Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

TÔN THẤT ĐÀN


TÔN THẤT ĐÀN

Le Tran Hai’s facebook, 11/5/2013

Xem các blog lề trái lề phải cãi nhau nhiều lúc giống như xem trận bóng giữa 2 đội nghiệp dư cứ tức anh ách. Những pha làm bàn ngon ăn thì các bố sút trượt chỉ ham phạm lỗi, ăn vạ và bỏ bóng đá người. Cái này có ở cả 2 bên, nhưng đang mạch câu chuyện tuần này, nói về lỗi bỏ bóng đá người ở bên dư luận viên lề phải.

Xin đọc 2 bài trên blog của Bần Cố Nông nói về thân phụ của ông Tương Lai, 1 “nhân sỹ trí thức” trong nhóm 72 (1).

Ông Tương Lai (Nguyễn Phước Tương) đăng đàn diễn thuyết khá nhiều, nội dung khá là lấp lánh leng keng, câu nào có vẻ hay ho thì ai cũng biết cả, hàm lượng trí tuệ rất có giới hạn, nói thật là muốn chê ông Tương Lai thì không hề khó.

Thế thì việc gì phải lôi bố ông ấy ra bêu riếu mà lại bêu riếu sai?

Cụ Tôn Thất Đàn, thân phụ ông Tương (Lai) đúng là có tham gia dẹp Xô Viết Nghệ Tĩnh (một bên “trí phú cường hào đào tận gốc trốc tận rễ”,bên kia thì “hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần” rất là “môn đăng hộ đối”) nhưng không phải là tổng đốc Nghệ An như bài viết của Bần Cố Nông, mà trên cương vị Thượng thư bộ Hình.

Trang web của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (2) đã nói rõ chuyện này:

…chuyển nhiều quan chức có kinh nghiệm từ Huế như: Nguyễn Khoa Kỳ về làm Tổng đốc Vinh thay Phạm Bá Phổ (ngày 15/12/1930), cử Bonnom (chánh thanh tra chính trị của toà Khâm sứ Trung Kỳ) và Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn ra trực tiếp chỉ huy cuộc “dẹp loạn cộng sản” ở Nghệ Tĩnh.

Sợ Bảo tàng có thể nhớ nhầm, em tìm lại báo chí đương thời. 12/1930, cụ Phan Khôi viết về việc các vị tổng đốc Nghệ An bất lực, không đối phó được với sự biến đã bị thay thế ra sao. Đầu tiên là Hồ Đắc Khải, sau là Phạm Bá Phổ và cuối cùng là Nguyễn Khoa Kỳ (đúng như bài viết trên trang web của Bảo tàng). (3)

Nếu đã biết bài thơ “năm cụ khi không rớt cái ình” của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn thì việc cụ Đàn làm Thượng thư bộ Hình rất chi là dễ nhớ. Đó là năm 1933 khi vua trẻ Bảo Đại trực tiếp tham chính, đã cải tổ nội các đưa mấy quan lại, trí thức trẻ (trong đó có Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn) lên thay mấy cụ già (trong đó có cụ Đàn):

Năm cụ khi không rớt cái ình/ Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh/ Bài không đeo nữa xin dâng lại/Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình/Liệu thế không xong binh chẳng được/Liêm đành chịu đói lễ không rinh/Công danh như thế là hưu hỉ/ Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.

Câu thứ 4 chỉ việc cụ Đàn mất chức thượng thư bộ Hình. Còn các vị thượng thư khác là ai xem thêm ở tiểu sử Nguyễn Hữu Bài trên Wikipedia (4)

Cụ Tôn Thất Đàn qua đời năm 1936, không phải là “nhưng sau khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân bùng lên, xoá tan xiềng xích ngoại bang, đạp đổ những thế lực bưng bô, làm tay sai cho giặc. Cha phải đền tội nước non” như bài viết ở link đầu.

Và Tôn Thất hay Nguyễn Phước đều là họ hoàng tộc, chưa có cơ sở gì để nói ông Tương Lai giấu giếm lý lịch người cha như bài viết đã dẫn: “còn vị “chấy thức” kia nay phải ẩn danh, thay đổi họ tên sang một dòng dõi phổ biến ở Việt Nam là “Nguyễn” tên “Tương”, để được dễ bề lẩn trốn”.

Nói thêm, cụ Tôn Thất Đàn chống xô viết nghệ tĩnh như thế nhưng lại có 2 người con rể đi theo Việt minh khá nổi tiếng là BS Đặng Văn Ngữ (chồng bà Tôn Nữ Thị Cung)-người tìm ra cách SX thuốc peniciclin trên chiến khu Việt bắc và trung tướng Cao Văn Khánh (chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Toản-đại tá quân y, ủy viên trung ương Hội Nạn nhân chất độc màu da cam) (5)

Lịch sử VN hiện đại đã có quá nhiều ví dụ về những gia đình mà anh 1 phe em 1 phe, bố 1 phe con 1 phe rồi nên phép chửi bố để mắng con của blogger Bần Cố Nông nó không được phải đạo.







 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét