phái CS nêu 4 tội trạng của Yeltsin trong đó có tội làm Liên Xô tan rã, xóa sổ
QH Nga 93, làm suy yếu năng lực quốc phòng và sa lầy trong cuộc chiến tranh
Chechnya. Yavlinsky và khối Yabloko ủng hộ đề xuất nhưng nhấn mạnh họ chỉ đòi
truất quyền tổng thống lý do duy nhất là Chechnya, từ chối buộc tội tổng thống
về việc làm Liên Xô tan rã (mặc dù khi Liên Xô mới tan, Yavlinsky không đồng
tình, nhưng khi đó ông là nhà kinh tế nhiều hơn là chính khách). Cuộc bỏ phiếu
luận tội thất bại, Yeltsin tại vị và cười Yavlinsky “nhầm lẫn trong chiến
lược”.
Nhiệm kỳ 2 đầy khó khăn của Yeltsin và các
nội các phải thay đổi xoành xoạch. Đến khi lớp cải cách mới gồm Kiriyenko và
Nemtsov vào chính phủ thì Yavlinsky vẫn tuyên bố không hợp tác với chính phủ
này dù Kiriyenko và Nemtsov cùng là liberal, chưa có ân oán cá nhân gì với
Yavlinsky, chưa kể Nemtsov còn dùng đơn thuốc của Yavlinsky khi phát triển kinh
tế địa phương. Thái độ bất hợp tác với các chính phủ của Yeltsin là 1 nguyên
tắc, trước đây 1 đảng viên Yabloko, chính là chiến hữu lâu năm của Yavlinsky từ
thời 400 ngày, Zadornov nhận giữ ghế bộ trưởng tài chính khi được mời và vì lý
do này đã bị khai trừ khỏi đảng Yabloko.
Thời Yeltsin, Yavlinsky là 1 trong các thủ
lĩnh đối lập nên ông không phải chịu trách nhiệm gì về sự suy yếu của nền kinh
tế Nga thập niên 1990. Nhưng ông là đối lập có ghế trong quốc hội, đi lại xông
xênh, phát biểu có người nghe, nhiều buổi lễ lạt trang nghiêm được mời lên ghế
chủ tịch đoàn, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, thỉnh thoảng vẫn được tổng
thống và các chính khách tham chính tham vấn. Sang đến thời Putin thì lực lượng
của Yavlinsky càng ngày càng rơi rụng dần, dẫn đến 1 cuộc bầu cử tổng thống ông
không thu thập đủ số chữ ký ủng hộ tối thiểu để tranh cử, còn đảng của ông dần
dần không còn ghế nào trong quốc hội.
Những người liberal trước đây từng phục vụ
Yeltsin gồm Gaidar, Chubais, Kiriyenko và Nemtsov lập thành khối chính trị
SPS-Liên minh các lực lượng cánh hữu. Năm 2001 khi khối chính trị này chuyển
thành đảng chính trị, Yavlinsky là khách mời đến dự lễ vì dù sao giữa họ vẫn có
sự gần gũi trong quan điểm kinh tế liberal. Từng có những thời điểm người ta
nói đến sự hợp nhất giữa Yabloko với SPS để thống nhất các lực lượng cánh hữu
nhưng những bất hòa chồng chất trong quá khứ giữa Yavlinsky với Gaidar và
Chubais khiến điều đó không diễn ra được. Sự tồn tại song song 2 lực lượng này
khiến không lực lượng nào đủ mạnh, nhất là khi Putin tỉnh đòn có nhiều chiêu
diệt đối thủ hơn Yeltsin ngẫu hứng say sưa.
Sau này SPS cũng tan rã, Gaidar chết,
Chubais muốn nhượng bộ Putin trong khi Nemtsov thiên về đối đầu, nhiều nhân vật
khác dần rút khỏi chính trị đi làm kinh doanh. Nemtsov và Yavlinsky sẽ còn
nhiều dịp sát cánh với nhau trong các hoạt động chống Putin (trong vụ Crimea,
cả 2 ông cùng phản đối Putin nuốt Crimea), nhưng từng ông, đều không có lực
lượng hậu thuẫn đủ mạnh.
Nemtsov vừa bị ám sát, Yavlinsky tuyên bố
sẽ lại ra tranh cử tổng thống kỳ tới nhưng khả năng chiến thắng của ông có thể
coi là con số 0. Thông minh, diễn đạt rạch ròi, lập luận logic, có những nhận
xét chính trị sắc sảo, nhưng khả năng tập hợp lực lượng của Yavlinsky yếu là lý
do chính cho thất bại chính trị của ông.
NGA (2)
NINA ANDREEVA
Nina Andreeva và những điều tờ ANTG chưa
nói
Cavenui’s blog,
25/3/2013
Báo ANTG cuối tháng mới ra hôm nay có bài phỏng
vấn Nina Andreeva, lâu lắm mới gặp người quen- 1 gương mặt nước Nga thời cuối
Gorbachev đầu Yeltsin. Những người cùng thời với bà giáo này, hoặc đã chết
(Sakharov, Sobchak, Starovoitova, Yeltsin…), hoặc lặn mất tăm khỏi vũ đài chính
trị, cả bà Andreeva cũng vậy, lâu lắm rồi tên tuổi cực kỳ chìm, nên hôm nay
thấy xuất hiện trên báo tiếng ta, là phải đọc.
Người dịch bài phỏng vấn đương nhiên là
sành tiếng Nga, tờ ANTG là 1 tờ đậm chất Nga (có Hồng Thanh Quang dân Nga học),
tuy nhiên, Nga này là Nga Xô, và có định hướng Ba Đình. Nên chắc lỗi cậu đánh
máy mà rải rác trong bài tên nhân vật chính toàn ghi nhầm là Nina Andreevna,
thừa 1 chữ n mà thành ra ngớ ngẩn.
Lại phải mở ngoặc về cách đặt tên họ người
Nga. Người Nga đặt tên theo cấu trúc tên+phụ danh+họ. Cho nên khác với trẻ con
Việt Nam giấu tên bố vì sợ bị chửi, bọn Nga không thể giấu nổi. Ví dụ Vladimir
Ilych Ulianov (Lenin sau này) thì qua phụ danh Ilych biết ngay tên ông bố vị
lãnh tụ hói trán là Ilya. Bà Nina Andreeva tên đầy đủ là Nina Aleksandrovna
Andreeva thì Nina là tên, Andreeva là họ còn qua phụ danh Aleksandrovna ta biết
tên ông bố của bà là Aleksandr. Nếu con trai thì phụ danh thường có dạng
–ovich, -evich. Còn nếu con gái thì phụ danh thường có dạng –ovna, -evna. Nếu
viết nhầm thành Andreevna người ta sẽ hiểu nhầm đấy là phụ danh và tên ông bố
bà này là Andrey, thật ra không phải thế.
Andreeva là họ. Nếu họ đàn ông Nga thường
có đuôi –ov, -ev thì họ phụ nữ Nga sẽ có đuôi –ova, -eva (rất đơn giản: thêm 1
chữ a vào). Người phụ nữ đi lấy chồng sẽ mang họ chồng. Nếu bà Nina Andreeva
chưa lập gia đình thì họ Andreeva của bà là họ từ thời con gái, suy ra bố bà,
anh em trai bà sẽ có họ là Andreev. Còn nếu bà đã lập gia đình thì Andreev là
họ của chồng bà. Tương tự, vợ và con gái (chưa chồng) của tổng thống Putin sẽ
là Putina, vợ và con gái (chưa chồng) của thủ tướng Medvedev sẽ là Medvedeva.
Bác nào giỏi hóa, đọc đuôi các hóa chất ua, rich… thạo rồi thì chuyển
sang cách đổi tên họ người Nga không có gì khó khăn cả.
Chẳng riêng Nga mà hầu hết bọn Tây đều để
vợ mang họ chồng (tuy không thêm chữ cái a vào như bọn Nga), ví dụ vợ tổng
thống Pháp François Mitterand là Danielle Mitterand, vợ tổng thống Mỹ Ronald
Reagan là Nancy Reagan…, nhưng Việt Nam Trung Hoa thì lại không bắt vợ phải
“tòng phu” đổi họ. Vợ Mao Trạch Đông vẫn mang họ Giang, vợ Chu Ân Lai vẫn mang
họ Đặng, vợ Bạc Hy Lai vẫn mang họ Cốc, vợ Võ Văn Kiệt vẫn mang họ Phan, không
bà nào phải đổi họ. Phải chăng mấy xứ Á Đông này bình đẳng gấp vạn lần sự bình
đẳng giả hiệu Âu Mỹ? Em đồ rằng không phải thế. Vì mấy xứ Á Đông này 1 ông
chồng có nhiều bà vợ, nên vợ Lưu Bị phải phân ra My phu nhân, Cam phu nhân, Tôn
phu nhân…, nếu bắt chước tây vợ mang họ chồng thì thành Lưu phu nhân hết, sách
của La Quán Trung đọc lên chắc bớt nhiều phần hấp dẫn?
*
Giải trí tí rồi vào phần chính. Tưởng là
gặp người quen thì biết thêm tin người quen. Hóa ra không phải. Toàn tin cũ.
Tức là bài báo chỉ kể lại vụ năm 1988 bà giáo này viết bài “Tôi không thể rời
bỏ những nguyên tắc” (Не могу поступаться принципами) đăng trên tờ “Nước Nga Xô
viết” thành trì của phe bảo thủ để phản đối perestroika. Tất nhiên bà Andreeva
nhận xét đúng rằng perestroika sẽ dẫn đến sự tan rã của Liên Xô. Nhưng sự tan
rã ấy là tốt hay xấu, thì ta không nhất thiết phải đồng quan điểm với bà.
Để hiểu vì sao bà Andreeva phản đối
perestroika quyết liệt thế thì lẽ ra báo ANTG nên trình bày quan điểm-sự nghiệp
chính trị của bà.
Năm 1989 bà lãnh đạo tổ chức toàn liên
bang “Thống nhất-Vì chủ nghĩa Lenin và tư tưởng cộng sản”.
Năm 1991 bà lãnh đạo phái Bolshevik trong
đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 11/1991 bà lãnh đạo đảng Cộng sản
Bolshevik Toàn liên bang.
