Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Những người qua đời năm 2017 (3)


Võ Quý (31/12/1929-10/1/2017): Nhà sinh học, người Hà Tĩnh. Ông được coi là nhà điểu học hàng đầu của VN, có học vị tiến sĩ và hàm giáo sư, danh hiệu nhà giáo nhân dân. Tích cực nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường, nhận nhiều giải thưởng quốc tế về bảo vệ môi trường như HCV về thành tích bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng khu bảo vệ thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) trao tặng (1988), bằng danh dự Chương trình Môi trường của LHQ (92), giải thưởng Hành tinh Xanh (trị giá 50 triệu JPY) do Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên-IUCN trao tặng (2003).

 

Ca Lê Thuần (1/4/1938-20/1/2017): Nhạc sĩ nhạc đỏ người Bến Tre (anh trai nhà thơ Lê Anh Xuân), sáng tác giao hưởng-thính phòng, hợp xướng, quan chức văn nghệ CS VN từng là đại biểu QH, chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, GĐ Nhạc viện TPHCM tới khi nghỉ hưu.

 

Đinh Xuân Lâm (4/2/1925-25/1/2017): Giáo sư sử học, người Thanh Hóa, chuyên về sử cận đại-hiện đại. Được coi là 1 trong tứ trụ sử học VN CS (cùng Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), giữ nhiều cương vị quản lý trong giới sử đỏ.

 

Phạm Hoàng Hộ (27/7/1929-29/1/2017): Giáo sư thực vật học VN, người Cần Thơ. Tu nghiệp ở Pháp từ 1946, lấy bằng Thạc sĩ Vạn vận học năm 1956 tại ĐH Sorbonne-Paris, 1957 về nước làm Giám đốc Hải học viện Nha Trang, nghiên cứu về rong biển và đệ trình luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ĐH Sorbonne.

Năm 1962 làm khoa trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn, nhưng đến 63 từ chức để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm. Trở thành Tổng trưởng Giáo dục trong nội các Nguyễn Ngọc Thơ sau đảo chính 11/63 nhưng sớm rời chính trường sau khi nội các này bị giải tán trong cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh. Vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ 1966 và trở thành Viện trưởng đầu tiên của trường này đến 1970. Sau 75 ở lại TPHCM giảng dạy và nghiên cứu thực vật, đến 1984 được CP Pháp mời sang làm giáo sư thính giảng, quyết định ở lại Pháp rồi định cư ở Canada, hoàn thành tại ngoại quốc những công trình đồ sộ nghiên cứu cây cỏ miền nam VN và VN, một số cuốn được NXB Trẻ ở TPHCM in lại. Qua đời ở Canada.









Hoàng Dương (12/10/1933-30/1/2017): Nhạc sĩ, nghệ sĩ cello, nhà giáo dạy chơi cello, nhà phê bình lý luận âm nhạc. Người Hà Nội, con nhà khảo cứu Trúc Khê. Chủ yếu sáng tác khí nhạc song ông có 1 ca khúc rất nổi tiếng là Hướng về Hà Nội viết năm 15 tuổi.
 




Nguyễn Cảnh Toàn (28/9/1926-8/2/2017): nhà toán học người Nghệ An, dạy toán ở khu 4 thời kháng chiến chống Pháp, sau chuyển lên dạy đại học ở Khu học xá TW (Nam Ninh) rồi ĐH Tổng hợp, thuộc lứa 9 cán bộ giảng dạy đại học đầu tiên sang Liên Xô học nghiên cứu sinh, chuyên sâu vào môn hình học xạ ảnh (mà ông gọi là hình học siêu phi Euclid), lấy bằng PTS rồi TS. Về nước trở thành nhà toán học đầu ngành, làm đến Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội, thứ trưởng Bộ Giáo dục, phó chủ tịch Hội Toán học VN, TBT tạp chí Toán học và Tuổi trẻ hơn 40 năm. Là người đề xuất chủ trương đào tạo PTS và TS trong nước để tiết kiệm kinh phí, đề xuất phong trào dạy tốt-học tốt tại các khoa trường ĐHSP Hà Nội cuối thập niên 1960. Viết và dịch (từ tiếng Nga) một số giáo trình toán học, sách về giáo dục, phương pháp dạy-học. Bên cạnh khá nhiều giải thưởng do chính quyền CS VN trao tặng, ông còn nhận làm phó TGĐ Trung tâm tiểu sử quốc tế (IBC) của Anh (96) để lấy bằng “danh dự vẻ vang” của Trung tâm này và có tên trong một số bảng phong thần (danh nhân thế giới, 114 trí tuệ lớn nhất thế giới thế kỷ 21, danh hiệu viện sĩ...) của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI) trong các năm 98, 2001, 2004… nhưng cả IBC và ABI đều bị coi là những công ty chuyên bán danh khiến Nguyễn Cảnh Toàn bị mang tiếng là bỏ tiền mua danh hão.

 

Đồng Thị Bích Thủy (10/12/1954-9/2/2017): Chuyên gia công nghệ thông tin người Thừa Thiên-Huế.

Tốt nghiệp ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) ngành quản trị kinh doanh, lấy bằng Tiến sĩ tin học-quản lý tại ĐH Geneva năm 1986, bà giảng dạy tin học tại ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM từ 1986, từng giữ chức GĐ Trung tâm tin học, phó hiệu trưởng trường này, đại biểu QH khóa X (97-2002), có đóng góp cho sự phát triển CNTT ở Việt Nam. Bà còn quan tâm đến đổi mới phương pháp dạy-học bậc đại học, lập Trung tâm CEE trực thuộc trường để hỗ trợ giảng viên và sinh viên đổi mới phương pháp, hợp tác với các chuyên gia thuộc dự án Fulbright và tham gia nhiều diễn đàn trao đổi khoa học quốc tế.

 

Nguyễn Ngọc Lạc (1930-11/2/2017): Đại tá quân khí quân đội CSVN, người Hà Nam. Học quân khí tại Trung Quốc, tự học tiếng Nga để đọc thêm tài liệu của Liên Xô, ông được coi là người có công chính trong việc cải tiến loại radar K860 do Trung Quốc sản xuất dùng cho pháo cao xạ tầm trung 57mm (lạc hậu vào thời điểm 1972) nhằm hỗ trợ cho hệ thống SAM-2 có thể vượt qua các biện pháp gây nhiễu tấn công trực tiếp vào đội hình B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội. Kỹ sư quân khí, về hưu với chức trưởng phòng Ra-đa Tên lửa, Cục quân khí. Có một số huân huy chương, nhưng không được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do một số “bí mật quân sự và đối ngoại”.

 

Lê Mộng Hoàng (1929-23/2/2017): Đạo diễn điện ảnh VNCH, người Huế, anh trai nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Từng du học Pháp, tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau đó học cao học về điện ảnh tại Paris. Về nước nổi tiếng ngay với phim Bụi đời (dựa theo tác phẩm Những hòn sỏi của Võ Đình Cường) năm 1957. Năm 1970 đạo diễn phim Vàng đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á Châu lần 17 ở Đài Loan. Sau 75 tiếp tục ở lại Sài Gòn, thời đổi mới làm một số phim mì ăn liền như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Ngôi nhà oan khốc… mang lại vinh quang cho lứa nghệ sĩ Lý Hùng, Việt Trinh…

 

Nguyễn Quang Thân (1936-4/3/2017): Nhà văn CS VN nhiều năm sống ở Hải Phòng (đến 1996), trước đổi mới từng gây dư luận với truyện ngắn “Người không đi cùng chuyến tàu” (có tình tiết hành khách đề nghị “thay người lái tàu”). 1985 đoạt giải chính thức văn học cho thiếu nhi của HNV VN với cuốn “Chú bé có tài mở khóa”. Thời đổi mới từng được khen ngợi với truyện ngắn “Vũ điệu cái bô” nói về thân phận trí thức thời buổi nhố nhăng. Tiểu thuyết “Hội thề” đối lập những trí thức chủ hòa (Nguyễn Trãi) trong phong trào Lam Sơn với phe võ biền chủ chiến (Lê Sát) đọa giải A cuộc thi viết tiểu thuyết 2006-2009 của Hội Nhà văn lại bị Trần Mạnh Hảo coi là xuyên tạc lịch sử. Tham gia vận động thành lập Văn đoàn Độc lập. Chồng sau của nhà văn Dạ Ngân.

 

(Nguyễn Phúc) Bảo Thắng (30/9/1945-15/3/2017): Con trai út của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, sinh ở Đà Lạt, chết ở Pháp. Đứng đầu hoàng tộc nhà Nguyễn từ 2007 sau khi thái tử Bảo Long qua đời.

