Võ
Quý (31/12/1929-10/1/2017): Nhà sinh học, người Hà Tĩnh. Ông được coi là nhà
điểu học hàng đầu của VN, có học vị tiến sĩ và hàm giáo sư, danh hiệu nhà giáo
nhân dân. Tích cực nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường, nhận nhiều giải
thưởng quốc tế về bảo vệ môi trường như HCV về thành tích bảo vệ động
vật hoang dã và xây dựng khu bảo vệ thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc
tế (WWF) trao tặng
(1988), bằng danh dự Chương trình Môi trường của LHQ (92), giải thưởng Hành
tinh Xanh (trị giá 50 triệu JPY) do Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên-IUCN
trao tặng (2003).
Ca Lê Thuần (1/4/1938-20/1/2017):
Nhạc sĩ nhạc đỏ người Bến Tre (anh trai nhà thơ Lê Anh Xuân), sáng tác giao
hưởng-thính phòng, hợp xướng, quan chức văn nghệ CS VN từng là đại biểu QH, chủ
tịch Hội Âm nhạc TPHCM, GĐ Nhạc viện TPHCM tới khi nghỉ hưu.
Đinh Xuân Lâm (4/2/1925-25/1/2017):
Giáo sư sử học, người Thanh Hóa, chuyên về sử cận đại-hiện đại. Được coi là 1
trong tứ trụ sử học
VN CS (cùng Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), giữ nhiều cương vị quản
lý trong giới sử đỏ.
Phạm
Hoàng Hộ (27/7/1929-29/1/2017): Giáo sư thực vật học VN, người
Cần Thơ. Tu nghiệp ở Pháp từ 1946, lấy bằng Thạc sĩ Vạn vận học năm 1956 tại ĐH
Sorbonne-Paris, 1957 về nước làm Giám đốc Hải học viện Nha Trang, nghiên cứu về
rong biển và đệ trình luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ĐH Sorbonne.
Năm 1962 làm khoa trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn, nhưng đến
63 từ chức để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm. Trở thành
Tổng trưởng Giáo dục trong nội các Nguyễn Ngọc Thơ sau đảo chính 11/63 nhưng sớm
rời chính trường sau khi nội các này bị giải tán trong cuộc chỉnh lý của tướng
Nguyễn Khánh. Vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ 1966 và trở thành Viện
trưởng đầu tiên của trường này đến 1970. Sau 75 ở lại TPHCM giảng dạy và nghiên
cứu thực vật, đến 1984 được CP Pháp mời sang làm giáo sư thính giảng, quyết định
ở lại Pháp rồi định cư ở Canada, hoàn thành tại ngoại quốc những công trình đồ
sộ nghiên cứu cây cỏ miền nam VN và VN, một số cuốn được NXB Trẻ ở TPHCM in lại.
Qua đời ở Canada.
Hoàng
Dương (12/10/1933-30/1/2017): Nhạc sĩ, nghệ sĩ cello, nhà giáo dạy chơi cello,
nhà phê bình lý luận âm nhạc. Người Hà Nội, con nhà khảo cứu Trúc Khê. Chủ yếu
sáng tác khí nhạc song ông có 1 ca khúc rất nổi tiếng là Hướng về Hà Nội viết
năm 15 tuổi.
Nguyễn Cảnh Toàn (28/9/1926-8/2/2017): nhà toán học
người Nghệ An, dạy toán ở khu 4 thời kháng chiến chống Pháp, sau chuyển lên dạy
đại học ở Khu học xá TW (Nam Ninh) rồi ĐH Tổng hợp, thuộc lứa 9 cán bộ giảng dạy
đại học đầu tiên sang Liên Xô học nghiên cứu sinh, chuyên sâu vào môn hình học
xạ ảnh (mà ông gọi là hình học siêu phi Euclid), lấy bằng PTS rồi TS. Về nước
trở thành nhà toán học đầu ngành, làm đến Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội, thứ trưởng Bộ
Giáo dục, phó chủ tịch Hội Toán học VN, TBT tạp chí Toán học và Tuổi trẻ hơn 40
năm. Là người đề xuất chủ trương đào tạo PTS và TS trong nước để tiết kiệm kinh
phí, đề xuất phong trào dạy tốt-học tốt tại các khoa trường ĐHSP Hà Nội cuối thập
niên 1960. Viết và dịch (từ tiếng Nga) một số giáo trình toán học, sách về giáo
dục, phương pháp dạy-học. Bên cạnh khá nhiều giải thưởng do chính quyền CS VN
trao tặng, ông còn nhận làm phó TGĐ Trung tâm tiểu sử quốc tế (IBC) của Anh
(96) để lấy bằng “danh dự vẻ vang” của Trung tâm này và có tên trong một số bảng
phong thần (danh nhân thế giới, 114 trí tuệ lớn nhất thế giới thế kỷ 21, danh
hiệu viện sĩ...) của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI) trong các năm 98, 2001, 2004…
nhưng cả IBC và ABI đều bị coi là những công ty chuyên bán danh khiến Nguyễn Cảnh
Toàn bị mang tiếng là bỏ tiền mua danh hão.