Đến đây lại phải mở ngoặc sự khác biệt
giữa đảng của bà với đảng CS Liên bang Nga của Zyuganov.
Đảng của bà Andreeva là “toàn liên bang”,
ý là toàn liên bang xô viết, hoạt động ở các nước cộng hòa khác nhau trước đây
thuộc Liên Xô, chứ không phải là 1 đảng ở nước Nga như đảng của Zyuganov. Bà
Andreeva và các đồng đội của bà không chấp nhận 1 thực tế hiển nhiên là Liên
bang xô viết đã tan rồi, giờ là thời của những quốc gia khác nhau và độc lập.
Đảng Bolshevik của bà không chấp nhận luật
chơi mới của các chính thể mới, trong khi đảng của Zyuganov tham gia nghị
trường, đối lập nhưng là đối lập có ghế trong quốc hội, thậm chí không phải
không có lúc tác động được lên nhà cầm quyền.
Đảng của bà Andreeva coi những đảng cộng
sản khác, trong đó có đảng của Zyuganov là xét lại, thỏa hiệp, bắt tay với chủ
nghĩa tư bản nên không phải là cộng sản đích thực. Đảng của bà Andreeva tự coi
mình là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, liên minh với nông dân và
giới lao động trí óc đấu tranh vì mục tiêu xây dựng CNXH và CNCS. Đại khái qua
Andreeva, ta hình dung ra Stalin, Hoxha…, tuy bà kém cỏi hơn các lãnh tụ kia
nhiều.
Năm 1992 bà Andreeva phát biểu tại trường
ĐH Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, bài phát biểu tên là “Sự nghiệp XHCN tất
thắng”.
Vân vân.
*
Đến đây em mới tưởng tượng 1 điều không có
thật trong lịch sử. Giả dụ năm 1988 bài báo phản đối perestroika của bà thành
công, bánh xe Gorbachev dừng lại và bây giờ vẫn có 1 nước Liên Xô y hệt nước
Liên Xô đầu thập niên 80. Thì sao nhỉ? Thì có khi ông Zyuganov và các đồng chí
của ông (trong đảng CS LB Nga bây giờ), với những quan điểm về hướng đi của xã
hội như họ có hiện giờ, sẽ tập hợp thành 1 nhóm “nhân sĩ trí thức” góp ý Hiến
pháp, đòi bỏ điều 6 (tương đương điều 4 Hiến pháp VN) không chừng.
NGA (1)
BORIS YELTSIN
Cavenui’s blog 3/5/2007
Sự nghiệp Boris Yeltsin lại được dư luận nhắc lại vào
tuần trước khi vị tổng thống đầu tiên của LB Nga qua đời vì bạo bệnh. Xưa nay
vốn thế, vì những thông tin người ta tiếp cận được khác nhau, khả năng xử lý
thông tin khác nhau và nhất là quan điểm chính trị-kinh tế-xã hội khác nhau nên
người ta thường đưa ra những đánh giá khác nhau về các chính khách. Riêng sự
đánh giá Yeltsin lại còn phức tạp hơn nữa vì ông điều hành 1 đất nước không đơn
giản trong một giai đoạn lịch sử không đơn giản bằng những biện pháp không thể
đơn giản.
Có người bảo Yeltsin là 1 chính khách dân túy khi ông
giương khẩu hiệu ma mị chống đặc quyền đặc lợi để giành được sự ủng hộ không
thể tưởng tượng nổi của 90% cử tri Moskva trong cuộc bầu cử QH nổi tiếng năm
nào bất chấp sự tuyên truyền thù địch với ông của cả 1 bộ máy truyền thông đồ
sộ. Nhưng lại có người bảo Yeltsin là 1 chính khách can đảm khi dám đứng ra bảo
trợ cho liệu pháp sốc, chấp nhận tự đánh tụt uy tín của mình để làm được điều
bắt buộc phải làm- đưa được nền kinh tế thị trường vào nước Nga- 1 đất nước
khổng lồ kế hoạch hóa đến từng con ốc vít.
Có
người bảo Yeltsin đã thành công khi thiết lập cơ chế thị trường cho nước Nga
rộng lớn có truyền thống bao cấp gần 1 thế kỷ mà không để xảy ra nạn đói hay
nội chiến như những cảnh báo hãi hùng hồi 1992. Nhưng lại có người bảo đấy là 1
nền kinh tế của kẻ cướp, do kẻ cướp và vì kẻ cướp khi chính sách tư nhân hóa
cuống quýt đã dâng phần lớn tài sản nhà nước vào tay một nhóm nhỏ "người
Nga mới".
Cùng
đánh giá tiêu cực thành quả kinh tế của Yeltsin, nhưng nếu như có người bảo
Yeltsin thất bại vì ông ta bảo trợ cho "những thằng nhóc mặc quần soóc màu
hồng" (lời cựu phó tổng thống Rutskoy nói về nhóm Gaidar) thì lại có người
đổ lỗi cho việc Yeltsin để duy trì chiếc ghế quyền lực đã nhiều phen nhượng bộ
lực lượng chống cải cách, làm tiến trình cải cách chậm lại, thậm chí có những
lúc còn quay ngược 180 độ.
Có
người bảo nói gì thì nói Yeltsin vẫn đi vào lịch sử với tư cách vị tổng thống
dân cử đầu tiên của nước Nga, người đầu tiên trong lịch sử Nga leo lên đỉnh cao
quyền lực thông qua 1 cuộc bầu cử tự do với 6 ứng cử viên được tạo cơ hội ngang
bằng đầu thập niên 90. Nhưng lại có người bảo vinh quang ấy đã bị nhuốm bẩn ở
kỳ bầu cử tiếp theo năm 96 khi Yeltsin chiến thắng nhờ tiền của 1 nhóm tài
phiệt để rồi suốt nhiệm kỳ 2 trở thành con tin cho chúng.
Có
người bảo nói gì thì nói Yeltsin vẫn đi vào lịch sử với tư cách nhà lãnh đạo
đầu tiên của nước Nga tự nguyện rời bỏ đỉnh cao quyền lực (các nhà lãnh đạo
trước ông chỉ rời ghế khi bị lật đổ hoặc chết già chết bệnh) nhưng lại có người
bảo đó chỉ là phép hạ cánh an toàn, một cú áp phe với anh Putin mặt lạnh (chỗ
này có lẽ phải bàn thêm: Yeltsin đã từng bị Khasbulatov và Rutskoy là 2 nhân
vật không mấy nổi danh được ông đưa vào những vị trí VIP của nước Nga quay súng
bắn lại ông thì có gì đảm bảo cách hạ cánh kiểu trao thân gửi phận vào 1 nhân
vật trước đó không lâu còn là kẻ lạ như Putin sẽ an toàn, sẽ không bị lật kèo,
hoặc có gì đảm bảo người được ông lựa chọn sẽ duy trì được quyền lực để đảm bảo
an toàn cho ông và gia đình ông).
Có
người bảo Yeltsin đã đưa nền dân chủ (theo kiểu phương Tây) vào nước Nga nhưng
có người lại chú ý đến không ít những quyết định độc đoán của ông để gọi ông là
Sa hoàng Boris.
Ngay
cả những thứ đơn giản hơn nhiều so với chuyện chính trị, kinh tế mà ý kiến vẫn
rất khác biệt. Chẳng hạn tật nghiện rượu của Boris với vài vụ scandal về hình
ảnh nhếch nhác của ông trước công chúng thì bên cạnh những lên án nặng nề vẫn
có người thấy thú. Người ta bảo Yeltsin mê rượu thì mới Nga, Nga hơn Gorbachev
cấm rượu. Tác phong phương Tây không phải là thứ người Nga phải tuân thủ:
Khrutschev đã từng rút giày ra đập bàn hội nghị, Zhirinovsky đã từng hất nước
cam vào mặt đối thủ trong 1 cuộc tranh luận được truyền hình...
Đấy
chỉ là vài cặp ý kiến trái ngược về Yeltsin. Rất có thể cả 2 mặt tốt và xấu
cùng hội tụ trong 1 chính sách hay 1 tính cách của Boris Yeltsin. Một Yeltsin 2
mặt giống như nước Nga- 1 cường quốc Á-Âu 2 đầu.
Nhìn
từ góc nào thì Yeltsin cũng là 1 tay chơi trò chơi chính trị rất cừ. Dù có một
nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 thất bát thì Yeltsin vẫn là 1 trong những chính khách
lớn của thế kỷ XX, người chiến thắng trong cuộc chơi chính trị bi hùng. Chỉ có
điều, chiến thắng của ông không phải lúc nào cũng là chiến thắng của nước Nga.
MỸ-XÔ-TRUNG (3)
5.Nhiệm
kỳ thứ 2 của Reagan
Le Tran
Hai’s facebook, 30/8/2014
Nhiệm
kỳ 2 của Reagan kéo dài từ 20/1/1985 đến 20/1/1989. Trước đó, 11/1988, phó tổng
thống của Reagan là George Bush giành chiến thắng trước đối thủ đảng Dân chủ,
kéo dài thời gian cầm quyền của Đảng Cộng hòa ở Mỹ thêm 4 năm nữa.
Trong
nhiệm kỳ 2 của Reagan có một số sự kiện đáng chú ý như vụ Iran-Contra bị phanh
phui, Reagan đã thoát được những lời buộc tội, chỉ một số nhân sự cấp dưới của
ông bị trừng phạt và vụ ném bom thủ đô Libya 4/86 với cớ là nước này ủng hộ các
nhóm khủng bố. Tuy nhiên dấu ấn chính trong nhiệm kỳ 2 của Reagan là cuộc đối
thoại với tân lãnh đạo Liên Xô.
*
Reagan-Gorbachev: Cắt giảm vũ khí
Reagan
bắt đầu nhiệm kỳ 2 từ ngày 20/1/1985 thì 10/3 cùng năm, lãnh đạo xô viết
Konstantin Chernenko qua đời ở tuổi 74, 1 ngày sau Mikhail Gorbachev được bầu
làm tổng bí thư mới của Đảng. Gorbachev đã kinh hoàng nhận ra ông đang lãnh đạo
1 nước “Thượng Volta có vũ khí hạt nhân” (Thượng Volta là 1 nước nghèo ở châu
Phi), phát triển lệch lạc mất cân đối (quá tập trung vào công nghiệp quốc
phòng, vũ trụ mà coi nhẹ công nghiệp nhẹ, nông nghiệp và dịch vụ), thiếu linh
hoạt (nền kinh tế quan liêu bao cấp kế hoạch hóa đến từng con ốc vít), một xã
hội bị tuyên truyền lố bịch che giấu sự thật, 1 CNXH không có gương mặt con
người. Như những quốc gia ở thế giới thứ 3, Liên Xô là nước bán tài nguyên (dầu
lửa, khí đốt) để mua hàng kỹ thuật cao và cả lương thực. Khi giá dầu giảm mạnh,
tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm theo. Tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân
giảm từ 7% đầu thập niên 70 xuống còn 2,6% năm 1982, khi Brezhnev qua đời. Chờ
Gorbachev là 1 cuộc khủng hoảng toàn diện.
Tiếp
đó vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraina) ngày 26/4/86 làm hơn 4000
người chết, vụ động đất kinh hoàng ở Armenia năm 1988 là những đòn giáng tiếp
theo với đất nước Liên Xô trong giai đoạn này.
Cuộc
chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ là 1 cuộc đua hao tài tốn của cho cả 2 và
trong thâm tâm bên nào cũng muốn dừng lại. Nhưng bên nào mỏi mệt hơn sẽ phải
chấp nhận thiệt thòi hơn trong thỏa thuận ngừng đua. Reagan đã nhận diện rất
nhanh sự mỏi mệt ở Gorbachev và ông đã chuyển kịp thời từ chính sách thập diện
mai phục trong nhiệm kỳ đầu sang diễn biến hòa bình với Liên Xô, từ diều hâu sang
bồ câu, quay lại với những cuộc đàm phán giải trừ quân bị của những người tiền
nhiệm. Khi tái khởi động các cuộc hòa đàm về cắt giảm vũ khí, Reagan chỉ nghĩ
đến 1 thỏa thuận cắt giảm có lợi nhiều hơn cho Mỹ và đồng minh. Càng đàm phán
nhiều hơn với Liên Xô, càng tìm hiểu nhiều hơn về Liên Xô, Reagan đã bắt đầu
nghĩ đến việc đánh gục CNCS trên đất nước từng là đối thủ số 1 của Mỹ.
19/11/85:
Reagan gặp Gorbachev ở Geneva, Thụy Sĩ.
2
ông đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 50% các loại vũ khí tiến công chiến lược.
Riêng với tên lửa tầm trung INF (Intermediate-range Nuclear Forces), 2 bên thỏa
thuận cắt giảm dần số tên lửa đã triển khai ở châu Âu tiến tới triệt tiêu hẳn.
Gorbachev đề xuất tính gộp số tên lửa của Anh và Pháp vào nhưng cả Mitterand và
Thatcher cùng phản đối.
3/86:
Gorbachev tuyên bố Liên Xô không mưu tìm sự cân bằng quân sự với Mỹ, mà chỉ cần
1 tình trạng đầy đủ hợp lý trong sức mạnh quân sự.
Ông
còn làm phương Tây kinh ngạc khi tuyên bố sẵn sàng thương lượng 1 hiệp ước về
tên lửa tầm trung trên cơ sở phương án 0-0 mà Mỹ từng đề xuất trước đây, theo
đó Liên Xô sẽ phá hủy toàn bộ tên lửa SS-20, kể cả phần đặt ở châu Á đổi lấy
việc Mỹ phá hủy số tên lửa (ít hơn) Pershing II và Cruise ở châu Âu, đồng thời
không đề cập đến số tên lửa hiện có của Anh và Pháp.
11/10/86:
Reagan gặp Gorbachev ở Reikyavich, Iceland.
Gorbachev
nhắc lại sáng kiến cắt giảm 50% vũ khí chiến lược, trong đó đưa vào danh sách
loại tên lửa SS-18 mà người Mỹ rất lo ngại, kế hoạch giải trừ INF nhưng gắn với
yêu cầu Mỹ ngừng thực nghiệm SDI trong 10 năm. Mỹ đồng ý hủy toàn bộ tên lửa
đạn đạo nhưng không từ bỏ SDI. Do vậy, không có thỏa thuận nào được ký.
4/87:
Tiếp ngoại trưởng Mỹ ở Liên Xô, Gorbachev đồng ý phá hủy không chỉ SS-20 mà cả
SS-23 thuộc loại mới nhất.
8/12/87:
Reagan và Gorbachev ký Hiệp ước về cắt giảm tên lửa tầm trung INF tại
Washington. Theo đó: toàn bộ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm hoạt động từ
500 đến 5500km sẽ bị tháo dỡ và phá hủy (Liên Xô hủy 331 tên lửa SS-12, 11 tên
lửa SS-4, 300-350 tên lửa SS-12, SS-23 bố trí ở Đông Âu, Mỹ hủy 108 tên lửa
Pershing II và 260 tên lửa Cruise bố tri ở Tây Âu, 72 tên lửa Pershing IA bố
trí ở Tây Đức). Hiệp ước này là 1 bước ngoặt trong quan hệ đông-tây.
5/88:
Reagan sang thăm Liên Xô, 11 ngày sau khi Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi
Afghanistan. Không có thỏa thuận nào thêm về cắt giảm vũ khí, nhưng 2 bên đồng
thuận: các vụ thử tên lửa đạn đạo sẽ được báo trước cho nhau 24 tiếng, ký thỏa
ước về đánh cá và cứu hộ trên biển, 1 thỏa ước về hợp tác văn hóa, Gorbachev đề
nghị thành lập 1 diễn đàn thường trực về nhân quyền bao gồm các nghị sĩ 2 nước.
12/88:
Gorbachev sang Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ, gặp thêm Reagan lần thứ 5 (Reagan
sẽ rời nhiệm sở vào 1/89, phó của ông là Bush đã thắng cử). Cuộc gặp này tuy
không mang thêm 1 thỏa thuận cụ thể nào nhưng minh chứng cho việc quan hệ Xô-Mỹ
đã chuyển từ thù địch sang hòa hoãn, báo hiệu chiến tranh lạnh sắp kết thúc.
*
Gorbachev: Những thay đổi ở Liên Xô
3/85:
Gorbachev giữ chức TBT Đảng CS Liên Xô thay Chernenko vừa qua đời.
5/85:
chiến dịch chống rượu được triển khai để giảm tỷ lệ tử vong. Giá bán các đồ
uống có cồn tăng 45%, giảm SX rượu kéo theo sự khan hiếm đường ở các cửa hàng
(do người dân tổ chức tự nấu rượu) và thất thu ngân sách.
Trong
năm 1985, 1 dàn lãnh đạo mới dần dần được thế chỗ cho ê-kíp già nua từ thời
Brezhnev: Yakovlev, Shevarnadze, Ryzhkov, Lukyanov, Yeltsin…, trong đó Yakovlev
được coi là kiến trúc sư của cải tổ, Shevarnadze thế chỗ ngoại trưởng lâu năm
Gromyko người được mệnh danh là “Mr.No”, còn Yeltsin sau khi được bổ nhiệm làm
bí thư thành ủy Moskva (12/85) đã thay đổi hàng loạt lãnh đạo cấp dưới, thường
xuyên đi kiểm tra tình trạng các cửa hàng, sử dụng phương tiện giao thông công
cộng, tạo hình ảnh 1 nhà lãnh đạo thân dân và muốn đẩy nhanh cải cách.
2/86
tại Đại hội 27 Đảng CS Liên Xô, Gorbachev công bố chính sách perestroika (cải
tổ) và glasnost (công khai). Với glasnost, sự kiểm soát báo chí được giảm
thiểu, nhiều đề tài trước đây bị coi là cấm kỵ đã được gỡ bỏ cho phép thảo
luận, những ý kiến đa chiều (tuy chưa được phép đụng đến những cốt lõi của thể
chế) được chấp nhận, nhiều nạn nhân của những vụ án oan sai trong quá khứ (đặc
biệt là thời Stalin) được phục hồi danh dự, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật
trước đây bị cấm đoán được phép lưu hành…
Để
cải tổ cấu trúc lại nền tảng chính trị, đẩy mạnh đấu tranh chống tầng lớp quan
liêu, trong quan hệ quốc tế từ bỏ lối tiếp cận mang tính giai cấp, cải thiện
quan hệ với phương Tây (Shevarnadze triển khai rất nhiệt tình) và chấp nhận bỏ
rơi nhiều đồng minh ở những nơi Liên Xô không coi là quyền lợi ưu tiên số 1
(trong đó có vụ Liên Xô làm ngơ để TQ chiếm 3 đảo trong quần đảo Trường Sa của
VN vào 3/88), trong kinh tế bước đầu cho phép sở hữu cá nhân đối với tư liệu
sản xuất, ban đầu dưới hình thức hợp tác xã-kooperativ (gắn liền với Luật về
Hoạt động Lao động Cá thể 11/86), cũng như thành lập các doanh nghiệp liên
doanh với nước ngoài.
4/86:
Thảm họa Chernobyl. Hơn 4000 người chết, di hại nặng nề.
12/86:
Nhân vật bất đồng chính kiến lừng danh, Sakharov được rời nơi quản thúc và trở
về Moskva.
12/86:
Giới trẻ Kazakhstan biểu tình phản đối việc Kremli điều 1 nhân vật chưa từng
sống ở Kazakhstan là Kolbin về làm bí thư thứ nhất Đảng CS Kazakhstan (thay
Kunaev bị cách chức), đòi hỏi phải bổ nhiệm người địa phương làm lãnh đạo
Kazakhstan. Quân đội dẹp biểu tình.
3/87:
Thủ tướng Anh Thatcher có cuộc trả lời phỏng vấn 45 phút trên đài truyền hình
Liên Xô.
5/87:
Chàng thanh niên Tây Đức 18 tuổi Mathias Rust lái máy bay cá nhân hạ cánh xuống
Hồng trường. Anh bị bắt giữ cho đến 8/88 mới được trả tự do.
11/87:
Boris Yeltsin, người nhiều lần chỉ trích tốc độ cải tổ chậm chạp của Gorbachev
và đòi loại bỏ cánh bảo thủ ra khỏi BLĐ (đại diện là Ligachev) trong các cuộc
họp nội bộ lãnh đạo đảng, bị cách chức bí thư thành ủy Moskva.
2/88:
tỉnh tự trị Nagorno-Karaback thuộc nước CH XHCN Xô viết Azerbaijan (nhưng dân
cư chủ yếu là người Armenia) ra quyết định tách khỏi Azerbaijan để gia nhập
Armenia, châm ngòi cho cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh, cuộc xung đột sắc tộc
lớn đầu tiên ở Liên Xô thời Gorbachev.
3/88:
Báo Nước Nga Xô viết (diễn đàn của phe bảo thủ) đăng bức thư ngỏ của bà giáo
Nina Andreeva mang tên “Tôi không thể từ bỏ các nguyên tắc”, cảnh báo cải tổ
của Gorbachev sẽ dẫn đến sự tan rã của CNXH và của Liên Xô.
5/88:
Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan
5/88:
Reagan thăm Liên Xô, nói chuyện với 600 sinh viên MGU. Cũng chuyến đi này,
Reagan tuyên bố không còn coi Liên Xô là ác quốc nữa.
6/88:
Tại hội nghị đảng lần 19, Yeltsin (đại biểu được bầu ở vùng Karelia) phát biểu
trên diễn đàn, chỉ trích Ligachev, đả kích đặc quyền đặc lợi của ban lãnh đạo,
khẳng định những năm tháng trì trệ không phải lỗi 1 mình Brezhnev mà là toàn
thể bộ chính trị như 1 cơ quan lãnh đạo tập thể phải chịu trách nhiệm. Bài phát
biểu này được đăng báo công khai.
6/88:
100 nghìn người biểu tình ở Estonia vừa tụ tập vừa ca hát những bài hát mang
tinh thần dân tộc mở đầu cho phong trào đấu tranh đòi tách khỏi Liên Xô ở 3
nước Baltic, gọi là Singing Revolution. 9/88: 300,000 người biểu tình ở Estonia
đòi độc lập.
6/88:
Phong trào chính trị-xã hội đòi độc lập cho Litva, Sajudis, được thành lập.
10/88:
Biểu tình đòi độc lập ở Latvia, Mặt trận Nhân dân Latvia ra đời.
11/88:
Xô viết Tối cao nước CH XHCN Xô viết Estonia ra Tuyên ngôn về Chủ quyền của
Estonia, theo đó luật pháp nước cộng hòa sẽ có giá trị cao hơn luật pháp của
liên bang xô viết. 12/88 tiếng Estonia trở thành ngôn ngữ chính thức ở Estonia.
12/88:
Động đất ở Armenia (6.9 độ Richter) làm gần 25000 người chết, 15000 người bị
thương và 400000 người mất nhà cửa.
12/88:
Thông qua luật về bầu cử đại biểu nhân dân Liên Xô. Cuộc bầu cử QH năm sau
(1989) sẽ theo hình thức demi-dân chủ (nửa cử nửa bầu, phần bầu có tranh luận
công khai)
Trở
thành người lãnh đạo số 1 của 1 siêu cường như Liên Xô, Gorbachev có trong tay
1 quyền lực vô biên. Nhưng ông đã tiến hành cải cách chính trị dù thừa hiểu
cuộc cải cách đó sẽ làm xói mòn quyền lực của chính mình. Tuy nhiên mục tiêu
cải cách như ý tưởng ban đầu vẫn là bảo vệ chế độ XHCN, mang lại cho nó 1 nét
nhân bản hơn, khiến những người cấp tiến bắt đầu coi tốc độ cải cách chính trị
của ông là chậm.
Cũng
có tiến hành cải cách kinh tế, nhưng mới ở mức độ rụt rè (cũng vì không muốn
lùi quá xa khỏi nền tảng lý thuyết của kinh tế XHCN) như phần nào chấp nhận
doanh nghiệp tư nhân với rất nhiều ràng buộc từ lĩnh vực hoạt động đến số nhân
công làm thuê nên chưa có 1 nền kinh tế thị trường thực sự. Nền kinh tế tiếp
tục xuống dôc không phanh khiến người dân hoặc là ủng hộ phe bảo thủ
(Ligachev) muốn níu giữ quá khứ, hoặc là ủng hộ phe cấp tiến (Yeltsin) muốn cải
cách nhanh hơn, uy tín của Gorbachev đến cuối 1988 bắt đầu xuống thấp (khác với
hình ảnh được ưa chuộng của ông ở phương Tây). Ngoài ra những cuộc xung đột sắc
tộc bắt đầu xuất hiện, báo hiệu sự tan rã của siêu cường.
Nhìn
tổng thể, cải cách chính trị của Gorbachev đi nhanh hơn cải cách kinh tế, đó là
khác biệt lớn nhất giữa ông với Đặng Tiểu Bình.
*
Phe Liên Xô.
Dưới
ảnh hưởng của Liên Xô, các nước XHCN trong phe Liên Xô đều có những cải cách
nhất định, trong đó Ba Lan và Hungary được coi là cải cách với tốc độ nhanh hơn
các nước còn lại, một số nhà lãnh đạo già (Kadar ở Hungary, Husak ở Tiệp) đã
phải rút lui, một số nhà lãnh đạo trước đây cứng rắn (Jaruzelski của Ba Lan,
Trường Chinh của VN) đã kịp thích ứng với sự thay đổi.
Việt
Nam cũng tiến hành cải cách.
Sau
khi Lê Duẩn qua đời, 3/86 Trường Chinh trở thành TBT Đảng CS VN. Nhà lãnh đạo
nổi tiếng giáo điều trong quá khứ (trực tiếp chịu trách nhiệm vụ cải cách ruộng
đất, giải tán cuộc khoán hộ của Kim Ngọc…) đã trở nên thức thời và hỗ trợ những
thay đổi. 12/86 tại Đại hội Đảng, ê kíp lãnh đạo lâu năm đồng loạt rút
lui để 1 gương mặt mới là Nguyễn Văn Linh trở thành TBT Đảng, tuyên bố về công
cuộc đổi mới. Nền kinh tế bắt đầu hướng về thị trường và mau chóng có những
thay đổi ấn tượng.
Trong
đối ngoại, noi gương Liên Xô, VN cũng tìm cách rút lui khỏi thế bị cô lập vì vụ
Campuchia. Các cuộc tiếp xúc với các nước ASEAN được triển khai hòng tìm kiếm 1
giải pháp hòa bình cho Campuchia, chấp nhận sẽ phải rút lui quân đội VN khỏi
Campuchia và chính quyền Phnom Penh có thể không còn 100% trong vòng ảnh hưởng
của Hà Nội nữa.
*
Trung Quốc
Cải
cách kinh tế ở TQ đã thành công đến mức nhiều người nói tới con đường TQ để so
sánh với con đường cải cách chính trị còn đang mò mẫm của Gorbachev ở Liên Xô.
Vài
dấu hiệu đòi hỏi cải cách chính trị ở TQ đã xuất hiện, cụ thể là các hoạt động
đòi tự do hóa của sinh viên trường ĐH Khoa học công nghệ Hợp Phì, tỉnh An Huy
12/86. TBT Đảng CS TQ Hồ Diệu Bang đã từ chối thực hiện yêu cầu của Đặng Tiểu
Bình đuổi ra khỏi đảng 3 vị trí thức được coi là đứng đằng sau các hoạt động
này. Vì sự cứng đầu của Hồ, 1/87 Đặng Tiểu Bình đã truất quyền TBT Đảng của
ông, giao cho Triệu Tử Dương giữ. Hồ Diệu Bang bị loại khỏi đời sống chính trị
TQ.
4/87
TQ đạt được thỏa thuận với Bồ Đào Nha về việc Macau sẽ trở về với TQ vào năm
1999.
3/88
quân đội TQ đã tấn công quân đội VN ở quần đảo Trường Sa, chiếm bãi đá Cô Lin,
bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma trước đó do VN kiểm soát. Trận hải chiến Trường
Sa này, phía VN có 64 chiến sĩ hy sinh. Liên Xô không có động thái nào ủng hộ
VN dù họ có căn cứ quân sự tại Cam Ranh.
*
Vẫn
duy trì quan hệ với Liên Xô, song Bắc Triều tiên được coi là gần gũi với TQ hơn
Liên Xô. Chẳng hạn trong vấn đề Campuchia, BTT có quan điểm ủng hộ phe TQ, công
nhận chính phủ 3 phái Campuchia dân chủ do hoàng thân Sihanouk đứng đầu, Bình
Nhưỡng là nơi tá túc thường xuyên của hoàng thân.
Trong
những năm cuối thập niên 80, sự bùng nổ của những nước công nghiệp mới, trong
đó có Hàn Quốc là rất ấn tượng, trong đó kỳ thế vận hội Seoul 1988 đã phô ra
hình ảnh hào nhoáng của Hàn Quốc. Nhiều nước XHCN Đông Âu, đi đầu là Hungary,
đã tìm kiếm quan hệ kinh tế với Hàn Quốc (Hungary sẽ là nước XHCN đầu tiên
chính thức lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào 1/89) bất chấp sự phản đối
của Bình Nhưỡng.
6.Nhiệm
kỳ của Bush 41-Kết thúc chiến tranh lạnh
Le Tran
Hai’s facebook, 6/9/2014
George
Herbert Walker Bush, còn gọi là Bush cha hay Bush 41 (tổng thống thứ 41 của Mỹ,
phân biệt với con trai ông là Bush con, Bush 43), cựu giám đốc CIA, cựu đại sứ
Mỹ tại TQ, phó tổng thống của Reagan, nhậm chức tổng thống ngày 20/1/1989. Ông
chỉ giữ ghế tổng thống 1 nhiệm kỳ (89-92) vì đã bị thua Bill Clinton (đảng Dân
chủ) trong cuộc tranh cử tổng thống 11/1992. Thất bại của ông năm 1992 khép lại
12 năm (3 nhiệm kỳ) liên tục cầm quyền của đảng Cộng hòa, cũng là giai đoạn
nước Mỹ lên đỉnh vì chiến thắng trong chiến tranh lạnh.
*
Chiến thắng trong Chiến tranh lạnh.
Đông Âu đổi màu
Đã
có 1 post chi tiết về các sự kiện năm 1989 -năm một loạt nước XHCN Đông Âu từ
bỏ chế độ CS. Diễn biến chi tiết ở mỗi nước khác nhau, nhưng kịch bản cùng na
ná:
Những
lãnh tụ CS cứng rắn bị mất quyền lực (một số vị đã mất chức từ trước 1989, một
số vị mất chức trong năm 89 như: Honecker ở Đông Đức-10/89, Husak ở Tiệp-rời
chức lãnh đạo đảng từ 87, mất nốt chức tổng thống -11/89, Givkov ở
Bulgaria-11/89, Ceausescu bị xử tử ở Rumani-12/89)
Những
lãnh tụ CS ôn hòa/đổi mới nắm quyền buộc đảng của mình (và QH) từ bỏ chế độ độc
đảng, đảng CS chuyển đổi thành xã hội dân chủ, chấp nhận đối thoại với phe đối
lập (trước đó là những lực lượng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật), tổ chức bầu
cử đa đảng. Từ bỏ ý thức hệ CS để trở thành 1 quốc gia theo dân chủ phương Tây,
tên gọi đất nước thay đổi, lược bỏ hết những chữ “nhân dân”, “dân chủ”, “dân
chủ nhân dân”… Quá trình này diễn ra ở Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Bulgaria,
Rumani trong năm 1989, lan nốt sang Albania năm 1991.
Thời
gian đầu, những người CS đổi mới/đổi màu cộng sinh với những người phi CS trong
các chính quyền chuyển tiếp (tổng thống CS Jaruzelski và chính phủ phi CS của
Mazowiecki ở Ba Lan từ 8/89 là ví dụ đầu tiên).
Sau
một thời gian hoàn thiện các thiết chế luật pháp mới, các cuộc bầu cử mới theo
hiến pháp mới, những người CS đổi màu dần dần rời khỏi chính quyền (Walessa
thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan 12/90, kỷ nguyên Jaruzelski kết
thúc). Cho đến 10/91, khi Liên minh Dân chủ giành chiến thắng trước Đảng Xã hội
trong cuộc bầu cử QH Bulgaria, ở Đông Âu không còn 1 chính phủ “cộng sản cũ”
nào nữa.
Sau
này, ở một số nước, những đảng chính trị của những người CS cũ suy yếu trở
thành những lực lượng không đáng kể (ví dụ những người CS Đông Đức cũ), ở một
số nước khác, những người CS cũ-XHDC mới có dịp trở lại nắm quyền, nhưng họ đã
thực sự là XHDC, tôn trọng các giá trị dân chủ phương Tây và không còn là mối
nguy cho Mỹ nữa.
Riêng
sự sụp đổ của CNCS ở Đông Đức dẫn đến việc thống nhất nước Đức. 11/89: bức
tường Berlin sụp đổ. Quá trình bàn thảo việc thống nhất nước Đức diễn ra ngay
sau đó. Ban đầu Liên Xô phản đối 1 nước Đức thống nhất là thành viên NATO,
nhưng sau đó Liên Xô được trấn an bằng các cam kết:
Nước
Đức thống nhất vĩnh viễn tôn trọng đường biên giới hiện tại với Ba Lan, NATO
không mở rộng việc bố trí lực lượng sang phía đông, lực lượng Đức thuộc biên
chế NATO không đóng quân trên đất Đông Đức cho đến 1994, quân số Đức không được
vượt quá 37 vạn và không được trang bị các loại vũ khí hạt nhân, vi trùng và
hóa học.
7/90:
2 nước Đức thống nhất về kinh tế, sử dụng 1 đồng tiền chung.
9/90
cuộc đàm phán cuối cùng giữa 2 nước Đức với 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã
thống nhất chấp thuận 1 nước Đức thống nhất trong NATO.
3/10/90
nước Đức thống nhất ra đời. Thủ tướng Tây Đức Kohl sau này thắng lợi trong cuộc
bầu cử, trở thành thủ tướng nước Đức thống nhất.
Vào
11/90, mặc dù đảng CS vẫn cầm quyền ở Liên Xô, một số đảng CS cũ-đổi màu vẫn
nắm quyền ở Đông Âu, nhưng xu thế hòa bình, thân phương Tây đang ngự trị nên từ
19-21/11: lãnh đạo Canada, Mỹ và 32 nước châu Âu đã gặp nhau ở Paris để chính
thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh (điều mà Bush và Gorbachev đã nói đến 1
năm trước đó, ở Malta) và thông qua Hiến chương Paris về 1 châu Âu mới. Cũng
trong năm 1990, Gorbachev đã được trao giải Nobel hòa bình.
Với
những diễn biến như vậy, Đông Âu không còn là đồng minh của Liên bang CH XHCN
Xô viết (Liên Xô) nữa, nên các liên minh do Liên Xô đứng đầu cùng chấm dứt sự
tồn tại.
6/91:
khối kinh tế SEV (tiếng Anh: Comecon)-Hội đồng Tương trợ Kinh tế, tuyên bố giải
thể sau phiên họp ở Budapest.
7/91:
khối quân sự Warszawa tuyên bố giải thể. Trước đó, Liên Xô đã tổ chức nhiều đợt
rút quân khỏi các nước Đông Âu, cũng như xin lỗi (4/90) vì hành vi thảm sát
người Ba Lan ở Katyn sau Thế chiến II.
*
Liên Xô nhượng bộ Mỹ ở khắp các mặt trận
Quá
trình tự do hóa ở Đông Âu diễn ra một cách gọn gàng có nhiều lý do, trong đó có
1 lý do là dân chúng, phe tranh đấu lẫn những người CS đổi màu ở các nước Đông
Âu không phải lo ngại 1 sự can thiệp quân sự của Liên Xô để bảo vệ chế độ cứng
rắn nữa. Họ đều nhìn thấy Liên Xô xuống thang trước phương Tây trên khắp các
mặt trận.
Các
cuộc đàm phán về giải trừ quân bị giữa Gorbachev với Bush vẫn tiếp tục và Liên
Xô sẵn sàng cắt giảm lực lượng quân sự nhiều hơn.
7/91
tại Moskva, Liên Xô và Mỹ ký hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 1
(START 1): cắt giảm một nửa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng của Liên
Xô, trong khi cơ cấu lực lượng hạt nhân Mỹ với hạm đội tàu ngầm trên thực tế
cắt giảm không đáng kể.
Liên
Xô hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào 2/89, đẩy chính quyền thân Liên
Xô Najibullah vào thế cô độc khi đối đầu với phong trào Hồi giáo. 4/92:
Najibullah bị lật đổ, tuy nhiên ngay sau đó là cuộc xung đột không kém đẫm máu
giữa các phe nhóm Hồi giáo khác nhau (Shiite với Sunni, Massod với Hekmatyar)
gọi là cuộc nội chiến 92-96 ở Afghanistan.
Liên
Xô buộc Cuba phải rút quân khỏi Angola vào 1/89 và chấm dứt trợ giúp kinh tế và
quân sự cho Cuba vào 9/91.
Việt
Nam cũng hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia vào 9/89 và Hiệp định hòa bình
cho Campuchia được ký vào 10/91.
Các
chế độ thân Liên Xô trước đây hoặc là sụp đổ, như chính quyền mặt trận Saldino
ở Nicaragua (thua cuộc trong cuộc bầu cử 2/90, bà Chamorro thay Daniel Ortega
trở thành tổng thống Nicaragua vào 4/90) hay nhà độc tài Ethiopia Mengistu
Haile Mariam (thoát được cuộc đảo chính 89 nhưng cuối cùng vẫn bị lật đổ và
phải chạy trốn sang Zimbabwe vào 5/91), một số chấp nhận đàm phán hòa bình với
phiến quân (Angola, Mozambique), tiếp tục nắm quyền sau các cuộc bầu cử tự do
nhưng không còn theo chủ nghĩa Marx và thách thức phương Tây nữa.
Cho
đến cuối kỷ nguyên Bush, chỉ còn một số ít nước theo hệ tư tưởng XHCN không
được phương Tây ưa chuộng là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Triều tiên và Cuba.
*
Liên Xô từ bỏ CNCS và tan rã
3/89:
Liên Xô tổ chức bầu cử QH. Phe tự do giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổ
chức ở các nước Baltik, ở Moskva, Leningrad và một số trung tâm công nghiệp
khác. Chẳng hạn ở Moskva, cựu lãnh đạo CS bị thất sủng Boris Yeltsin, dù bị vùi
dập tơi bời trên các phương tiện truyền thông,vẫn giành thắng lợi ấn tượng: gần
90% cử tri Moskva bỏ phiếu ủng hộ ông. Thắng lợi của Yeltsin không chỉ bởi ông
đưa ra những khẩu hiệu tự do làm hài lòng giới trí thức liberal mà còn ở những
khẩu hiệu dân túy chống đặc quyền đặc lợi. 1 nhân vật bất đồng chính kiến lừng
danh khác là viện sĩ Sakharov cũng được bầu vào QH Liên Xô.
Ngay
sau đó 1 liên minh các đại biểu ủng hộ bãi bỏ điều 6 Hiến pháp Liên Xô về độc
quyền lãnh đạo Đảng CS đã ra đời, gọi là Nhóm Các đại biểu Liên Vùng (MDG) do
Yeltsin, Sakharov và 3 đại biểu khác làm đồng điều phối viên. Quan điểm của họ
dần dần đã được một số tờ báo truyền đạt công khai.
5/89
khi QH Liên Xô (đa số vẫn là phe bảo thủ) không bầu Yeltsin vào Xô viết Tối
cao, 1 đại biểu đã trúng cử đã nhường ghế của mình cho Yeltsin.
12/89:
Gorbachev gặp Giáo hoàng John Paul II, cam kết bảo đảm tự do tín ngưỡng ở Liên
Xô.