 


Phạm Tú Châu (20/9/1935-23/3/2017): Nữ PGS-TS, sinh ở Thái Bình, học phiên dịch tiếng Trung ở TQ thập niên 1950, dịch thuật cho Tiểu ban Giáo dục và Ban Văn giáo TW Đảng, làm việc tại Viện Văn học VN từ 1949 đến 1999: dịch và nghiên cứu văn học TQ (cổ-kim), nghiên cứu văn học VN cổ-cận đại (chữ Hán). Từng giữ chức phó Ban Văn học VN cận đại ở Viện văn học, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Tham gia dịch bộ thơ-văn Lý-Trần, được khen ngợi với dịch phẩm Gót sen ba tấc (Phùng Ký Tài). Là cháu nhà văn trinh thám tiền chiến Phạm Cao Củng, bà còn có công giới thiệu lại di sản văn học của ông với công chúng thế hệ mới.

Duy Thanh (1957-14/4/2017): Nghệ sĩ sân khấu-phim truyền hình. Đang là công nhân cơ điện, trúng tuyển thành diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ từ 1978, sau tham gia đóng nhiều phim truyền hình, thường vào vai phản diện. Thành công nhất với vai Trịnh Bá Thủ-1 bí thư đảng mưu mô trong phim Đất và người.

 

Thanh Sang (1943-21/4/2017): Nghệ sĩ cải lương người Bà Rịa, tên thật Nguyễn Văn Thu. Trở thành kép chính đoàn Ngọc Kiều năm 1962, năm 64 đoạt HCV giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, trở thành ngôi sao lớn, được hâm mộ nhờ giọng ca trầm buồn, mùi mẫn. Cùng Thanh Nga lập thành cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu cải lương Sài Gòn trước 75. Sau 75 ở lại VN, tiếp tục biểu diễn. Có danh hiệu NSUT năm 1993.

 

Hoàng Thắng (1954-23/4/2017): DV phim truyền hình, sinh ở Hà Nội, con trai NSND kịch nói Trúc Quỳnh. Nổi tiếng từ vai diễn Cậu giời (Đặng Lân) trong bộ phim truyền hình Đêm hội Long Trì (đạo diễn Hải Ninh) năm 1989, từ đó xuất hiện thường xuyên trong phim truyền hình, vào vai phản diện.

 

Hoàng Xuân Lãm (10/1928-2/5/2017): trung tướng quân lực VN Cộng hòa, người Quảng Trị. Tham gia quân ngũ từ 1950, theo học võ bị Đà Lạt, sự nghiệp thăng tiến dần đến chức tư lệnh Quân đoàn 1 (1966) và mang hàm trung tướng (từ 67), chỉ huy cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971. Sau chiến dịch mùa hè đỏ lửa, để Quảng Trị thất thủ, ông bị cách chức, bàn giao quân đoàn 1 cho Ngô Quang Trưởng về làm việc ở Bộ Quốc phòng, giữ chức vụ không quan trọng. Di tản từ 1975, định cư ở Mỹ đến khi qua đời.

 

(Trần) Việt Phương (6/12/1928-6/5/2017): Nhà thơ, nhà chính trị có tài hùng biện, thư ký của thủ tướng CS Phạm Văn Đồng. Năm 1970 ra tập thơ Cửa mở có những câu tự giễu những tình cảm quá ngây thơ ấu trĩ (trăng TQ tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ). Tập thơ bị cấm, tác giả chỉ bị chê là non nớt, không có ý xấu, tiếp tục làm thư ký thủ tướng. Thành viên ban tư vấn 2 thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Tham gia nhóm think tank cấp tiến IDS (sau tự giải thể để phản đối một chính sách), ký tên một số thư tập thể có xu hướng “lề trái”.

 

Yên Lang (1940-5/6/2017): Soạn giả cải lương người Bạc Liêu, tên thật Nguyễn Ngọc Thanh. Hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn, soạn tuồng cải lương từ thập niên 1960, ban đầu viết cho đoàn Song Kiều, từ 1963 đến 4/75 là soạn giả thường trực cho đoàn Kim Chung. Viết rất khỏe, có công đưa thể loại cải lương kiếm hiệp kỳ tình lên đỉnh cao. Tham gia vận động thành công nâng tiền bản quyền cho các soạn giả cải lương lên 6% doanh thu mỗi xuất hát. Vì là sĩ quan cảnh sát VNCH nên sau 75 ông phải đi cải tạo 6 năm, đến 95 xuất cảnh sang Mỹ, có tham gia các hoạt động văn nghệ ở hải ngoại (thành viên BGK). Khi về thăm quê hương, ông được ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu đón tiếp trọng thể, từng tổ chức một số chương trình nghệ thuật tôn vinh ông. Ngoài soạn tuồng cải lương, ông còn sáng tác vọng cổ, tân cổ và làm thơ. Qua đời ở Mỹ.

 


Vũ Tuân Sán (1915-8/6/2017): Nhà khảo cứu văn hóa, nhà Hán học, dịch giả thơ chữ Hán (thơ Đường, thơ chữ Hán của Nguyễn Du) nổi tiếng, bút hiệu Tảo Trang, sinh tại Đại Từ-Hà Nội. Từng là cử nhân Pháp ngữ nhưng say mê Hán-Nôm và theo đuổi nghề nghiên cứu Hán-Nôm. Nhiều năm làm việc ở Sở Văn hóa Hà Nội, ông có nhiều khảo luận có giá trị về Hà Nội xưa và nay, từng được trao giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014. Năm 2016 ông tặng lại cho Viện Nghiên cứu Hán-Nôm 500 đầu sách quý từ bộ sưu tập cá nhân.

 

Từ Sơn (31/5/1936-28/6/2017): Nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà quản lý văn học CS VN, tên thật Nguyễn Đức Dũng, sinh ở Nghi Lộc, Nghệ An. Con trai nhà phê bình tiền chiến Hoài Thanh. Từng giữ chức phó TBT báo Văn Nghệ, rồi làm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương.

 

Hải Như (1923-30/6/2017): Nhà thơ CS tên thật Vũ Như Hải, sinh ở Nam Định, sáng tác từ thời chống Pháp, viết nhiều thơ về Hồ Chủ tịch. Ông là tác giả bài thơ Thành phố hoa phượng đỏ viết về Hải Phòng, sau được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng nhất về Hải Phòng.

Tô Thanh Tùng (1944-19/7/2017): Nhạc sĩ nhạc vàng trước 75, sinh ở Châu Đốc nhưng hồi nhỏ sống ở Đồng Tháp. Bắt đầu nổi tiếng khi tình khúc Giã từ được phát trên radio Sài Gòn năm 1971, viết nhiều tình khúc bolero nổi tiếng, trong đó có Sao em nỡ đành quên. Ở lại VN sau 75, tiếp tục sáng tác tình khúc quê hương mang âm hưởng nhạc vàng cũ. Qua đời ở TP Sa Đéc.

 

Triệu Văn Đạt (19/7/1955-5/8/2017): trung tướng công an CS VN, người Phú Thọ. Từng làm Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, năm 2007 thay Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc làm Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) và điều tra vụ PMU 18. Làm đến Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trước khi nghỉ hưu (2016).





Hoàng Kiều (12/4/1925-10/8/2017): Nhạc sĩ chèo tên thật Tạ Khắc Kế, sinh ở Kim Động, Hưng Yên. Học nhạc ở Trung Quốc, về công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân TW, sau đó có nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Chèo VN, là tác giả nhiều kịch bản chèo, tiên phong viết nhiều bè cho hát chèo. Tác giả nhiều công trình nghiên cứu, lý luận về sân khấu chèo, giảng dạy (kịch hát dân tộc) tại ĐH Sân khấu-Điện ảnh. Ông là bố của nữ nhạc sĩ Giáng Son.
 




Phan Đức Chính (15/9/1936-26/8/2017): Nhà giáo, tiến sĩ toán, sinh ở Sài Gòn, học trung học ở Hà Nội, tốt nghiệp ĐHSP Khoa học Hà Nội 1956, trở thành cán bộ dạy toán ở trường này năm 20 tuổi. Học nghiên cứu sinh ở Liên Xô, bảo vệ luận án PTS tại ĐH Tổng hợp Lomonosov năm 1965. Về nước trở thành 1 trong những thày giáo dạy đại số cho lớp chuyên toán đầu tiên của VN, nhiều lần dẫn đoàn học sinh VN đi thi IMO (trong đó có lần đầu ở CHDC Đức năm 1974), từng có bài toán được chọn làm đề thi Olympic (1977). Viết/dịch rất nhiều giáo trình toán học kinh điển ở VN, chủ yếu về đại số học cao cấp và giải tích. Được phong học hàm phó giáo sư đợt đầu (1980), có danh hiệu Nhà giáo nhân dân (2008), Huân chương Lao động hạng 2 (2003).

 

Thanh Tùng (7/11/1935-12/9/2017): Nhà thơ tên thật Doãn Tùng, sinh ở Nam Định nhưng chủ yếu sống ở Hải Phòng, làm công nhân (khuân vác, đóng tàu, áp tải), trưởng thành trong phong trào thơ công nhân trước 75. Có một số bài thơ được phổ nhạc, nổi tiếng nhất là Thời hoa đỏ (Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc). Năm 95 vào sống ở TPHCM, năm 97 đi đọc thơ ở Hy Lạp, đến 2001 mới xuất bản tập thơ riêng, được Hội Nhà văn trao giải thưởng 2002.