Đồng Thị Bích Thủy (10/12/1954-9/2/2017): Chuyên
gia công nghệ thông tin người Thừa Thiên-Huế.
Tốt
nghiệp ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) ngành quản trị kinh doanh, lấy bằng Tiến sĩ tin học-quản
lý tại ĐH Geneva năm 1986, bà giảng dạy tin học tại ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM
từ 1986, từng giữ chức GĐ Trung tâm tin học, phó hiệu trưởng trường này, đại biểu
QH khóa X (97-2002), có đóng góp cho sự phát triển CNTT ở Việt Nam. Bà còn quan
tâm đến đổi mới phương pháp dạy-học bậc đại học, lập Trung tâm CEE trực thuộc
trường để hỗ trợ giảng viên và sinh viên đổi mới phương pháp, hợp tác với các
chuyên gia thuộc dự án Fulbright và tham gia nhiều diễn đàn trao đổi khoa học
quốc tế.
Nguyễn
Ngọc Lạc (1930-11/2/2017): Đại tá quân khí quân đội CSVN, người
Hà Nam. Học quân khí tại Trung Quốc, tự học tiếng Nga để đọc thêm tài liệu của
Liên Xô, ông được coi là người có công chính trong việc cải tiến loại radar
K860 do Trung Quốc sản xuất dùng cho pháo cao xạ tầm trung 57mm (lạc hậu vào thời
điểm 1972) nhằm hỗ trợ cho hệ thống SAM-2 có thể vượt qua các biện pháp gây nhiễu
tấn công trực tiếp vào đội hình B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ
Hà Nội. Kỹ sư quân khí, về hưu với chức trưởng phòng Ra-đa Tên lửa, Cục quân
khí. Có một số huân huy chương, nhưng không được phong tặng danh hiệu “Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân” do một số “bí mật quân sự và đối ngoại”.
Lê Mộng Hoàng (1929-23/2/2017): Đạo diễn điện ảnh
VNCH, người Huế, anh trai nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Từng du học Pháp, tốt nghiệp
trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau đó học cao học về điện ảnh tại Paris. Về nước
nổi tiếng ngay với phim Bụi đời (dựa theo tác phẩm Những hòn sỏi của Võ Đình Cường)
năm 1957. Năm 1970 đạo diễn phim Vàng đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh
Á Châu lần 17 ở Đài Loan. Sau 75 tiếp tục ở lại Sài Gòn, thời đổi mới làm một số
phim mì ăn liền như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Ngôi nhà oan khốc…
mang lại vinh quang cho lứa nghệ sĩ Lý Hùng, Việt Trinh…
Nguyễn Quang Thân (1936-4/3/2017): Nhà văn CS VN nhiều năm sống
ở Hải Phòng (đến 1996), trước đổi mới từng gây dư luận với truyện ngắn “Người
không đi cùng chuyến tàu” (có tình tiết hành khách đề nghị “thay người lái
tàu”). 1985 đoạt giải chính thức văn học cho thiếu nhi của HNV VN với cuốn “Chú
bé có tài mở khóa”. Thời đổi mới từng được khen ngợi với truyện ngắn “Vũ điệu
cái bô” nói về thân phận trí thức thời buổi nhố nhăng. Tiểu thuyết “Hội thề”
đối lập những trí thức chủ hòa (Nguyễn Trãi) trong phong trào Lam Sơn với phe
võ biền chủ chiến (Lê Sát) đọa giải A cuộc thi viết tiểu thuyết 2006-2009 của
Hội Nhà văn lại bị Trần Mạnh Hảo coi là xuyên tạc lịch sử. Tham gia vận động
thành lập Văn đoàn Độc lập. Chồng sau của nhà văn Dạ Ngân.