Cũng
trong tháng 12, nước CH XHCN Xô viết Litva đơn phương từ bỏ độc quyền lãnh đạo
của Đảng CS, và chính đảng CS ở Litva tan rã làm 2: đa số ủng hộ lãnh đạo đảng
Brazauskas tuyên bố đảng CS Litva tách khỏi đảng CS Liên Xô, 1 nhóm thiểu số
(được người nói tiếng Nga ủng hộ) lập thành đảng CS Litva nằm trong đảng CS
Liên Xô.
Sau
1 quá trình tranh đấu ôn hòa giữa những người tự do và những người bảo thủ,
2/90 đến lượt Đảng CS Liên Xô chính thức từ bỏ độc quyền lãnh đạo. Điều này
được QH Liên Xô hợp thức tại cuộc họp vào tháng 3/90.
Nền
chính trị đa đảng được thiết lập ở Liên Xô. Đảng chính trị đầu tiên đăng ký
thành lập lại không phải là 1 tổ chức của những người dân chủ, mà là đảng Dân
chủ Tự do do 1 chính khách lúc đó còn bí ẩn, Zhirinovsky lãnh đạo. Bản thân các
“ông lớn” trong phong trào dân chủ Nga như Yeltsin, Popov, Sobchak không lập
chính đảng riêng mà thành lập phong trào Nước Nga Dân chủ, chuẩn bị cho cuộc
bầu cử QH Nga. Một số đảng chính trị theo xu hướng dân chủ ra đời như đảng Dân
chủ, đảng Dân chủ Xã hội… nhưng các đảng này yếu, nội bộ lủng củng, đường lối
hay thay đổi theo sự dịch chuyển của một số chính khách, và các thủ lĩnh của họ
nếu được biết đến thì chủ yếu là do cùng hòa vào dòng chảy chung của phong trào
Nước Nga Dân chủ.
QH
Liên Xô 3/90 thông qua nền chính trị cộng hòa tổng thống theo kiểu Mỹ và
Gorbachev được bầu làm tổng thống (đầu tiên) của Liên Xô với nhiệm kỳ 5 năm.
Kết
quả bầu cử QH Nga, phe Nước Nga dân chủ thắng ở các thành phố lớn, họ và những
người có thiện cảm với họ tạo thành 1 phe đa số chông chênh trong QH Nga, đủ để
đưa Yeltsin lên chức chủ tịch XVTC nước CH XHCN LB Nga vào 5/90. Để mở rộng lực
lượng, Yeltsin bắt tay với một số chính khách “giữa dòng” như đưa Khasbulatov
làm phó cho mình.
Ở
Moskva và Leningrad, phe Nước Nga Dân chủ chiếm đa số ghế trong xô viết địa
phương và Popov, Sobchak lần lượt trở thành người đứng đầu xô viết các thành
phố này.
Tuy
nhiên những nhà lãnh đạo dân chủ Nga chưa thể triển khai các chính sách của
mình vì luật pháp, chính sách vẫn trong tay chính quyền trung ương (Liên Xô).
12/6/90: QH Nga ra tuyên bố về chủ quyền, bắt đầu cho 1 cuộc chiến tranh luật
pháp giữa chính quyền Nga và chính quyền Liên Xô, bên nào cũng đòi luật của
mình có hiệu lực cao hơn. Ngày 12/6 do vậy được coi là ngày nước Nga hồi sinh,
quốc khánh Nga sau này. Cũng trong tháng 6, những người CS Nga thành lập đảng
riêng của mình.
Song
song với cải cách chính trị, cải cách kinh tế cũng bắt đầu triển khai ở Liên Xô
và từ “kinh tế thị trường” không còn là cấm kỵ nữa. 1 chương trình cải cách cấp
tiến gọi là chương trình 500 ngày ra đời, tác giả chủ chốt là nhà kinh tế trẻ
Yavlinsky, hứa hẹn sẽ chuyển đổi nền kinh tế Liên Xô từ quan liêu bao cấp sang
thị trường sau 500 ngày. Chương trình này ban đầu được cả Gorbachev và Yeltsin
ủng hộ, nhưng cuối cùng Gorbachev lại ngả về chương trình tốc độ từ từ hơn được
thủ tướng Ryzhkov và nhà kinh tế Abalkin đề xuất, còn Yeltsin không có quyền
lực để triển khai 500 ngày (92, khi ông có thực quyền, ông lại không tin dùng
Yavlinsky và hướng tới những kế hoạch kinh tế khác).
Nhận
thấy lãnh tụ nhiều nước cộng hòa cùng có xu hướng bất tuân Kremli, Yeltsin mau
chóng bắt tay với 2 lãnh tụ CS có xu hướng ly tâm ở Ukraina và Kazakhstan là
Kravchuk và Nazarbayev hợp đồng tác chiến, đấu tranh giành nhiều quyền lực hơn
cho các nước cộng hòa. Lãnh đạo các nước cộng hòa khác (trừ 3 nước Baltik tuyên
bố độc lập, đặt vấn đề tách hẳn khỏi Liên Xô; các nước cộng hòa khác mới giới
hạn đấu tranh với Kremli ở chỗ tuyên bố chủ quyền, đặt luật pháp nước cộng hòa
lên trên luật pháp liên bang) dần dần cũng hưởng ứng cuộc tranh đấu này.
11/90:
Gorbachev thành lập Hội đồng Liên bang, là 1 cơ cấu quy tụ lãnh đạo 15 nước
cộng hòa. Ông thường xuyên đàm phán với họ trong các cuộc gặp ở Novo-Ogaryovo
để bàn về 1 cơ cấu mới cho Liên Xô, hòng bảo vệ được sự tồn tại của Liên Xô,
chấp nhận gia tăng quyền lực cho các nước cộng hòa.
12/90:
Ngoại trưởng Shevarnadze đột ngột tuyên bố từ chức và cảnh báo về 1 nền độc tài
đang đến gần.
1/91:
được Gorbachev cho phép, quân đội Liên Xô vào Vilnius đàn áp phong trào độc lập
ở Litva. Vì sự biến tháng giêng này, bà Bonner, vợ góa Sakharov đòi trả lại
giải Nobel của chồng vì không muốn Sakharov đứng cạnh Gorbachev trong cùng
1 danh sách còn chủ tịch XVTC Nga Yeltsin đòi truất quyền Gorbachev.
Tuyên bố này của Yeltsin bị 6 nhà lãnh đạo QH Nga phản đối và 2 đồng minh của
ông trong cuộc đấu chủ quyền là Kravchuk, Nazarbayev cũng khó chịu khi ông
tuyên bố đơn phương không tham vấn họ (báo hiệu sau này khi Liên Xô tan rã, các
nước cộng hòa khác không dễ dàng tiếp nhận vai trò anh cả của Nga).
17/3/91:
1 cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Liên Xô. Đa số dân Liên Xô ủng hộ việc duy trì
1 nhà nước chung của 15 nước cộng hòa anh em, nhưng trước đó, cũng thông qua
trưng cầu ý dân, cử tri cả 3 nước Baltik cùng ủng hộ nước họ độc lập, tách khỏi
Liên Xô (và sau đó, cũng trong tháng 3, thêm cử tri Gruzia đòi tách khỏi Liên
Xô). Đây là 3 nước bị cưỡng bức sáp nhập vào Liên Xô sau 1 thỏa hiệp đi đêm
giữa Liên Xô và Đức quốc xã, nên dư luận phương Tây công khai ủng hộ nền
độc lập của những nước này.
6/91:
trên cơ sở luật pháp mới của Nga diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga, cuộc bầu
cử tự do đầu tiên với sự tham gia của nhiều ứng viên. Ngoài Yeltsin còn có
Bakatin (cựu BT Nội vụ Liên Xô, có xu hướng đổi mới, được coi là thuộc phe
Gorbachev), Ryzhkov (cựu thủ tướng Liên Xô-đảng CS, chấp nhận chuyển đổi sang
kinh tế thị trường nhưng với tốc độ từ từ tránh liệu pháp sốc), Zhirinovsky
(dân tộc cực đoan), Maskhadov (1 viên tướng theo quan điểm CS cứng rắn) và
Tuleev (1 quan chức địa phương) ra tranh cử. Yeltsin giành thắng lợi ngay vòng
đầu, còn Zhirinovsky với những quan điểm cực đoan đã buộc thế giới phải chú ý
đến. Phó của Yeltsin là Rutskoy, 1 vị tướng có danh hiệu anh hùng Liên Xô, đứng
đầu nhóm đại biểu CS ủng hộ đổi mới trong QH Nga. Tương tự như ở quy mô nước
Nga, tại Moskva và Leningrad cũng diễn ra bầu thị trưởng, các ông Popov và
Sobchak cùng chiến thắng.
12/6/91:
Yeltsin trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga. Khasbulatov thay ông làm
chủ tịch XVTC Nga.
Các
cuộc đàm phán ở Novo-Ogaryovo vẫn tiếp tục trong năm 91 và những người CS cứng
rắn lo ngại rằng cứ đà này thì Liên Xô sẽ tan rã.
8/91:
Những người CS cứng rắn làm đảo chính lật đổ Gorbachev để ngăn chặn quá trình
tan rã Liên Xô. Một Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp ra đời, có sự tham
gia của phó tổng thống Yanaev và trùm KGB Kryuchkov, ra tuyên bố tổng thống
Liên Xô tạm không thực thi quyền lực vì lý do sức khỏe, trên thực tế Gorbachev
bị giam lỏng ở 1 nhà nghỉ tại Crimea.
Yeltsin,
người vào 1/91 đòi truất quyền Gorbachev, 8/91 ra tuyên bố chống lại cuộc đảo
chính vi hiến lật đổ vị tổng thống hợp pháp của Liên Xô. Khi phe đảo chính định
lấn tới, đưa xe tăng đến gần tòa nhà QH Nga, Yeltsin trèo lên nóc xe tăng kêu
gọi quân đội không chống lại nhân dân. Phương Tây ủng hộ Yeltsin nhiệt tình.