 

Hoàng Giác (1924-14/9/2017): Nhạc sĩ tiền chiến người Hà Nội, chơi thành thạo đàn guitar Hawaii. Nổi tiếng với các tình khúc Mơ hoa (45) và Ngày về (46), trong đó bài Ngày về sau này được VN Cộng hòa sử dụng làm nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi. Sau 54 tiếp tục sống ở Hà Nội, là 1 giảng viên dạy guitar bình dị ở trường sư phạm nhạc-họa Trung ương, tên tuổi ông chỉ được nhắc lại từ thời đổi mới. Là bố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

 

Đỗ Phượng (16/11/1930-8/10/2017): Nhà báo kỳ cựu của CS VN, quê Hải Phòng. Từ 1990 đến 1996 là ủy viên BCH TW Đảng CSVN, Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN. Tiếp tục viết báo sau khi nghỉ hưu.

 

Văn Như Cương (1/7/1937-9/10/2017): nhà giáo dạy toán nổi tiếng người Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa toán ĐHSP Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, sau đó làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, vảo vệ luận án PTS về đề tài topo hình học năm 1971. Sau khi về nước, thay vì nghiên cứu sâu về toán, ông chuyên tâm vào công tác giáo dục ở bậc đại học, trở thành 1 nhà giáo rất nổi tiếng, tham gia biên soạn SGK phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình. Ngoài toán còn giỏi văn thơ nên xung quanh ông có rất nhiều giai thoại (lợn nuôi giáo sư chứ không phải giáo sư nuôi lợn, một số câu đối, câu vè: văn như Cương, toán cũng như Cương..). Năm 1989 ông mở trường phổ thông Lương Thế Vinh ở Hà Nội, là trường phổ thông dân lập đầu tiên của VN kể từ thời đổi mới. Là 1 vị hiệu trưởng có uy tín, tuy nhiên ông cũng từng bị dân cư mạng chê trách qua 2 vụ: không giữ lời hứa nhận thày giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa về trường và lên tiếng ủng hộ con gái-người điều hành thực tế công việc của trường vào thời điểm 2017 khi ông đang yếu tiến hành các chính sách kỷ luật khắc nghiệt để rèn giũa học sinh mà một số bậc cha mẹ coi là không còn phù hợp với thời đại giáo dục khai phóng.

 

Nguyễn Hông Trường (28/11/1977-22/10/2017): Doanh nhân Việt Nam. Sinh ra tại Moskva, lớn lên ở Hà Nội, từng có bằng cử nhân luật và cử nhân ngân hàng ở Hà Nội, sau lấy bằng MBA ở ĐH Webster, Mỹ. Làm việc cho nhiều Cty nước ngoài hoạt động ở VN, cuối cùng trở thành Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Công nghệ kiêm Phó chủ tịch IDG Ventures Vietnam (dưới quyền Nguyễn Bảo Hoàng, con rể thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)-1 trong những Quỹ đầu tư mạo hiểm đâu tiên ở Việt Nam, đã đầu tư cho rất nhiều công ty lớn thuộc startup thế hệ đầu ở Việt Nam, trong đó có những cái tên sau này rất nổi tiếng như YanTV, VCCorp, VNG…, được giới startup và công nghệ kính trọng vì sự hỗ trợ cũng như những lời khuyên quý giá. Hay xuất hiện trên truyền thông như làm giám khảo chương trình Đường đến thành công trên VTV. Theo thông tin công bố chính thức, ông qua đời do đột quỵ, nhưng có tin đồn ông tự tử.

 

Hoàng Thị Minh Hồ (1914-5/11/2017): Vợ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, bà là con nhà nho-thương gia Hoàng Đạo Phương ở phố Hàng Bài, Hà Nội, sau cùng chồng điều hành hiệu buôn lụa Phúc Lợi trước 45, tích lũy nhiều BĐS. Năm 45 vợ chồng ông bà dành nhà 48 Hàng Ngang cho lãnh đạo Việt Minh ở, tại đây Hồ Chí Minh soạn Tuyên ngôn Độc lập. Tại Tuần lễ vàng sau đó, vợ chồng bà hiến cho Nhà nước hơn 5000 lượng vàng. Ngôi biệt thự sang trọng 34 Hoàng Diệu cũng được ông bà cho tướng CS Hoàng Văn Thái mượn, nhưng sau khi CS cải tạo kinh tế tư bản ở miền bắc, nhà không trả lại cho chủ tư sản. Sau khi chồng qua đời, mặc dù đã cao tuổi, bà vẫn rất tích cực đấu tranh đòi nhà và cuối cùng đã “nhảy dù” vào sống được trong ngôi nhà của mình, dù chưa có giấy tờ hợp thức. Sau khi bà qua đời, do con cái có mâu thuẫn nên có những thông điệp mâu thuẫn nhau về cái chết cũng như cách thức tiến hành tang lễ.





Đoàn Lê (15/4/1943-6/11/2017): Nữ nhà thơ, họa sĩ Hải Phòng. Nhân vật “chị” trong bài thơ Chị tôi (Đoàn Thị Tảo) được phổ nhạc nổi tiếng cuối thập niên 1990.
 




Lê Hữu Mục (24/11/1925-8/11/2017): giáo sư văn học VNCH, người Ninh Bình. Có bằng tiến sĩ văn chương ở ĐH Sài Gòn năm 1970. Từ 1952 đến 1975 giảng dạy văn học ở trường Quốc học Huế, ĐH Huế, ĐH Sài Gòn và nhiều trường đại học khác ở miền Nam, nghiên cứu Hán-Nôm, từng là GĐ Viện Nghiên cứu Hán-Nôm thuộc ĐH Sài Gòn, chủ bút tập san Hán-Nôm, soạn sách giáo khoa, có nhiều công trình dịch thuật và biên khảo. Sau 75 định cư ở Canada, tiếp tục nghiên cứu-biên khảo Hán-Nôm, năm 1988 đưa ra ý kiến Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký. Qua đời ở Canada.

 

Nguyễn Hoàng (1967-17/11/2017): Diễn viên điện ảnh người Long An, từng là phóng viên thể thao báo Long An trước khi theo nghiệp điện ảnh từ 1991.

 

(Nguyễn Thị) Ngọc Hương (1942-30/11/2017): Nghệ sĩ cải lương người Bến Tre, vợ soạn giả Thu An. Từng là đào chánh của đoàn đại bang Kim Chưởng, đoạt HCV Giải Thanh Tâm năm 1962 với vai Châu Bích Lệ trong vở Ảo ảnh Châu Bích Lệ. Sau 75 tiếp tục hát cải lương ở TPHCM, có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào 1993. Sống ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ từ 2016.





Đặng Hoàng Xa (?-12/2017): Nhà nghiên cứu người Hà Nội, có bằng thạc sĩ tin học ĐH San Francisco (Mỹ) và làm việc ở thung lũng Silicon. Tham gia nghiên cứu về dân tộc Do Thái và nước Israel, viết sách về Israel in ở trong nước. Ngoài ra còn viết sách về Tây Tạng.
 




Lê Thị Hiệp (1971?-19/12/2017): Nữ diễn viên nghiệp dư Mỹ gốc Việt. Bà sinh năm 1969 hoặc 1971 ở Đà Nẵng theo một số tài liệu khác nhau, di tản sang Hongkong từ 1978 rồi định cư ở Mỹ. Năm 1993 bà đóng vai chính (người Việt Nam) trong bộ phim Heaven & Earth của đạo diễn danh tiếng Oliver Stone, từ đó được mời tham gia nhiều bộ phim khác, vào vai những phụ nữ Việt Nam hoặc châu Á, được đánh giá là tuy nghiệp dư nhưng diễn xuất đạt yêu cầu. Ngoài đóng phim còn mở nhà hàng ăn uống.

 

Trần Quang Thuận (2/7/1930-28/12/2017): Giáo sư, cư sĩ Phật giáo (pháp danh Tâm Đức), cựu chính khách VNCH. Từng là 1 sa di trẻ, đệ tử của thầy Thích Đôn Hậu ở chùa Linh Mụ, sau nghiên cứu Phật học ở Sri Lanka, rồi lấy bằng tiến sĩ ở Anh (1959). Về nước, hoàn tục nhưng tích cực ủng hộ các cuộc vận động Phật giáo ở miền nam, trong sự biến 1963 ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc ở Thủ Đức nhưng vợ ông đã cho mượn ô tô để chở Thích Quảng Đức đến nơi tự thiêu. Khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, tham chính, từng giữ chức Tổng trưởng Xã hội (64), sau làm thượng nghị sĩ VNCH. Sau 75 đi Mỹ tích cực hoạt động trong các phong trào Phật giáo ở Mỹ, làm chủ tịch Hội đồng điều hành Hội Ái hữu Phật giáo VN tại Mỹ, TTK Hội đồng điều hành Tổng hội Phật giáo VN tại Mỹ, giám đốc Trung tâm Học liệu Phật giáo ở California, cộng tác với nhiều báo chí Phật giáo VN ở hải ngoại. Viết nhiều sách về Phật giáo ở các nước như Phật giáo Nga, Phật giáo Mỹ, Phật giáo Trung Hoa thời Mao Trạch Đông…

 

Lý Đại Nguyên (14/4/1930-30/12/2017): Nhà báo, nhà bình luận chính trị VNCH, Phật tử. Người miền bắc, năm 1952 từ bỏ cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo, hoạt động chính trị trong phong trào quốc gia, tham gia Mặt trận Dân chủ (gồm 4 đảng VN Quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia xã hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Đại Việt duy dân) từ 1953, đấu tranh đòi dân chủ chống chế độ Ngô Đình Diệm, từng bị bỏ tù. Xuất bản nhật báo Tin Sáng (63-64), tuần báo Dân chủ (68), nhật báo Sóng Thần (72-74), thường đối lập với các chính quyền quân sự, chống tham nhũng, cảnh báo Mỹ sa lầy ở VN nếu không biết tới dân tộc và dân chúng VN, đòi hoàn thiện hơn các thiết chế dân chủ để chống CS hữu hiệu. Sau 75 đi tù CS 10 năm, từ 1995 định cư ở Mỹ. Năm 2000 xuất bản cuốn Tổng thức vận, viết từ 1962, tập hợp các tư tưởng đông tây kim cổ để đề ra 1 hướng đi cho dân tộc VN. Qua đời ở Mỹ.

Những người qua đời năm 2017 (2)


Johnson, Spencer (24/11/1938-3/7/2017): Tác giả Mỹ, tiến sĩ tâm lý, tác giả nhiều đầu sách bán chạy dạy kỹ năng sống, khám phá bản thân, trong đó có cuốn Who Moved My Cheese? (1998) bán rất chạy (đã được dịch ra tiếng Việt).

 

Granin, Daniil (Грaнин, Даниил) (1/1/1919-4/7/2017): Nhà văn Liên Xô và Nga, từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc (một số chi tiết trong tiểu sử Granin thời kỳ này do tác giả tự kể bị nhà nghiên cứu M.Zolotonosov bác bỏ). Viết nhiều tiểu thuyết về cuộc đấu tranh của các nhà khoa học chân chính với những kẻ bất tài, cơ hội, quan liêu. Có nhiều danh hiệu, giải thưởng. Thời cải tổ ủng hộ phe cấp tiến, ký bức thư của 42 nhà văn hóa năm 1993 đòi TT Yeltsin giải tán QH bảo thủ.

 

Glazunov, Ilya (Глазунов, Илья) (10/6/1930-9/7/2017): Họa sĩ Nga, vẽ nhiều tác phẩm về đề tài tôn giáo-lịch sử. Có quan điểm thân Nhà thờ và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, tích cực đấu tranh từ thập niên 70 bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử, thù địch với nền dân chủ phương Tây. Người sáng lập Viện Hàn lâm Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc Nga. Đã nhận nhiều giải thưởng và danh hiệu của chính quyền Liên Xô và Nga.

 

Miansarova, Tamara (Миансарова, Тамара) (5/3/1931-12/7/2017): Nữ ca sĩ nhạc nhẹ Liên Xô, sinh ở Ukraina, mất ở Nga, có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân Nga vào 1996. Nổi tiếng từ 1962 nhờ biểu diễn thành công bài hát “Пусть всегда будет солнце” (Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng) tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới ở Helsinki và ở Liên hoan ca nhạc Sopot (Ba Lan). Đặc biệt được yêu thích ở nước Ba Lan XHCN, nơi bà quay lại làm giám khảo Liên hoan Sopot vào 1988.

 

Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo, 晓波) (28/12/1955-13/7/2017): Nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà đấu tranh nhân quyền, tù nhân lương tâm Trung Quốc được giải Nobel Hòa bình. Là 1 nhà phê bình văn học nổi tiếng thường giảng dạy ở các trường đại học ngoài nước, năm 1989 ông tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên ở Thiên An Môn và bị bỏ tù. Tổng cộng ông ngồi tù 4 lần (89-91, 95-96, 96-99, 2009-2017) vì những hoạt động đòi dân chủ nên được coi là Nelson Mandela của TQ. Từng là chủ tịch Trung tâm Văn bút độc lập Trung Hoa (2003-2007), chủ bút tờ Dân chủ (giữa thập niên 90), ký Hiến chương 08 đòi dân chủ. Năm 2010 khi Lưu đang ngồi tù lần thứ 4 (bị tuyên án 11 năm tù-số ngày ngồi tù tương đương số chữ trong Hiến chương 08) ông được trao giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh lâu dài và phi bạo lực đòi những quyền con người cơ bản cho Trung Quốc. Lưu trở thành công dân TQ ở trong nước đầu tiên đoạt giải Nobel nhưng chính quyền không cho gia đình ông xuất cảnh nhận giải và lễ trao giải đã bày 1 cái ghế trống mang tính biểu tượng. Gần 1 tháng trước khi qua đời ông được chính quyền TQ đưa vào bệnh viện vì sức khỏe quá suy yếu. 1 tác phẩm phê bình xã hội TQ được dịch và bán công khai ở VN đứng tên tác giả là Vương Sóc và Lão Hiệp thì có tin Lão Hiệp-đồng tác giả ẩn danh chính là 1 bút danh khác của Lưu Hiểu Ba.

 

Mirzakhani, Maryam (3/5/1977-14/7/2017): Nhà toán học nữ người Iran, 2 lần HCV Olympic toán quốc tế (94, 95), giáo sư toán ĐH Stanford, Mỹ. Bà là phụ nữ đầu tiên và người Iran đầu tiên đoạt giải Fields (giải thưởng toán học danh giá nhất dành cho người trẻ) vào 2014 vì những công trình liên quan đến topo, hình học, mặt phẳng Riemann (Riemann surfaces) .

 

Bennington, Chester (20/3/1976-20/7/2017): Ca sĩ chính ban nhạc nu-metal Mỹ Linkin Park từ 1999, ban nhạc hàng đầu về kết hợp rap với heavy metal đã bán hơn 65 triệu đĩa, nổi tiếng trên toàn thế giới (trong đó có VN). Treo cổ tự tử.

 

Campbell, Glen (22/4/1936-8/8/2017): Ngôi sao nhạc country Mỹ có hàng loạt hit trong các thập niên 1960-1970, thành công cả về thương mại và nghệ thuật, được trao giải Grammy Thành tựu trọn đời vào 2012. Ca khúc đỉnh cao của ông là bài Rhinestone Cowboy (1975).

 

Hata, Tsutomu (24/8/1935-28/8/2017): Thủ tướng thứ 51 của Nhật Bản (1994). Năm 1993 ông rời đảng Tự do Dân chủ-LDP (đảng cầm quyền liên tục ở Nhật sau Thế chiến II) để lập đảng Hồi sinh Nhật Bản, tham gia chính phủ liên hiệp phi LDP đầu tiên của Hosokawa trên cương vị ngoại trưởng (cuối 93), sau khi Hosokawa từ chức, liên minh cầm quyền bầu ông làm thủ tướng vào 4/94. Nhưng sau 9 tuần ông đã phải từ chức khi đảng Xã hội Dân chủ rời bỏ liên minh.

 

Becker, Walter (20/2/1950-3/9/2017): 1 trong 2 thành viên chủ chốt của ban nhạc jazz-rock Mỹ nổi tiếng thập niên 1970 Steely Dan, chơi guitar, bass và là đồng tác giả những ca khúc chính của ban nhạc từng đoạt 4 giải Grammy vào năm 2001.

 

Bergé, Pierre (14/11/1930-8/9/2017): Doanh nhân Pháp, bạn tình của nhà thiết kế thời trang đồng tính luyến ái Yves Saint Laurent và đồng sáng lập nhãn hiệu thời trang lừng danh mang tên nhà thiết kế này.

 

Williams, Don (27/5/1939-8/9/2017): Ngôi sao nhạc country Mỹ nổi tiếng từ đầu thập niên 1970, với chất giọng trầm ấm từng được mệnh danh Người khổng lồ dịu dàng của nhạc country.

 

Kharitonov, Leonid (Харитонов, Леонид) (18/9/1933-19/9/2017): Ca sĩ giọng bass-baritone người Nga được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Nga. Từng (1953-1972) là thành viên dàn đồng ca quân đội mang tên Aleksandrov. Được biết đến ở phương Tây từ 1965 nhờ video “Bài hát người lái thuyền sông Volga”. Thường hát dân ca, các ca khúc thính phòng, các bản aria (tuy chưa bao giờ diễn xuất trong các vở opera).

 

Bettencourt, Liliane (21/10/1922-21/9/2017): Nữ doanh nhân Pháp, cổ đông lớn của hãng mỹ phẩm lừng danh L’Oréal. Tại thời điểm qua đời, bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính 44.3 tỷ USD.

 

Akef, Mohammed Mahdi (12/7/1928-22/9/2017): Thủ lĩnh phong trào cực đoan “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập từ 2004 đến 2010. Bị bỏ tù và tịch biên tài sản từ sau cuộc đảo chính quân sự 2013.

 

Hefner, Hugh (9/4/1926-27/9/2017): Doanh nhân Mỹ hoạt động trong ngành xuất bản. Sáng lập và là chủ biên tạp chí ăn chơi nổi tiếng Playboy từ 1953. Ủng hộ giải phóng tình dục và tự do biểu đạt.

 

Voevodsky, Vladimir (Воеводский, Владимир) (4/6/1966-30/9/2017): Nhà toán học người Nga sau này có bằng tiến sĩ ở ĐH Harvard, giảng dạy ở Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ. Ông có nhiều nghiên cứu về lý thuyết đồng luân cho đa tạp đại số, hình học đại số và topo đại số, đoạt giải Fields năm 2002.

 

Otellini, Paul (12/10/1950-2/10/2017): Doanh nhân Mỹ, từng giữ chức CEO của tập đoàn công nghệ khổng lồ Intel (nơi ông gắn bó từ 1974) từ 2005 đến 2013. Giai đoạn này ông thuyết phục Apple chuyển sang sử dụng vi mạch của Intel, tiến hành cuộc tinh giản biên chế lớn nhất trong lịch sử Intel khi cho nghỉ việc 10,500 lao động (10% nhân lực của tập đoàn) năm 2006 và lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Trung Quốc.

 

Petty, Tom (20/10/1950-2/10/2017): Ca-nhạc sĩ, nghệ sĩ đa nhạc cụ rock Mỹ, thủ lĩnh ban nhạc Tom Petty and the Heartbreakers từ 1976, 1 nghệ sĩ bán chạy được ghi tên ở Rock and Roll Hall of Fame.

 

Talabani, Jalal (1933-3/10/2017): Chính khách Iraq người dân tộc Kurd, đứng đầu Liên minh Ái quốc Kurdistan (PUK), đấu tranh cho quyền của người Kurd suốt 50 năm. Thành viên chính phủ liên hiệp lâm thời Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, đến 2006 trở thành tổng thống đầu tiên của Iraq không phải người Arab, giữ chức vụ này đến 2014.

 

Calderón, Armando (24/6/1948-9/10/2017): Tổng thống dân cử đầu tiên của El Salvador sau 12 năm nội chiến, giữ cương vị này từ 1994 đến 1999.

 

Domino, Fats (26/2/1928-24/10/2017): Ca-nhạc sĩ, nghệ sĩ piano người Mỹ da màu, 1 trong những người tiên phong của rock’n’roll thập niên 1950. Rất nổi tiếng với bài Blueberry Hill- 1 bài từng được tổng thống Nga Putin hát trước công chúng.

 

Biswas, Abdur Rahman (1/9/1926-3/11/2017): Tổng thống thứ 11 của Bangladesh, nắm quyền từ 1991 đến 1996-giai đoạn nước này có nhiều xung đột chính trị bạo lực. Khi Bangladesh còn nằm trong thành phần Pakistan, ông từng là đại diện của Pakistan tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

 

Knight, Robert (24/4/1945-5/11/2017): Ca sĩ R&B người Mỹ da đen, nổi tiếng từ đầu thập niên 1960. Rất thành công với ca khúc Everlasting Love (67) từng được nhiều ngôi sao thế hệ sau cover lại.

 

Schäfer, Hans (19/10/1927-7/11/2017): Cầu thủ bóng đá CHLB Đức đá vị trí tiền vệ trái. Đá cho CLB FC Köln từ 1948 đến 1965 và cho đội tuyển CHLB Đức, tham gia 3 VCK World Cup 1954, 1958, 1962. Ghi 4 bàn cho đội Đức ở World Cup 54-năm đó CHLB Đức giành chức vô địch.

 

Weber, Josip (16/11/1964-8/11/2017): Tiền đạo bóng đá người Croatia, từng khoác áo đội tuyển Croatia đá giao hữu với Úc năm 1992. Do có ông nội gốc Bỉ nên được gọi vào đội tuyển Bỉ, ghi 5 bàn trong trận đấu giao hữu đầu tiên khoác áo đội Bỉ trước Zambia, tham gia đầy đủ các trận đấu của Bỉ tại VCK World Cup 1994 nhưng không ghi được bàn thắng nào (Bỉ bị loại ở vòng 1/16).

 

Zadornov, Mikhail (Задорнов, Михаил) (21/7/1948-10/11/2017): Nhà văn hài hước Liên Xô, sinh ở Latvia, mất ở Nga, từng tốt nghiệp ĐH Hàng không Moskva trước khi theo nghiệp viết.

 

Young, Malcolm (6/1/1953-18/11/2017): Cây guitar nhạc heavy metal người Úc gốc Scotland, thành viên trụ cột ban nhạc heavy metal hàng đầu của Úc và thế giới AC/DC-1 ban nhạc đến nay chưa thèm chơi 1 bản ballad nào.

 

Cassidy, David (12/4/1950-21/11/2017): Ca-nhạc sĩ, cây guitar pop Mỹ thập niên 1970.

 

Hvorostovsky, Dmitri (Хворостовский, Дмитрий) (16/10/1962-22/11/2017): Ca sĩ opera người Nga giọng nam trung (baritone), được mệnh danh con hổ vùng Siberia. Nổi tiếng thế giới từ 1989 sau khi chiến thắng 1 cuộc thi ở Cardiff (xứ Wales), ngoài hát opera còn hát nhiều ca khúc dân gian Nga và nhạc nhẹ Liên Xô cũ. Qua đời ở Anh nơi ông sống những năm cuối đời.

 

Saleh, Ali Abdullah (21/3/1947-4/12/2017): chỉ huy quân sự Yemen trở thành tổng thống CH Arab Yemen (Bắc Yemen) năm 1978 sau khi tổng thống Ahmad al-Ghashmi bị ám sát. Tổng thống nước Yemen thống nhất từ 1990, thực hiện chính sách thân Mỹ và phương Tây, hợp tác với Mỹ chống khủng bố nhưng bị tố cáo tham nhũng và Yemen dưới thời ông là nước Arab nghèo nhất. Bị lật đổ trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” 2012. Bắt tay với phong trào cực đoan Houthis tiến hành nội chiến Yemen, chiếm được thủ đô Sanaa vào 9/2014 buộc tổng thống Hadi phải trốn ra nước ngoài, đánh nhau với liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. 12/2017 Saleh từ bỏ liên minh với Houthis, bắt tay với những kẻ thù cũ là Saudi Arabia, UAE và tổng thống Hadi. Bị Houthis kết tội phản bội và bị các tay súng bắn tỉa của quân Houthis sát hại.

 

Hallyday, Johnny (15/6/1943-6/12/2017): Rocker Pháp có sự nghiệp ca hát đỉnh cao kéo dài hơn 50 năm, được mệnh danh Elvis Presley của nước Pháp. Bán được hơn 110 triệu đĩa ở các nước nói tiếng Pháp, ghi gần 80 album, hát hơn 1000 bài, song ca với gần 200 ca sĩ khác, ông được coi là ngôi sao ca nhạc số 1 trong giới hát tiếng Pháp, nhưng lại ít được biết tới ở Anh và Mỹ.

 

Mihai I (25/10/1921-5/12/2017): Nhà vua cuối cùng của Rumani, từng 2 lần trị vì đất nước (1927-1930, 1940-1947). Bị buộc phải thoái vị sau khi CS nắm quyền, sống lưu vong, tài sản bị tịch biên và bị tước quốc tịch. Về thăm quê hương vào 1992 sau khi nhà độc tài Ceaușescu đã bị lật đổ nhưng việc hàng triệu người chào đón ông khiến tổng thống Iliescu lo ngại và ông không được phép nhập cảnh thêm lần nào nữa. Mãi đến khi tổng thống mới Constantinescu nắm quyền vào 1997, 1 năm sau ông được phục hồi quốc tịch Rumani, được phép về thăm quê hương và được trả lại một số tài sản cũ. Qua đời ở Thụy Sĩ.

 

Jenkins, Charles (18/2/1940-11/12/2017): quân nhân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, đào ngũ và chạy trốn sang Bắc Triều tiên năm 1967, bị “cải tạo” khổ sở trong vòng 7 năm để được nhồi sọ tư tưởng “chủ thể” của chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), sau trở thành giáo viên tiếng Anh ở ĐH Ngoại ngữ Bình Nhưỡng, đóng vai tây trong 1 bộ phim Bắc Triều tiên. Năm 1980 được “giới thiệu” với 1 nữ y tá người Nhật (Bắc Triều tiên bắt cóc để dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho các điệp viên của họ) và cưới cô này. Năm 2002, lãnh tụ BTT Kim Chính Nhật (Kim Song-il) thừa nhận có vụ bắt cóc và sau nhiều tranh cãi ngoại giao, đến 2004 vợ chồng Jenkins được phép trở về Nhật. Jenkins chịu án phạt giam ngắn ngày vì tội đào ngũ, sau đó sống ở Sado (Nhật) cùng vợ, kể lại những tháng ngày ở Bắc Triều tiên-hậu quả của những suy nghĩ mà ông nhận là bồng bột và sai lầm thời trẻ.

 

Roginsky, Arseny (Рогинский, Арсeний) (30/3/1946-18/12/2017): nhân vật bất đồng chính kiến thời Liên Xô, nhà sử học Nga. Từ 1975 đến 1981 là biên tập viên tạp chí in lậu (samizdat) Memory (được xuất bản ở ngoài nước Nga từ 1978), viết về những đề tài lịch sử cấm kỵ, bị bỏ tù vào 1981 sau khi từ chối gợi ý của chính phủ Liên Xô cho sống lưu vong. Được trả tự do vào thời cải tổ (1985), tham gia thành lập phong trào dân sự Memorial đấu tranh nhân quyền từ 1988, trở thành chủ tịch tổ chức này từ 1998. Nhận nhiều danh hiệu cao quý của những nước nạn nhân cũ của Nga Xô như Estonia hay Ba Lan, được Ba Lan yêu thích vì tham gia bạch hóa vụ Hồng quân Liên Xô thảm sát người Ba Lan ở Katyn.

 

Kim Jong-hyun (8/4/1990-18/12/2017): Ngôi sao nhạc nhẹ Hàn Quốc (K-pop) được biết đến ở VN, thành viên nhóm nhạc Shinee hoạt động từ 2008. Tự tử trong 1 căn hộ ở Seoul.

 

Shainsky, Vladimir (Шаинский, Владимир) (12/12/1925-25/12/2017): Nhạc sĩ Liên Xô, người Nga gốc Do Thái (sau này có thêm quốc tịch Israel) sinh ở Ukraina, cuối đời sống đồng thời ở Nga và Mỹ, qua đời ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Moskva ông trở thành nhạc công violin nhưng sau đó học thêm về sáng tác ở Nhạc viện Baku, sáng tác nhiều thể loại từ nhạc thính phòng đến ca khúc đại chúng, nhưng nổi tiếng thế giới chủ yếu trong vai trò tác giả các ca khúc thiếu nhi, thường được viết cho phim hoạt hình. Ông có 3 ca khúc rất được trẻ em Việt Nam thập niên 1980 yêu thích là Nụ cười (Улыбка), Ở trường cô dạy em thế (Чему учат в школе) và Bài hát sinh nhật cá sấu Gena (Песенка крокодила Гены)

 

Những người qua đời năm 2017 (1)


Atkinson, Tony (4/9/1944-1/1/2017): Nhà kinh tế học người Anh được phong tước hiệu sir, chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng và nghèo đói trong vòng 4 thập kỷ, có nhiều công trình viết chung với Stiglitz.

 

Vương Trạch (Alfonso Wong-王澤) (27/5/1923-1/1/2017): Tác giả truyện tranh người Hoa, sinh ở Thiên Tân, tốt nghiệp Hội họa phương Đông năm 1944, di cư đến Hongkong từ 1960, nổi tiếng với bộ truyện tranh hài hước châm biếm Chú Thoòng (Lão phu tử) từ 1962, ảnh hưởng khắp Hongkong, sau này lan đến Trung Quốc và Đông Nam Á. Sống ở Mỹ từ 1974, ngừng sáng tác từ thập niên 80.

 

Soares, Mário (7/12/1924-7/1/2017): Chính khách Bồ Đào Nha thuộc đảng Xã hội (cánh tả), từng giữ chức thủ tướng từ 1976-1978 và 1983-1985, tổng thống thứ 17 của Bồ Đào Nha từ 1986-1996.

 

Mancham, James (11/8/1939-8/1/2017): Tổng thống đầu tiên của Seychelles (1976-1977), người thành lập Đảng Dân chủ Seychelles. Sau khi bị lật đổ trong 1 cuộc đảo chính, sống ở Anh đến 1992. Sau đó hồi hương, 2 lần ra tranh cử tổng thống nhưng đều thất bại.

 

Rafsanjani, Akbar Hashemi (25/8/1934-8/1/2017): Trợ thủ đắc lực của giáo chủ Khomeini trong cuộc cách mạng Hồi giáo Iran, chủ tịch QH từ 1980-1989 và trên thực tế là tổng chỉ huy quân đội Iran trong chiến tranh với Iraq. Sau cuộc bầu cử 1989, trở thành tổng thống Iran từ 1989 đến 1997. Trong đội ngũ lãnh đạo bảo thủ Iran, Rafsanjani được coi là có xu hướng thực dụng, ủng hộ thị trường tự do và cố gắng giảm mức độ đối đầu với phương Tây.

 

Herzog, Roman (5/4/1934-10/1/2016): Chính khách, luật gia Đức, thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), ông là tổng thống đầu tiên được QH Đức thống nhất bầu chọn và giữ cương vị tổng thống từ 1994 đến 1999.

 

Chu Hữu Quang (Zhou Youguang, 周有光) (13/1/1906-14/1/2017): nhà ngôn ngữ Trung Quốc, cha đẻ của Bính âm Hán ngữ (pinyin). Có thời gian du học ở Nhật Bản, sau khi về nước làm việc trong ngành ngân hàng và một số cơ quan kinh tế thời chính phủ Dân quốc. Năm 1955, chính phủ CS TQ đưa ông làm chủ tịch Ủy ban cải cách ngôn ngữ TQ để thiết lập quy tắc Latin hóa cách phát âm chữ Hán, sau 3 năm toàn tâm làm công việc này, hệ thống Bính âm Hán ngữ của ông được TQ phê chuẩn năm 1968 (ISO phê chuẩn năm 1982 và LHQ phê chuẩn năm 1986). Phải đi cải tạo lao động một thời gian trong Cách mạng Văn hóa, thập niên 80 tham gia biên soạn từ điển và viết sách về ngữ văn. Có cảm tình với phong trào Thiên an môn nên một số sách của ông viết sau 2000 bị cấm phát hành ở TQ, tuy bản thân ông không bị chế độ CS ngược đãi.

 

Braz, Loalwa (3/6/1953-19/1/2017): Nữ ca sĩ Brazil, giọng ca chính của ban nhạc one hit wonder Kaoma nổi tiếng thế giới năm 1989 với bản Lambada.

 

Wetton, John (12/6/1949-31/1/2017): Ca-nhạc sĩ, cây bass prog-rock Anh quốc, cựu thành viên ban nhạc King Crimson tham gia sáng lập siêu nhóm Asia đầu thập niên 80. Ngoài Asia, Wetton từng chơi cho các ban nhạc nổi tiếng khác như Roxy Music, Uriah Heep và Wisbone Ash.

 

Tshisekedi, Étienne (14/12/1932-1/2/2017): Chính khách Zaire (nay là CHDC Congo), thủ lĩnh Liên minh vì Dân chủ và Tiến bộ Xã hội, nhà đối lập trường kỳ với các chính thể độc tài của Mobutu và Kabila. Tuy nhiên ở những giai đoạn hòa hợp tạm thời, ông 3 lần giữ chức thủ tướng song đều tại vị rất ngắn ngủi, vào các năm 1991, 1992-1993 và 1997.

 

Walkowiak, Roger (2/3/1927-6/2/2017): Tay đua xe đạp Pháp thập niên 1950, từng chiến thắng cuộc đua Tour de France năm 1956.

 

Todorov, Tzvetan (1/3/1939-7/2/2017): Học giả Pháp gốc Bulgaria (sinh ở Bulgaria, mất ở Pháp), nhà sử học, triết học, xã hội học và phê bình văn học theo trường phái cấu trúc luận. Tác giả rất nhiều công trình có ảnh hưởng lớn về lý thuyết văn học, văn hóa và xã hội học, đã có sách được dịch ra tiếng Việt.

 

Chanov, Viktor (Чанов, Віктор) (21/7/1959-8/2/2017): Thủ môn đội bóng Dynamo Kyiv trong thập niên 80. Mặc dù cuối thập niên 80 là giai đoạn thành công của Dynamo Kyiv và đội tuyển bóng đá Liên Xô từng được xây dựng trên bộ khung của Dymano Kyiv song ở đội tuyển Liên Xô, Chanov chỉ là thủ môn dự bị cho Dassaev.

 

Mansfield, Peter (9/10/1933-8/2/2017): Nhà khoa học Anh có tước hiệu sir, giáo sư ĐH Nottingham, được trao giải Nobel Y-sinh năm 2003 (cùng với Paul Lauterbur) vì những nghiên cứu liên quan đến chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging-MRI).

 

Tolstykh, Mikhail (Толстих, Михайло) (19/7/1980-8/2/2017): chỉ huy quân sự phong trào ly khai thân Nga ở Donbass, chống lại CP Ukraina. Chết vì trúng đạn pháo tại Donetsk.

 

Jarreau, Al (12/3/1940-12/2/2017): Ca sĩ jazz, R&B soul người Mỹ da đen, nổi tiếng từ thập niên 1980, đã 7 lần đoạt giải Grammy. Từng tham gia hát bài We Are the World cùng nhiều ngôi sao khác vào năm 1985.

 

Kim Chính Nam (Kim Jong-nam) (10/5/1971-13/2/2017): Con trai cả của cố lãnh đạo Bắc Triều tiên Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) nhưng vì vụ dùng hộ chiếu giả đi Nhật chơi Disneyland năm 2001 nên bị bạc đãi, sau sống lưu vong và đả kích chính quyền của người em trai Kim Chính Ân (Kim Jong-un). Ngày 13/2/2017 ông bị ám sát tại sân bay quốc tế ở Malaysia khi bị 2 thiếu nữ (1 người Indonesia và 1 người VN tên là Đoàn Thị Hương) bịt khăn tẩm thuốc độc vào mặt. Vụ việc đã kéo theo sự đổ vỡ trong quan hệ ngoại giao giữa Bắc Triều tiên và Malaysia và đến nay vẫn chưa xác định được lý do của vụ ám sát. CP VN bị một số người chê trách không quyết liệt bảo vệ quyền lợi công dân nước mình, thậm chí báo chí VN công bố danh tính Đoàn Thị Hương cũng rất chậm so với báo chí thế giới. Phiên tòa xử Đoàn Thị Hương ở Malaysia sẽ còn tiếp tục trong năm 2018.

 

Coryell, Larry (2/4/1943-19/2/2017): Cây guitar nhạc jazz người Mỹ từng được xưng tụng là Bố già của nhạc Fusion. Chơi nhạc từ giữa thập niên 1960 đến khi qua đời. Cùng với John McLaughlin và Paco de Lucia làm thành 1 tam tấu guitar độc đáo chơi fusion và flamenco biểu diễn nhiều nơi, nhưng do tật nghiện ma túy nên sớm bị Al di Meola thay thế.

 

Churkin, Vitaly (Чуркин, Виталий) (21/2/1952-20/2/2017): Nhà ngoại giao kỳ cựu LB Nga xuất thân là 1 nghệ sĩ. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ từ 2006 đến khi qua đời, bảo vệ quyền lợi nước Nga tại diễn đàn này trong giai đoạn khó khăn khi quan hệ Nga-phương Tây đổ vỡ từ sau 2014.

 

Arrow, Ken (23/8/1921-21/2/2017): Nhà kinh tế học người Mỹ, nhận giải Nobel Kinh tế năm 1972 (cùng John Hicks). Là 1 gương mặt nổi bật của trường phái kinh tế tân cổ điển sau Thế chiến II, có nhiều đóng góp về thuyết lựa chọn xã hội, phân tích cân bằng tổng thể, tác giả định luật bất khả Arrow.

 

Karwah, Salomé (1988-21/2/2017):  Nữ y tá Liberia được tạp chí Time bầu chọn làm đồng-Nhân vật của năm vào 2014. Bản thân là 1 bệnh nhân bệnh ebola, bà hoạt động rất tích cực trong các phong trào chống lại dịch bệnh ebola ở Liberia, phối hợp với tổ chức Bác sĩ Không biên giới và các nhà chuyên môn khác, góp phần cứu sống hàng nghìn người.

 

Faddeev, Ludvig (Фаддеев, Людвиг) (23/3/1934-26/2/2017): nhà toán học, nhà vật lý lý thuyết Liên Xô và Nga, tác giả nhiều công trình có giá trị về lý thuyết trường lượng tử (quantum field theory), trong đó có “hệ phương trình Faddeev”.

 

Romero, Carlos Humberto (29/2/1924-27/2/2017): tướng quân đội El Salvador, trở thành tổng thống nước này từ 7/1977 nhưng bị đảo chính quân sự lật đổ vào 10/1979.

 

Kopa, Raymond (13/10/1931-3/3/2017): Cầu thủ bóng đá Pháp đá vị trí tiền vệ, nổi tiếng thập niên 1950. Tên thật Raymond Kopaszewski, sinh ra trong 1 gia đình nhập cư từ Ba Lan. Đá cho đội tuyển Pháp từ 1952 đến 1962, ghi 18 bàn, tham dự 2 VCK World Cup 1954-1958, giúp Pháp đoạt giải 3 năm 58 và nhận danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu. Đá cho Real Madrid (TBN) từ 1956-1959, đoạt 3 cúp châu Âu vào các năm 57, 58, 59.

 

Walcott, Derek (23/1/1930-17/3/2017): Nhà thơ, nhà soạn kịch Saint Lucia nổi tiếng thế giới thế kỷ XX. Ngoài Saint Lucia, ông còn có quốc tịch Trinidad (cả 2 cùng là những đảo quốc ở vịnh Carribbea). Làm thơ đăng báo từ năm 14 tuổi, tác phẩm thành công nhất của ông là trường ca Omeros (1990). Đã nhận nhiều giải thưởng văn học khác nhau, trong đó có giải Nobel văn học năm 1992. Giảng dạy văn học và thi ca tại ĐH Essex từ 2010 đến 2013, từng bị sinh viên nữ tố cáo quấy rối tình dục nhưng dàn xếp cá nhân được và không phải ra tòa.

 

Berry, Chuck (18/10/1926-18/3/2017): huyền thoại rock’n’roll cuối thập niên 1950. Ca-nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar Mỹ da đen, thường chèn các màn guitar solo vào bài hát. Nổi tiếng với phong cách biểu diễn hấp dẫn vừa chơi đàn vừa khom lưng nhảy lò cò như vịt. Các ca khúc nổi bật gồm có Maybeline, Johnny B.Goode, Roll over Beethoven, Rock and Roll Music, trong đó 2 ca khúc cuối sau được Beatles chơi lại.

 

Pingeon, Roger (28/8/1940-19/3/2017): Vđv đua xe đạp chuyên nghiệp Pháp từ 1964 đến 1974, vô địch Tour de France năm 1967.

 

Rockefeller, David (12/6/1915-20/3/2017): Tỷ phú Mỹ, cháu nội tài phiệt John D.Rockefeller huyền thoại. Làm CEO (đến 1980) và chủ tịch (đến 1981) ngân hàng Chase Manhattan Bank từ 1961. Dưới sự lãnh đạo của ông Chase Manhattan Bank trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn nhất thế giới. Rockfeller sẵn sàng bắt tay với các lãnh tụ CS hoặc độc tài nếu đem lại lợi nhuận, nhờ đó Chase Manhattan Bank là ngân hàng Mỹ đầu tiên có chi nhánh ở Liên Xô (1973) và là ngân hàng đại lý đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc ở Mỹ. Năm 1979 ông cùng với Kissinger tham gia thuyết phục Carter chấp nhận cho vua Iran Pahlavi tị nạn chữa bệnh ở Mỹ, kéo theo cuộc khủng hoảng con tin Iran. Sau khi từ chức ở ngân hàng, ông tập trung vào các hoạt động đầu tư của gia đình Rockefeller, giao du với các nguyên thủ, hoạt động văn hóa, từ thiện. Tài sản của ông ở thời điểm qua đời ước tính 3.3 tỷ USD.

 

Yevtushenko, Yevgeny (Евтушенко, Евгений) (18/7/1933-1/4/2017): Nhà thơ Liên Xô nổi tiếng người Nga (Evtushenko là họ mẹ), đứng đầu nhóm các nhà thơ nổi bật thập niên 1960 với những tiết mục đọc thơ trước đám đông hấp dẫn giới trẻ. Làm nhiều thơ chính luận, được chính quyền Liên Xô trọng đãi, mặc dù ông thỉnh thoảng lại gây khó chịu cho chính quyền bằng những bài thơ phản đối Liên Xô đưa quân vào Praha, kiến nghị bảo vệ một số văn sĩ bị trù dập… Ngoài làm thơ còn viết văn, đạo diễn. Tích cực chính trị thời cải tổ, thuộc phe cấp tiến ủng hộ dân chủ. Từ 1991 ký HĐ giảng dạy văn học Nga với ĐH Oklahoma, sống ở Mỹ đến khi qua đời.

 

Huỳnh Dị (Huang Yi-黄易) (15/3/1952-5/4/2017): Tiểu thuyết gia võ hiệp Hongkong, người khai sáng thể loại huyền ảo võ hiệp trong thập niên 1990 khi kết hợp phong cách tiểu thuyết khoa học kiểu Nghê Khuông với tiểu thuyết võ hiệp trường phái Kim Dung với nhau, trong đó 2 tác phẩm nổi bật (đều đã được dựng thành phim) là Tầm Tần Ký và Đại Đường Song Long truyện, được độc giả Đông Á, trong đó có VN, hoan nghênh.

 

Dương Khiết (Jang Jie, ) (7/4/1929-15/4/2017): nữ đạo diễn phim truyền hình Trung Quốc, rất nổi tiếng ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hoa (trong đó có Việt Nam) với bộ phim truyền hình  2 phần Tây Du Ký (phần 1 gồm 25 tập, bắt đầu trình chiếu từ 1986, phần 2 gồm 16 tập, trình chiếu từ 2000), trong đó bộ Tây Du Ký phần 1 được phát đi phát lại hơn 2000 lần trên sóng truyền hình TQ là bộ phim truyền hình thành công nhất trong lịch sử phim ảnh Trung Hoa

 

Contino, Dick (17/1/1930-19/4/2017): Nghệ sĩ đàn accordion Mỹ, nổi tiếng từ 1947 nhờ bản Lady of Spain, lập kỷ lục 48 lần xuất hiện trong chương trình Ed Sullivan show.

 

Oliynyk, Borys (Олійник, Борис) (22/10/1935-30/4/2017): Nhà thơ Liên Xô và Ukraina. Ông cũng là nhà hoạt động chính trị theo xu hướng cộng sản-dân tộc, đại biểu QH Ukraina từ 1992 đến 2006.

 

Aleksin, Anatoly (Алeксин, Анатoлий) (3/8/1924-1/5/2017): Nhà văn Nga gốc Do Thái (họ gốc Goberman), nổi tiếng thời Liên Xô với các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Cuối đời sống ở Israel và Luxembourg.

 

Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen, 钱其) (5/1/1928-9/5/2017): Nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc, giữ chức BT Ngoại giao từ 1988 đến 1998, phó thủ tướng từ 1993 đến 2003. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây sau vụ Thiên An Môn, giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Liên Xô, giải quyết vấn đề Campuchia và thu phục Việt Nam, thu hồi Hongkong và Macau…

 

Halilović, Safet (3/4/1951-10/5/2017): Chính khách Bosnia, tổng thống Liên bang Bosnia và Herzegovina năm 2002.

 

Gorbatko, Viktor (Горбатко, Виктор) (3/12/1934-17/5/2017): Nhà du hành vũ trụ Liên Xô, thiếu tướng quân đội Nga. 7/1980 ông lên vũ trụ cùng Phạm Tuân nên sau này được trao tặng Huân chương HCM của VN và được Hội Hữu nghị VN-LB Nga dựng tượng bán thân trong 1 công viên ở Phan Rang.

 

Cornell, Chris (20/7/1964-18/5/2017): Ca-nhạc sĩ, cây guitar Mỹ được coi là 1 trong những kiến trúc sư trưởng của phong trào nhạc grunge rock ở Seattle từ thập niên 90. Có giọng hát khỏe, thành công đồng thời trong vai trò thủ lĩnh các ban nhạc grunge Soundgarden, Audioslave lẫn hoạt động solo. Tự tử trong thời gian lưu diễn cùng ban nhạc Soundgarden ở Detroit.

 

Brzezinski, Zbigniew (28/3/1928-26/5/2017): Chính khách, nhà ngoại giao Mỹ gốc Ba Lan theo chính sách đối ngoại thực dụng, từng tham chính dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ: tham mưu cho Lyndon Johnson (66-68) và Cố vấn An ninh quốc gia cho Jimmy Carter (77-81). Đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế chính sách ngoại giao cho Carter (tương tự vai trò Kissinger với các tổng thống đảng Cộng hòa). Dưới tác động của ông, Carter đã bình thường hóa và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc (và cắt quan hệ với Đài Loan), ký hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược SALT-2 với Liên Xô nhưng cùng TQ gia tăng đối đầu với Liên Xô, cung cấp vũ khí cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo mujahideen ở Afghanistan để chống lại quân chiếm đóng Liên Xô, thúc đẩy Ai Cập và Israel ký Hiệp ước Hòa bình ở Trại David, nhượng bộ Torrijos trong việc cam kết trao trả kênh đào Panama cho Panama vào 1999. Dưới thời Carter, cựu đồng minh Iran trở thành kẻ thù của nước Mỹ, cách tiếp cận cứng rắn của Brzezinski đã thắng thế giải pháp mềm dẻo của ngoại trưởng Vances. Sau khi rời chính trường, giảng bài tại các trường ĐH, viết sách và đưa ra những nhận định chính trị được nhiều nhà lãnh đạo lắng nghe. Vận động hỗ trợ phong trào dân chủ ở Đông Âu, nhất là ở Ba Lan quê hương (từ thời chiến tranh lạnh đã dự báo sự đổ vỡ quan hệ giữa Nga và Đông Âu cũng như dự báo Liên Xô sẽ tan vỡ thành các quốc gia khác nhau theo tiêu chí dân tộc).

 

Allman, Greg (8/12/1947-27/5/2017): Ca-nhạc sĩ, 1 trong những cây guitar hàng đầu thế giới, thành viên ban nhạc southern rock The Allman Brothers Band nổi tiếng từ cuối thập niên 1960. Từng là chồng của ca sĩ Cher.

 

Noriega, Manuel (11/2/1934-29/5/2017): nhà độc tài quân sự Panama. Từ 1 sĩ quan cấp thấp, theo Torrijos làm đảo chính (1968), thăng tiến dần trong quân ngũ, đến khi Torrijos qua đời (1981) đã thâu tóm quyền lực về tay mình, trở thành nhà độc tài Panama trên thực tế (các tổng thống cùng đảng chỉ là lãnh đạo trên danh nghĩa). Làm việc cho CIA từ thập niên 50 nhưng Noriega đã tỏ ra 2 mang: vừa hỗ trợ Mỹ chống các tập đoàn buôn ma túy, vừa đứng ra buôn ma túy; vừa là đồng minh công khai của Mỹ (giúp Mỹ hỗ trợ phiến quân Nicaragua và chính phủ El Salvador chống lại các lực lượng cánh tả) vừa ngầm tiếp xúc với Cuba. Năm 1989 lấy cớ có sự can thiệp của nước ngoài, Noriega hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập tuyên bố chiến thắng, đối đầu gia tăng và 1 người lính Mỹ ở kênh đào bị sát hại, TT Bush đưa quân Mỹ vào lật đổ, bắt giữ Noriega. Ông bị đưa ra tòa Mỹ năm 1992 xử tội buôn lậu ma túy và rửa tiền, bị tuyên án 30 năm tù sau được giảm án xuống 17 năm, nhưng lần lượt Pháp rồi Panama lại yêu cầu dẫn độ và giam giữ vì tội rửa tiền, qua đời trong khi đang thụ án tù ở Panama.

 

Weigang, Karl-Heinz (24/8/1935-12/6/2017): HLV bóng đá người Đức. HLV đội tuyển VN Cộng hòa (miễn phí) giành được cúp Merdeka ở Malaysia năm 1966, HLV đội Mali giành ngôi á quân châu Phi năm 1972 ở lần đầu tiên tham dự VCK, đưa Malaysia vượt qua vòng loại Olympic 1980 và cúp bóng đá châu Á 1980. Trở lại VN làm HLV năm 1994 sau khi HLV ngoại đầu tiên của VN là Tavares ra đi vì mâu thuẫn với LĐBĐ VN, và ở lần đầu tiên kể từ khi bóng đá VN hội nhập khu vực, đội VN bất ngờ giành HCB tại Sea Games 1995, chỉ thua chủ nhà Thailand ở chung kết. Tuy nhiên những bất hòa giữa ông với LĐBĐ VN được tiết lộ sau đó, và trở nên đặc biệt căng thẳng trước thềm giải vô địch Đông Nam Á, Tiger Cup 1996. Mặc dù vậy Weigang vẫn giúp VN có HCĐ ở giải này, trước khi chính thức ra đi 1 năm sau. Sau khi rời VN, Weigang làm HLV cho một số CLB ở Malaysia một thời gian.

 

Kohl, Helmut (3/4/1930-16/6/2017): Vị thủ tướng vĩ đại của CHLB Đức (Tây Đức từ 1982-1990, nước Đức thống nhất từ 1990-1998), chủ tịch Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (cánh hữu) từ 1973 đến 1998. Khác với người tiền nhiệm cánh tả, tích cực ủng hộ các chính sách cứng rắn của TT Mỹ Reagan làm suy yếu Liên Xô. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất nước Đức và cùng với tổng thống Pháp Mitterand thúc đẩy tiến trình hội nhập châu Âu, soạn thảo Hiệp ước Maastricht về việc thiết lập Liên minh châu Âu và sử dụng đồng tiền chung euro. Ông xúc tiến quá trình mở rộng Liên minh châu Âu về phía đông, công nhận các quốc gia tách ra từ Nam Tư, giải quyết chiến tranh Bosnia. Tiến hành các cải cách kinh tế hỗ trợ Đông Đức hòa nhập sau thống nhất, đưa thủ đô CHLB Đức từ Bonn về Berlin. Ông cũng là người bảo trợ cho nữ chính khách gốc Đông Đức, sau này là thủ tướng Đức Merkel.

 

Veil, Simone (13/7/1927-30/6/2017): Nữ luật gia, chính khách trung hữu Pháp 2 lần làm Bộ trưởng Y tế (74-79, 93-95). Trên cương vị BT Y tế bà đã bảo vệ quyền lợi phụ nữ thông qua việc thúc đẩy hợp pháp hóa việc phá thai năm 1975. Chủ tịch Nghị viện châu Âu từ 1979 đến 1982. Được bầu vào Hàn lâm viện Pháp quốc năm 2008.