(Nguyễn Phúc) Bảo Thắng (30/9/1945-15/3/2017): Con
trai út của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, sinh ở Đà Lạt, chết ở Pháp.
Đứng đầu hoàng tộc nhà Nguyễn từ 2007 sau khi thái tử Bảo Long qua đời.
Phạm Tú Châu (20/9/1935-23/3/2017): Nữ PGS-TS, sinh ở Thái Bình,
học phiên dịch tiếng Trung ở TQ thập niên 1950, dịch thuật cho Tiểu ban Giáo
dục và Ban Văn giáo TW Đảng, làm việc tại Viện Văn học VN từ 1949 đến 1999:
dịch và nghiên cứu văn học TQ (cổ-kim), nghiên cứu văn học VN cổ-cận đại (chữ
Hán). Từng giữ chức phó Ban Văn học VN cận đại ở Viện văn học, phó giám đốc
Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Tham gia dịch bộ thơ-văn Lý-Trần, được khen ngợi
với dịch phẩm Gót sen ba tấc (Phùng Ký Tài). Là cháu nhà văn trinh thám tiền
chiến Phạm Cao Củng, bà còn có công giới thiệu lại di sản văn học của ông với
công chúng thế hệ mới.
Duy Thanh (1957-14/4/2017): Nghệ sĩ sân khấu-phim
truyền hình. Đang là công nhân cơ điện, trúng tuyển thành diễn viên Nhà hát Tuổi
Trẻ từ 1978, sau tham gia đóng nhiều phim truyền hình, thường vào vai phản diện.
Thành công nhất với vai Trịnh Bá Thủ-1 bí thư đảng mưu mô trong phim Đất và người.
Thanh
Sang (1943-21/4/2017): Nghệ sĩ cải lương người Bà Rịa, tên thật Nguyễn Văn
Thu. Trở thành kép chính đoàn Ngọc Kiều năm 1962, năm 64 đoạt HCV giải Thanh
Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, trở thành ngôi sao lớn, được hâm mộ
nhờ giọng ca trầm buồn, mùi mẫn. Cùng Thanh Nga lập thành cặp đào kép lý tưởng
trên sân khấu cải lương Sài Gòn trước 75. Sau 75 ở lại VN, tiếp tục biểu diễn.
Có danh hiệu NSUT năm 1993.
Hoàng Thắng (1954-23/4/2017): DV phim truyền
hình, sinh ở Hà Nội, con trai NSND kịch nói Trúc Quỳnh. Nổi tiếng từ vai diễn Cậu
giời (Đặng Lân) trong bộ phim truyền hình Đêm hội Long Trì (đạo diễn Hải Ninh)
năm 1989, từ đó xuất hiện thường xuyên trong phim truyền hình, vào vai phản diện.
Hoàng Xuân Lãm (10/1928-2/5/2017): trung tướng
quân lực VN Cộng hòa, người Quảng Trị. Tham gia quân ngũ từ 1950, theo học võ bị
Đà Lạt, sự nghiệp thăng tiến dần đến chức tư lệnh Quân đoàn 1 (1966) và mang
hàm trung tướng (từ 67), chỉ huy cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971. Sau chiến
dịch mùa hè đỏ lửa, để Quảng Trị thất thủ, ông bị cách chức, bàn giao quân đoàn
1 cho Ngô Quang Trưởng về làm việc ở Bộ Quốc phòng, giữ chức vụ không quan trọng.
Di tản từ 1975, định cư ở Mỹ đến khi qua đời.
(Trần) Việt Phương (6/12/1928-6/5/2017): Nhà thơ, nhà chính trị có tài hùng biện, thư ký của
thủ tướng CS Phạm Văn Đồng. Năm 1970 ra tập thơ Cửa mở có những câu tự giễu
những tình cảm quá ngây thơ ấu trĩ (trăng TQ tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ
Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ). Tập thơ bị cấm, tác giả chỉ bị chê là non
nớt, không có ý xấu, tiếp tục làm thư ký thủ tướng. Thành viên ban tư vấn 2 thủ
tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Tham gia nhóm think tank cấp tiến IDS (sau tự
giải thể để phản đối một chính sách), ký tên một số thư tập thể có xu hướng “lề
trái”.