Những người làm đảo chính hành động yếu ớt và tan rã, 1 người trong số họ là BT
Nội vụ Pugo tự sát, những người khác bị bắt. Yeltsin đưa Gorbachev trở lại
Moskva.
1
chính phủ liên bang mới được thành lập, không còn “những kẻ phản bội”, nhưng
Yeltsin chứ không phải Gorbachev mới là người điều khiển cuộc chơi của chính
quyền liên bang. Tại nhiều nơi, tượng một số lãnh tụ CS bị quật đổ, trong đó có
tượng ông trùm KGB ở Moskva.
Nhân
sự thất thế của những người CS cứng rắn, các nước cộng hòa đua nhau tuyên bố
độc lập. Trong tháng 8/91: Iceland trở thành nước đầu tiên công nhận nền độc
lập của 3 nước Baltik. 2/9, đến lượt Mỹ làm điều này.
9/91:
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên Xô giải thể, chỉ còn lại XVTC và Hội đồng Liên
bang. Liên Xô công nhận nền độc lập của 3 nước Baltik.
Leningrad
đổi tên thành St.Peterburg. Nhiều đường phố, bến xe tàu điện ngầm mang tên các
lãnh tụ CS Liên Xô trước đây cũng được đổi lại.
11/91:
Tổng thống Nga Yeltsin ra sắc lệnh cấm đảng CS Liên Xô hoạt động trên lãnh thổ
LB Nga (đảng CS Nga không liên quan).
8/12/91:
Yeltsin, Kravchuk và Shuskevich (lãnh đạo Belarus) gặp nhau ở rừng Belovezh
(Belarus). Nhân danh 3 quốc gia khai sinh ra Liên Xô, 3 vị này tuyên bố khai tử
nó và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG (CIS)-1 cộng đồng các quốc
gia chứ không còn là 1 quốc gia nữa. Trong nội bộ những người Nga ủng hộ liên
minh Yeltsin-Gorbachev sau 8/91 có những người không ủng hộ diễn biến này, song
nó trở nên không đảo ngược được.
21/12:
lãnh đạo 10/15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trừ 3 nước Baltik, Gruzia và
Azerbaijan) ký tên vào tuyên bố tham gia SNG thay cho Liên Xô đã giải thể.
24/12:
Yeltsin gửi thư cho TTK LHQ thông báo nước Nga sẽ thế chỗ Liên Xô ở LHQ. 1 ngày
sau Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô và 1 ngày sau đó nữa, XVTC Liên Xô tự
giải thể, thừa nhận Liên Xô không còn tồn tại. Các cơ cấu chính quyền Liên Xô
sẽ chấm dứt mọi hoạt động vào 31/12/91.
Từ
năm 1992, không còn Liên Xô. Ở nước cộng hòa mạnh nhất thuộc Liên Xô là Nga,
chính quyền trong tay Yeltsin-1 nhân vật chống CS và thân phương Tây. Lãnh đạo
Baltik cũng là những người thân phương Tây. Gruzia đang có nội chiến giữa những
người ủng hộ và những người chống đối tổng thống Gamsakhurdia. Tại các nước
khác, những cựu lãnh đạo CS hóa thân thành những vị tổng thống các quốc gia độc
lập, họ sẽ tiếp tục duy trì nền độc tài nhưng không còn là CS nữa.
Bush
ca khúc khải hoàn.
*
Tan rã các liên bang ở châu Âu
1992
không còn Liên Xô nữa, nhưng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng đối mặt
với việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Ở Liên bang Nga, những mầm mống
ly khai xuất hiện ở 2 nước cộng hòa: Tartarstan và Chechnya. Ở Ukraina, hòa vào
cuộc tranh cãi thừa kế di sản Liên Xô cũ (Hạm đội Hắc hải) giữa Nga và Ukraina,
những người nói tiếng Nga ở Crimea ra tuyên bố ly khai khỏi Ukraina nhưng sau
khi thấy Yeltsin không ủng hộ, đã rút lại tuyên bố này, chỉ đòi được quyền tự
trị. Ở Moldova, vùng Pridnestrovie tuyên bố ly khai trong khi 1 bộ phận chính
giới Moldova lại muốn sáp nhập nước này vào Rumani. Ở Gruzia, bên cạnh nội chiến
chống Gamsakhurdia, 2 khu vực Nam Osetia và Abkhazia cũng tuyên bố ly khai. Tại
Nagorno-Karabakh, người Armenia và người Azerbaijan lại đánh nhau to trong năm
1992. Súng đã nổ, nhưng quy mô không khốc liệt như ở 1 nước liên bang khác là
Nam Tư.
Nam
Tư cũng là 1 liên bang với nước mạnh nhất là Serbia, ngoài ra còn có
Montenegro, Macedonia, Croatia, Slovenia và Bosnia-Herzegovina. Trong lãnh thổ
Serbia có vùng Kosovo chủ yếu là dân Albania có xu hướng ly khai rất cao. Trong
khi đó trong lãnh thổ Croatia có vùng đất người Serbia sinh sống, và trong lãnh
thổ Bosnia-Herzegovina có những vùng lãnh thổ của người Serbia, người Hồi giáo
và người Croatia.
Nhiều
cuộc chiến đã nổ ra trên lãnh thổ Nam Tư sau khi CNCS mất quyền uy.
3/89:
1 cuộc xung đột giữa chính quyền Nam tư với người Albania ở Kosovo làm 29 người
chết.
12/90:
1 chính khách cứng rắn người Serbia là Milosevic trở thành tổng thống nước
Serbia thuộc Nam Tư.
12/90:
TCDY ở Slovenia: 94.8% cử tri ủng hộ Slovenia trở thành quốc gia độc lập, tách
khỏi Nam Tư. 5/91 đến lượt cử tri Croatia làm điều tương tự.
6/91:
Croatia và Slovenia cùng tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Chính quyền LB Nam Tư
không chấp nhận điều này, đưa quân đội vào Slovenia gây ra cuộc chiến tranh 10
ngày trong tháng 7 (cuộc chiến 1). Tuy nhiên sau đó, 2 bên phải ký thỏa ước
đình chiến, Nam Tư phải chấp nhận nền độc lập của Slovenia.
Đối
với Croatia, Nam Tư khuyến khích những người Serbia ở Croatia ly khai khỏi
Croatia dẫn đến cuộc chiến Croatia (cuộc chiến 2) giữa chính quyền Croatia với
những người Serbia ly khai được chính quyền Nam Tư hỗ trợ, leo thang dữ dội vào
cuối 91.
9/91:
Macedonia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Đây là nước duy nhất tuyên bố ly khai
mà không dẫn đến chiến tranh, tuy nhiên dẫn đến tranh cãi với nước Hy Lạp về
tên gọi Macedonia.
1/92:
Người Serbia ở Bosnia tuyên bố thành lập quốc gia độc lập, đối đầu với người
Hồi giáo và người Croatia ở Bosnia-Herzegovina. Trong khi đó Slovenia và
Croatia được một loạt nước phương Tây công nhận độc lập.
2/92:
LHQ thông qua nghị quyết 743 gửi lực lượng gìn giữ hòa bình UNPROFOR đến Nam Tư.
4/92:
QH Bosnia-Herzegovina không có đại diện người Seria tuyên bố độc lập khỏi Nam
tư.
Người
Serbia nổi dậy và được quân đội Nam Tư giúp đỡ, bắt đầu chiến tranh Bosnia
(cuộc chiến thứ 3).
4/92:
Mỹ công nhận nền độc lập của Croatia, Slovenia và Bosnia-Herzegovina. EC cũng
công nhận Bosnia-Herzegovina. Nam Tư (kỳ thực là Serbia) trở thành 1 kẻ phá đám
trong con mắt phương Tây (đội tuyển Nam Tư bị truất quyền dự giải bóng đá châu
Âu Euro-92, đội thế chỗ là Đan Mạch sau đó đoạt chức vô địch)
28/4/92:
2 nước cộng hòa còn lại của Nam Tư là Serbia và Montenegro thành lập nhà nước
mới gọi là CH Liên bang Nam Tư (Nam Tư mới). Sự ly khai của Slovenia, Croatia,
Bosnia, Macedonia là buộc phải chấp nhận, nhưng Nam Tư mới (kỳ thực là Serbia)
ủng hộ người Serbia ở Croatia và Bosnia tiến hành các cuộc chiến tranh Croatia
và Bosnia sẽ còn kéo dài.
Trước
đây LB Nam Tư là 1 nước XHCN không chịu ảnh hưởng của Liên Xô, Tito bị Stalin
coi là kẻ phản bội CNCS. Nhưng những người Serbia trong thập niên 90 lại được
Nga ủng hộ. Phe đối lập với TT Yeltsin ở Nga (cộng sản, dân tộc cực đoan, có vị
thế ngày càng mạnh ở QH) ủng hộ Serbia nhiệt tình, chính quyền Yeltsin giành
cho Serbia sự ủng hộ yếu ớt hơn do thời điểm này Yeltsin đang tranh thủ phương
Tây.
Cuối
92 thêm 1 nước ở Đông Âu là Tiệp Khắc tan rã, nhưng ngược với Liên Xô và Nam
Tư, sự ly dị giữa Czech và Slovakia diễn ra rất hòa bình.
7/92:
tổng thống LB Tiệp khắc Havel (người Czech) thất bại trong việc ngăn cản những
người bạn ông ở Slovakia ra tuyên bố độc lập, tách khỏi Tiệp Khắc, đã phải từ
chức tổng thống.
11/92:
QH Tiệp Khắc thống nhất chia tách đất nước thành Czech và Slovakia, bắt đầu từ
1/1/93.
12/92:
QH Czech thông qua hiến pháp nước Czech độc lập. Havel sẽ lại tham gia tranh
cử, nhưng để trở thành tổng thống Czech chứ không phải tổng thống Tiệp Khắc
nữa.
*
Mỹ áp đặt luật chơi
Đối
thủ chính là Liên Xô suy yếu và tan rã, một mặt Bush tung hoành ở các nơi,
trừng trị những kẻ làm ông ta ngứa mắt, mặt khác chấp nhận quá trình dân chủ
hóa ở một số nước trước đây được cai trị bởi những kẻ độc tài chống cộng.
Can
thiệp vào Panama
5/89:
Chính quyền Panama của tướng Noriega không công nhận kết quả bầu cử TT mà theo
đó Noriega thua cuộc. Căng thẳng leo thang, Bush điều 1900 quân vào kênh đào
Panama để bảo vệ kiều dân Mỹ.
Cuối
12/89: Mỹ bắt đầu chiến dịch Just Cause nhằm lật đổ Noriega, kẻ bị buộc tội là
buôn lậu ma túy và 2 mang trong quan hệ với Mỹ và Cuba. 3/1/90 tướng Noriega
nộp mình cho quân Mỹ.
1
chính quyền mới thân Mỹ ra đời ở Panama, nước sẽ quản lý kênh đào Panama rất
quan trọng với Mỹ, từ 1999. 7/92: 1 tòa án ở Miami tuyên án 40 năm tù với
Noriega vì tội buôn lậu ma túy.
Chống
Saddam Hussein, giải phóng Kuwait
Từ
chỗ được các nước vùng Vịnh ủng hộ trong cuộc chiến tranh với Iran (đã chấm dứt
trong thời Reagan), Iraq chuyển sang xung đột với các nước này vì bất đồng
trong chính sách dầu lửa và tranh chấp các giếng dầu. Nước Kuwait nhỏ bé láng
giềng xưa nay vẫn được đảng Ba’ath coi là lãnh thổ của Iraq.
8/90:
Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait, dễ dàng chiếm nước này, tuyên bố từ nay
Kuwait là 1 tỉnh của Iraq. HĐBA LHQ ngay lập tức phản ứng, cấm vận toàn cầu với
Iraq. 1 liên minh quân sự gồm 12 nước Arab trong đó có cả những nước thân Mỹ
như Ai Cập lẫn những nước trước đây thân Liên Xô như Syria ra đời để cùng chống
Iraq.
9/90:
Bush gặp Gorbachev ở Helsinki (Phần Lan) thảo luận về khủng hoảng vùng Vịnh,
Liên Xô sẽ không chống lại chính sách của Mỹ đối với Saddam. Bush tuyên bố sẽ
gửi quân đội đến giải phóng Kuwait.
11/90:
HĐBA LHQ ra nghị quyết 78 cho phép can thiệp quân sự vào Iraq để giải phóng
Kuwait
1/91:
Ngoại trưởng Mỹ gặp ngoại trưởng Iraq nhưng không thống nhất được về kế hoạch
Iraq rút quân khỏi Kuwait. QH Mỹ cho phép tổng thống dùng vũ lực để giải phóng
Kuwait.
15/1:
Hạn chót LHQ yêu cầu Iraq rút quân kết thúc, 16/1: chiến dịch Bão sa mạc do Mỹ
đứng đầu, có sự tham gia của một số nước phương Tây và Arab bắt đầu. Sức chống
trả của quân đội Iraq hóa ra rất yếu kém.
2/91:
Iraq chấp nhận đề nghị ngừng bắn do Liên Xô đưa ra, nhưng trên thế thắng, Mỹ
bác bỏ.
26/2:
Saddam buộc phải rút quân khỏi Kuwait. 1 ngày sau Bush tuyên bố chiến thắng,
chiến dịch quân sự chấm dứt.
3/91:
các nhà lãnh đạo Kuwait hồi hương, nước Kuwait vẫn tồn tại trên bản đồ thế
giới.
Sau
đó, LHQ gia tăng các hoạt động đòi kiểm soát chương trình vũ khí hóa học của
Saddam, áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Iraq để chống các hoạt động đàn áp
của Saddam với người Kurdes, nhưng Bush chủ trương chưa lật đổ Saddam một khi
thế cờ ở Trung Đông sau khi Saddam ra đi chưa rõ ràng.
Dân
chủ hóa
Ở
Chile
12/89:
Bầu cử tổng thống tự do ở Chile
3/90:
Patricio Aylwin nhậm chức tổng thống Chile, chấm dứt kỷ nguyên của nhà độc tài
chống cộng Pinochet.
Ở
Nam Phi
9/89:
Frederik de Klerk thay Botha trở thành tổng thống mới của Nam Phi, bắt đầu tiến
trình từ bỏ chủ nghĩa apartheid.
2/90:
de Klerk gỡ bỏ lệnh cấm đảng ANC hoạt động và trả tự do cho Mandela.
3/90:
Namibia giành độc lập từ tay Nam Phi.
5/90:
Bắt đầu tiến trình đàm phán giữa CP Nam Phi với ANC.
6/90:
Mandela đi thăm Canada và Mỹ
8/90:
Xung đột nội bộ người da đen ở Nam Phi giữa người Xhosa và người Zulu, 500
người bị giết trong tháng 8. Đến 1/91 Mandela và Buthelezi (đảng Tự do Inkatha
của người Zulu) thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Ở
Hàn Quốc
12/92:
Kim Yong-sam thắng cử tổng thống Hàn Quốc, trở thành tổng thống dân sự đầu tiên
của nước này.
*
Ai là đối thủ của Mỹ
Châu
Âu?
Có
hệ thống chính trị tương đồng, hầu hết những nước lớn ở châu Âu cũng là thành
viên khối quân sự NATO do Mỹ cầm trịch, châu Âu sẽ không là đối thủ của Mỹ về
chính trị-quân sự trong tương lai gần. Nhưng xu hướng nhất thể hóa châu Âu có
thể sẽ ra đời 1 đối thủ lớn về kinh tế.
2/92:
các nước EC ký hiệp ước Maastricht, ra đời Liên minh châu Âu (EU) với dự kiến
sẽ có 1 cơ cấu phối hợp chặt chẽ hơn và thậm chí 1 đồng tiền chung. Tuy nhiên
hiệp ước này cần phải được nhân dân các nước phê chuẩn.
6/92:
Cử tri Đan Mạch bác bỏ hiệp định Maastricht.
Sẽ
phải điều chỉnh một số nội dung hiệp ước để được người Đan Mạch đồng ý. Tuy
nhiên xu thế nhất thể hóa đã rất rõ, về cơ bản được các nước châu Âu ủng hộ.
Mỹ
cũng hoan nghênh 1 EU hùng mạnh, nhưng phải chuẩn bị khối kinh tế của mình.
8/92:
Canada, Mexico và Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về Hiệp ước Thương mại Tự
do Bắc Mỹ (NAFTA), chính thức ký vào 17/12. Tuy nhiên những người bảo thủ không
tán thành NAFTA, lo ngại mở cửa thị trường (vốn, hàng hóa, lao động) cho Mexico
sẽ dẫn đến việc người lao động nghèo Mexico ồ ạt vào Mỹ chiếm chỗ của người Mỹ.
Vì vậy tại kỳ bầu cử tổng thống 92, ngoài đối thủ đảng Dân chủ Clinton, Bush
còn phải đối đầu với 1 tài phiệt bảo thủ là Ross Perot.
Trung Quốc?
Tranh
thủ hòa Mỹ trong nhiều năm, TQ đã tiến hành cải cách kinh tế thật ấn tượng. Tuy
nhiên đến thời Bush, do vụ đàn áp đẫm máu sinh viên đòi dân chủ ở quảng trường
Thiên An Môn 6/89, quan hệ Mỹ-TQ đã xấu đi nhanh chóng.
Mỹ
và phương Tây lên án hành động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh và rút lại nhiều
chương trình hợp tác với TQ. Các hoạt động của các tổ chức kinh tế Mỹ như TDA,
OPIC tại Trung Quốc lập tức bị dừng lại. Mỹ không ủng hộ các khoản cho vay của
Ngân hàng Đầu tư và của IMF đối với TQ. Nhiều mặt hàng của TQ bị hạn chế nhập
khẩu.
Quan
hệ với TQ xấu đi, tuy chưa đến mức chuyển thành thù địch nhưng ít nhiều cản trở
sự trỗi dậy của TQ. Sau này khi Clinton nắm quyền, ông ta tái lập chủ trương
engagement và rồng Hoa lại được chắp cánh.
Sau
khi CNCS sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, TQ trở thành anh cả của phe XHCN và những
nước XHCN cựu thù của TQ, trong đó có VN và Cuba cũng dần dần nối lại quan hệ
với TQ.
Quan
hệ VN-TQ bị ách tắc bởi vấn đề Campuchia, thì 9/89, VN rút quân khỏi
Campuchia và chính quyền thân VN của Hun Sen phải đàm phán với các phe phái
khác cho 1 nền hòa bình ở Campuchia.
10/91
ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Campuchia, tổ chức UNTAC của LHQ sẽ giám sát
quá trình chuyển tiếp ở Campuchia, 1 chính phủ liên hiệp nắm quyền lãnh đạo
Campuchia do Sihanouk đứng đầu. Việt Nam phải chấp nhận những diễn biến ở
Campuchia không hoàn toàn theo ý mình và 1 nước Campuchia mới sẽ không thần
phục VN nữa.
Trước
đó, 9/90 tại Thành Đô (TQ), TBT Đảng CS VN Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười
và cố vấn Phạm Văn Đồng đã gặp TBT Đảng CS TQ Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý
Bằng. Nhiều thỏa thuận trong hội nghị này không được công bố, nhưng từ đó VN và
TQ chấm dứt quan hệ thù địch, để vài năm sau, VN càng ngày càng chịu ảnh hưởng
của TQ về kinh tế lẫn chính trị.
Tuy
nhiên tham vọng của TQ lúc này dường như vẫn chỉ loanh quanh mấy nước láng
giềng (cũng như Nga chỉ lưu tâm đến các nước Liên Xô cũ) và chưa phải là đối
thủ có thể thách thức Mỹ.
*
Bush
giành thắng lợi trước các quốc gia đối thủ, đưa Mỹ lên vị thế siêu cường duy
nhất. Người Mỹ cho rằng giờ đây nước Mỹ không còn đối thủ lớn nữa nên không cần
1 nhà lãnh đạo diều hâu nữa. Các vấn đề nội tại của nước Mỹ đáng quan tâm hơn.
Và họ đã bỏ phiếu cho 1 ứng viên trẻ trung, dáng vẻ trí thức, hấp dẫn đàn bà,
là Bill Clinton.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)