Yên Lang (1940-5/6/2017): Soạn giả cải lương người Bạc Liêu,
tên thật Nguyễn Ngọc Thanh. Hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn, soạn tuồng cải lương
từ thập niên 1960, ban đầu viết cho đoàn Song Kiều, từ 1963 đến 4/75 là soạn
giả thường trực cho đoàn Kim Chung. Viết rất khỏe, có công đưa thể loại cải
lương kiếm hiệp kỳ tình lên đỉnh cao. Tham gia vận động thành công nâng tiền
bản quyền cho các soạn giả cải lương lên 6% doanh thu mỗi xuất hát. Vì là sĩ
quan cảnh sát VNCH nên sau 75 ông phải đi cải tạo 6 năm, đến 95 xuất cảnh sang
Mỹ, có tham gia các hoạt động văn nghệ ở hải ngoại (thành viên BGK). Khi về
thăm quê hương, ông được ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu đón tiếp trọng thể, từng
tổ chức một số chương trình nghệ thuật tôn vinh ông. Ngoài soạn tuồng cải
lương, ông còn sáng tác vọng cổ, tân cổ và làm thơ. Qua đời ở Mỹ.
Vũ Tuân Sán (1915-8/6/2017): Nhà khảo cứu
văn hóa, nhà Hán học, dịch giả thơ chữ Hán (thơ Đường, thơ chữ Hán của Nguyễn
Du) nổi tiếng, bút hiệu Tảo Trang, sinh tại Đại Từ-Hà Nội. Từng là cử nhân Pháp
ngữ nhưng say mê Hán-Nôm và theo đuổi nghề nghiên cứu Hán-Nôm. Nhiều năm làm việc
ở Sở Văn hóa Hà Nội, ông có nhiều khảo luận có giá trị về Hà Nội xưa và nay, từng
được trao giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014. Năm 2016 ông tặng lại
cho Viện Nghiên cứu Hán-Nôm 500 đầu sách quý từ bộ sưu tập cá nhân.
Từ Sơn (31/5/1936-28/6/2017): Nhà
nghiên cứu phê bình văn học, nhà quản lý văn học CS VN, tên thật Nguyễn Đức
Dũng, sinh ở Nghi Lộc, Nghệ An. Con trai nhà phê bình tiền chiến Hoài Thanh. Từng
giữ chức phó TBT báo Văn Nghệ, rồi làm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tư
tưởng-Văn hóa Trung ương.
Hải Như (1923-30/6/2017): Nhà thơ CS tên
thật Vũ Như Hải, sinh ở Nam Định, sáng tác từ thời chống Pháp, viết nhiều thơ về
Hồ Chủ tịch. Ông là tác giả bài thơ Thành phố hoa phượng đỏ viết về Hải Phòng,
sau được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng nhất về Hải Phòng.
Tô Thanh Tùng (1944-19/7/2017): Nhạc sĩ nhạc
vàng trước 75, sinh ở Châu Đốc nhưng hồi nhỏ sống ở Đồng Tháp. Bắt đầu nổi tiếng
khi tình khúc Giã từ được phát trên radio Sài Gòn năm 1971, viết nhiều tình
khúc bolero nổi tiếng, trong đó có Sao em nỡ đành quên. Ở lại VN sau 75, tiếp tục
sáng tác tình khúc quê hương mang âm hưởng nhạc vàng cũ. Qua đời ở TP Sa Đéc.
Triệu
Văn Đạt (19/7/1955-5/8/2017): trung tướng công an CS VN,
người Phú Thọ. Từng làm Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, năm 2007 thay Thiếu tướng
Phạm Xuân Quắc làm Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội
(C14) và điều tra vụ PMU 18. Làm đến Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trước
khi nghỉ hưu (2016).
Hoàng Kiều (12/4/1925-10/8/2017): Nhạc sĩ
chèo tên thật Tạ Khắc Kế, sinh ở Kim Động, Hưng Yên. Học nhạc ở Trung Quốc, về
công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân TW, sau đó có nhiều năm làm Giám đốc Nhà
hát Chèo VN, là tác giả nhiều kịch bản chèo, tiên phong viết nhiều bè cho hát
chèo. Tác giả nhiều công trình nghiên cứu, lý luận về sân khấu chèo, giảng dạy
(kịch hát dân tộc) tại ĐH Sân khấu-Điện ảnh. Ông là bố của nữ nhạc sĩ Giáng
Son.
Phan
Đức Chính (15/9/1936-26/8/2017): Nhà giáo, tiến sĩ toán, sinh
ở Sài Gòn, học trung học ở Hà Nội, tốt nghiệp ĐHSP Khoa học Hà Nội 1956, trở
thành cán bộ dạy toán ở trường này năm 20 tuổi. Học nghiên cứu sinh ở Liên Xô,
bảo vệ luận án PTS tại ĐH Tổng hợp Lomonosov năm 1965. Về nước trở thành 1
trong những thày giáo dạy đại số cho lớp chuyên toán đầu tiên của VN, nhiều lần
dẫn đoàn học sinh VN đi thi IMO (trong đó có lần đầu ở CHDC Đức năm 1974), từng
có bài toán được chọn làm đề thi Olympic (1977). Viết/dịch rất nhiều giáo trình
toán học kinh điển ở VN, chủ yếu về đại số học cao cấp và giải tích. Được phong
học hàm phó giáo sư đợt đầu (1980), có danh hiệu Nhà giáo nhân dân (2008), Huân
chương Lao động hạng 2 (2003).
Thanh
Tùng (7/11/1935-12/9/2017): Nhà thơ tên thật Doãn Tùng, sinh ở Nam Định nhưng
chủ yếu sống ở Hải Phòng, làm công nhân (khuân vác, đóng tàu, áp tải), trưởng
thành trong phong trào thơ công nhân trước 75. Có một số bài thơ được phổ nhạc,
nổi tiếng nhất là Thời hoa đỏ (Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc). Năm 95 vào sống ở
TPHCM, năm 97 đi đọc thơ ở Hy Lạp, đến 2001 mới xuất bản tập thơ riêng, được Hội
Nhà văn trao giải thưởng 2002.
Hoàng Giác (1924-14/9/2017): Nhạc sĩ tiền
chiến người Hà Nội, chơi thành thạo đàn guitar Hawaii. Nổi tiếng với các tình
khúc Mơ hoa (45) và Ngày về (46), trong đó bài Ngày về sau này được VN Cộng hòa
sử dụng làm nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi. Sau 54 tiếp tục sống ở Hà Nội,
là 1 giảng viên dạy guitar bình dị ở trường sư phạm nhạc-họa Trung ương, tên tuổi
ông chỉ được nhắc lại từ thời đổi mới. Là bố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Đỗ Phượng (16/11/1930-8/10/2017): Nhà báo
kỳ cựu của CS VN, quê Hải Phòng. Từ 1990 đến 1996 là ủy viên BCH TW Đảng CSVN,
Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN. Tiếp tục viết báo sau khi nghỉ hưu.
Văn
Như Cương (1/7/1937-9/10/2017): nhà giáo dạy
toán nổi tiếng người Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa toán ĐHSP Hà Nội, ông
được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, sau đó làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô,
vảo vệ luận án PTS về đề tài topo hình học năm 1971. Sau khi về nước, thay vì nghiên cứu
sâu về toán, ông chuyên tâm vào công tác giáo dục ở bậc đại học, trở thành 1
nhà giáo rất nổi tiếng, tham gia biên soạn SGK phổ
thông và giáo trình đại học bộ môn hình. Ngoài toán còn giỏi văn thơ nên xung
quanh ông có rất nhiều giai thoại (lợn nuôi giáo sư chứ không phải giáo sư nuôi
lợn, một số câu đối, câu vè: văn như Cương, toán cũng như Cương..). Năm 1989
ông mở trường phổ thông Lương Thế Vinh ở Hà Nội, là trường phổ thông dân lập
đầu tiên của VN kể từ thời đổi mới. Là 1 vị hiệu trưởng có uy tín, tuy nhiên
ông cũng từng bị dân cư mạng chê trách qua 2 vụ: không giữ lời hứa nhận thày
giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa về trường và lên tiếng ủng hộ con gái-người
điều hành thực tế công việc của trường vào thời điểm 2017 khi ông đang yếu tiến
hành các chính sách kỷ luật khắc nghiệt để rèn giũa học sinh mà một số bậc cha
mẹ coi là không còn phù hợp với thời đại giáo dục khai phóng.
Nguyễn Hông Trường (28/11/1977-22/10/2017): Doanh nhân Việt Nam.
Sinh ra tại Moskva, lớn lên ở Hà Nội, từng có bằng cử nhân luật và cử nhân ngân
hàng ở Hà Nội, sau lấy bằng MBA ở ĐH Webster, Mỹ. Làm việc cho nhiều Cty nước
ngoài hoạt động ở VN, cuối cùng trở thành Giám đốc Phát triển Kinh doanh và
Công nghệ kiêm Phó chủ tịch IDG Ventures Vietnam (dưới quyền Nguyễn Bảo Hoàng,
con rể thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)-1 trong những Quỹ đầu tư mạo hiểm đâu tiên ở
Việt Nam, đã đầu tư cho rất nhiều công ty lớn thuộc startup thế hệ đầu ở Việt
Nam, trong đó có những cái tên sau này rất nổi tiếng như YanTV, VCCorp, VNG…,
được giới startup và công nghệ kính trọng vì sự hỗ trợ cũng như những lời
khuyên quý giá. Hay xuất hiện trên truyền thông như làm giám khảo chương trình
Đường đến thành công trên VTV. Theo thông tin công bố chính thức, ông qua đời
do đột quỵ, nhưng có tin đồn ông tự tử.
Hoàng Thị Minh Hồ (1914-5/11/2017): Vợ nhà tư sản
dân tộc Trịnh Văn Bô, bà là con nhà nho-thương gia Hoàng Đạo Phương ở phố Hàng
Bài, Hà Nội, sau cùng chồng điều hành hiệu buôn lụa Phúc Lợi trước 45, tích lũy
nhiều BĐS. Năm 45 vợ chồng ông bà dành nhà 48 Hàng Ngang cho lãnh đạo Việt Minh
ở, tại đây Hồ Chí Minh soạn Tuyên ngôn Độc lập. Tại Tuần lễ vàng sau đó, vợ chồng
bà hiến cho Nhà nước hơn 5000 lượng vàng. Ngôi biệt thự sang trọng 34 Hoàng Diệu
cũng được ông bà cho tướng CS Hoàng Văn Thái mượn, nhưng sau khi CS cải tạo
kinh tế tư bản ở miền bắc, nhà không trả lại cho chủ tư sản. Sau khi chồng qua
đời, mặc dù đã cao tuổi, bà vẫn rất tích cực đấu tranh đòi nhà và cuối cùng đã
“nhảy dù” vào sống được trong ngôi nhà của mình, dù chưa có giấy tờ hợp thức.
Sau khi bà qua đời, do con cái có mâu thuẫn nên có những thông điệp mâu thuẫn
nhau về cái chết cũng như cách thức tiến hành tang lễ.
Đoàn Lê (15/4/1943-6/11/2017): Nữ nhà
thơ, họa sĩ Hải Phòng. Nhân vật “chị” trong bài thơ Chị tôi (Đoàn Thị Tảo) được
phổ nhạc nổi tiếng cuối thập niên 1990.
Lê
Hữu Mục (24/11/1925-8/11/2017): giáo sư văn học VNCH, người
Ninh Bình. Có bằng tiến sĩ văn chương ở ĐH Sài Gòn năm 1970. Từ 1952 đến 1975
giảng dạy văn học ở trường Quốc học Huế, ĐH Huế, ĐH Sài Gòn và nhiều trường đại
học khác ở miền Nam, nghiên cứu Hán-Nôm, từng là GĐ Viện Nghiên cứu Hán-Nôm thuộc
ĐH Sài Gòn, chủ bút tập san Hán-Nôm, soạn sách giáo khoa, có nhiều công trình dịch
thuật và biên khảo. Sau 75 định cư ở Canada, tiếp tục nghiên cứu-biên khảo
Hán-Nôm, năm 1988 đưa ra ý kiến Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật
ký. Qua đời ở Canada.
Nguyễn Hoàng (1967-17/11/2017): Diễn viên điện
ảnh người Long An, từng là phóng viên thể thao báo Long An trước khi theo nghiệp
điện ảnh từ 1991.
(Nguyễn Thị) Ngọc Hương (1942-30/11/2017): Nghệ sĩ cải
lương người Bến Tre, vợ soạn giả Thu An. Từng là đào chánh của đoàn đại bang
Kim Chưởng, đoạt HCV Giải Thanh Tâm năm 1962 với vai Châu Bích Lệ trong vở Ảo ảnh
Châu Bích Lệ. Sau 75 tiếp tục hát cải lương ở TPHCM, có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú
vào 1993. Sống ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ từ 2016.
Đặng Hoàng Xa (?-12/2017): Nhà nghiên cứu người
Hà Nội, có bằng thạc sĩ tin học ĐH San Francisco (Mỹ) và làm việc ở thung lũng
Silicon. Tham gia nghiên cứu về dân tộc Do Thái và nước Israel, viết sách về
Israel in ở trong nước. Ngoài ra còn viết sách về Tây Tạng.
Lê Thị Hiệp (1971?-19/12/2017): Nữ diễn viên
nghiệp dư Mỹ gốc Việt. Bà sinh năm 1969 hoặc 1971 ở Đà Nẵng theo một số tài liệu
khác nhau, di tản sang Hongkong từ 1978 rồi định cư ở Mỹ. Năm 1993 bà đóng vai
chính (người Việt Nam) trong bộ phim Heaven & Earth của đạo diễn danh tiếng
Oliver Stone, từ đó được mời tham gia nhiều bộ phim khác, vào vai những phụ nữ
Việt Nam hoặc châu Á, được đánh giá là tuy nghiệp dư nhưng diễn xuất đạt yêu cầu.
Ngoài đóng phim còn mở nhà hàng ăn uống.
Trần
Quang Thuận (2/7/1930-28/12/2017): Giáo sư, cư sĩ Phật giáo
(pháp danh Tâm Đức), cựu chính khách VNCH. Từng là 1 sa di trẻ, đệ tử của thầy
Thích Đôn Hậu ở chùa Linh Mụ, sau nghiên cứu Phật học ở Sri Lanka, rồi lấy bằng
tiến sĩ ở Anh (1959). Về nước, hoàn tục nhưng tích cực ủng hộ các cuộc vận động
Phật giáo ở miền nam, trong sự biến 1963 ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản
thúc ở Thủ Đức nhưng vợ ông đã cho mượn ô tô để chở Thích Quảng Đức đến nơi tự
thiêu. Khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, tham chính, từng giữ chức Tổng trưởng
Xã hội (64), sau làm thượng nghị sĩ VNCH. Sau 75 đi Mỹ tích cực hoạt động trong
các phong trào Phật giáo ở Mỹ, làm chủ tịch Hội đồng điều hành Hội Ái hữu Phật
giáo VN tại Mỹ, TTK Hội đồng điều hành Tổng hội Phật giáo VN tại Mỹ, giám đốc
Trung tâm Học liệu Phật giáo ở California, cộng tác với nhiều báo chí Phật giáo
VN ở hải ngoại. Viết nhiều sách về Phật giáo ở các nước như Phật giáo Nga, Phật
giáo Mỹ, Phật giáo Trung Hoa thời Mao Trạch Đông…
Lý
Đại Nguyên (14/4/1930-30/12/2017): Nhà báo, nhà bình luận chính
trị VNCH, Phật tử. Người miền bắc, năm 1952 từ bỏ cuộc kháng chiến chống Pháp
do Việt Minh lãnh đạo, hoạt động chính trị trong phong trào quốc gia, tham gia Mặt
trận Dân chủ (gồm 4 đảng VN Quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia xã hội, Đại Việt
Quốc dân đảng và Đại Việt duy dân) từ 1953, đấu tranh đòi dân chủ chống chế độ
Ngô Đình Diệm, từng bị bỏ tù. Xuất bản nhật báo Tin Sáng (63-64), tuần báo Dân
chủ (68), nhật báo Sóng Thần (72-74), thường đối lập với các chính quyền quân sự,
chống tham nhũng, cảnh báo Mỹ sa lầy ở VN nếu không biết tới dân tộc và dân
chúng VN, đòi hoàn thiện hơn các thiết chế dân chủ để chống CS hữu hiệu. Sau 75
đi tù CS 10 năm, từ 1995 định cư ở Mỹ. Năm 2000 xuất bản cuốn Tổng thức vận, viết
từ 1962, tập hợp các tư tưởng đông tây kim cổ để đề ra 1 hướng đi cho dân tộc
VN. Qua đời ở Mỹ.